Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 14>
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
CON CHÀO MÀO[1], MỘT THÔNG ĐIỆP ĐA NGHĨA
Đỗ Lai Thúy
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu... uýt... huýt... tu hìu...
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
trìu uýt, huýt, tu hầu
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
Chào mào là loại chim được người thôn quê yêu thích, nhất là trẻ em. Đặc biệt khi chiếc mũ đồng phục của thiếu niên được gọi là mũ chào mào. Ngày nay chim chào mào ít xuất hiện, vì vườn cây thưa thớt, lại phun thuốc bảo vệ thực vật nên sâu chết, quả độc. Con chào mào bay đi.
Kìa! Con chào mào trở lại. Đốm trắng, mũ đỏ, trên cây cao chót vót, nó hót trìu... uýt… huýt... tu hìu... Con chào mào hấp dẫn cả màu sắc, cả sự linh động, và nhất là tiếng hót. Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ[2] càng vậy. Anh vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ / Sợ chim bay đi. Nhưng oái oăm thay, khi vừa vẽ xong thì con chim cất cánh bay đi mất. Nhà thơ ôm cả thiên nhiên, khung nắng, khung gió, nhành cây xanh hối hả đuổi theo. Nhưng con chào mào bay đi vô tăm tích. Nhà thơ hy vọng chỉ lát nữa thôi con chào mào sẽ lại bay về mổ những con sâu, khoét trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước thanh sạch của nhà thơ. Rồi nó lại cất tiếng hót triu... uýt... huýt... tu hìu..., nhưng con chim đã không quay trở lại chính lúc vắng mặt con chào mào ấy, nhà thơ bỗng cảm thấy chẳng cần chim lại bay về, tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. Đây là một thức nhận chợt đến nhưng thâm sâu của nhà thơ.
Đọc xong bài thơ này, điều đầu tiên độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Con người từ chỗ lệ thuộc vào thiên nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật, tưởng như làm chủ được thiên nhiên, nên muốn chiếm hữu tự nhiên, như bắt nhốt con chào mào. Nhưng điều đó chỉ là ảo tưởng Kể cả việc con người dùng thiên nhiên như một công cụ (khung nắng, khung gió, nhành cây xanh) để chinh phục thiên nhiên (con chào mào), Cuối cùng, con người đã nhận ra rằng, nếu trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy, dù là thiên nhiên vật chất (con chào mào đốm trắng mũ đỏ), hay là thiên nhiên tinh thần (tiếng hót) ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn. Tuy vậy, đằng sau câu chuyện sinh thái học đã dần trở nên quen thuộc này, ta vẫn thấy ánh lên một bài học thẩm mỹ. Cái đẹp cả trong tự nhiên lẫn trong cuộc sống bao giờ cũng có giá trị tự thân. Con chào mào hót là tự nó muốn hót. Cái đẹp sinh ra không vụ lợi. Hơn nữa, cái đẹp còn gắn với sự tự do. Bởi vậy, con người không nên và không thể sử dụng nó vào những chức năng khác, ngoài tự tính thẩm mỹ. Nhà thơ giúp người đọc phân biệt được cái đẹp và cái có ích.
Bài thơ Con chào mào không phản ánh một hiện thực cụ thể nào, mà thuần túy tưởng tượng. Nhà thơ đã sử dụng một ngôn ngữ đời thường, thể thơ tự do giản dị, ít dùng các biện pháp tu từ, để xây dựng nên một trường hợp tưởng tượng, mà thực hơn cả thực. Trước đây người ta quá chú trọng thực tế, mà xem nhẹ vai trò của tưởng tượng. Thực ra, trong nghệ thuật, nhất là trong thơ, cũng như trong khoa học kĩ thuật tưởng tượng chiếm một vị trí quan trọng... Nhà thơ đã kiến tạo nên một trường hợp tưởng tượng để nói về tưởng tượng.
(http://maivanphan.vn/MaiVanPhan)
[1] Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn.
[2] Tôi là một đại từ nhân xưng rộng nghĩa nên có thể thay thế bằng nhà thơ, tác giả bài thơ, nhân vật trữ tình hoặc Mai Văn Phấn.
Câu hỏi:
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
A. Văn bản nghị luận xã hội.
B. Văn bản thơ.
C. Văn bản nghị luận văn học.
D. Văn bản tản văn.
Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là:
A. Thể thơ tự do.
B. Cảm xúc trong thơ.
C. Bài thơ Con chào mào.
D. Sự đa nghĩa của ngôn ngữ thơ.
Câu 3. Nhan đề “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” cung cấp người đọc những thông tin gì của văn bản?
A. Nội dung (thông điệp đa nghĩa); phạm vi (bài thơ Con chào mào).
B. Đối tượng bàn luận, tầm quan trọng của vấn đề.
C. Mức độ bàn luận, thái độ bàn luận.
D. Các quan điểm khác nhau về vấn đề.
Câu 4. Văn bản có những ý kiến nào?
A. Con chào mào trong bài thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
B. Con chào mào trong bài thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là cầu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; Bài thơ Con chào mào tưởng tượng.
C. Con chào mào trong bài thơ; nhà thơ đã kiến tạo nên một trường hợp
D. Bài thơ là một thức nhận chợt đến nhưng thâm sâu của nhà thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Câu 5. Dòng thơ Anh vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/Sợ chim bay đi làm sáng tỏ lí lẽ nào?
A. Nhưng oái oăm thay, khi vừa vẽ xong thì con chim cất cánh bay đi mất.
B. Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ càng vậy.
C. Cái đẹp còn gắn với sự tự do.
D. Nhưng con chào mào bay đi vô tăm tích.
Câu 6. “Nhà thơ càng vậy” trong câu sau được hiểu như thế nào?
“Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ càng vậy”
A. Nhà thơ vô cùng yêu quý con chim chào mào.
B. Nhà thơ thích vẻ đẹp tượng trưng cho thiên nhiên.
C. Nhà thơ cũng muốn lưu giữ vẻ đẹp.
D. Nhà thơ muốn lưu giữ vẻ đẹp hơn mọi người.
Câu 7. Mối quan hệ giữa hài hòa giữa con người với thiên nhiên thể hiện như thế nào?
A. Con người từ chỗ lệ thuộc vào thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên.
B. Trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy...ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn.
C. Con người hãy dùng thiên nhiên như một công cụ (khung nắng, khung gió, nhành cây xanh) để chinh phục thiên nhiên (con chào mào).
D. Con người nên dùng khoa học kỹ thuật để chiếm hữu tự nhiên.
Câu 8. Dòng nào nói lên bài học thẩm mỹ được thể hiện quan bài thơ “Con chào mào”?
A. Cái đẹp cả trong tự nhiên lẫn trong cuộc sống bao giờ cũng có giá trị hơn.
B. Con người không nên, không thể sử dụng cái đẹp vào những chức năng khác.
C. Cái đẹp sinh ra không vụ lợi. Hơn nữa, cái đẹp còn gắn với sự tự do
D. Một thiên nhiên thân thiện với con người bao giờ cũng tươi đẹp hơn
Câu 9. Em có đồng ý với ý kiến: “Trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy… ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn” không? Vì sao (trả lời 6-8 dòng) (1đ)
Câu 10. Em hiểu về thông điệp đa nghĩa trong nhan đề “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” như thế nào? Điều này đã được văn bản làm rõ chưa?
II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Đọc văn bản và quan sát hình ảnh, trả lời câu hỏi a,b:
Văn bản 1 Những cái lồng cho dù có to đẹp và đắt tiền cũng không thay thế được cho cánh rừng rộng lớn với cây xanh và không gian tự do không ràng buộc vốn là môi trường sống tự nhiên của loài chim. Cái lồng chính là nhà giam của những con chim. Thử đặt mình vào hoàn cảnh tương tự, chúng ta đang tự do sống cuộc sống của mình, thích du lịch đến nơi nào thì thoải mái đi đến nơi đó để thưởng thức và trải nghiệm, có thể làm những điều mình thích, tuy vất vả kiếm sống nhưng được làm chủ đời sống của mình, đột nhiên một ngày bị người khác vô cớ bắt nhốt vào một căn phòng nhỏ, cho ăn mặc đầy đủ không thiếu gì nhưng không được ra khỏi căn phòng đó thì chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở đến mức nào. (https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin- tong-hop.aspx?ItemID=7993) |
Văn bản 2 VTV đã phản ánh về tình trạng săn bắt, giết thịt và buôn bán công khai các loài động vật hoang dã, nhất là chim trời diễn ra phổ biến trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong số đó có rất nhiều loài quý hiếm, nằm trong danh sách bảo vệ. Hiện đang là mùa cao điểm các loài chim hoang dã bay về để kiếm ăn và cư ngụ. Vì thế số lượng bẫy giăng ra để bắt chim trời cũng tăng đột biến. Trong khi đó, công tác kiểm soát săn bắt, đặt bẫy lại gặp nhiều khó khăn, gây nguy cơ tuyệt chủng các loài động vật quý hiếm này. Tại khu vực rừng núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng kiểm lâm đã liên tiếp phát hiện với đoạn rừng khoảng 1km, gần 400 chiếc bẫy rút làm từ dây cáp, được các đối tượng săn bắt đặt bẫy thành từng cụm, bủa vây những lối mòn. (https://vtv/trong-nuoc/nan-san-bat-thu-rung-hoang-da-dien-ra-pho-bien) |
a. Hãy vẽ một sơ đồ tư duy: nêu vấn đề, ý kiến của 3 văn bản, giải pháp cho vấn đề (trong 3 tài liệu sau: “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” – Đỗ Lai Thúy; văn bản 1 và 2 ở trên) (1đ)
b. Suy nghĩ của em về hiện tượng được đề cập đến ở văn bản số 2 (làm bài văn dài từ 1-1,5 trang vở/ giấy thi) (3đ)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
Câu 8 |
C |
C |
A |
B |
B |
D |
B |
C |
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? A. Văn bản nghị luận xã hội. B. Văn bản thơ. C. Văn bản nghị luận văn học. D. Văn bản tản văn. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về đấu hiệu nhận biết các thể loại
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên thuộc thể loại nghị luận văn học (bài thơ con chào mào)
→ Đáp án C
Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là: A. Thể thơ tự do. B. Cảm xúc trong thơ. C. Bài thơ Con chào mào. D. Sự đa nghĩa của ngôn ngữ thơ. |
Phương pháp giải:
Chú ý tiêu đề văn bản
Lời giải chi tiết:
Đối tượng nghị luận của văn bản là: Bài thơ Con chào mào
→ Đáp án C
Câu 3. Nhan đề “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” cung cấp người đọc những thông tin gì của văn bản? A. Nội dung (thông điệp đa nghĩa); phạm vi (bài thơ Con chào mào). B. Đối tượng bàn luận, tầm quan trọng của vấn đề. C. Mức độ bàn luận, thái độ bàn luận. D. Các quan điểm khác nhau về vấn đề. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ nhan đề văn bản
Lời giải chi tiết:
Nhan đề “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” cung cấp người đọc những thông tin về: Nội dung (thông điệp đa nghĩa); phạm vi (bài thơ Con chào mào)
→ Đáp án A
Câu 4. Văn bản có những ý kiến nào? A. Con chào mào trong bài thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. B. Con chào mào trong bài thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là cầu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; Bài thơ Con chào mào tưởng tượng. C. Con chào mào trong bài thơ; nhà thơ đã kiến tạo nên một trường hợp D. Bài thơ là một thức nhận chợt đến nhưng thâm sâu của nhà thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. |
Phương pháp giải
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết
Văn bản có những ý kiến: Con chào mào trong bài thơ; bài thơ khiến độc giả có thể nghĩ đến là cầu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; Bài thơ Con chào mào tưởng tượng.
→ Đáp án B
Câu 5. Dòng thơ “Anh vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/Sợ chim bay đi” làm sáng tỏ lí lẽ nào? A. Nhưng oái oăm thay, khi vừa vẽ xong thì con chim cất cánh bay đi mất. B. Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ càng vậy. C. Cái đẹp còn gắn với sự tự do. D. Nhưng con chào mào bay đi vô tăm tích. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ dòng thơ và các đáp án
Phương pháp loại trừ
Lời giải chi tiết:
Dòng thơ “Anh vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/Sợ chim bay đi” làm sáng tỏ lí lẽ: Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ càng vậy
→ Đáp án B
Câu 6. “Nhà thơ càng vậy” trong câu sau được hiểu như thế nào? “Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ càng vậy” A. Nhà thơ vô cùng yêu quý con chim chào mào. B. Nhà thơ thích vẻ đẹp tượng trưng cho thiên nhiên. C. Nhà thơ cũng muốn lưu giữ vẻ đẹp. D. Nhà thơ muốn lưu giữ vẻ đẹp hơn mọi người. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu trong đề bài, chú ý từ “càng”
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
“Nhà thơ càng vậy”: Nhà thơ muốn lưu giữ vẻ đẹp hơn mọi người
→ Đáp án D
Câu 7. Mối quan hệ giữa hài hòa giữa con người với thiên nhiên thể hiện như thế nào? A. Con người từ chỗ lệ thuộc vào thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên. B. Trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy...ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn. C. Con người hãy dùng thiên nhiên như một công cụ (khung nắng, khung gió, nhành cây xanh) để chinh phục thiên nhiên (con chào mào). D. Con người nên dùng khoa học kỹ thuật để chiếm hữu tự nhiên. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Mối quan hệ giữa hài hòa giữa con người với thiên nhiên thể hiện: Trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy...ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn.
→ Đáp án B
Câu 8. Dòng nào nói lên bài học thẩm mỹ được thể hiện quan bài thơ “Con chào mào”? A. Cái đẹp cả trong tự nhiên lẫn trong cuộc sống bao giờ cũng có giá trị hơn. B. Con người không nên, không thể sử dụng cái đẹp vào những chức năng khác. C. Cái đẹp sinh ra không vụ lợi. Hơn nữa, cái đẹp còn gắn với sự tự do D. Một thiên nhiên thân thiện với con người bao giờ cũng tươi đẹp hơn |
Phương pháp giải
Đọc kĩ văn bản và các đáp án
Phương pháp loại trừ
Lời giải chi tiết
Bài học thẩm mỹ được thể hiện quan bài thơ “Con chào mào”: Cái đẹp sinh ra không vụ lợi. Hơn nữa, cái đẹp còn gắn với sự tự do
→ Đáp án C
Câu 9. Em có đồng ý với ý kiến: “Trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy… ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn” không? Vì sao (trả lời 6-8 dòng) (1đ)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và ý kiến
Nêu ý kiến của bản thân và đưa ra lý giải
Lời giải chi tiết:
- HS thể hiện ý kiến của cá nhân (đồng tình/ không đồng tình)
- Ý kiến thuyết phục người đọc phải được làm sáng tỏ bởi ít nhất 2 lí do (kèm dẫn chứng ngắn gọn). HS tham khảo gợi ý sau:
+ Đồng ý: cần quan tâm tới quy luật phát triển sinh tồn của tự nhiên; trả về tự nhiên có nghĩa là thuận quy luật đó
+ Không đồng tình: phản bác theo chiều ngược lại (con người có thể vận dụng khoa học để duy trì sự sống cho vạn vật; xây dựng môi trường nhân tạo…)
Câu 10. Em hiểu về thông điệp đa nghĩa trong nhan đề “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” như thế nào? Điều này đã được văn bản làm rõ chưa?
Phương pháp giải:
Nêu quan điểm của bản thân
Lời giải chi tiết:
- Đa nghĩa: nhiều nghĩa (2 nghĩa trở lên)
- Thông điệp đa nghĩa: bài thơ gửi tới người đọc nhiều bức thông điệp từ bài thơ
- Văn bản làm rõ “thông điệp đa nghĩa” chưa? Cần trả lời bằng ý kiến cá nhân, tùy thuộc vào việc tiếp nhận, lĩnh hội thông tin từ văn bản (HS trả lời theo ý của mình)
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Đọc văn bản và quan sát hình ảnh, trả lời câu hỏi a,b:
a. Hãy vẽ một sơ đồ tư duy: nêu vấn đề, ý kiến của 3 văn bản, giải pháp cho vấn đề (trong 3 tài liệu sau: “Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa” – Đỗ Lai Thúy; văn bản 1 và 2 ở trên) (1đ)
b. Suy nghĩ của em về hiện tượng được đề cập đến ở văn bản số 2 (làm bài văn dài từ 1-1,5 trang vở/ giấy thi) (3đ)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ 2 ngữ liệu và văn bản
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để viết bài văn nêu suy nghĩ của bản thân
Lời giải chi tiết:
a. – Sơ đồ cần thể hiện được vấn đề chính, điểm riêng của từng văn bản… kết thúc hướng tới giải pháp cho vấn đề
- HS được sáng tạo theo năng lực của mình miễn là thể hiện được yêu cầu của đề và đảm bảo tính logic của vấn đề
- HS có thể tham khảo sơ đồ sau:
b.
Suy nghĩ của em về hiện tượng |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Nêu vấn đề nghị luận: Con người đang săn bắt, tiêu diệt chim trời - Thể hiện quan điểm cá nhân trước vấn đề |
Thân bài |
2,5 |
- Tóm tắt ngắn gọn hiện tượng trong văn bản số 2 - Phân tích tác hại của hiện tượng đó - Lí giải nguyên nhân của hiện tượng; thái độ của cá nhân trước hiện tượng - Đề xuất giải pháp hạn chế tối đa hiện tượng |
Kết bài |
0,5 |
Nhận thức, hành động cụ thể của cá nhân trong hiện tại và tương lai |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận: sự phản bác/ đồng tình) - Phân tích, suy luận đảm bảo tính logic, phù hợp với văn hóa dân tộc… - Dẫn chứng đa dạng, phong phú; sử dụng ba thao tác lập luận trở lên (phân tích, so sánh, bình luận…) |
Loigiaihay.com
- Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 15
- Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 13
- Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 12
- Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 11
- Tổng hợp 10 đề thi học kì 1 Văn 7 chân trời sáng tạo có đáp án
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay