Đề thi giữa kì 2 Văn 9 - Đề số 4>
Đề thi giữa kì 2 Văn 9 đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
VỤ TRỘM KHO BÁNH
- Hin-tơ, tới trụ sở liền được không? Oa-lây-ết nói qua điện thoại. - Tôi biết đang là tối thứ bảy và ông thích ở với vợ con. Nhưng tôi đang gặp một chuyện nát óc mà chắc giỏi suy luận như ông cũng chưa chắc giải nổi. - Ông thanh tra rên rỉ.
- Được rồi, nếu chuyện không quan trọng thì ông đâu có kêu. Tôi tới liền. Nếu hên thì mình sẽ giải quyết xong kịp giờ cho tôi về với món rô-ti của bà xã trong lò. – Tay bác sĩ đáp.
Oa-lây-ết đón Hin-tơ ngay cổng đồn cảnh sát và dẫn ông ta vào phòng thẩm vấn, nơi Hen-ry Oắt-man đang ngồi bồn chồn bẻ đốt ngón tay.
- Ông có nghe vụ trộm kho bánh tối qua không? - Oa-lây-ết hỏi. - Có đứa đột nhập và chở đi toàn bộ kho trứng để làm nhân bánh. Ông Oắt-man đây là bảo vệ nhà kho, giữ ca trực đêm qua. Tôi vừa lấy lời khai của ông ta xong.
- Như ông thanh tra vừa nói, Oắt-man lên tiếng, nhà kho bị đột nhập ngay ca trực của tôi tối qua. Tôi không hay biết gì vì lúc đó tôi bỏ đi uống cà phê, nhưng khi từ quán cà phê trở về, tôi thấy một trong những tay đã làm vụ này. Đó là Giôn Ô-hen-ry, thẳng đó vừa bị đuổi việc mấy bữa trước. Tôi thấy nó đang chuồn đi với mấy cái thùng. Trăng tròn nên tôi thấy rõ lắm. Nó còn có một đồng bọn nữa, nhưng thằng đó quay lưng về phía ánh trăng nên tôi không nhìn rõ mặt. Tôi nghi thằng Ô-hen-ry muốn trả thù vì bị đuổi việc. Cũng may, Trung thu là chủ nhật vừa rồi, nếu không là có biết bao nhiêu tiệm bánh khiếu nại vì không có bánh bán.
- Chuyện rắc rối là ở chỗ - Oa-lây-ết nói sau khi ông bảo vệ được cho về - cái gã Ô-hen-ry đó lại có bằng chứng ngoại phạm. Chiều nay tôi mới thẩm vấn nó. Nó khai cả buổi tối ở nhà với vợ coi phim Titanic. Con vợ làm chứng cho nó. Thằng cha chủ tiệm cho thuê băng đĩa cũng xác nhận có cho nó thuê đĩa phim đó.
- Ông suy ra được cái gì không?
- Tôi suy ra là tôi thừa sức về nhà để kịp ăn món rô-ti với vợ tôi. - Hin-tơ nói, ông khỏi phải ưu tư về tay Ô-hen-ry nữa. Cứ hỏi lại cha Oắt-man xem cha làm gì lúc bỏ vị trí nhiệm sở đi uống cà phê. Nếu Trung thu đã qua vào tuần trước thì làm sao còn trăng tròn cho tay bảo vệ nhìn rõ mặt Ô-hen-ry?
(Jack Christone, Tuyển tập truyện hình sự, Nhà xuất bản văn học)
Câu 1 (0.5 điểm): Đâu là lí do viên thanh tra mời bác Hin-tơ phá án? Và đâu là sai lầm của viên thanh tra khiến vụ án đi vào bế tắc?
Câu 2 (0.5 điểm): Xác định chi tiết mấu chốt trong lời khai của Hen-ry Oắt-man để bác sĩ Hin-tơ phá án thành công?
Câu 3 (1.0 điểm): Tài năng phá án của bác sĩ Hin-tơ được thể hiện như thế nào trong câu chuyện?
Câu 4 (1.0 điểm): Nêu ít nhất 2 điểm khác biệt trong truyện trên so với các truyện trinh thám khác em thường đọc.
Câu 5 (1.0 điểm): Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ sau:
VÙNG PHẤN BAY
Hình như ... thầy chẳng khác xưa
Ba lăm năm trước ... thầy đưa qua đò
Dòng sông kiến thức sóng xô
Mỏng manh trang vở học trò trắng tinh
Em cầm cây bút đời mình
Thầy cầm phấn trắng chắp tình quê hương
Đất trời trang trải mấy phương
Nắng, mưa, sương, gió ... biết thương đời thầy
Sông bao nhiêu nước ... sông gầy
Cánh đồng gieo chữ ... đợi ngày hoa non
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung
Nước trôi về nẻo vô cùng
Thương thầy ở lại một vùng phấn bay.
Trang trời xanh thẳm hôm nay
Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu
Sông đời bất chợt nông, sâu
Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm.
Câu 2 (4.0 điểm) Hạnh phúc không đến từ việc nhận lại mà là sự cho đi. Viết bài văn nghị luận về ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống.
Đáp án
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1.
Đâu là lí do viên thanh tra mời bác Hin-tơ phá án? Và đâu là sai lầm của viên thanh tra khiến vụ án đi vào bế tắc? |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản, chú ý phẩn mở đầu của văn bản
Lời giải chi tiết:
- Lý do viên thanh tra mời bác sĩ Hin-tơ phá án: Vì vụ án có tình tiết rắc rối, lời khai của nhân chứng mâu thuẫn với bằng chứng ngoại phạm của nghi phạm. Viên thanh tra tin vào khả năng suy luận sắc bén của bác sĩ Hin-tơ.
- Sai lầm của viên thanh tra: Ông quá tin vào lời khai của nhân chứng (Oắt-man) mà không kiểm chứng lại thông tin, dẫn đến việc vụ án đi vào bế tắc.
Câu 2.
Xác định chi tiết mấu chốt trong lời khai của Hen-ry Oắt-man để bác sĩ Hin-tơ phá án thành công? |
Phương pháp:
Chú ý lời khai của Oắt-man
Lời giải chi tiết:
Chi tiết mấu chốt: Oắt-man khai rằng ông ta thấy mặt nghi phạm dưới ánh trăng tròn, nhưng Trung thu đã qua một tuần trước, đồng nghĩa với việc hôm đó không thể có trăng tròn.
Câu 3.
Tài năng phá án của bác sĩ Hin-tơ được thể hiện như thế nào trong câu chuyện? |
Phương pháp:
Chú ý lời thoại của Hin-tơ cuối văn bản
Lời giải chi tiết:
Tài năng của bác sĩ Hin-tơ được thể hiện qua:
- Khả năng quan sát và suy luận logic nhanh chóng.
- Nhận ra điểm vô lý trong lời khai của nhân chứng.
- Đưa ra kết luận chính xác, giúp phá án nhanh gọn.
Câu 4.
Nêu ít nhất 2 điểm khác biệt trong truyện trên so với các truyện trinh thám khác em thường đọc. |
Phương pháp:
Chú ý đặc điểm nghề nghiệp của nhân vật chính
Chú ý cách phá án của nhân vật chính
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật chính không phải là thám tử hay cảnh sát mà là một bác sĩ (Hin-tơ), nhưng vẫn có khả năng phá án xuất sắc.
- Lời giải của vụ án rất đơn giản nhưng tinh tế, không dựa vào dấu vết hiện trường hay công nghệ hiện đại mà dựa vào một lỗi logic trong lời khai nhân chứng.
Câu 5.
Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên? |
Phương pháp:
Từ nội dung câu chuyện rút ra bài học phù hợp
Lời giải chi tiết:
Bài học rút ra từ câu chuyện:
- Sự thật luôn có cách để bộc lộ, dù có kẻ cố tình che giấu.
- Phải luôn kiểm tra và đối chiếu thông tin trước khi kết luận.
- Tư duy phản biện quan trọng trong mọi tình huống, không nên tin tưởng tuyệt đối vào bất kỳ nguồn thông tin nào nếu chưa được kiểm chứng.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1.
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Vùng phấn bay. |
Phương pháp:
Đọc kĩ bài thơ, rút ra nội dung chính
Dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích đặc sắc nội dung, nghệ thuật
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
- Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ “Vùng phấn bay” và hình ảnh người thầy tận tụy.
- Thân đoạn:
+ Hình ảnh người thầy qua những hình ảnh ẩn dụ như: “sông đời”, “cánh đồng gieo chữ”, “phấn trắng”.
+ Sự hi sinh thầm lặng của người thầy vì sự nghiệp trồng người.
+ Nỗi xúc động và lòng biết ơn của học trò khi nhớ về thầy.
- Kết đoạn: Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của bài thơ, liên hệ với bản thân về lòng tri ân với thầy cô.
Bài tham khảo
Bài thơ "Vùng phấn bay" đã khắc họa một cách chân thực và xúc động hình ảnh người thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người. Mở đầu bài thơ, tác giả gợi lại kỷ niệm xưa, khi người thầy dìu dắt từng thế hệ học trò bước qua "dòng sông kiến thức". Hình ảnh người thầy với viên phấn trắng, bảng đen và những trang giáo án chất chứa bao tâm huyết hiện lên một cách đầy xúc động. Bằng những hình ảnh giàu tính ẩn dụ như "sông bao nhiêu nước... sông gầy", "cánh đồng gieo chữ... đợi ngày hoa non", tác giả thể hiện sự hi sinh thầm lặng của người thầy. Cả cuộc đời thầy gắn bó với phấn trắng, với bảng đen, cần mẫn truyền dạy tri thức cho bao thế hệ học trò. Dòng thời gian trôi qua, viên phấn dần mòn đi, mái tóc thầy cũng dần điểm bạc, nhưng tình yêu nghề, lòng tận tâm với học trò thì vẫn vẹn nguyên. Những câu thơ cuối gợi lên sự tri ân sâu sắc của người học trò dành cho thầy. "Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm" - đó là sự biết ơn, là tình cảm kính trọng mà mỗi học trò luôn khắc ghi. Bài thơ không chỉ ca ngợi công lao của người thầy mà còn nhắc nhở mỗi chúng ta phải trân trọng, ghi nhớ công ơn thầy cô – những người đã dành cả cuộc đời để chắp cánh ước mơ cho học trò.
Câu 2.
Hạnh phúc không đến từ việc nhận lại mà là sự cho đi. Viết bài văn nghị luận về ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống. |
Phương pháp:
Xác định vấn đề cần bàn luận
Vận dụng kĩ năng suy luận, phản biện
Liên hệ thực tiễn
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề: Hạnh phúc không chỉ đến từ việc nhận lại mà còn từ sự cho đi.
- Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
+ “Cho đi” là hành động giúp đỡ, cống hiến mà không mong cầu nhận lại.
+ Hạnh phúc thực sự đến từ việc làm điều tốt cho người khác.
b. Chứng minh và phân tích:
- Những tấm gương về sự cho đi: Bác Hồ, những nhà từ thiện, bác sĩ tình nguyện,…
- Những lợi ích của sự cho đi:
+ Làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
+ Gắn kết con người trong xã hội.
+ Giúp ta nhận được sự yêu thương và tôn trọng.
c. Phản đề:
- Một số người sống ích kỷ, chỉ muốn nhận mà không muốn cho đi.
- Cần phê phán thái độ thờ ơ, vô cảm trong xã hội.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của sự cho đi.
- Liên hệ bản thân: Cần học cách chia sẻ, giúp đỡ người khác để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.
Bài tham khảo:
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn nhận được yêu thương, giúp đỡ. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc nhất của hạnh phúc không nằm ở việc nhận mà ở sự cho đi. Cho đi không chỉ là hành động trao tặng vật chất, mà còn là sự sẻ chia yêu thương, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng chân thành. Chính sự cho đi làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, nhân văn và đáng sống hơn.
Cho đi là hành động trao tặng một cách tự nguyện, không mong cầu sự đền đáp. Đó có thể là vật chất như tiền bạc, lương thực, hoặc tinh thần như lời động viên, giúp đỡ ai đó vượt qua khó khăn. Sự cho đi không chỉ thể hiện lòng nhân ái mà còn giúp gắn kết con người trong xã hội.
Sự cho đi không chỉ mang lại niềm vui cho người nhận mà còn giúp người cho đi cảm nhận được hạnh phúc từ sự sẻ chia. Một lời an ủi hay một hành động nhỏ cũng có thể khiến ai đó ấm lòng. Khi biết cho đi, con người sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân, giúp tâm hồn trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hơn, đồng thời tạo ra những điều tốt đẹp, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, sự sẻ chia còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái, nơi con người biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Một cộng đồng phát triển bền vững không chỉ nhờ vào vật chất mà còn cần tình yêu thương và sự đoàn kết. Hơn thế nữa, sự cho đi còn là nền tảng của thành công, giúp con người xây dựng lòng tin, sự tôn trọng từ người khác. Những người thành công không chỉ bởi tài năng mà còn vì họ biết sẻ chia giá trị với cộng đồng.
Trong thực tế, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu về sự cho đi. Chẳng hạn, tỷ phú Bill Gates đã dành phần lớn tài sản để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, những tổ chức thiện nguyện như Quỹ Vì trẻ em Việt Nam, các nhóm phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo, hay những cá nhân sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đều là minh chứng rõ ràng cho giá trị của sự cho đi.
Tuy nhiên, vẫn có những người sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, thờ ơ với khó khăn của người khác. Họ có thể giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn về tình cảm. Lại có những người giúp đỡ nhưng với mục đích vụ lợi, mong nhận lại sự đền đáp, làm mất đi ý nghĩa thực sự của sự cho đi.
Sự cho đi là một trong những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Khi ta biết chia sẻ, yêu thương, cuộc sống trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Hãy học cách cho đi bằng tấm lòng chân thành, bởi lẽ “hạnh phúc không phải là nhận lại mà là sự cho đi.”


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay