Nghĩa hàm ẩn là nghĩa được suy luận dựa vào nghĩa tường minh của cả câu, nghĩa của từ ngữ trong câu hoặc ngữ cảnh sử dụng câu.
Muốn sử dụng nghĩa hàm ẩn, cần đảm bảo hai điều kiện:
- Người nói (viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu. Qua đó mà có nhiều lớp nghĩa được thể hiện, cung cấp trong nội dung truyền đạt.
- Người nghe (đọc) có năng lực giải đoán hàm ý. Phải hiểu được lớp nghĩa bóng được người nói nhắc đến. Từ đó mới mang lại sự đảm bảo trong nội dung giao tiếp.
Nghĩa hàm ẩn giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa,…; làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phú, thú vị.
Đặc biệt, trong văn bản, các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.
Ví dụ:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm.
(Ca dao)
Chuột chù và khỉ đều là các loài có mùi hôi. Nhưng thật hài hước, chuột chù lại chê khỉ hôi trong khi chính mình là loài hôi có tiếng (hôi như chuột chù). Nghĩa tường minh trong câu trả lời của khỉ là lời khen, nghĩa hàm ẩn thể hiện sự mỉa mai chuột chù. Câu ca dao có hàm ý phê phán những người đã không tự biết cái xấu của mình lại còn đi chê bai người khác.
“A: Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?
Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:
B: Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả !”
Mặc dù một người hỏi xem lợn của mình có chạy qua đây không, người kia trả lời không thấy. Đây là mục đích chính mà các bên cần tập chung vào khai thác thông tin. Tuy nhiên cả hai đều muốn khoe khoang, nên họ phải thể hiện các nội dung khác mang hàm ý.