Từ điển môn Văn lớp 8 Văn bản văn học - Từ điển môn Văn 8

Người đọc và cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học - Văn 8

1. Vai trò của người đọc trong việc đọc hiểu văn bản

Hoạt động đọc hiểu văn bản không thể thiếu nhân tố người đọc. Bằng sự tiếp nhận của mình, người đọc góp phần làm phong phú thêm ý nghĩa của tác phẩm văn học; tạo nên lịch sử tiếp nhận tác phẩn; tác động trở lại đối với hoạt động sáng tạo của nhà văn.

2. Bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu văn bản

Bối cảnh tiếp nhận tác phẩm bao gồm: bối cảnh thời đại, xã hội và hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân. Bối cảnh tiếp nhận có vai trò quan trọng, chi phối hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học, góp phần vào việc định hướng giá trị, trình độ tiếp nhận của người đọc.

Mỗi thời đại hay mỗi xã hội đều có định hướng giá trị riêng, có mặt bằng trình độ tiếp nhận nhất định, những điều đó có ảnh hưởng đến từng cá nhân. Hoàn cảnh riêng của cá nhân cũng chi phối sự tiếp nhận của người đọc, trong đó, hoàn cảnh sống, học tập của cá nhân và cả hoàn cảnh cụ thể tại thời điểm đọc đều ảnh hưởng đến tâm thế tiếp nhận.

3. Người đọc và cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học

Tác giả là chủ thể sáng tạo văn bản văn học, còn người đọc là chủ thể tiếp nhận. Qúa trình đọc, tưởng tượng và cảm nhận giá trị nghệ thuật và nội dung của văn bản văn học chính là quá trình tiếp nhận.

Việc tiếp nhận không thể tách rời đặc điểm của văn bản (thể loại, đề tài, chủ đề, bố cục, biện pháp nghệ thuật, các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng).

Tuy nhiên, hoàn cảnh tiếp nhận tác phẩm, vốn sống, vốn hiểu biết, sự trải nghiệm của mỗi người đọc khác nhau, do đó cách hiểu, cảm nhận về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm sẽ có những nét riêng, không hoàn toàn đồng nhất.

=> Mỗi người đọc có thể lựa chọn cách đọc, cảm nhận, hiểu tác phẩm dựa trên vốn sống, kinh nghiệm,… của mình, có khả năng phát hiện ra những giá trị, ý nghĩa mới của văn bản => ý nghĩa, giá trị của tác phẩm với mỗi người đọc, mỗi thời đại có thể được sáng tạo mở rộng và trở nên phong phú hơn.