Đọc hiểu - Đề số 7 - THCS>
Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 7, đề đọc hiểu dành cho học sinh THCS và ôn thi vào lớp 10
Đề bài
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
MÙA GIÁP HẠT…
… Những bữa cơm độn sắn, độn khoai trong mùa giáp hạt đó là chuyện thường xuyên. Ba anh em tôi luôn được bố mẹ nhường phần cơm. Bố mẹ ăn phần sắn và khoai lang, chúng tôi cứ vô tư ăn ngon lành. Và những bữa cơm như thế, bố mẹ luôn ngồi đầu nồi, nhiều hôm tôi thấy bố mẹ thở dài. Hai đứa em tôi không để ý đến những hành động đó. Trong bữa cơm, thường có một bát mắm tôm đồng, hoặc sang hơn có thêm bát sườn lợn được mẹ băm thật nhỏ và kho thật mặn. Một nồi canh rau tập tàng. Chỉ đơn sơ vậy thôi, mà anh em tôi thấy ngon biết mấy.
Những mùa giáp hạt, vai mẹ lại gầy đi vì những đêm thức trắng, trằn trọc với viết bao lo lắng. Tóc bố ngày một bạc thêm như thể có khói thuốc trên đầu. Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi bạc của bố, lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn. Bây giờ ngồi ôn lại những kỉ niệm, ôn lại những mùa giáp hạt, trong lòng không khỏi cảm thấy rưng rưng.
Quê tôi không còn cảnh phải ăn cơm độn sắn khoai. Nhưng tôi vẫn nhớ lắm những mùa giáp hạt…
(Trích Mùa giáp hạt…, Nguyễn Trung Thành,
Báo Giáo dục và Thời đại số 100, ra ngày 26/4/2018, trang 50)
Câu 1: (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2: (0.5 điểm)
Hãy đặt một nhan đề mới cho văn bản trên.
Câu 3: (1.0 điểm)
Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi bạc của bố, lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn.
Cụm từ lớn lên trong các câu trên được tác giả dùng để thể hiện biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 4: (1.0 điểm)
Trong văn bản trên, tác giả thể hiện tư tưởng tình cảm gì với gia đình?
Lời giải chi tiết
Câu 1
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.
Câu 2
Nhan đề mới: Tôi lớn lên/ Kỉ niệm không quên.
Câu 3
- Cụm từ lớn lên trong các câu văn được tác giả dùng thể hiện biện pháp điệp ngữ.
- Tác dụng của biện pháp điệp: nhấn mạnh cội nguồn nuôi dưỡng sự trưởng thành cho tác giả. Đó là sự hi sinh của cha mẹ, là những vất vả tảo tần bố mẹ đã gánh chịu để đem đến cho con ấm no dù vào những mùa giáp hạt. Không chỉ nuôi dưỡng thể xác, “anh em tôi” còn được nuôi dưỡng về tâm hồn, được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình. Tất cả để lại trong lòng tác giả lòng biết ơn không thể nào quên.
Câu 4
Trong văn bản trên, tác giả thể hiện tình yêu thương, sự kính trọng với gia đình, đặc biệt là lòng biết ơn vô bờ bến đối với đấng sinh thành. Tác giả hiểu thấu những vất vả gian lao mà bố mẹ phải trải qua trong những mùa giáp hạt. Nhưng hơn tất thảy, bố mẹ vẫn luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Dù không còn phải ăn cơm độn khoai sắn nhưng tác giả vẫn “nhớ lắm những mùa giáp hạt” vì trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, con người mới cảm nhận được hết tấm lòng của những người thân thương xung quanh.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đọc hiểu - Đề số 8 - THCS
- Đọc hiểu - Đề số 9 - THCS
- Đọc hiểu - Đề số 10 - THCS
- Đọc hiểu - Đề số 11 - THCS
- Đọc hiểu - Đề số 12 - THCS
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cánh diều) – Tiếng Việt 1
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cùng học để phát triển năng lực) – Tiếng Việt 1
- Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cùng học để phát triển năng lực) – Tiếng Việt 1
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Chân trời sáng tạo) – Tiếng Việt 1
- 50 bài tập trắc nghiệm về Phát âm nguyên âm đôi/ đơn