Dấu gạch ngang là gì? Tác dụng của dấu gạch ngang - Tiếng Việt 5

Dấu gạch ngang được viết là ( – ), là một dấu câu của Tiếng Việt. Dấu gạch ngang là dấu được sử dụng để phân tách các bộ phận trong một câu.

1. Tác dụng của dấu gạch ngang

Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

·       Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở đầu hoặc cuối câu.

·       Ví dụ:

Thấy tôi sán đến gần, ông hỏi tôi :

– Cháu con ai ?

– Thưa ông, cháu là con ông Thư.

Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu các ý liệt kê.

·       Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở đầu câu.

·       Ví dụ:

Để quạt điện được bền, người dùng nên thực hiện các biện pháp sau đây:

– Trước khi bật quạt, đặt quạt nơi chắc chắn để chân quạt tiếp xúc đều với nền.

– Khi điện đã vào quạt, tránh để cánh quạt bị vướng víu, quạt không quay được sẽ làm nóng chảy cuộn dây trong quạt.

– Hằng năm, tra dầu mỡ vào ổ trục, bộ phận điều khiển hướng quay của quạt, nhưng không nên tra quá nhiều, vì dầu mỡ sẽ chảy vào trong làm hỏng dây bên trong quạt.

– Khi không dùng, cất quạt vào nơi khô, mát, sạch sẽ, ít bụi bặm.

Dấu gạch ngang dùng để nối các từ ngữ trong một liên danh.

·       Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở giữa câu.

·       Ví dụ:

Đến Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng tôi thích thú ngắm nhìn động Thiên Đường kì vĩ với các nhũ đá đẹp lộng lẫy.

Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.

·       Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở giữa bộ phận ấy và bộ phận được chú thích, giải thích.

·       Ví dụ:

Lê Quý Đôn – tên lúc nhỏ là Lê Danh Phương – nổi tiếng ham học, thông minh, có trí nhớ tốt.