Giải bài tập 2 trang 9 sách bài tập văn 12 - kết nối tri thức


Bức tranh thiên nhiên được tái hiện trong đoạn thơ 1 có những đặc điểm gì? Chọn phân tích một đặc điểm gây ấn tượng với bạn.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc lại bài thơ Tây Tiến trong SGK Ngữ văn 12, tập một (tr. 44 - 46) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1

Bức tranh thiên nhiên được tái hiện trong đoạn thơ 1 có những đặc điểm gì? Chọn phân tích một đặc điểm gây ấn tượng với bạn.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ 1, chú ý các chi tiết miêu tả bức tranh thiên nhiên

Lời giải chi tiết:

Bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiện lên hoang sơ đầy kỉ niệm: 

+ Hình ảnh: “Sông Mã”, “Tây Tiến” 

+ Địa danh: Sài Khao, Mường Lát đều là những địa danh gợi nhắc về địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến.

+ Động từ “ hoa về” thay vì “hoa nở”; “đêm hơi” thay vì “đêm sương”

=> Cách kết hợp từ này gợi tả không gian đầy trữ tình, huyền ảo, lung linh như không có thực. 

Ngay từ câu mở đầu tác giả đã thể hiện một sự tiếc nuối bằng giọng điệu trìu mến: 

+ Sông Mã: là mạch nguồn của sự sống, chạy suốt theo các chặng hành trình của đoàn quân Tây Tiến; là chứng nhân lịch sử, gắn bó với lính Tây Tiến, chứng kiến niềm vui nỗi buồn, ghi dấu những chiến công, cả những mất mát, hi sinh…

+ Xa rồi: cảm xúc nuối tiếc, lưu luyến, bâng khuâng…

+ Tây Tiến ơi: lời gọi tha thiết, yêu thương, trìu mến, trong lòng nhà thơ, Tây Tiến không chỉ là tên gọi của một đơn vị quân đội mà như một thực thể sinh động, có tri giác, có cảm xúc… Câu thơ sử dụng rất nhiều âm tiết mở tạo dư âm vang vọng. Lời gọi vọng qua không gian – thời gian dội vào quá khứ, dội vào miền thẳm sâu kí ức.

Câu 2

Trong đoạn thơ 1, tác giả đã phác hoạ hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên nền bối cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc. Qua đó, tác giả đã thể hiện được những nét đẹp nào trong cốt cách, tâm hồn họ?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn 1

Chú ý những chi tiết, hình ảnh phác họa hình ảnh đoàn quân

Lời giải chi tiết:

Qua hồi ức của tác giả, những hình ảnh ấy đều như đã trở thành người thân thương ruột thịt. Những người lính đến từ phố thị xa hoa, chất chứa nhiều nỗi nhớ làm tim họ như chững lại, chơi vơi, không điểm dừng. Nó vừa nhẹ nhàng lại mãnh liệt. Dường như núi rừng Tây Bắc đã khắc sâu vào tâm hồn những người lính trẻ biết bao điều.

Họ những chiến sĩ – nghệ sĩ mang trong mình lòng dũng cảm, gan dạ không ngại hiểm nguy, gian khó nơi rừng sâu núi thẳm, vẫn cháy bỏng khát vọng về cuộc sống yên bình đồng thời cũng là những con người có tâm hồn đầy mộng mơ và lãng mạn. 

Câu 3

Nêu cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ 2.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ 2

Lời giải chi tiết:

Thông qua bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, chênh vênh, kì thú của núi rừng miền Tây, thì hình tượng người lính Tây Tiến càng được khắc họa: họ lạc quan, mạnh mẽ, coi thường gian truân, vất vả; những thử thách của thiên nhiên chỉ càng làm rõ hơn ý chí, sức mạnh, tâm hồn trẻ trung và tư chất nghệ sĩ của họ. 

+ Từ láy “dãi dầu” thể hiện toàn bộ những vất vả, nhọc nhằn của các anh khi hành quân qua miền Tây, khi vượt qua những núi cao, vực sâu, thác ghềnh dữ dội, vượt qua những nắng mưa, sương gió miền Tây.

+ “gục lên súng mũ” thể hiện sự hồn nhiên của người lính qua những giây phút mệt mỏi, gục lên ba lô và ngủ,bỏ lại sau đó những khó khăn vất vả, những hiểm nguy của kháng chiến.

+ “bỏ quên đời” một tư thế rất nhẹ nhõm

=> Đoạn thơ phần nào đã nói giảm đi cái chết, cái hi sinh của những người chiến sĩ ấy. Đó là một vẻ đẹp bi tráng, cái hi sinh kia là bị nhưng trong cái bi ấy ta lại thấy một cái tráng lệ vô cùng.

Họ ra đi mang theo những kí ức về những lúc dừng chân mệt mỏi, những kỉ niệm với buổi chiều và ban đêm với con thú dữ gầm rú, nhớ những đêm mùa nếp xôi ở Mai Châu. 

Câu 4

Phân tích hình tượng đoàn quân Tây Tiến trong hai đoạn thơ cuối.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ hai đoạn thơ cuối

Lời giải chi tiết:

Bức tượng đài bất tử của người lính Tây Tiến

    - Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn:

+ Sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật: Thân hình tiều tuỵ vì sốt rét rừng của người lính Tây Tiến : không mọc tóc, xanh màu lá.

+ Trong gian khổ, hình tượng người lính Tây Tiến vẫn hiện ra với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, vẫn toát lên cốt cách, khí phách hào hùng, mạnh mẽ: xanh màu lá, dữ oai hùm.

+ Trong gian khổ nhưng: vẫn hướng về nhiệm vụ chiến đấu, vẫn “mộng qua biên giới” – mộng chiến công, khao khát lập công; vẫn “mơ Hà Nội dáng kiều thơm” – mơ về, nhớ về dáng hình kiều diễm của người thiếu nữ đất Hà thành thanh lịch. Rõ ràng, những nhọc nhằn gian khổ không làm khuất lấp đi tâm hồn lãng mạn, đa tình của người lính.

    - Vẻ đẹp bi tráng:

+ Những người lính trẻ trung, hào hoa đó gửi thân mình nơi biên cương xa xôi, sẵn sàng tự nguyện hiến dâng “Đời xanh” cho Tổ Quốc mà không hề tiếc nuối.

+ Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói sang trọng hóa sự hy sinh của người lính Tây Tiến.

+ Họ coi cái chết tựa lông hồng. Sự hy sinh ấy nhẹ nhàng, thanh thản như trở về với đất mẹ: “anh về đất”.

+ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” : Linh hồn người tử sĩ đó hoà cùng sông núi. Con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc độc tấu đau thương, hùng tráng để tiễn người lính vào cõi bất tử: Âm hưởng dữ dội tô đậm cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến.

+ Hàng loạt từ Hán Việt: Biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành… gợi không khí tôn nghiêm, trang trọng khi nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến.

    - Nhà thơ đã khắc họa thế giới tâm hồn người lính vừa có khí phách hào hùng của người tráng sĩ, vừa có chất lãng mạn, bay bổng của người nghệ sĩ. Nói về cái chết, sự mất mát, hi sinh; miêu tả những nấm mồ lãnh lẽo nơi đất khách quê người mà không mang cảm giác ủy mị, bi thương mà rất nhẹ nhàng, thanh thản…

    - Cảm hứng bi tráng còn đến từ sự hòa điệu giữa thiên nhiên và con người : Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Gầm (nhân hóa): thanh âm dự dội, chất chứa đau thương. Khúc độc hành: khúc ca bi tráng tiễn đưa linh hồn người chiến sĩ.

⇒ Đoạn thơ đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, kết hợp vận dụng sáng tạo trong miêu tả và biểu lộ cảm xúc tạo nên những câu thơ có hồn và khắc họa được vẻ đẹp bi tráng của chiến sĩ Tây Tiến. Hình ảnh người lính Tây Tiến phảng phất vẻ đẹp lãng mạn mà bi tráng của người tráng sĩ anh hùng xưa.

Lời thề chung thủy với Tây Tiến

    – Bốn câu thơ cuối là cảm xúc của nhà thơ khi đã rời xa đơn vị:

+ Thăm thẳm: không chỉ diễn tả khoảng cách về không gian mà còn nói đến khoảng cách thời gian.

+ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi: tuy vẫn rời xa nhưng sự gắn bó tâm hồn với Tây Tiến là vĩnh viễn. Câu thơ gợi nhớ thơ Chế Lan Viên (Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn).

    ˗ Bốn câu thơ như một lời khẳng định khảng khái, dứt khoát, một lời thề son sắt thủy chung với Tây Tiến, đối với thời đại và đối với lịch sử:

    – Cụm từ “người đi không hẹn ước” thể hiện tinh thần quyết ra đi không hẹn ngày về. Hình ảnh đường lên thăm thẳm gợi lên cả một chặng đường gian lao của đoàn quân Tây Tiến. Đó cũng là vẻ đẹp tinh thần của người vệ quốc quân thời kì đầu kháng chiến: một đi không trở lại, ra đi không hẹn ngày về.

+ Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến sẽ còn mãi với thời gian, với lịch sử dân tộc, là chứng nhân đẹp đẽ của thời đại chống thực dân Pháp.

⇒ Vẻ đẹp bất tử của người lính Tây Tiến được thể hiện ở âm hưởng, giọng điệu của cả 4 dòng thơ. Chất giọng thoáng buồn pha lẫn chút bâng khuâng, song chủ đạo vẫn là giọng hào hùng đầy khí phách.

Câu 5

Liệt kê các địa điểm được kể tới trong bài thơ và nêu tác dụng của chúng.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Chú ý các địa điểm được kể tới

Lời giải chi tiết:

Một số địa điểm được kể tới trong bài thơ: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viêng Chăn, Châu Mộc, Hà Nội, Sầm Nứa 

    Tác dụng: 

+ Tạo nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến, các địa danh được nhắc đến nhưng những mảnh ghép, cùng nhau tạo nên một bức tranh sống động về cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Bắc.

+Gợi lên những cảm xúc sâu sắc về sự hào hùng, gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ.

+ Tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo: Các địa danh không chỉ có ý nghĩa thực tế mà còn mang giá trị biểu tượng, góp phần tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, giàu chất thơ. 

Câu 6

Ngôn ngữ thơ Quang Dũng giàu chất nhạc và chất hoạ. Bạn hãy phân tích một đoạn thơ (từ 2 đến 4 câu) để thấy nét đặc sắc nghệ thuật đó.

Phương pháp giải:

Lựa chọn một đoạn thơ 

Nhớ lại kiến thức về phong cách sáng tác của tác giả Quang Dũng

Lời giải chi tiết:

* Nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng thơ mộng.

    - Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội, khí hậu khắc nghiệt. Có những con đường hành quân chìm lấp trong mịt mù sương lạnh (Sài Khao… đêm hơi. Địa hình hiểm trở, cheo leo (Dốc lên khúc khuỷu… mưa xa khơi).   Những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu gợi lên không khí núi rừng xa xôi, lạ lẫm, hoang sơ và bí ẩn.

    - Con đường hành quân gập ghềnh, hiểm trở, đầy sự hiểm nguy: Dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, Heo hút, sương lấp. Dốc lặp 2 lần như tạo hình một khung cảnh núi non trùng điệp. Các từ láy giàu sức tạo hình (khúc khuỷu: gấp khúc đột ngột, độ gấp hẹp; thăm thẳm: sâu, hẹp, âm u, lạnh lẽo; heo hút: thưa, vắng, lạnh lẽo, âm u).

    ˗ Cồn mây: mây nổi thành cồn, tạo hình độ cao của núi, núi vươn đến tận trời mây, mây sà xuống mặt đất.

    ˗ Súng ngửi trời là một cách nói nhân hóa, rất hiệu quả trong việc tạo hình độ cao của dốc núi: núi cao gần chạm đến mây trời, khoảng cách với bầu trời chỉ trong tầm mũi súng.

    – Không gian được mở ra ở nhiều chiều: chiều cao đến chiều sâu hút của những dốc núi, chiều sâu của vực thẳm, bề rộng của những thung lũng trải ra sau màn sương.

    ˗ Cách ngắt nhịp 4/3 của câu thơ thứ ba tạo thành một đường gấp khúc của dáng núi; ba dòng thơ liên tiếp sử dụng nhiều thanh trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn. Những câu thơ như Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm; Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống… mang đậm chất hội họa với những đường nét rắn rỏi, góc cạnh.

     ˗ Ba câu thơ: Dốc lên… ngàn thước xuống được kết cấu bằng rất nhiều thanh trắc, nhiều phụ âm cuối là âm tắc góp phần khắc họa một thiên nhiên Tây Bắc trắc trở, hiểm nguy. Câu thơ đọc lên nghe nhọc nhằn như tiếng thở nặng nhọc của người lính trên đường hành quân Tây Tiến (Nguyễn Đăng Mạnh).

    ˗ Ngược lại câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi sử dụng toàn bộ các thanh bằng và rất nhiều âm tiết mở đã làm dịu đi những đường nét sắc cạnh của bức họa thiên nhiên miền Tây Bắc tổ quốc. Người đọc dường như cũng cảm nhận được cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái của những người lính Tây Tiến – sau một chặng đường vượt núi qua đèo, đứng trên đỉnh núi, tầm mắt trải ra bốn bề, ngắm nhìn những bản làng ẩn hiện trong màn mưa…

⇒ Những từ ngữ và hình ảnh nhân hóa được nhà thơ sử dụng để tô đậm ấn tượng về một vùng núi hoang vu dữ dội. Bức tranh của núi rừng miền Tây giàu được vẽ bằng bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giàu chất họa lại giàu chất nhạc. Nét vẽ vừa gân guốc, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại cũng rất mềm mại tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho bức tranh thiên nhiên vừa dữ dội hùng vĩ, vừa lãng mạn thơ mộng.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí