Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 3 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)>
Bài tập cuối tuần 3 - Đề 2 bao gồm các bài tập chọn lọc với dạng bài tập đọc hiểu và trả lời câu hỏi giúp các em ôn tập lại kiến thức về tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn đã được học trong tuần
Đề bài
I/ Bài tập về đọc hiểu
Về thăm bà
Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ:
- Bà ơi!
Thanh bước xuống giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà ngừng nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thương.
- Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu!
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình như những ngày còn nhỏ …
Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy thanh thản và bình yên như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.
(Theo Thạch Lam)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng:
1. Hình dáng của người bà được tả qua các chi tiết nào?
a - Mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc đi vào, lưng đã còng
b - Mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ, mến yêu Thanh
c - Mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ, lưng đã còng
2. Chi tiết nào dưới đây thể hiện sự săn sóc ân cần của bà đối với cháu?
a - Hỏi cháu đã về đấy ư
b - Giục cháu vào nhà kẻo nắng
c - Sẵn sàng chờ đợi để mến yêu cháu
3. Vì sao Thanh luôn thấy thanh thản và bình yên khi được trở về với bà?
a - Vì được sống ở khu vườn yên tĩnh và căn nhà có giàn thiên lí mát mẻ
b - Vì được sống trong căn nhà rất mát mẻ và được bà che chở cho mình
c - Vì được sống ở nơi mát mẻ, hiền lành và được bà yêu thương, săn sóc
4. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ ý chính của bài văn?
a - Tâm trạng bình yên, thanh thản của Thanh mỗi khi về thăm bà và tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần của bà đối với cháu
b - Tâm trạng bình yên, thanh thản của Thanh mỗi khi về thăm bà và tình yêu thương sâu nặng của cháu đối với bà kính yêu.
c - Tình cảm biết ơn sâu nặng của Thanh đối với người bà yêu quý và tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần của bà đối với cháu.
II/ Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu , Tập làm văn
1. Chép lại các từ ngữ sau khi điền vào chỗ trống
a) tr hoặc ch
- che …ở /……………… - …ơ trụi /……………… |
- cách …ở /…………. -……ơ vơ /…………. |
b) ăc hoặc oăc
- dao s……/……………. - lạ h ……../…………… |
- dấu ng……kép /……………. - mùi hăng h……/……………. |
2. Gạch một gạch dưới các hình ảnh so sánh, gạch hai gạch dưới từ ngữ chỉ sự so sánh trong những câu thơ sau, câu văn sau:
a)
Mặt trời nằm đáy vó
Như một chiếc đĩa nhôm
Nhấc vó: mặt trời lọt
Đáy vó: toàn những tôm.
(Nguyễn Công Dương)
b)
Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát
Con tàu là đất nước
Đưa ta tới bến xa …
(Xuân Quỳnh)
c) Thuyền chồm lên hụp xuống như nô giỡn. Sóng đập vào vòi mũi thùm thùm, chiếc thuyền tựa hồ như một tay võ sĩ can trường giơ ức ra chịu đấm, vẫn lao mình tới.
(Bùi Hiển)
3. Chép lại đoạn văn dưới đây sau khi đặt 3 dấu chấm vào chỗ thích hợp và viết hoa những chữ đầu câu.
Đêm mùa đông, trời mưa phùn gió lạnh thổi ào ào ngoài cửa sổ nằm trong nhà, Hồng lắng nghe tiếng mưa rơi em chỉ thương đàn gà phải co ro trong giá rét mùa đông.
4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) giới thiệu về những người trong gia đình em với cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm lớp.
Gợi ý:
a) Gia đình em có mấy người, đó là những ai?
b) Từng người trong gia đình em hiện đang làm việc gì, ở đâu?
c) Tình cảm của em đối với những người trong gia đình ra sao?
Lời giải chi tiết
I/ Bài tập về đọc hiểu
1. Hình dáng của người bà được tả qua các chi tiết: Mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ, lưng đã còng.
Chọn đáp án: c
2. Chi tiết thể hiện sự săn sóc ân cần của bà đối với cháu: Giục cháu vào nhà kẻo nắng.
Chọn đáp án: b
3. Thanh luôn thấy thanh thản và bình yên khi được trở về với bà vì được sống ở nơi mát mẻ, hiền lành và được bà yêu thương, săn sóc.
Chọn đáp án: c
4. Dòng nêu đúng và đủ ý chính của bài văn là: Tâm trạng bình yên, thanh thản của Thanh mỗi khi về thăm bà và tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần của bà đối với cháu.
Chọn đáp án: a
II/ Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
1.
a) Tr hoặc ch
- che chở
- trơ trụi
- cách trở
- chơ vơ
b) ăc hoặc oăc
- dao sắc
- lạ hoắc
- dấu ngoặc kép
- mùi hăng hắc
2.
a) - Hình ảnh so sánh: mặt trời, chiếc đĩa nhôm
- Từ ngữ chỉ sự so sánh: như
b) - Hình ảnh so sánh: bướm bay - lời hát, con tàu - đất nước
- Từ ngữ chỉ sự so sánh: như, là
c) - Hình ảnh so sánh: thuyền chồm lên - nô giỡn, chiếc thuyền - tay võ sĩ
- Từ ngữ chỉ sự so sánh: như, tựa hồ như
3.
Đêm mùa đông, trời mưa phùn. Gió lạnh thổi ào ào ngoài cửa sổ. Nằm trong nhà, Hồng lắng nghe tiếng mưa rơi. Em chỉ thương đàn gà phải co ro trong giá rét mùa đông.
4.
Gia đình em gồm có 4 người, đó là: bố em, mẹ em, em và em trai em. Bố em là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện tư nhân. Mẹ em là giáo viên mầm non. Em trai em hiện nay còn đang học mầm non. Còn em giờ đây đã là học sinh lớp 3 rồi. Em rất yêu gia đình mình. Em mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, em và em trai em sẽ ngoan ngoãn và học tập chăm chỉ để bố mẹ vui lòng.
Loigiaihay.com
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 9 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 9 - Đề 1 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 8 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 8 - Đề 1 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 7 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 9 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 9 - Đề 1 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 8 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 8 - Đề 1 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
- Bài tập cuối tuần tiếng việt 3 tuần 7 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)