Đề thi giữa kì 2 Ngữ Văn 9 - Chân trời sáng tạo

Đề thi giữa kì 2 Văn 9 Chân trời sáng tạo - Đề số 5


Đề thi giữa kì 2 Văn 9 bộ sách chân trời sáng tạo đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN

Cha cứ lần từng bước mà đi
Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc
Không khác được, không thể nào khác được
Cha cứ lần từng bước mà đi

Con đỡ cha qua mấy bậc thềm hè
Mà vất vả như chuyến bè vượt thác
Chiếc gậy tre dỗ xuống hè khô khốc
Cha cười rung khi tới được bên giường

Tiếng bầy chim ríu rít bên vườn
Gà nhảy ổ, tiếng trâu ngoài ngõ xóm
Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm lắm,
Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng

Cứ mỗi lần con trở về thăm
Tấm quà nghèo không có gì hơn được.
Con kể cha nghe những vùng đất nước
Con sông xanh và dãy núi dài.

Những điều may con gặp trên đời
Có an ủi cha ngày buồn lặng lẽ
Cha nói ngô nghê lắm lời như trẻ
Lúc cha cười, con lại khóc vì đau

Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu
Nửa người chết, nửa người cha sống mệt
Khi cha ngủ con ngồi canh thức
Vầng mắt già khép mở đến thơ ngây

Lòng con đau, luôn ao ước điều này
Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ
Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ
Một lần thôi...Như mọi ông già.

(Tập thơ Nguyệt cầm trong bão, Nguyễn Huy Dung, NXB Hội Nhà văn)

* Nguyễn Huy Dung sinh năm 1949 tại Hà Tây. Một số sáng tác tiêu biểu: Nguyệt cầm trong bão, Sau mưa, Mây về phố, Xin anh đừng nóng nảy.

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định 2 đặc điểm hình thức nổi bật của văn bản Bài thơ chưa đề tên.

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định đề tài và đối tượng trữ tình của bài thơ.

Câu 3 (1.0 điểm): Người cha trong bài thơ được miêu tả như thế nào? Hãy phân tích một số từ ngữ, hình ảnh đặc sắc làm rõ hình ảnh của người cha.

Câu 4 (1.0 điểm): Người con đã làm những điều gì, dành tình cảm như thế nào với cha của mình? Hãy phân tích một số câu thơ, biện pháp tu từ tiêu biểu làm rõ tình cảm đó.

Câu 5 (1.0 điểm): Xác định cảm hứng chủ đạo, bức thông điệp của bài thơ. Từ đó, cho biết bài thơ đã khơi gợi trong em suy ngẫm gì về tình cảm cha con, về sự gắn kết gia đình?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn nghị luận (150 chữ) về vẻ đẹp của khổ thơ sau:

Lòng con đau, luôn ao ước điều này
Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ
Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ
Một lần thôi... Như mọi ông già.

(Tập thơ Nguyệt cầm trong bão, Nguyễn Huy Dung. NXB Hội Nhà văn)

Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài luận (400 - 500 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về ý kiến sau đây:

“Những người biết cách tạo ra giá trị nhất là những người cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ thích nhất”.

(38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai. NXB Hồng Đức, 2023)

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Xác định 2 đặc điểm hình thức nổi bật của văn bản Bài thơ chưa đề tên.

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

- Thể thơ 8 chữ (có xen câu 7 chữ và 9 chữ ở khổ đầu và gần cuối).

- Bài thơ chưa đề tên: luật, vần tự do (không tuân thủ luật bằng trắc và gieo vần của thể thơ 8 chữ).

Câu 2.

Xác định đề tài và đối tượng trữ tình của bài thơ

Phương pháp:

Từ nội dung rút ra đề tài

Dựa vào ngôn ngữ nhân vật để xác định đối tượng trữ tình

Lời giải chi tiết:

- Đề tài: tình gia đình/tình cha con.

- Đối tượng trữ tình: người cha (đã già, sức khỏe không còn như xưa).

Câu 3.

Người cha trong bài thơ được miêu tả như thế nào? Hãy phân tích một số từ ngữ, hình ảnh đặc sắc làm rõ hình ảnh của người cha.

Phương pháp:

Chú ý các chi tiết, hình ảnh miêu tả người cha

Lời giải chi tiết:

- Người cha trong bài thơ.

+ Cha cứ lần từng bước mà đi; Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc; Nửa người chết, nửa người cha sống mệt.

- Người cha gắn liền với chiếc gậy với những bước đi khó nhọc. Lời thơ gian dị như lời tự sự mà chứa chan bao nỗi thương cảm của người con, của tác giả.

+ Con đỡ cha qua mấy bậc thềm hè/Mà vất vả như chuyến bè vượt thác.

=> Nghệ thuật tương phản, so sánh gợi ra cảnh tượng cảm động: con đỡ cha từng bước chân khó nhọc, cả 2 cha con cùng vượt qua “ghềnh thác” trong yêu thương.

+ Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm lắm/Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng.

+ Có an ủi cha ngày buồn lặng lẽ/Cha nói ngô nghễ lắm lời như trẻ.

=> Kết hợp miêu tả, tự sự để diễn tả thực tế; Sức khỏe của cha đã giảm sút nhiều, khi lặng lẽ, khi nói lời của con trẻ những khát vọng và tình yêu cuộc sống vẫn tha thiết.

Câu 4.

Người con đã làm những điều gì, dành tình cảm như thế nào với cha của mình? Hãy phân tích một số câu thơ, biện pháp tu từ tiêu biểu làm rõ tình cảm đó.

Phương pháp:

Chú ý các chi tiết miêu tả hành động của người con

Lời giải chi tiết:

- Người con đã làm những điều:

+ Con đỡ cha qua mấy bậc thềm hè; Con kể cha nghe những vùng đất nước; an ủi cha ngày buồn lặng lẽ; Khi cha ngủ con ngồi canh thức.

=> Dòng thơ giản dị, sâu lắng, ngắt nhịp linh hoạt (ít vần) gợi hình ảnh nhân vật trữ tình - người con yêu thương cha mình hết mực, nâng bước chân cha, kể chuyện cha nghe, thấu hiếu niềm khao khát và cảnh ngộ tuổi già bệnh tật của cha, thức đêm canh từng giấc ngủ cho cha.

- Những dòng thơ bộc lộ cảm xúc.

+ Lúc cha cười, con lại khóc vì đau/Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu.

+ Vầng mắt già khép mở đến thơ ngây/Lòng con đau, luôn ao ước điều này.

=> Nghệ thuật tiểu đối (cha cười/con khóc), từ trái nghĩa (cười - khóc; già ngây thơ), từ láy (bơ vơ) đã diễn tả nỗi lòng, tình cảm của con dành cho cha và quy luật cuộc đời: con nhìn cha cười, nói lời ngây thơ mà lòng đau bởi biết cha đã già, ngày xa cha sắp tới; con lớn cha sẽ ra đi...

- Khát khao: Mong cha khỏe và có thể đi lại, xới cỏ uống rượu... chỉ một lần thôi.

Câu 5.

Xác định cảm hứng chủ đạo, bức thông điệp của bài thơ. Từ đó, cho biết bài thơ đã khơi gợi trong em suy ngẫm gì về tình cảm cha con, về sự gắn kết gia đình?

Phương pháp:

Đọc kĩ nội dung bài thơ để xác định cảm hứng chủ đạo, thông điệp phù hợp

Lời giải chi tiết:

- Cảm hứng chủ đạo: Cảm thương (tình cảnh cha con); Trân trọng tình yêu của người con dành cho cha.

- Bức thông điệp:

+ Nhận thức rõ về quy luật cuộc đời: con lớn cha mẹ sẽ già và sẽ chia xa chúng ta.

+ Con thấu hiểu tình cảnh, mong muốn của cha mẹ ở tuổi “xế chiều”.

+ Các con hãy luôn ở bên chăm đời sống vật chất và tinh thần cho cha mẹ.

- Bài thơ khơi gợi trong tình cảm: HS tự trả lời.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn nghị luận (150 chữ) về vẻ đẹp của khổ thơ sau:

Lòng con đau, luôn ao ước điều này
Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ
Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ
Một lần thôi... Như mọi ông già.

(Tập thơ Nguyệt cầm trong bão, Nguyễn Huy Dung. NXB Hội Nhà văn)

Phương pháp:

Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Niềm ước mong người cha khỏe mạnh, bình thường như bao người già khác.

- Đau xót trước tình cảnh của cha hiện tại, nuối tiếc ký ức quá khứ về cha.

- Đặc sắc nghệ thuật: Tương phản (con đau... cha bước vui), điệp từ “một” (một ly rượu/một lần); yếu tố tự sự (kể) (cha bước vui chân ra vườn...rồi quay vào...uống), dấu ba chấm (dồn nén xúc cảm, về mơ ước không thể thành hiện thực về cha - được giống như mọi ông già).

Bài tham khảo

Khổ thơ trên gợi lên vẻ đẹp dung dị nhưng sâu sắc của tình cảm cha con. Người con luôn ao ước cha mình có thể sống như bao ông già khác, vui vẻ làm vườn, uống một ly rượu nhỏ, tận hưởng những giây phút bình yên. Nhưng ẩn sau đó là nỗi đau, sự xót xa khi cha không còn sức khỏe hay không thể sống trọn vẹn những điều giản dị ấy. Hình ảnh "cha bước vui chân ra vườn xới cỏ" và "một lần thôi... như mọi ông già" thể hiện khao khát nhỏ bé nhưng đầy yêu thương của người con dành cho cha. Bằng giọng điệu tha thiết, chân thành, khổ thơ không chỉ khắc họa tình cảm gia đình sâu đậm mà còn gợi lên những suy tư về quy luật thời gian và lòng hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành.

Câu 2.

Viết bài luận (400 - 500 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về ý kiến sau đây:

“Những người biết cách tạo ra giá trị nhất là những người cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ thích nhất”.

(38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai. NXB Hồng Đức, 2023)

Phương pháp:

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài

- Nêu vấn đề nghị luận: Cách tạo ra giá trị đối với mỗi người.

- Tầm quan trọng của vấn đề.

2. Thân bài

* Làm rõ cách hiểu về ý kiến cách tạo ra giá trị đối với mỗi người: hiểu được năng lực của bản thân và tập trung phát triển năng lực đó để giúp ích cho bản thân và cuộc đời.

* Biểu hiện ở thực tế cuộc sống.

- Một số người được làm việc mình yêu thích, nhiệt tâm cống hiến.

- Trong từng lĩnh vực, đều có những người xuất sắc nhất là những người say mê và yêu công việc đó nhất.

- Một số người không có sự đam mê, yêu thích công việc nên không có những thành tích nào đáng kể...

=> Phân tích nguyên nhân, lí do, hệ quả/hậu quả...

* Cái nhìn cá nhân về vấn đề bàn luận:

- Nhận thức: có ý thức phát hiện, trau dồi thế mạnh của bản thân.

- Hành động: Kiên trì, nỗ lực theo đuổi đam mê, sở thích.

3. Kết bài

- Khẳng định vai trò, việc làm những việc đam mê, yêu thích.

- Nhận thức của cá nhân về vấn đề; Đề xuất giải pháp của cá nhân.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

Bài tham khảo

Trong cuộc sống, mỗi người đều mong muốn tạo ra giá trị và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm điều đó một cách trọn vẹn. Ý kiến: "Những người biết cách tạo ra giá trị nhất là những người cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ thích nhất" đã nhấn mạnh vai trò của đam mê và sự tận tâm trong việc tạo nên thành tựu. Quả thực, khi một người làm việc với tất cả tình yêu và sự cống hiến, họ không chỉ đạt được thành công cá nhân mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Trước hết, khi con người theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích, họ sẽ làm việc với sự nhiệt huyết, sáng tạo và không ngừng tìm tòi, đổi mới. Đam mê chính là động lực mạnh mẽ giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới thành công. Lịch sử đã chứng minh rằng những vĩ nhân như Steve Jobs, Albert Einstein hay Vincent van Gogh đều là những người dành trọn tâm huyết cho lĩnh vực mà họ yêu thích. Chính sự tận tụy ấy đã giúp họ tạo ra những giá trị bền vững, ảnh hưởng đến nhân loại trong nhiều thế kỷ.

Bên cạnh đó, khi một người cống hiến hết mình cho công việc, họ không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Một nhà khoa học miệt mài nghiên cứu sẽ cho ra đời những phát minh giúp cải thiện cuộc sống con người. Một nghệ sĩ chân chính sẽ tạo nên những tác phẩm truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Một giáo viên yêu nghề sẽ đào tạo nên những thế hệ học sinh có kiến thức và đạo đức vững vàng. Như vậy, giá trị mà họ tạo ra không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân mà còn lan tỏa rộng rãi, góp phần làm thay đổi thế giới theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, để tạo ra giá trị lớn lao, ngoài đam mê, con người còn cần có sự kiên trì, kỷ luật và tinh thần học hỏi không ngừng. Đam mê chỉ là bước khởi đầu, còn thành công chỉ đến khi ta không ngừng nỗ lực và rèn luyện kỹ năng. Hơn nữa, đôi khi, có những người không thể theo đuổi lĩnh vực họ yêu thích vì hoàn cảnh, nhưng nếu họ biết cách tận dụng cơ hội và tìm thấy ý nghĩa trong công việc, họ vẫn có thể tạo ra giá trị đáng kể.

Tóm lại, những người biết cách tạo ra giá trị nhất chính là những người dám theo đuổi đam mê và cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ yêu thích. Đam mê là động lực giúp họ không ngừng sáng tạo, nỗ lực và vượt qua thử thách để đạt được thành tựu. Mỗi cá nhân nếu có thể tìm thấy niềm yêu thích trong công việc của mình, kết hợp với sự kiên trì và quyết tâm, chắc chắn sẽ tạo nên những giá trị bền vững, đóng góp tích cực cho bản thân và xã hội.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí