Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 3>
Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
VIẾNG LĂNG BÁC
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...
(Viễn Phương)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định thể thơ của bài thơ Viếng lăng Bác.
Câu 2 (0.5 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.
Câu 3 (1.0 điểm): Hình ảnh “hàng tre” trong đoạn thơ có ý nghĩa biểu tượng gì?
Câu 4 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”
Câu 5 (1.0 điểm): Qua đoạn thơ, em cảm nhận được tình cảm của tác giả dành cho Bác Hồ như thế nào?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 150) chữ nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác.
Câu 2 (4.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích trong phần đọc hiểu, hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc.
Đáp án
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1.
Xác định thể thơ của bài thơ Viếng lăng Bác. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc trưng thể loại
Lời giải chi tiết:
Thể thơ: tự do
Câu 2.
Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. |
Phương pháp:
Đọc kĩ nội dung bài thơ
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính: Bày tỏ cảm xúc thiêng liêng, thành kính của tác giả khi ra thăm lăng Bác, đồng thời ca ngợi phẩm chất kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh hàng tre.
Câu 3.
Hình ảnh “hàng tre” trong đoạn thơ có ý nghĩa biểu tượng gì? |
Phương pháp:
Phân tích ý nghĩa hình ảnh hàng tre trong thực tế và trong văn học, kết hợp với nội dung bài thơ để rút ra ý nghĩa biểu tượng.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh “hàng tre” có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc:
- Biểu tượng cho con người Việt Nam: Kiên cường, bất khuất, đoàn kết, vươn lên trong mọi hoàn cảnh
- Biểu tượng cho sự trung hiếu: Tượng trưng cho lòng trung thành, gắn bó của nhân dân với Bác Hồ.
- Tạo không gian trang nghiêm: Là hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong đời sống, làm cho lăng Bác thêm phần ấm áp, thiêng liêng.
Câu 4.
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp tu từ: Ẩn dụ
- Tác dụng:
+ Hình ảnh “mặt trời” thứ nhất: Chỉ mặt trời thiên nhiên, tượng trưng cho sự sống, ánh sáng.
+ Hình ảnh “mặt trời” thứ hai: Ẩn dụ cho Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại, tỏa sáng và soi đường cho dân tộc Việt Nam.
=> Ngợi ca công lao vĩ đại của Bác, khẳng định Bác chính là nguồn sáng bất diệt trong lòng nhân dân.
Câu 5.
Qua đoạn thơ, em cảm nhận được tình cảm của tác giả dành cho Bác Hồ như thế nào? |
Phương pháp:
Phân tích ngôn từ, hình ảnh trong đoạn thơ để cảm nhận tình cảm của nhà thơ đối với Bác Hồ.
Lời giải chi tiết:
Qua đoạn thơ, ta cảm nhận được tình cảm thành kính, tự hào và xúc động của tác giả dành cho Bác Hồ.
- Thành kính: Tác giả trân trọng, ngưỡng mộ Bác khi đến viếng lăng.
- Tự hào: Thể hiện qua hình ảnh hàng tre – biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
- Xúc động: Tác giả bồi hồi, thương nhớ khi đứng trước lăng Bác.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1.
Viết đoạn văn (khoảng 150) chữ nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác. |
Phương pháp:
Đọc kĩ nội dung bài thơ
Dựa vào các yếu tố của thể loại để phân tích
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Trong các bài thơ viết về Bác Hồ, Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc, gây cho em nhiều xúc động nhất. Bao trùm toàn bài thơ là niềm thương cảm vô hạn, lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ vĩ đại. Câu thơ mở đầu "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác" như một lời nói nghẹn ngào của đứa con đi xa trở về thăm viếng hương hồn Bác Hồ kính yêu. Tình cảm ấy là tình cảm chung của đồng bào và chiến sĩ miền Nam đối với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Nhà thơ đứng lặng đi, trầm ngâm từ phía xa nhìn lăng Bác. Hàng tre để lại cho anh nhiều cảm xúc và liên tưởng thấm thía. Màu tre xanh thân thuộc của làng quê Việt Nam luôn luôn gắn bó với tâm hồn của Bác. Bác đã "đi xa" nhưng tâm hồn Bác vẫn gắn bó thiết tha với quê hương xứ sở. Cây tre đã được nhân hóa như biểu tượng ca ngợi dáng đứng của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, mộc mạc, thanh cao... Hình ảnh cây tre trong lời thơ của Viễn Phương biểu thị niềm tự hào dân tộc làm cho mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về phẩm chất cao quý của Bác Hồ cũng như của con người Việt Nam trong bốn nghìn năm lịch sử.
Câu 2.
Từ nội dung đoạn trích trong phần đọc hiểu, hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc. |
Phương pháp:
Xác định nội dung chính của bài thơ
Xác định vấn đề cần bàn luận
Liên hệ thực tiễn
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc.
2. Thân bài
a. Giải thích
Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc: trách nhiệm giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó còn là ý thức học tập, rèn luyện bản thân, cống hiến, giúp ích cho nước nhà.
b. Phân tích
- Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc:
+ Nỗ lực học tập, trau dồi bản thân, rèn luyện đạo đức, sống có ước mơ, hoài bão, mục tiêu và cố gắng vươn lên.
+ Tích cực tham gia vào các hoạt động công ích, các hoạt động tình nguyện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác.
+ Sống có tinh thần tập thể, đi theo cái hay, cái đúng, bỏ qua cái tôi vì lợi ích chung của cộng đồng.
- Ý nghĩa của trách nhiệm:
+ Trách nhiệm của công dân đối với tổ quốc là nền tảng của đoàn kết, khi tất cả con người đoàn kết lại với nhau thì đất nước ngày càng vững mạnh hơn.
+ Sự cống hiến sẽ giúp con người đẩy xa cái tôi cá nhân, sự ích kỉ, nhỏ nhen của mình để từ đó hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
+ Người sống có trách nhiệm với tổ quốc sẽ là người có tình yêu thương, tính tự giác cao, từ đó làm cho cuộc sống của mình ngày càng phát triển theo hướng tốt hơn.
c. Liên hệ bản thân
Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,…
d. Phản đề
Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc và rút ra bài học cho bản thân.
Bài tham khảo
Thế hệ trẻ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia và dân tộc, trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển những giá trị tốt đẹp của quê hương và quốc gia. Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò và trách nhiệm của người trẻ ngày càng được đặt lên cao hơn.
Đầu tiên, thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo vệ quê hương và đất nước khỏi những thế lực thù địch và xâm lăng. Ngay cả trong thời bình, quê hương và đất nước vẫn đối mặt với những mối hiểm họa không lường trước như bè lũ phản động và các thế lực xúi giục người dân gây rối, làm loạn, chống đối Đảng và nhà nước. Vì vậy, người trẻ, với hiểu biết và trách nhiệm của mình, cần tham gia tuyên truyền và nâng cao dân trí cho những người thiếu hiểu biết, cùng với việc học tập và trau dồi bản thân để thể hiện tình yêu đất nước một cách khách quan.
Thứ hai, thế hệ trẻ phải đảm nhận trách nhiệm học tập và rèn luyện để xây dựng và phát triển các lĩnh vực khác nhau trong quê hương và đất nước. Chỉ thông qua tri thức, con người mới có thể từng bước đạt được thành công và tạo nên những thành tựu cho quê hương, từ đó đưa tiếng nói của quê hương và đất nước ra thế giới. Sự cống hiến của người trẻ sẽ làm cho quê hương trở nên giàu đẹp hơn.
Thứ ba, người trẻ cần tiếp nhận và kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời phát triển những giá trị này để bạn bè quốc tế cũng có thể hiểu và biết đến. Bên cạnh việc bảo vệ và kế thừa, chúng ta cần phát triển những giá trị này sao cho gắn kết với cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, thế hệ trẻ đóng một vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước và quê hương. Với trách nhiệm và nhiệm vụ của mình, người trẻ có thể góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng và phát triển của quê hương và quốc gia.


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay