Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 12 - Chân trời sáng tạo

Đề thi giữa kì 1 Văn 12 Chân trời sáng tạo - Đề số 3


Đề thi giữa kì 1 Văn 12 bộ sách Chân trời sáng tạo đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

                                                            ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Môn: Ngữ văn lớp 12; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp

NGƯỜI LIỆT NỮ Ở AN ẤP

(Trích Truyền kì tân phả, Đoàn Thị Điểm)

Hoàng triều về đời niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời Lê Dụ Tông có vị Tiến sĩ trẻ tên là Đinh Hoàn, hiệu Mặc Trai, người làng An Ấp, tỉnh Nghệ An), cha mẹ mất sớm, ít anh em. Lớn lên, lập gia thất nhưng bà vợ đầu cứ sinh luôn con gái, nên ông lấy con gái Hà quan, họ Nguyễn làm vợ thiếp. Bà này nghi dung nhàn nhã, ăn nói đoan trang, thêu thùa, khâu vá rất lành nghề, lại có tài văn thơ nổi tiếng. Khi về nhà chồng tự sửa mình nghiêm chỉnh, rất có lễ độ với chồng. Đinh Hoàn vừa yêu, vừa kính trọng. Gặp những khi ở triều lui về rảnh việc, thường cùng với bà xướng hoạ văn thơ, hâm mộ các vị trung thần liệt nữ. Các bài xướng hoạ đã chép ở tập Quan thư hoà minh, nay không lục ra đây. Nhớ lại có một hôm về mùa xuân, ông ngủ dậy muộn, bà làm một bài thơ “thoát trầm”(3) có ý khuyên can.

Lược một bài thơ [...]

Ông xem thơ than rằng: “Lời thơ tao nhã, ngụ ý sâu xa, đời xưa khen Khương hậu)... và Từ phi(5) cũng chưa là tột bực vậy”. Bèn vời phu nhân đến, nhận lỗi từ tạ. Từ đó, ông vắt tóc nhà cơm(6), ăn muộn dậy sớm, trong hàng quan nổi tiếng là người cần mẫn. Đến năm Ất Tí, triều đình kén sứ thần đi Trung Quốc kết nối bang giao, quần thần cử ông sung vào chức ấy. Ông lại về nhà riêng, gọi phu nhân bảo rằng:

– Ta sinh vào thời Lê, nhận quan tước triều Lê, ăn bổng lộc triều Lê, đông, tây, nam, bắc vua sai đi đâu là đi đấy, nếu làm được hết phận sự không phụ lòng uỷ thác của nhà vua thì ta cũng lấy làm thoả mãn cái chí bình sinh của ta vậy. Suy nghĩ nàng liễu bồ yếu ớt, vắng vẻ cô phòng, chặn sương gối tuyết gia lòng trinh, hoa xuân trăng thu gửi mối hận, nghĩ đến tâm tình ấy, càng thêm bồi hồi, đó là lòng ta quyến luyến vì nàng mà không sao dời đi được. Phu nhân nghe nói ngậm ngùi hôi lâu chứa chan mà rằng:

– Sứ mệnh cần lao, tang bồng khí khái, là phận sự của trượng phu. Thiếp nay không những là người không biết và cũng không dám can thiệp đến. Còn như bèo bọt chút thân, phấn hoa phận gái, như thiếp này thật không đáng kể. Duy có một điều đáng lo ngại là: lang quân thể chất vàng ngọc, dấn thân vào nơi giá lạnh, lên núi lội nước, gội gió tắm mưa, tiêu điều nơi đất khách, vất vả phong trần, khi ấy mỗi người ở một nơi, thiếp này dù có can trường như sắt đá cũng không tài nào không mềm rủ được. Nói xong, nước mắt tràn xuống như mưa. Ông nhiều lần vỗ về nhưng phu nhân do lòng lo buồn mà sinh bệnh. Ông rất lấy làm áy náy nhưng vì việc nước rất cần nên đành phải tạm khuây khoả.

(Tóm tắt đoạn lược: Đến kì đăng trình, trăm quan làm lễ tiễn hành, người nhà ông đi theo đến trạm Lữ tư tạm nghỉ lại. Phu nhân nâng chén rượu làm bài thơ tặng chồng, trước khi đi, chồng có tặng cho bà cái la y, bà quyến luyến nửa mê nửa tỉnh. Đinh Hoàn đi sử di qua nhiều nơi, mỗi nơi đều để vịnh thơ. Thơ ông hay và được so sánh với thơ của những bậc danh nhân: Lý Bạch (7) Hạ Tri Chương (8), Mạnh Giao (9), Thiếu Lăng(10) Vệ Giới(11),... Đường đi gian nan, vì sức yếu lại lo lắng thương tâm trước cái chết của những người đi cùng nên ông đã mất tại Yên Kinh. Trước khi mất, ông chỉ băn khoăn việc nước chưa lo trọn vẹn. Biết tin chồng mất, phu nhân thương tiếc làm một bài văn tế ca ngợi công đức của chồng và bày tỏ tình cảm sâu sắc, nguyện hi sinh theo chồng.)

Thấy lời lẽ bài văn tế ấy là bà có ý quyên sinh, mọi người đều đã khuyên giải:

- Phu nhân ngày thường vốn nổi tiếng là người thông tuệ. Sao nay cố chấp quả như thế. Này, vợ chồng dẫu là đạo cả nhưng âm dương hai ngả khác nhau. Cho nên nàng Lục Chân(12) tự gieo mình xuống lầu, chưa chắc theo được chồng; người trinh nữ đứng trên núi hoá đá, cũng chỉ là vô ích. Huống chi sứ quân chết về việc nước, phu nhẫn cần gì phải làm cho mai tàn, liễu úa, nát ngọc chìm châu. Nếu vậy không phải là tấm lòng trung của sử quân lúc ngày thường vậy.

Phu nhân gạt nước mắt mà rằng:

- Vị vong nhân này không dám mua cái tiếng chặt vai khoét mắt đâu, chỉ vì xuân về hoa héo, lòng chết hình còn, không tưởng gì đến nhân gian nữa.

Người nhà thấy khuyên giải không ăn thua gì, có ý để phòng cẩn thận không

rời phu nhân một bước. Một hôm, phu nhân đốt đèn ngồi một mình, khi ấy là mùa thu muộn, giờ vàng hiu hắt, cây khuya xào xạc, sấu tường nỉ non, tiếng đập vải lạnh lùng như giã vào lòng người cô phụ, trăng suông như rọi vào giọt lệ Vương sinh.

Nỗi thương tâm khiến phu nhân đờ đẫn, nhìn đâu cũng toàn thấy cảm sau. Phu nhân càng thêm thê thảm, gục xuống bàn mà nức nở khiến cõi lòng chìm sâu vào cõi đê mê. Trong cơn dật dờ đó, thấy một người khăn vuông đai rộng từ xa đến gần, nhìn kĩ hoá ra chính là chồng vậy. Phu nhân đón chào, mừng quá chảy nước mắt mà rằng:

- Từ khi cách biệt đã bốn năm rồi, biết bao nỗi bị sầu, mộng hồn tản mát, không nơi nào là không tìm đến tung tích lang quân, ấy thế mà lang quân chẳng có đoái hoài gì đến thiếp. Nếu bảo rằng trần gian và thiên thượng hai nơi cách biệt, thì sao Thuần phi (13) có hội ngộ, Chức Nữ (4) lại tương phùng, vậy thì lang quân đối với thiếp rất là bạc tình!

Ông buồn nét mặt mà rằng:

– Ta từ khi về chầu thiên đình, được trông coi về việc bút nghiên, nơi thiên tào công việc nhiều, không có thì giờ đến thăm nàng, còn tấm lòng khăng khít thuỷ chung này không bao giờ thay đổi.

Phu nhân muốn lưu ông ở lại tự tình. Ông vỗ về nói:

– Chết sống là lẽ thường xưa nay, hợp tan là tuần hoàn việc thế. Vì Ngọc Tiên(15) có duyên tái hợp, Dương Thái Chân(16) cơ ước lai sinh. Vi Ngọc phải bỏ phiền về nơi học lãnh gương tan, cái ngày chúng ta gặp nhau sắp đến rồi.

Nói xong, có một trận thanh phong, không biết ông biến đi đậu mất. Phu nhân thương khóc chợt tỉnh dậy, sai thị nữ ra xem trời đất chỉ thấy sương mù trăng mờ, đêm đã gần sáng rồi.

Từ đó phu nhân lại càng có ý quyên sinh nhưng chưa có dịp. Đến ngày lễ tiểu tường (17) ông, người nhà bận việc, phu nhân ở trong buồng xé cái áo mà ngày trước ông tặng tự thắt cổ đến chết. Đến khi người nhà biết thì phu nhân đã tắt thở rồi. Cả nhà thương cảm, tống táng theo tang lễ. Việc ấy tâu lên, triều đình cho lập đền thờ, đề bảng nêu ra cửa, khắc chữ: “Trinh liệt phu nhân từ ban cấp tổ điển” bốn mùa có tế lễ, người làng cầu đảo đều có linh ứng.

(Lược một đoạn...)

Vài năm sau, có người thư sinh họ Hà đi vãn cảnh đến đền Liệt nữ, làm bài thơ ca ngợi phu nhân nhưng tỏ ý không coi trọng Đinh Hoàn. Phu nhân đã mời thư sinh đến tranh luận và đưa ra lí lẽ để bảo vệ Đinh Hoàn, cho rằng ông là người sống trung nghĩa, chết vì non sông, đáng trân trọng.

(Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, NXB Giáo dục, 2001)

(1)Vĩnh Thịnh: Niên hiệu của Lê Dụ Tôn.

(2) Nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

(3) Thoát trâm: trút cái trâm cài đầu. Chu Tuyên vương thường dậy muộn, bà Khương hậu rút bỏ trâm cài đầu và hoa đeo tai, đứng ở Vĩnh Hạng để can vua. Tuyên vương cảm ngộ, từ đó ra chầu thật sớm, làm nên nghiệp Trung Hưng.

(4) Khương hậu: Vợ Chu Tuyên vương.

(5) Từ Phi: Vợ Dương Thái Tông.

(6) Vắt tóc, nhả cơm: Chu công đang gội đầu có hiền sĩ đến, ba lần vắt tóc cho khô để ra tiếp, đang ăn cơm, có hiền sĩ đến, ba lần nhả miếng cơm ra để đón khách.

(7) Thi nhân danh tiếng thời Đường.

(8) Thi nhân danh tiếng thời Đường.

(9) Thi nhân danh tiếng thời Đường.

 (10) Thiếu Lăng: Đỗ Phủ, vì ông ở Thiếu Lăng cho nên người ta gọi là Đỗ Thiếu Lăng, thơ ông hay nhất thời Đường.

(11) Vệ Giới: Người đời Tấn, từ nhỏ nổi tiếng là con người ngọc, sau thích bàn về huyền lí.

(12) Nàng Lục Chân là thiếp yêu của Thạch Sùng rất đẹp. Khi Sùng bị Tôn Tú bắt, nàng nhảy từ trên lầu xuống chết.

(13) Thuần phi: Vợ vua Thuấn, Nga Hoàng và Nữ Anh hai chị em (con vua Nghiêu) đều lấy Thuần, khi mất làm thần sông Tương.

(14) Chức Nữ: Tích “Ngưu Lang, Chức Nữ”, hằng năm được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7

(15) Vi Ngọc Tiên: Đời Đường, Vi Cao lúc hàn vi, ở trọ nhà họ Khương, chung tình với nàng Ngọc Tiên và tặng nàng một cái vòng tay, hẹn 7 năm đến cưới làm vợ. Quá hạn không đến, nàng tự sát.

(16) Dương Thái Chân: Dương Quý phi bị chết ở núi Mã Ngôi, sau lại tái sinh cùng với Đường Minh Hoàng kết làm vợ chồng lần nữa.

 (17) Lễ tiểu tường: Lễ tang chẵn một năm, cũng gọi là luyện tế.

* Đoàn Thị Điểm (1705 –1749), hiệu: Hồng Hà nữ sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Lê Trung Hưng. Bà là tác giả tập Truyền kì tân phả (chữ Hán) và tác giả của truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm – 412 câu thơ). Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh.

Câu 1. Xác định những dấu hiệu đặc trưng của truyện truyền kì trong văn bản Người liệt nữ ở An Ấp (0,5đ)

Câu 2. Truyện Người liệt nữ ở An Ấp có những sự việc nào? Sự việc chính nào thể hiện vẻ đẹp của nhân vật chính?(0,5đ)

Câu 3. Phân tích vẻ đẹp nổi bật ở nhân vật chính. Nêu nhận xét của em về sự việc quyên sinh của phu nhân ở gần cuối tác phẩm (1đ)

Câu 4. Phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm và cho biết: Chúng có vai trò như thế nào trong việc khắc họa nhân vật chính (1đ)

Câu 5. Nhận xét đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm và cho biết: Đoạn nào thể hiện rõ nhất đặc điểm ngôn ngữ ấy (1đ)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. Xác định chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Từ đó, nhận xét về thái độ, tình cảm mà tác giả Đoàn Thị Điểm dành cho người phụ nữ trong xã hội xưa. Em có đồng ý với quan điểm đó không? (Trả lời thành đoạn văn có độ dài từ 200 chữ) (2đ)

Câu 2. So sánh, đánh giá hình tượng nhân vật nữ chính ở hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (đã học ở lớp 9 – 3 bộ SGK) và Người liệt nữ ở An Ấp của Đoàn Thị Điểm (4đ)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

Đáp án đề 3

Câu 1 (0,5 điểm)

 Câu 1. Xác định những dấu hiệu đặc trưng của truyện truyền kì trong văn bản Người liệt nữ ở An Ấp (0,5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại kiến thức về đặc trưng của truyện truyền kì

Lời giải chi tiết:

- Dấu hiệu đặc trưng về nội dung:

+ Người liệt nữ ở An Ấp: Đề tài liệt nữ (đề tài quen thuộc của truyện truyền kỳ).

+ Người liệt nữ ở An Ấp: thấm đẫm giá trị nhân đạo, đậm chất nhân văn. Ca ngợi tài năng và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ – vợ của Đinh Hoàn: nghi dung nhàn nhã, ăn nói đoan trang,… có tài văn thơ nổi tiếng, là tấm gương tử tiểu.

Khi mất được dựng đền, khắc chữ: “Trinh liệt phu nhân từ ban cấp tổ điển, bốn mùa có tế lễ, người làng cầu đảo đều có linh ứng”.

- Dấu hiệu đặc trưng về hình thức nghệ thuật:

+ Yếu tố kì ảo là cuộc gặp gỡ của hai vợ chồng Đinh Hoàn trong giấc mơ: nhìn kĩ hoá ra chính là chồng vậy. Phu nhân đón chào, mừng quá chảy nước mắt...

Nói xong, có một trận thanh phong, không biết ông biến đi đâu mất”

+ Nhân vật con người của đời sống thực với những vui buồn, sướng khổ; được xây dựng khá đơn giản, tính cách nhân vật thể hiện qua hành động, ngôn ngữ, ít khi các tác giả đi sâu vào phân tích tâm lí.

+ Không gian cõi thực và cõi mơ (hai vợ chồng gặp nhau)

+ Ngôn ngữ: lối nói so sánh, ẩn dụ, biểu đạt cầu kì hoa mĩ (nàng liễu bồ yếu ớt, vắng vẻ cô phòng, chăn sương gối tuyết giá lòng trinh, hoa xuân trăng thu gửi mới

Câu 2 (0,5 điểm)

 Câu 2. Truyện Người liệt nữ ở An Ấp có những sự việc nào? Sự việc chính nào thể hiện vẻ đẹp của nhân vật chính? (0,5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

- Người vợ khuyên giải chồng; người chồng đi sứ; vợ nhớ thương chồng; vợ gặp chồng trong cõi mộng và quyên sinh

- Sự việc người chồng đi sứ đã thể hiện phẩm chất của người vợ (phu nhân)

Câu 3 (1 điểm)

Câu 3. Phân tích vẻ đẹp nổi bật ở nhân vật chính. Nêu nhận xét của em về sự việc quyên sinh của phu nhân ở gần cuối tác phẩm (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, chú ý các chi tiết thể hiện vẻ đẹp của nhân vật chính

Đọc kĩ phần cuối tác phẩm và phân tích sự việc

Lời giải chi tiết:

-Vẻ đẹp nổi bật ở nhân vật chính:

+Nghi dung nhàn nhã, ăn nói đoan trang, thêu thùa, khâu vá rất lành nghề.

+ Có tài văn thơ.

+ Hiểu chồng, luôn coi trọng việc thực hiện chức phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân.

- Đánh giá sự việc quyên sinh: Hành vi liệt nữ xé áo chồng tặng trước khi đi xa, thắt cổ chết của nhân vật phu nhân theo là vì tình yêu, lòng tương kính với người chồng tri âm tri kỉ. Tuy nhiên, cách ứng xử này vẫn là tiêu cực, để lại đau buồn cho người thân, không phù hợp với thời đại.

Câu 4 (1 điểm)

Câu 4. Phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm và cho biết: Chúng có vai trò như thế nào trong việc khắc họa nhân vật chính (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý để chỉ ra các yếu tố kì ảo trong tác phẩm và phân tích vai trò của các yếu tố ấy

Lời giải chi tiết:

– Xác định và tóm tắt ngắn gọn yếu tố kì ảo:

+ Phu nhân trách cứ chồng: Từ khi cách biệt đã bốn năm rồi, biết bao nỗi bị cầu,

mộng hồn tản mát, không nơi nào là không tìm đến tung tích lang quân, ấy thế mà lang quân chẳng có đoái hoài gì đến thiếp... rất là bạc tình!

+ Ông buồn nét mặt mà rằng: tấm lòng khăng khít, thuỷ chung này không bao

giờ thay đổi. Chết sống là lẽ thường xưa nay, hợp tan là tuần hoàn việc thế.

+ Nói xong, có một trận thanh phong, không biết ông biến đi đâu mất.

- Ý nghĩa:

+Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới siêu nhiên có sự tương giao. Đến với truyền kì, người đọc có thể phiêu diêu qua nhiều cõi khác nhau.

+ Thể hiện khao khát của con người chưa đạt được ở hiện thực.

+ Thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của nhân vật chính: tình yêu, lòng tương kính với người chồng tri âm, tri kỉ.

Câu 5 (1 điểm)

Câu 5. Nhận xét đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm và cho biết: Đoạn nào thể hiện rõ nhất đặc điểm ngôn ngữ ấy (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý ngôn ngữ được tác giả sử dụng

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm: mang đặc điểm chung của truyện truyện kì

+ Ngôn ngữ giàu tính ước lệ tượng trưng.

+ Sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

- Đoạn thể hiện rõ nhất đặc điểm:

+ Giàu tính ước lệ tượng trưng: “Một hôm, phu nhân đốt đèn ngồi một mình, khi ấy là mùa thu muộn, giờ vàng hiu hắt, cây khuya xào xạc, sấu tường nỉ non, tiếng đập vải lạnh lùng như giã vào lòng người cô phụ, trăng suông như rọi vào giọt lệ Vương sinh. Nỗi thương tâm khiến phu nhân đờ đẫn, nhìn đâu cũng toàn thấy cảm sầu. Phu nhân càng thêm thê thảm, gục xuống bàn mà nức nở khiến cõi lòng chìm sâu vào cõi đê mê”

+ Nhiều điển tích, điển cố: “Chết sống là lẽ thường xưa nay, hợp tan là tuần hoàn việc thế. Vì Ngọc Tiên có duyên tái hợp, Dương Thái Chân cơ ước lại sinh. Vi Ngọc phải bỏ phiền về nói học lãnh gương tan, cái ngày chúng ta gặp nhau sắp đến rồi.

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Câu 5. Xác định chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Từ đó, nhận xét về thái độ, tình cảm mà tác giả Đoàn Thị Điểm dành cho người phụ nữ trong xã hội xưa. Em có đồng ý với quan điểm đó không? (Trả lời thành đoạn văn có độ dài từ 200 chữ) (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nêu quan điểm của cá nhân

 Lời giải chi tiết:

Học sinh viết đoạn đảm bảo độ dài và hướng vào các nội dung chính sau:

- Chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

+ Ca ngợi phẩm chất của người phụ nữ

+ Cảm hứng: trân trọng, ngợi ca.

- Tác giả ngợi ca, trân trọng người phụ nữ.

– Đoàn Thị Điểm quan niệm hồng nhan không sinh ra chỉ để tựa nương, chịu sự chở che, đùm bọc mà cũng tự mình độc lập, cùng gánh vác giang sơn, nếu cần cũng có thể chở che, đùm bọc, là nơi nương tựa cho người khác. Đó là khát vọng lớn lao của Đoàn Thị Điểm.

– Ý kiến cá nhân: Học sinh tự trả lời (lập luận thuyết phục, có cơ sở)

Câu 2.

So sánh, đánh giá hình tượng nhân vật nữ chính ở hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (đã học ở lớp 9 – 3 bộ SGK) và Người liệt nữ ở An Ấp của Đoàn Thị Điểm

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

So sánh, đánh giá hình tượng nhân vật nữ chính ở hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (đã học ở lớp 9 – 3 bộ SGK) và Người liệt nữ ở An Ấp của Đoàn Thị Điểm

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu vấn đề (điểm chung  giữa hai tác phẩm để yêu cầu so sánh)

- Nêu bình diện cần so sánh, vị trí của chúng đối với tác phẩm/ dư luận

Thân bài

3,0

* Điểm tương đồng:

- Nhân vật nữ chính với nhiều phẩm chất đáng quý

+ Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương: Có nhiều phẩm chất tốt đẹp: tư dung xinh đẹp, yêu thương chồng con, có hiếu với cha mẹ, khao khát hạnh phúc gia đình

+ Phu nhân ở Người liệt nữ ở An Ấp: Ca ngợi tài năng và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ - vợ của Đinh Hoàn: nghi dung nhàn nhã, ăn nói đoan trang,... có tài văn thơ nổi tiếng, là tấm gương tử tiết.

– Dùng yếu tố kì ảo để xây dựng cốt truyện và khắc hoạ nhân vật chính.

- Cả hai tác phẩm đều thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc (học sinh tự diễn giải, chứng minh).

* Điểm khác biệt:

- Ý nghĩa của yếu tố kì ảo:

+ Người liệt nữ ở An Ấp: Hai vợ chồng gặp nhau trong cõi mộng là để chứng minh tình tri kỉ, tình yêu tha thiết với chồng (dẫn chứng lời nói của phu nhân).

+ Ở Chuyện người con gái Nam Xương: Sự trở về của Vũ Nương thể hiện niềm thương nhớ chồng con và để lên án Trương Sinh.

- Cái chết của hai nhân vật:

+ Cái chết của Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương) là bi kịch đau đớn tột cùng bởi chỉ có cái chết mới chứng minh tiết hạnh của mình.

+ Cái chết của phu nhân (Người liệt nữ ở An Ấp) là lựa chọn trong thời gian dài của nhân vật để thể hiện tình yêu, lòng tương kính với người chồng tri âm, tri kỉ.

* Lí giải nguyên nhân của sự khác biệt: sự chi phối của cảm hứng và tư tưởng.

- Cảm hứng chủ đạo của Chuyện người con gái Nam Xương là thương cảm, lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ.

– Cảm hứng chủ đạo của Người liệt nữ ở An Ấp: ngợi ca, trân trọng người phụ nữ; tư tưởng bình đẳng, đề cao người phụ nữ.

Kết bài

0,25

– Cảm nhận của cá nhân về hai hình tượng nhân vật nữ chính.

- Khẳng định thành công của hai tác phẩm và đóng góp của hai tác giả đối với nền văn học nước nhà.

Yêu cầu khác

0,25

- Sử dụng thành thạo thao tác lập luận so sánh, tổng hợp, chứng minh.

– Thể hiện rõ sự đánh giá của cá nhân về nhân vật được so sánh.

 

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí