SBT Văn 10 - giải SBT Văn 10 - Chân trời sáng tạo Bài 6. Nâng niu kỉ niệm (thơ) - SBT Văn 10 CTST

Giải bài Tiếng Việt trang 12 SBT Văn 10 - Chân trời sáng tạo tập 2


Chỉ ra và sửa lỗi về trật tự từ trong các câu sau

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Chỉ ra và sửa lỗi về trật tự từ trong các câu sau:

a. Các nhân viên cứu hộ mang theo nhiều trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn đến từ Áo và Xlo-va-ki-a khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lốc xoáy ở phía nam Cộng hòa Séc.

b. Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, thú vị mà giản tiện.

c. Sơn cúi đầu lặng im, sợ hãi, néo vào sau lưng chị.

d. Ngọn khói nhẹ bẫng như tơ, màu xanh, quẩn trên mái lá.


Phương pháp giải:

Ôn tập lại kiến thức về trật tự từ và thực hiện bài tập.


Lời giải chi tiết:

a. Cụm từ “đến từ Áo và Xlo-va-ki-a” bị hiểu nhầm là phần bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn”, trong khi người viết muốn diễn đạt ý “Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a”. Vì vậy, cách sắp xếp trật tự từ như trên khiến câu trở nên mơ hồ về nghĩa.

→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a mang theo nhiều thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lốc xoáy ở phía nam Cộng hòa Séc.

b. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “dân dã, thú vị nhưng giản tiện” không theo trật tự hợp lí. Người viết muốn nhấn mạnh đến đặc tính “thù vị” của lối rao hàng tuy “dân dã, giản tiện” trên chợ nổi, vì vậy cách sắp xếp trật tự từ như vậy chưa tạo được hiệu quả biểu đạt như người viết mong muốn.

→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, giản tiện mà thú vị.

c. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “cúi đầu lặng im, sợ hãi, nép vào sau lưng chị” không theo trật tự hợp lí. Hai cụm từ “cúi đầu lặng im” và “nép sau lưng chị: miêu tả những biểu hiện cụ thể của trạng thái “sợ hãi”, vì vậy nên được đặt sau “sợ hãi” để giải thích rõ hơn cho trạng thái tâm lí ấy. Cách sắp xếp trật tự từ như trong câu trên là chưa phù hợp.

→ Cách sửa: Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị.

d. Trong câu này, việc sắp xếp các hành động không theo một trật tự hợp lí khiến sai logic.

→ Cách sửa: Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá.


Câu 2

Có học sinh khi làm bài nghị luận văn học về bài thơ Tây Tiến đã sửa câu thơ của Quang Dũng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” thành “Quân xanh màu lá dữ oai hùng”. Theo bạn, cách sử dụng từ ngữ ở trường hợp nào mang đến hiệu quả nghệ thuật cao hơn? Vì sao?


Phương pháp giải:

Đưa ra ý kiến và lí giải hợp lí về nghĩa của câu sau khi bị thay đổi.


Lời giải chi tiết:

Cách sử dụng từ oai hùm trong câu thơ của Quang Dũng mang hiệu quả nghệ thuật cao hơn vì oai hùm không chỉ gợi được vẻ oai phong, lẫm liệt của những người lính Tây Tiến mà còn góp phần khẳng định: vẻ đẹp ấy mang sự dũng mãnh như những mãnh hổ làm chủ, ngự trị chốn rừng thiêng.


Câu 3

Giải thích hiệu quả biểu đạt của từ tắm được in đậm trong đoạn văn sau:

 Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. (Trích Dưới bóng hoàng lan, Thạch Lam)


Phương pháp giải:

Đưa ra ý kiến và lí giải hợp lí về nghĩa của từ tắm.


Lời giải chi tiết:

- … tắm ở suối: từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa gốc của từ là miêu tả hành động giội nước lên người hoặc ngâm mình trong nước cho sạch sẽ, mát mẻ.

- … tắm trong cái không khí tươi mát này: trong trường hợp, từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa chuyển của từ với ý nghĩa là “đắm mình trong không khí tươi mát, dịu nhẹ, ngọt ngào của khu vườn và ngôi nhà thân thuộc”. Cách sử dụng từ tắm như vậy đã thể hiện được trọn vẹn niềm hạnh phúc của Thanh khi được trở về, dường như sự trở về đã giúp chàng có cơ hội để gột rửa, trút bỏ tất cả những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống bên ngoài, đem đến cho chàng sự nhẹ nhõm, thanh thản và tươi mát trong tâm hồn. Cách dùng từ như vậy cũng khiến người đọc hiểu hơn về tình cảm của Thanh dành cho ngôi nhà của mình.


Câu 4

Chỉ ra hiệu quả của dấu chấm lửng trong câu kết của văn bản Tình ca ban mai (Chế Lan Viên):

Mai, hoa em lại về …


Phương pháp giải:

Đưa ra ý kiến và lí giải hợp lí về hiệu quả của dấu chấm lửng.


Lời giải chi tiết:

Câu kết với dấu chấm lửng vừa thể hiện niềm tin vừa thể hiện niềm hi vọng của chủ thể trữ tình: rồi em lại về.


Câu 5

Phép điệp đã được sử dụng trong suốt năm đoạn thơ của văn bản Hà Nội – Phố (Phan Vũ). Hãy tìm và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của phép điệp trong văn bản trên.

Phương pháp giải:

Ôn tập lại kiến thức về phép điệp và thực hiện bài tập.


Lời giải chi tiết:

Điệp ngữ: Em ơi! Hà Nội – Phố!, ta còn em… Hiệu quả của phép thứ nhất: thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết của tác giả đối với Hà Nội. Hiệu quả của phép điệp thứ hai: vừa thể hiện nỗi xót xa về những gì được gọi là kí ức Hà Nội đẹp đẽ, vừa khẳng định pha lẫn niềm mong mỏi vẻ đẹp lịch sử, văn hóa, con người của Hà Nội còn mãi, …



Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí