Đề thi học kì 2 Lịch sử và Địa lí 8 - Đề số 3>
Tải vềCâu 1: Nhân vật lịch sử nào dưới đây có công thành lập triều Nguyễn (1802)? A. Nguyễn Hoàng. B. Nguyễn Huệ. C. Nguyễn Kim. D. Nguyễn Ánh.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Đề bài
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1: Nhân vật lịch sử nào dưới đây có công thành lập triều Nguyễn (1802)?
A. Nguyễn Hoàng.
B. Nguyễn Huệ.
C. Nguyễn Kim.
D. Nguyễn Ánh.
Câu 2: Sau khi thành lập, nhà Nguyễn đã đóng đô ở địa bàn nào sau đây?
A. Thăng Long.
B. Sơn Tây.
C. Phú Xuân.
D. Hoa Lư.
Câu 3: Dưới thời vua Gia Long, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh nào?
A. Quảng Ngãi.
B. Bình Định.
C. Khánh Hòa.
D. Thừa Thiên Huế.
Câu 4: Làng nghề thủ công nghiệp nào được đề cập đến trong bài ca dao dưới đây?
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”.
A. Làng Đông Hồ (Bắc Ninh).
B. Làng Chu Đậu (Hải Dương).
C. Làng Bát Tràng (Hà Nội).
D. Làng Sình (Thừa Thiên Huế).
Câu 5: Sau trận Cầu Giấy lần thứ hai (1883), triều đình nhà Nguyễn có động thái thế nào?
A. Chỉ đạo tiếp tục cuộc chiến đấu để buộc quân Pháp rút khỏi Bắc Kì.
B. Vẫn nuôi ảo tưởng về việc thương lượng để quân Pháp trả lại thành Hà Nội.
C. Ngăn cản quân và dân ta chiến đấu chống Pháp.
D. Cầu cứu nhà Thanh (Trung Quốc) giúp đỡ đánh Pháp.
Câu 6: Đến năm 1862, quân Pháp chính thức chiếm được các địa phương nào?
A. Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long.
B. Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
C. Đà Nẵng.
D. Gia Định.
Câu 7: Tháng 11/1873, quân triều đình nhà Nguyễn phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, thực hiện cuộc phục kích quân Pháp tại
A. Tiên Du (Bắc Ninh).
B. Kim Sơn (Ninh Bình).
C. Cầu Giấy (Hà Nội).
D. Tiền Hải (Nam Định).
Câu 8: Người chỉ huy quân đội Pháp trong cuộc tấn công Bắc Kì lần thứ hai (1882 - 1883) là
A. Ri-vi-e.
B. Cuốc-bê.
C. Gác-ni-ê.
D. Giăng Đuy-puy.
Câu 9: Nhận xét nào dưới đây đúng về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)?
A. Giành thắng lợi, lật đổ được ách thống trị của thực dân Pháp.
B. Góp phần làm chậm quá trình bình định của thực dân Pháp.
C. Có thời gian tồn tại dài nhất trong phong trào Cần vương.
D. Tự phát, không chịu sự chi phối của chiếu Cần vương.
Câu 10: Nhân vật lịch sử nào được đề cập đến trong hai câu thơ sau?
“Năm xưa đề xướng Duy tân
Viết thất điều trần, tố cáo tội vua”
A. Lương Văn Can.
B. Phan Bội Châu.
C. Trần Cao Vân.
D. Phan Châu Trinh.
Câu 11: Biển Đông có diện tích lớn thứ mấy trong các biển trên thế giới?
A. Thứ hai.
B. Thứ ba.
C. Thứ tư.
D. Thứ năm.
Câu 12: Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển Việt Nam bao gồm mấy bộ phận?
A. 5 bộ phận.
B. 6 bộ phận.
C. 7 bộ phận.
D. 8 bộ phận.
Câu 13: Đặc điểm nào sau đây đúng với vùng thềm lục nước ta?
A. Là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
B. Là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của vùng là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.
C. Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
D. Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
Câu 14: Khí hậu vùng biển nước ta có tính chất
A. nhiệt đới gió mùa.
B. nhiệt đới ẩm gió mùa.
C. cận nhiệt đới ẩm gió mùa.
D. xích đạo gió mùa.
Câu 15: Lượng mưa trên biển thường nhỏ hơn trên đất liền, khoảng
A. dưới 1100 mm/năm.
B. trên 1100 mm/năm.
C. trên 2000 mm/năm.
D. dưới 2000 mm/năm.
Câu 16: Tài nguyên dầu khí nước ta phân bố chủ yếu ở vùng thềm lục địa của khu vực nào?
A. Duyên hải Nam Trung Bộ.
B. Đông Nam Bộ.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Đồng bằng sông Hồng.
Câu 17: Chất lượng môi trường nước biển nước ta có xu hướng
A. tăng mạnh.
B. không thay đổi.
C. giảm.
D. tăng.
Câu 18: Hướng gió ở vùng biển nước ta có đặc điểm gì?
A. Thay đổi theo mùa.
B. Luôn thổi hướng Tây Bắc.
C. Chủ yếu là hướng Đông Nam.
D. Gió trên biển yếu hơn trên đất liền rõ rệt.
Câu 19: Tài nguyên thiên nhiên biển nào sau đây có ý nghĩa lớn nhất từ lâu đời đối với đời sống của cư dân ven biển nước ta?
A. Tài nguyên du lịch biển.
B. Tài nguyên khoáng sản.
C. Tài nguyên hải sản.
D. Tài nguyên điện gió.
Câu 20: Đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được xác định qua bao nhiêu điểm nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng?
A. 20 điểm.
B. 21 điểm.
C. 22 điểm.
D. 23 điểm.
PHẦN II. TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 21: Cho đoạn tư liệu sau:
“Ngoài việc buôn bản nhỏ ở các làng, huyện thông qua các chợ, việc buôn lớn bằng thuyền ngày càng phát triển. Gạo Gia Định được đưa ra miền Trung, miền Bắc, hàng thủ công miền Bắc được chở vào bản ở các tỉnh phía nam. Các thức đặc sản từng vùng dân dần trở thành quen thuộc và điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị”.
(Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr.453)
a) Việc buôn bán ở làng, huyện chủ yếu diễn ra tại các chợ.
b) Gạo từ miền Bắc được đưa vào Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
c) Việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng chỉ mang ý nghĩa kinh tế, không liên quan đến chính trị.
d) Việc giao thương giữa các vùng đã khiến đặc sản từng vùng trở nên phổ biến và quen thuộc trên cả nước.
Câu 22: Cho thông tin sau, hãy chọn đúng hoặc sai cho mỗi ý a) b) c) d) dưới đây:
Vùng biển đảo nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa hải dương. Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là khoảng trên 23°C. Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển tương đối đồng nhất; trong khi vào mùa đông, sự chênh lệch nhiệt độ này thể hiện rõ hơn.
a) Vào mùa đông, nhiệt độ giữa các vùng biển đảo nước ta có sự chênh lệch rõ rệt.
b) Nhiệt độ trung bình năm của vùng biển đảo nước ta có xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.
c) Lượng mưa trung bình năm trên biển thường cao hơn trên đất liền.
d) Nhiệt độ trung bình năm của vùng biển đảo nước ta có sự thay đổi từ bắc vào nam có thể ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài sinh vật biển, gây ra những thay đổi trong hệ sinh thái biển.
PHẦN III. TỰ LUẬN
Câu 23: Từ sự thất bại của phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế, có thể rút ra bài học gì cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau đó, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Câu 24: Theo em, chúng ta cần phải làm gì để khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển của nước ta?
----- HẾT -----
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN

Câu 1 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Sự thành lập vương triều Nguyễn.
Cách giải:
Năm 1802, được sự ủng hộ của địa chủ ở Gia Định, Nguyễn Ánh đã đánh bại triều Tây Sơn và lập ra triều Nguyễn.
Chọn D.
Câu 2 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Sự thành lập vương triều Nguyễn.
Cách giải:
Sau khi thành lập, nhà Nguyễn đã đóng đô ở Phú Xuân (Huế).
Chọn C.
Câu 3 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Quá trình thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của nhà Nguyễn.
Cách giải:
Dưới thời vua Gia Long, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Chọn A.
Câu 4 (TH):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên bài ca dao.
Cách giải:
Câu ca dao trên đề cập đến làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).
Chọn A.
Câu 5 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ hai (1882 – 1884).
Cách giải:
Sau trận Cầu Giấy lần thứ hai (1883), triều đình nhà Nguyễn vẫn nuôi ảo tưởng về việc thương lượng để quân Pháp trả lại thành Hà Nội.
Chọn B.
Câu 6 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 – 1874.
Cách giải:
Đến năm 1862, quân Pháp chính thức chiếm được Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long.
Chọn A.
Câu 7 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lan rộng ra cả nước (1873 – 1884).
Cách giải:
Tháng 11/1873, quân triều đình nhà Nguyễn phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, thực hiện cuộc phục kích quân Pháp tại Cầu Giấy (Hà Nội).
Chọn C.
Câu 8 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lan rộng ra cả nước (1873 – 1884).
Cách giải:
Tháng 4/1882, lấy cớ triều đình nhà Nguyễn vi phạm Hiệp ước Giáp Tuất, quân Pháp do H. Ri-vi-e cầm đầu đã đổ bộ lên Hà Nội.
Chọn A.
Câu 9 (VD):
Phương pháp:
Nhận xét.
Cách giải:
- Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tuy thất bại nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn, như:
+ Làm tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực quân Pháp.
+ Góp phần làm chậm quá trình bình định Việt Nam của thực dân Pháp.
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.
Chọn B.
Câu 10 (VD):
Phương pháp:
Dựa vào kiến thức đã học để suy luận.
Cách giải:
- Hai câu thơ trên đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về hoạt động yêu nước của chí sĩ Phan Châu Trinh:
+ Phan Châu Trinh (1872 - 1926) quê ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách.
+ Năm 1906, Phan Châu Trinh cùng nhóm sĩ phu tiến bộ ở Quảng Nam mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì.
+ Năm 1908, Phan Châu Trinh bị bắt và chịu mức án 3 năm tù ở Côn Đảo. Năm 1911, chính quyền thực dân đưa ông sang Pháp.
+ Đầu năm 1922, Phan Châu Trinh đến Mácxây (Pháp). Cũng trong năm này, vua Khải Định được đưa sang Pháp dự cuộc hội chợ thuộc địa tại Mácxây do thực dân Pháp tổ chức, nhằm khuếch trương công lao “khai hóa” của Pháp. Trước tình hình ấy, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điều thư” kể 7 tội đáng chém của Khải Định.
Chọn D.
Câu 11 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Với diện tích khoảng 3,44 triệu km2, Biển Đông lớn thứ hai ở Thái Bình Dương và thứ ba trên thế giới.
Chọn B.
Câu 12 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012, Việt Nam có các vùng biển là: nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Chọn A.
Câu 13 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
Chọn D.
Câu 14 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Khí hậu vùng biển nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
Chọn B.
Câu 15 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Lượng mưa trên biển thường nhỏ hơn trên đất liền, khoảng trên 1 100 mm/năm; các đảo có lượng mưa lớn hơn.
Chọn B.
Câu 16 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Tài nguyên dầu khí nước ta phân bố chủ yếu ở vùng thềm lục địa Đông Nam Bộ: Hồng Ngọc, Rạng Đông, Phú Quý, Rồng,…
Chọn B.
Câu 17 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Chất lượng môi trường nước biển nước ta có xu hướng giảm do chịu ảnh hưởng mạnh của phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ, đặc biệt là các hoạt động phát triển cảng biển, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, rác thải sinh hoạt của người dân,…
Chọn C.
Câu 18 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Hướng gió thay đổi theo mùa: từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió mùa mùa đông và Tín phong có hướng đông bắc chiếm ưu thế; từ tháng 5 đến tháng 9, gió mùa hướng đông nam chiếm ưu thế. Gió trên biển mạnh hơn trên đất liền rõ rệt.
Chọn A.
Câu 19 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Tài nguyên hải sản có ý nghĩa lớn nhất từ lâu đời đối với đời sống của cư dân ven biển nước ta.
Chọn C.
Câu 20 (VDC):
Phương pháp:
Liên hệ kiến thức Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được xác định qua 21 điểm nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng.
Chọn B.
PHẦN II. TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 21 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, tư liệu nêu rõ “ngoài việc buôn bán nhỏ ở các làng, huyện thông qua các chợ”, cho thấy đây là hình thức phổ biến và truyền thống.
b) Sai, tư liệu ghi rõ gạo Gia Định (tức từ miền Nam) được đưa ra miền Trung, miền Bắc, chứ không theo chiều ngược lại.
c) Sai, câu cuối tư liệu nhấn mạnh “có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị”, cho thấy giao thương góp phần gắn kết vùng miền, củng cố sự thống nhất quốc gia.
d) Đúng, tư liệu cho biết “các thức đặc sản từng vùng dần trở thành quen thuộc”, cho thấy sự lan tỏa và phổ biến của sản vật địa phương nhờ giao lưu buôn bán.
Câu 22 (VD):
Phương pháp:
Dựa vào đoạn thông tin và nội dung về đặc điểm khí hậu vùng biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
a) Đúng. Đoạn thông tin có đề câp: “Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển tương đối đồng nhất; trong khi vào mùa đông, sự chênh lệch nhiệt độ này thể hiện rõ hơn.”
b) Đúng. Dựa vào bảng số liệu, các đảo được sắp xếp theo thứ tự từ bắc vào nam (từ đảo Cô Tô đến đảo Phú Quốc), ta thấy nhiệt độ trung bình năm tăng dần từ đảo Cô Tô đến đảo Phú Quốc => Nhiệt độ trung bình năm của vùng biển đảo nước ta có xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.
c) Sai. Lượng mưa trung bình năm trên biển thường thấp hơn trên đất liền, khoảng 1 100 mm/năm.
d) Đúng. Nhiệt độ là một yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và phân bố của nhiều loài sinh vật biển. Nếu có sự khác biệt rõ rệt về nhiệt độ giữa các vùng biển (từ bắc vào nam) và xu hướng này duy trì trong thời gian dài, các loài sinh vật biển có ngưỡng chịu nhiệt khác nhau sẽ có sự phân bố khác nhau. Những loài ưa lạnh có thể tập trung hơn ở phía bắc, trong khi các loài ưa ấm hơn sẽ phổ biến hơn ở phía nam. Sự thay đổi này trong phân bố loài có thể dẫn đến những thay đổi phức tạp trong cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn, sự cạnh tranh giữa các loài và thậm chí cả năng suất sinh học của vùng biển.
PHẦN III. TỰ LUẬN
Câu 23 (TH):
Phương pháp:
Suy luận rút ra bài học.
Cách giải:
Bài học rút ra:
- Xây dựng khối đoàn kết dân tộc vững mạnh, không phân biệt các tầng lớp, giai cấp, vùng miền, tôn giáo.
- Xây dựng quốc phòng vững mạnh.
- Khơi dậy trong quần chúng ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
- Có đường lối kháng chiến rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế.
Câu 24 (VDC):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Để khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển, chúng ta cần:
- Nâng cao trình độ công nghệ khai thác, chế biến các nguồn tài nguyên biển.
- Quy định số lượng, kích thước thủy sản đánh bắt, hạn chế đánh bắt ven bờ, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.
- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho dân cư, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm hay khai thác trái phép tài nguyên biển.
- Giữ gìn, bảo vệ môi trường: hạn chế thấp nhất các sự cố rò rỉ, tràn dầu; không trực tiếp xả rác và nước thải chưa qua xử lí ra môi trường biển,...
- Hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ môi trường biển.
- Không sử dụng dụng cụ kích điện, lưới điện để đánh bắt thủy hải sản.
- Khai thác hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển: khuyến khích đánh bắt xa bờ, nghiêm cấm nổ mìn, sử dụng điện trong quá trình đánh bắt thủy sản,...
- Quy hoạch hợp lí các vùng kinh tế ven biển, tránh đầu tư ồ ạt, không kiểm soát.

