Từ điển môn Văn lớp 8 Văn bản văn học - Từ điển môn Văn 8

Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học - Văn 8

1. Nhan đề là gì?

Nhan đề là tên của văn bản, thường do tác giả đặt. Có những nhan đề có ý nghĩa gắn với chủ đề của văn bản, gợi mở cho người đọc nhiều suy nghĩ,…

Ví dụ:

- Nhan đề Tắt đèn, Ngô Tất Tố gợi lên hình ảnh cuộc sống tối tăm, nghèo đói và số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ.

- Nhan đề Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ) thể hiện rõ chủ đề trung tâm của vở kịch: phê phán thói háo danh, sĩ diện hão, “bệnh” thành tích.

- Nhan đề bài thơ Quê người (Vũ Quần Phương) gợi cho người đọc liên tưởng và nghĩ đến quê nhà, ... Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải nhan đề nào cũng hàm chứa ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm.

2. Cách đặt nhan đề văn bản văn học

Có nhiều cách đặt nhan đề văn bản văn học, sau đây chỉ nêu một số cách phổ biến:

- Lấy tên một nhân vật chính trong tác phẩm như: Lão Hạc (Nam Cao), Lượm (Tố Hữu), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng),...

- Lấy tên một sự vật, sự kiện, hiện tượng, hình ảnh cụ thể,... có trong tác phẩm như: Tôi đi học (Thanh Tịnh), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Cái kính (A-dít Nê-xin), Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê (Alphonse Daudet)),...

- Lấy tên một địa danh cụ thể được nói tới trong tác phẩm như: Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Nếu mai em về Chiêm Hoa (Mai Liễu),...

- Dựa vào ý khái quát của toàn bộ nội dung tác phẩm như: Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm), Búp sen xanh (Sơn Tùng),...

- Các tác phẩm trung đại thường lấy nhan đề gắn với thể loại như: Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn),...

- Có khi dùng Không đề, Vô đề hoặc nhan đề bằng chữ số, ... để cho người đọc tự suy ngẫm.