Từ điển môn Văn lớp 9 Viết truyện kể sáng tạo - Từ điển môn Văn 9

Hướng dẫn viết truyện kể sáng tạo - Văn 9

1. Truyện kể sáng tạo là gì?

Truyện kể sáng tạo là một văn bản tự sự, ở đó, người kể (có thể là nhân vật trong truyện – ngôi thứ nhất, hoặc người ngoài cuộc – ngôi thứ ba) kể lại một cách sáng tạo những sự việc đã diễn ra ở một không gian, thời gian nào đó, gắn với những nhân vật cụ thể. Thông qua câu chuyện, tác giả thể hiện quan điểm, suy nghĩ, thái độ của mình về những vấn đề của đời sống.

2. Mục đích viết truyện kể sáng tạo

Truyện kể sáng tạo (có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm) thuộc kiểu văn bản tự sự. Trong đó, người viết dùng trải nghiệm cuộc sống và trí tưởng tượng để sáng tạo một câu chuyện có bối cảnh, cốt truyện, nhân vật, sự kiện, kết hợp miêu tả và biểu cảm để câu chuyện sinh động và thể hiện cảm xúc của người viết.

3. Hướng dẫn viết truyện kể sáng tạo

A. TRƯỚC KHI VIẾT

Tìm ý tưởng cho truyện

Tìm ý tưởng cho truyện bằng những cách:

- Dựa vào một truyện đã đọc

- Tự sáng tác một truyện mới: cần lựa chọn đề tài phù hợp cho tác phẩm như: tình bạn, tình cảm gia đình, tình thầy trò, lòng nhân hậu,…

Xây dựng khung truyện

- Khi dựa vào một truyện đã đọc, cần:

+ Đọc kĩ truyện, tóm tắt chuỗi sự kiện, xác định chủ đề của truyện

+ Dự kiến cách sáng tạo: điều chỉnh cốt truyện gốc (thêm hoặc bớt sự kiện, viết lại kết thúc truyện,…), thay đổi ngôi kể, bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm.

- Tự sáng tác một truyện mới: Để xây dựng nội dung cho một tác phẩm truyện, cần lựa chọn các yếu tố của truyện như người kể chuyện, bối cảnh, nhân vật, cốt truyện bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:

+ Ai là người kể chuyện?

+ Câu chuyện diễn ra ở đâu? Vào thời điểm nào?

+ Những nhân vật nào có mặt trong câu chuyện?

+ Câu chuyện diễn ra như thế nào?

Lập dàn ý

Sắp xếp các ý tưởng thành một dàn ý. Dàn ý có thể được xây dựng theo các phần: mở đầu, diễn biến, kết thúc.

B. VIẾT

Khi viết một truyện kể sáng tạo, em cần lưu ý:

- Xây dựng hội thoại để khắc hoạ nhân vật và phát triển mạch sự kiện.

- Sử dụng linh hoạt các yếu tố miêu tả, biểu cảm để câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

- Nếu viết một tác phẩm truyện chuyển thể từ truyện tranh, cần dựa vào hình ảnh trong truyện tranh để bổ sung các chi tiết miêu tả thời gian, không gian, nhân vật. Nếu viết một tác phẩm truyện dựa trên một “truyện chữ", cần sáng tạo dựa trên cốt truyện đã có; tránh việc chỉ tóm tắt lại truyện một cách đơn giản. Chú ý ghi rõ truyện được mô phỏng từ tác phẩm nào để đảm bảo yêu cầu về vấn đề sở hữu trí tuệ.

C. CHỈNH SỬA

Đọc lại truyện đã viết, đối chiếu với yêu cầu để thực hiện việc chỉnh sửa, hoàn thiện. Lưu ý:

- Kiểm tra bối cảnh của câu chuyện; bổ sung chi tiết miêu tả không gian, thời gian trong câu chuyện (nếu thấy chưa rõ ràng, cụ thể).

- Bổ sung các chi tiết về ngoại hình, hành động, cảm xúc, suy nghĩ, lời thoại của nhân vật nếu nhân vật được khắc hoạ còn mờ nhạt.

- Đánh số vào các sự kiện. Nếu trình tự các sự kiện chưa hợp lí, hãy sắp xếp lại. Có thể bổ sung từ ngữ thể hiện mối liên kết giữa các sự kiện.

- Nếu viết dựa trên một truyện đã đọc, cần kiểm tra các sự kiện, chi tiết người viết đã sáng tạo và chỉnh sửa (nếu thấy chưa hợp lí).