Con ơi nhớ lấy lời cha,

Gió to sóng cả đừng qua sông Rừng

Đánh giặc thì đánh giữa sông

Đừng đánh chỗ cạn mắc chông mà chìm

Câu ca dao là kinh nghiệm của người xưa để lại cho con cháu: không nên qua sông Rừng trong điều kiện thời tiết xấu. Qua đó, khẳng định sự hùng vĩ nhưng cũng hết sức nguy hiểm của sông Rừng. Đồng thời, câu ca dao còn gợi nhớ đến những câu chuyện lịch sử oai hùng gắn liền với con sông này. 

Giải thích thêm
  • Sông Rừng: hay còn gọi là sông Bạch Đằng, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thuỷ chiến của Ngô Quyền năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, trận thuỷ chiến của Hoàn đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống và trận thuỷ chiến năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.
  • Cả: lớn
  • Cạn: ít nước, gần hết nước
  • Chông: vật được làm bằng tre hoặc gỗ được vót nhọn, thường được cắm thành đám dày để làm bẫy động vật hoặc làm chướng ngại vật

ĐỌC THÊM 

Những câu chuyện lịch sử gắn liền với sông Bạch Đằng (sông Rừng)

1. Trận Bạch Đằng năm 938

Năm 938, Ngô Quyền đã chỉ huy quân dân Việt chống lại quân Nam Hán do Hoằng Tháo, con trai vua Nam Hán, chỉ huy. Ngô Quyền đã sử dụng chiến thuật cắm cọc gỗ có bọc sắt dưới lòng sông Bạch Đằng, lợi dụng thủy triều để đánh bại hạm đội quân Nam Hán. Khi thủy triều rút, thuyền địch mắc cạn và bị cọc đâm vỡ. Quân Nam Hán bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, Hoằng Tháo bị giết. Chiến thắng này đã chấm dứt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ cho Việt Nam.

2. Trận Bạch Đằng năm 981

Năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đã chỉ huy quân dân chống lại cuộc tấn công này. Cũng như Ngô Quyền, Lê Hoàn đã sử dụng chiến thuật cọc gỗ trên sông Bạch Đằng. Quân Tống bị đánh bại hoàn toàn, Hầu Nhân Bảo bị giết, quân dân Đại Cồ Việt bảo vệ thành công nền độc lập.

3. Trận Bạch Đằng năm 1288

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên-Mông (1288), Trần Hưng Đạo đã chỉ huy quân dân Đại Việt sử dụng chiến thuật tương tự trên sông Bạch Đằng để đánh bại hạm đội của Ô Mã Nhi, một tướng Nguyên. Sau khi dụ địch vào trận địa cọc, khi thủy triều rút, quân Nguyên mắc kẹt và bị tiêu diệt. Chiến thắng này đã kết thúc cuộc xâm lược của quân Nguyên và khẳng định sự độc lập của Đại Việt.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm