Đề thi giữa kì 2 Ngữ Văn 9 - Kết nối tri thức

Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 1


Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

GẶT BUỔI CHIỀU (Anh Thơ)

Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa.

Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hòa nhịp nhàng giọng ả hát dâu ca.

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

Cùng trong lúc ông già che nón kín,

Ngồi đầu bờ hút thuốc thổi từng hơi.

 

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều.

Bỏ mặc cả trâu bò nằm vệ cỏ,

Mắt mơ màng trong gợn gió hiu hiu.

(Tuyển tập Anh Thơ, NXB Văn học, 1987)

…..

Anh Thơ (1918 – 2005), tên thật là Vương Kiều Ân, các bút danh khác: Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh; là một nhà thơ nữ Việt Nam. Anh Thơ sáng tác từ sớm, năm 17 tuổi với tập Bức tranh quê bà được nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Sau đó bà tham gia viết bài cho báo Đông Tây và một vài báo khác.

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định đề tài, thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Ở khổ 1, bức tranh đồng quê hiện lên với vẻ đẹp nào?

Câu 3 (1.0 điểm): Tác giả dùng hình thức nghệ thuật nào để vừa miêu tả cảnh sắc, vừa diễn tả cảm xúc của lòng mình?

Câu 4 (1.0 điểm): Vẻ đẹp của cánh đồng lúa và con người thôn quê được gợi tả như thế nào ở hai câu thơ sau. Phân tích đôi nét về hình thức thể hiện nội dung ấy.

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chínm

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

Câu 5 (1.0 điểm): Con người nơi thôn quê xuất hiện trong trạng thái, cảm xúc như thế nào? Đối tượng nào hiện lên đậm nét nhất?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Hãy diễn tả cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Gặt buổi chiều của Anh Thơ bằng một đoạn văn (khoảng 10 - 12 dòng).

Câu 2 (4.0 điểm) Nêu suy nghĩ của em về lợi ích và tác hại của mạng xã hội.

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Xác định đề tài, thể thơ của bài thơ trên.

Phương pháp:

Dựa vào nội dung và đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

- Đề tài: Nông thôn (bài thơ là cảnh sắc, con người của đồng quê vào mùa gặt)
- Thể thơ: 8 chữ

Câu 2.

Ở khổ 1, bức tranh đồng quê hiện lên với vẻ đẹp nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1 và chú ý các từ ngữ miêu tả bức tranh đồng quê

Lời giải chi tiết:

Bức tranh đồng quê trong ráng chiều sinh động, êm đềm, thân thuộc nên thơ:

- Mây ráng đỏ làm nổi bật những cánh cò trắng.

- Âm thanh diều sáo, tiếng hát của cô gái hái dâu.

- Hai hình ảnh trung tâm: cô gái hái dâu và những đàn cò trắng.

Câu 3.

Tác giả dùng hình thức nghệ thuật nào để vừa miêu tả cảnh sắc, vừa diễn tả cảm xúc của lòng mình?

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1 và chú ý hình thức nghệ thuật, các từ ngữ diễn tả cảm xúc, tâm trạng của tác giả

Lời giải chi tiết:

- Đảo từ (Cò từng đàn), từ láy (véo von, nhịp nhàng), tính từ…

- Luật bằng trắc, cách ngắt nhịp của thơ 8 chữ tạo âm hưởng du dương, êm đềm cho bức tranh thơ.

=> Vài nét chấm phá sắc màu, hình ảnh âm thanh gợi lên thần thái cảnh vật nơi thôn quê. Con người cảnh vật cùng hòa điệu gợi ra nhịp sống bình dị, quen thuộc, thanh bình.

=> Mô tả trạng thái cảnh vật đồng thời gợi tả tâm trạng nhân vật trữ tình: hòa

Câu 4.

Vẻ đẹp của cánh đồng lúa và con người thôn quê được gợi tả như thế nào ở hai câu thơ sau. Phân tích đôi nét về hình thức thể hiện nội dung ấy.

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chínm

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

Phương pháp:

Xác định các từ ngữ miêu tả vẻ đẹp của cánh đồng lúa và con người thôn quê trong hai câu thơ

Lời giải chi tiết:

- Cảnh cánh đồng lúa chín gợi lên từ màu sắc tươi vàng, dáng hình của bông rủ chín

=> Hai chữ đồng lúa gợi ra sự bát ngát, mênh mông; nghệ thuật đảo từ bông rủ chín mới thật là đặc sắc (rủ xuống vì chín, vì mầy nên trĩu nặng) gợi ra trước mắt người đọc bông lúa sắc vàng (tươi) cong cong, những hạt mầy vào độ thu hoạch, khiến ta muỗn năng trên tay bông lúa ấy để ngắm nhìn để vui cùng niềm vui của người nông dân trong mùa gặt. Và cả 2 chữ tươi vàng nữa ... đã điểm tô, họa nên khung cảnh tươi đẹp, trù phú vô cùng.

- Trong cánh đồng ấy, trên nền bức họa vàng tươi ấy là những chàng trai trẻ vừa gặt lúa vừa cười đùa, tươi vui rạng ngời. Nét rạng rở ngời lên từ sắc màu của lúa, từ cảm xúc của lòng người (người gặt lúa, người ngắm nhìn).

=> Cách gọi những chàng trai trẻ của thi sĩ mới thật thôn quê, mới đầy trìu mến yêu thương: Những trai tơ từng bọn gặt vui cười. “Những trai tơ” gợi trẻ trung trên gương mặt những chàng trai mới lớn và “từng bọn gặt” gợi ra cảnh nhiều tốp nhỏ vừa gặt vừa cười đùa: tay gặt, miệng cười, ánh mắt rạng rỡ, tâm trạng thoải mái ... Nhịp thơ 3/5 của thể thơ 8 chữ cũng rất phù hợp để gợi tả cảnh tượng tươi đẹp kia.

- Hai dòng thơ là một câu với trạng ngữ là một cụm chủ vị phác họa một bức tranh hoàn hảo với bức phông nền sắc màu vàng tươi, hình nền bông lúa chín cong trĩu nặng để làm nổi bật lên hình ảnh trung tâm là con người lao động tươi trẻ căng tràn nhựa sống ... từ ngữ giàu hình ảnh, đầy cảm xúc tạo nên bức tranh bằng ngôn từ sống động (trong thơ có họa).

Câu 5.

Con người nơi thôn quê xuất hiện trong trạng thái, cảm xúc như thế nào? Đối tượng nào hiện lên đậm nét nhất?

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ, xác định các từ ngữ miêu tả con người nơi thôn quê trong bài thơ

Lời giải chi tiết:

- Con người nơi thôn quê xuất hiện với nhiều hoạt động khác nhau:

+ Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.

+ Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

+ Ông già che nón kín/Ngồi đầu bờ hút thuốc thổi từng hơi.

+ Lũ cu con mê mải chạy theo cánh diều ... Mắt mơ màng trong gợn gió hiu hiu.

=> Tất thảy người trẻ tuổi đều trong trạng thái hoạt động rất vui vẻ, thoải mái vừa làm vừa hát, vừa làm vừa đùa vui; người già trong trạng thái tư thả, ngắm nhìn cuộc sống và cháu con của mình.

- Đối tượng được tác giả mô tả nhiều nhất là lũ cu con (đám bé trai): Chỏm tóc phơ phất gió trên triển đê; mê mải chạy theo diều; ánh mắt mơ màng

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Hãy diễn tả cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Gặt buổi chiều của Anh Thơ bằng một đoạn văn (khoảng 10 - 12 dòng).

Phương pháp:

- Đọc kĩ bài thơ

- Dựa vào đặc trưng thể loại và nội dung bài thơ để phân tích

Lời giải chi tiết:

Bài thơ Buổi gặt chiều của Anh Thơ mở ra một bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt lao động ở làng quê Việt Nam vào buổi chiều mùa hè. Ngay từ những câu đầu, nhà thơ đã vẽ nên khung cảnh thơ mộng với hình ảnh mặt trời lặn, đàn cò bay, tiếng diều sáo và giọng hát ả hái dâu. Cảnh vật và âm thanh hòa quyện tạo nên không gian bình yên, đầy sức sống. Không chỉ thiên nhiên, khung cảnh lao động cũng được khắc họa sinh động với hình ảnh cánh đồng lúa chín, những chàng trai vui vẻ gặt lúa và ông lão thư thái hút thuốc. Dù công việc vất vả, nhưng con người vẫn giữ được niềm vui, thể hiện tinh thần lạc quan. Bức tranh quê hương còn được tô điểm bởi hình ảnh lũ trẻ chạy theo diều, vô tư, hồn nhiên, đối lập với sự chăm chỉ của người lớn. Qua những hình ảnh ấy, bài thơ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, đồng thời khẳng định vẻ đẹp giản dị mà tràn đầy sức sống của làng quê Việt Nam.

Câu 2.

Nêu suy nghĩ của em về lợi ích và tác hại của mạng xã hội.

Phương pháp:

1. Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận: những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh.

2. Thân bài:

a. Giải thích

Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến giúp mọi người chia sẻ, cập nhật tin tức, dễ dàng kết nối với nhau.

b. Thực trạng sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ ngày nay

- Mạng xã hội được mọi người sử dụng rộng rãi, phổ biến, đặt biệt là giới trẻ.

- Thời gian sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng.

c. Mặt lợi và mặt hại của việc sử dụng mạng xã hội

- Lợi ích của mạng xã hội:

+ Trên mạng xã hội, người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề đời sống, xã hội.

+ Mạng xã hội có tính giải trí cao với nhiều lĩnh vực giải trí khác nhau được cập nhật liên tục.

+ Mạng xã hội có nhiều thông tin hữu ích, lí thú.

- Mặt hại của mạng xã hội:

+ Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc.

+ Thiếu sự kết nối với mọi người xung quanh trong cuộc sống đời thực.

+ Bên cạnh những thông tin hữu ích, mạng xã hội còn có những thông tin không lành mạnh, tiêu cực.

d. Cách sử dụng mạng xã hội hữu ích

- Sử dụng mạng xã hội như là một công cụ hữu ích.

- Hạn chế khoảng thời gian sử dụng mạng xã hội.

- Biết chắt lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội.

e. Liên hệ bản thân

- Cần ý thức được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội để không mất thời gian vào những vấn đề vô bổ trên mạng xã hội.

- Tập trung vào cuộc sống đời thực.

3. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

Lời giải chi tiết:

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, hàng loạt các trang mạng với hàng trăm triệu người dùng như Facebook, wechat, weibo, Instagram,... đã cho thấy sự thu hút cực kì mạnh của loại công cụ này. Đặc biệt, với giới trẻ, những thế hệ nắm bắt tốt xu hướng, tinh nhạy trước những đổi mới của internet thì việc ham mê và sử dụng mạng xã hội là một điều tất yếu. Đa số các bạn trẻ hiện nay, hầu hết đều có cho mình một tài khoản Facebook, weibo, zalo,... chúng ta có thể được tự do bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình, được thể hiện bản thân mình.

Mạng xã hội giúp chúng ta cập nhật được những tin tức hàng ngày, lưu giữ những kỉ niệm đẹp mà được ghi lại bằng những bức ảnh hay video thú vị. Nó cũng là nơi giao lưu kết bạn, trò chuyện học hỏi vô cùng hiệu quả, kết nối những con người chưa từng quen biết nhưng vì cùng chung sở thích, cùng nhau một đam mê nào đó mà rút khoảng cách, mang con người lại gần nhau hơn. Facebook được nhiều bạn trẻ sử dụng để tìm kiếm thông tin học tập với những bài chia sẻ hay, bổ ích, những trích dẫn, kinh nghiệm học tập vô cùng lý thú. Nhiều bạn còn tận dụng tài khoản của mình để tập tành kinh doanh, vừa mang lại nguồn thu nhập khá khá vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm kinh doanh qua mạng. Mạng xã hội với tốc độ truyền tin nhanh chóng, giúp ta nắm bắt được những thông tin nóng đang diễn ra mỗi ngày, giúp ta biết nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ để chia sẻ và đồng cảm với họ thông qua các hoạt động từ thiện qua mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng không thể phủ nhận rằng giới trẻ hiện nay đang nghiện mạng xã hội trầm trọng. Mạng xã hội trở thành một chất gây nghiện lớn mà người tiêu thụ nó lớn nhất phải kể đến nó là những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người xem đó là nguồn sống, dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng chỉ để lướt dạo như một thói quen. Đến giảng đường không học bài, hoặc ngủ hoặc chơi facebook, hoặc chụp ảnh đăng. Đi ăn, đi làm, ngủ, nghỉ thậm chí là đi vệ sinh cũng mang theo chiếc điện thoại của mình mà không biết chán. Mạng xã hội đang từng ngày ăn sâu và làm xói mòn đi sức khoẻ, tiền bạc, tình cảm của con người mà ta vô tình không để ý tới. Nhiều người trẻ còn coi đó là nơi để trút những bực tức, giận hờn, ghen tuông, xỉa xói, chửi rủa nhau thậm tệ. Đáng nói hơn, một số còn lan truyền những thông tin không lành mạnh, những tin rác chưa được kiểm chứng gây bức xúc trong dư luận, đồng thời hạ uy tín và danh dự của người khác. Vì thế mà nhiều khi chỉ một vài lời nói thiếu thiện ý, hoặc gây hiểu nhầm nhau trên mạng xã hội mà gây nên những hậu quả nghiêm trọng như đánh nhau. Nhiều học sinh chỉ lao vào thế giới ảo mà trở nên trầm cảm, tự ti, không tham gia giao tiếp với mọi người, mất dần khả năng hợp tác, hoà nhập với đời sống thực tại.

Vậy nguyên nhân nào thu hút các bạn trẻ sử dụng nhiều các trang mạng xã hội như vậy? Đó là do sự mới lạ, hấp dẫn của Facebook, Zalo,... Người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận của mình về một vấn đề nào đó được chia sẻ; được đăng những hình ảnh xinh đẹp của bản thân với hàng ngàn lượt like cùng những bình luận chém gió mang tính giải trí cao. Là những hội nhóm thần tượng được lập, những trang fanpage thu hút hàng triệu lượt like với những câu chuyện hấp dẫn, những bình luận bá đạo, những video đánh thẳng vào tâm lý hài hước, tò mò của giới trẻ khiến các bạn hào hứng và thấy thoải mái khi dùng chúng. Không phải ngẫu nhiên mà các trang mạng được nhiều người quan tâm, bởi bên trong nó chứa đựng những sự lý thú, bổ ích riêng mà cái khác không có. Bởi vậy, việc dùng mạng xã hội phần nào cũng cho thấy được giới trả khá nhanh nhẹn trong việc nắm bắt các trào lưu, xu hướng của thế giới.

Trong cuộc sống ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, các bạn trẻ nên nhìn nhận đúng về vai trò của nó trong cuộc sống mỗi người. Tức là phải hiểu rằng nó là công cụ phục vụ cho cuộc sống chúng ta, đừng biến nó thành kẻ điều khiển vô hình và để nó chi phối đời sống của mình. Thay vì lên các trang mạng quá nhiều, các bạn hãy dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, đọc sách giao lưu hay làm nhiều việc khác. Hãy dành những lúc rảnh rỗi cho các hoạt động xã hội, từ thiện hay tình nguyện hơn là việc nằm nhà đắm mình vào một thế giới ảo không có thực.

Đừng để mạng xã hội biến mình thành một nạn nhân, hãy nhiệt huyết với công việc, cống hiến sức trẻ và thành xuân của mình cho hoạt động cộng đồng, đừng phung phí thời gian cho lướt web, cho việc like hay bình luận dạo mỗi ngày. Đó là những điều vô bổ đang dần giết mòn cuộc sống chúng ta. Cần phân bố thời gian cho công việc, cuộc sống và mạng xã hội hợp lý, đừng để phụ thuộc vào mạng xã hội, biết chắt lọc những thông tin hữu ích trong thế giới ảo phục vụ cho cuộc sống của mình.

Mỗi chúng ta, hãy tự nhìn nhận lại mình, xem thời gian qua mình đã làm được những gì, đã sử dụng mạng xã hội như thế nào? Có quá phung phí nhiều thời gian cho chúng hay không? Hãy đặt chiếc điện thoại xuống, bước ra thế giới thực tại với vô vàn điều lý thú, hấp dẫn đang chờ đón bạn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 2

    Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 3

    Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 4

    Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí