Từ điển môn Tiếng Việt lớp 4 - Tổng hợp các khái niệm Tiếng Việt 4 Viết bài văn thuật lại một sự việc - Từ điển môn Tiếng ..

Hướng dẫn viết bài văn thuật lại một sự việc - Tiếng Việt 4

1. Viết bài văn thuật lại một sự việc là gì?

Viết bài văn thuật lại một sự việc là kể lại một việc đã xảy ra mà em đã chứng kiến hoặc tham gia, theo một trình tự rõ ràng và diễn biến cụ thể.

2. Cách viết bài văn thuật lại một sự việc

1. Mở bài: Giới thiệu sự việc

Em chọn một trong hai cách:

- Cách 1: Giới thiệu thời gian, địa điểm,… diễn ra sự việc.

- Cách 2: Liên hệ từ một vấn đề khác có liên quan để giới thiệu sự việc.

2. Thân bài: Kể lại sự việc

- Trước khi sự kiện diễn ra:

+ Lúc đó em đang làm gì? Ở đâu? Cùng với ai?

+ Em đã chuẩn bị những gì cho sự kiện đó? Cảm xúc như thế nào?

+ Sự kiện đó được bắt đầu như thế nào?

- Kể lại diễn biến của sự kiện:

+ Sự kiện đó gồm các hoạt động nào? (kể lại theo trình tự thời gian)

+ Những người tham gia hoạt động đó đã làm gì? Cảm xúc, thái độ của họ ra sao?

+ Em có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào về diễn biến của sự kiện đó?

+ Em ấn tượng nhất hoạt động nào trong sự kiện?

- Kết thúc sự kiện:

+ Sự kiện kết thúc sao bao lâu? (hoặc vào lúc nào)

+ Sự kiện kết thúc đem đến kết quả, lợi ích gì cho người tham gia hoặc chứng kiến?

3. Kết bài:

- Nêu kết quả của hoạt động.

- Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc đối với hoạt động.

Ví dụ: Thuật lại hoạt động trường em tổ chức cuộc thi “Gói bánh chưng xanh”

1. Mở bài: Giới thiệu hoạt động trường em tổ chức:

- Tên hoạt động: Trường em tổ chức cuộc thi “Gói bánh chưng xanh”.

- Thời gian: Vào gần dịp Tết Nguyên Đán.

- Địa điểm: Tại sân trường em.

2. Thân bài:

- Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh và bắt đầu cuộc thi:

+ Đúng 8 giờ sáng, các lớp tập trung tại sân trường.

+ Mỗi lớp nhận một phần nguyên liệu gồm gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, dây buộc và bảng hướng dẫn.

+ Giám khảo của cuộc thi là các thầy cô giáo trong trường.

+ Khi hiệu lệnh bắt đầu, không khí sân trường trở nên nhộn nhịp, các bạn học sinh khẩn trương vào công việc.

- Các lớp bắt tay vào gói bánh chưng:

+ Các bạn nữ trong lớp chuẩn bị lá dong, lau sạch và cắt gọn gàng.

+ Các bạn nam chuẩn bị các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.

+ Các bạn lần lượt xếp lá dong, cho gạo, đỗ, thịt vào, gói lại chắc chắn, rồi buộc dây thật chặt.

+ Các thầy cô đi qua từng nhóm, động viên và kiểm tra bánh.

=> Không khí cuộc thi rất nhộn nhịp và hào hứng.

- Đánh giá và kết thúc cuộc thi:

+ Các giám khảo đánh giá các chiếc bánh dựa trên việc gói chắc chắn, vuông vắn và đẹp mắt.

+ Lớp em không đạt giải Nhất, nhưng rất vui vì đã làm việc cùng nhau và học hỏi được nhiều điều bổ ích.

3. Kết bài:

- Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc đối với hoạt động: Em cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì chiếc bánh chưng mà lớp em đã làm.

- Ý nghĩa của hoạt động: Đã để lại cho em những kỉ niệm đáng nhớ về mùa xuân ấm áp, đầy ý nghĩa.

3. Lưu ý

- Các hoạt động cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

- Nêu rõ kết quả của hoạt động, việc làm.

- Chú ý thể hiện suy nghĩ, cảm xúc khi tham gia hoạt động.