

Đề thi học kì 2 Lịch sử 12 - Đề số 2>
Tải vềCâu 1: Đường lối đổi mới đất nước (từ tháng 12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương A. Đổi mới toàn diện và đồng bộ. B. Tập trung đổi mới về kinh tế xã hội. C. Đổi mới căn bản và toàn diện. D. Tập trung đổi mới về chính trị, tư tưởng
Đề bài
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1: Đường lối đổi mới đất nước (từ tháng 12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương
A. Đổi mới toàn diện và đồng bộ.
B. Tập trung đổi mới về kinh tế xã hội.
C. Đổi mới căn bản và toàn diện.
D. Tập trung đổi mới về chính trị, tư tưởng.
Câu 2: Đâu không phải nội dung cơ bản về kinh tế trong đường lối đổi mới giai đoạn 1986-1995?
A. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp.
B. Phát triển hàng hóa xã hội chủ nghĩa.
C. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
D. Xây dựng và tổ chức thực hiện Ba chương trình kinh tế lớn gồm: Lương thực – Thực phẩm và Hàng tiêu dùng.
Câu 3: Nhận định nào sau đây là đúng về công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay?
A. Đổi mới toàn diện, trong đó trọng tâm và đi đầu là đổi mới chính trị.
B. Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa.
C. Xây dựng nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.
D. Đổi mới chính trị đi trước tạo điều kiện pháp lý cho đổi mới kinh tế.
Câu 4: Nội dung nào sau đây không phải thành tựu về kinh tế của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay?
A. Vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội.
B. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh.
C. Tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao.
D. Trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại.
Câu 5: Ý nào dưới đây không phải là nội dung công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam giai đoạn 1991-2006?
A. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
B. Từng bước tháo gỡ các cơ chế cũ, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
C. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội.
D. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Câu 6: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 04-2006) thực hiện mục tiêu
A. “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
B. “chuẩn bị những tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
C. “tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
D. “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở - kĩ thuật hiện đại”.
Câu 7: Đổi mới toàn diện và đồng bộ được thể hiện như thế nào trong nội dung cơ bản đường lối đổi mới giai đoạn 1986-1995?
A. Phấn đấu bắt đầu có tích lũy nội bộ từ nền kinh tế, từng bước đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng khủng hoảng.
B. Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
C. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
D. Tiến hành đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng vừa phát huy quyền làm chủ của người dân, vừa phát huy quyền lực của cơ quan Nhà nước.
Câu 8: Vấn đề đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức như thế nào?
A. Là một thời kì lịch sử khó khăn, lâu dài, gồm nhiều bước.
B. Là đưa đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng, tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
C. Không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm mục tiêu ấy được thực hiện bằng những biện pháp phù hợp.
D. Là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Câu 9: Nội dung nào sau đây là một trong những yếu tố tác động đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước (1911) của Nguyễn Tất Thành?
A. Phong trào đầu tranh theo khuynh hướng vô sản ở Việt Nam diễn ra rộng khắp.
B. Cách mạng Việt Nam hoàn toàn đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
C. Thực dân Pháp hoàn thành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam.
D. Nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam trở nên cấp thiết.
Câu 10: Lĩnh vực nào sau đây được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là quốc sách hàng đầu trong quá trình đổi mới?
A. Giáo dục - đào tạo.
B. An ninh - quốc phòng.
C. Kinh tế - chính trị.
D. Văn hóa - xã hội.
Câu 11: Một trong những bài học kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến năm 1979 có thể phát huy trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay là
A. sự kết hợp hài hòa giữa giành và giữ chính quyền.
B. củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
C. dùng đấu tranh ngoại giao làm nhân tố quyết định.
D. chỉ chú trọng phát triển lực lượng quân sự tinh nhuệ.
Câu 12: Bài học kinh nghiệm cơ bản nào sau đây được Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra trong quá trình tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay?
A. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước trong nhóm ASEAN.
B. Đẩy mạnh các mối quan hệ đối ngoại hòa bình, ổn định.
C. Tập trung khắc phục tình trạng tham nhũng và lãng phí.
D. Huy động cả hệ thống chính trị vào công cuộc đổi mới.
Câu 13: Điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là quốc gia nào?
A. Pháp.
B. Trung Quốc.
C. Nhật Bản.
D. Liên Xô.
Câu 14: Ông Nguyễn Sinh Sắc – bố Chủ tịch Hồ chí Minh có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời và sự nghiệp của Người?
A. Người cần mẫn, nhân hậu, có học thức.
B. Nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương và dân ca Nghệ Tĩnh.
C. Tiếp xúc với sách báo mới, bàn luận về phong trào yêu nước.
D. Một tấm gương kiên trì về ý chí vượt khó vươn lên, người thầy mẫu mực trong dạy chữ, dạy người.
Câu 15: Hoàn cảnh đất nước ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh là gì?
A. Thực dân Pháp xâm lược và từng bước áp đặt cách cai trị ở Việt Nam.
B. Các phong trào yêu nước chống Pháp đều thành công.
C. Hai miền Nam – Bắc thống nhất.
D. Đất nước bỏ qua tư bản chủ nghĩa tiến đến xã hội chủ nghĩa.
Câu 16: Từ việc bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” không được Hội nghị Véc-xai (1919) chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Muốn được giải phóng, các dân tộc thuộc địa
A. phải dựa vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.
B. chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.
C. phải liên hệ mật thiết với phong trào công nhân quốc tế.
D. chỉ có thể đi theo con đường cách mạng tư sản.
Câu 17: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ? Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Câu nói đó của Hồ Chí Minh vào thời gian nào?
A. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh 19-12-1946.
B. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh ngày 17-7-1966.
C. Thư chúc tết đầu xuân 1969.
D. Bản Di chúc của Hồ Chí Minh được công bố tại lễ truy điệu Người ngày 9-9-1969.
Câu 18: Bà Hoàng Thị Loan – mẹ Chủ tịch Hồ chí Minh có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời và sự nghiệp của Người?
A. Một sĩ phu yêu nước lãnh đạo các phong trào đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm.
B. Người cần mẫn, nhân hậu, có học thức; nuôi dưỡng các con bằng tình yêu thương và những điệu hò câu ví của dân ca xứ Nghệ.
C. Tiếp xúc với sách báo mới, thường bàn luận về các phong trào yêu nước.
D. Một tấm gương kiên trì về ý chí vượt khó vươn lên, người thầy mẫu mực trong dạy chữ, dạy người.
Câu 19: Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đặc biệt căn dặn Đảng phải làm tốt công tác nào để đảm bảo tương lai đất nước?
A. Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
B. Giữ vững kỷ luật trong Đảng, chống tham nhũng.
C. Quan tâm đến thế hệ trẻ, đào tạo cán bộ kế cận.
D. Củng cố quốc phòng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.
Câu 20: Khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945), Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền bằng hình thức nào sau đây?
A. Sử dụng các lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong suốt quá trình khởi nghĩa.
B. Kết hợp lực lượng ba thứ quân trong tổng tiến công và nổi dậy trên toàn quốc.
C. Tổng khởi nghĩa trong cả nước trước khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh.
D. Tổng khởi nghĩa trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Câu 21: Tác phẩm nào dưới đây do Hồ Chí Minh viết để tố cáo tội ác thực dân Pháp?
A. Đường Kách mệnh
B. Bản án chế độ thực dân Pháp
C. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
D. Tuyên ngôn Độc lập
Câu 22: Hồ Chí Minh từng làm việc tại cơ quan nào của Quốc tế Cộng sản?
A. Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản
B. Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản
C. Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản
D. Bộ Chính trị Quốc tế Cộng sản
Câu 23: Từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với
A. chủ nghĩa Mác Lê-nin.
B. tư bản chủ nghĩa.
C. xã hội chủ nghĩa.
D. tinh thần quốc tế.
Câu 24: Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp vào thời gian nào?
A. 1920-1924.
B. 1919-1923.
C. 1915-1919.
D. 1923-1925.
PHẦN II: TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 25: Cho đoạn tư liệu dưới đây
“Sinh thời, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của dân tộc và thế giới. Người đã viết nhiều tác phẩm có giá trị như Đường Kách mệnh (1927), Tuyên ngôn Độc lập (1945), Nhật ký trong tù (1942-1943) và nhiều bài báo, bài thơ truyền cảm hứng cách mạng. Trong vai trò Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần dân chủ, gần gũi nhân dân, sống giản dị và khiêm tốn. Người đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản, tranh thủ sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.”
(Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị Quốc gia, 2011)
a) Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn.
b) Tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được viết vào năm 1927.
c) Hồ Chí Minh chỉ tập trung vào công cuộc giải phóng dân tộc mà không quan tâm đến chủ nghĩa quốc tế vô sản.
d) Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh chỉ có giá trị trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập mà không còn phù hợp trong thời kỳ phát triển đất nước hiện nay.
Câu 26: Cho đoạn tư liệu sau đây:
“Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ. (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiểu lương thực triển miên đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 340 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020”.
(Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.22)
a) Cơ cấu kinh tế Việt Nam bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp.
b) Đoạn tư liệu trên đề cập đến thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đồi mới trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.
c) Phát huy nội lực, đồng thời coi trọng huy động các nguồn ngoại lực đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
d) Nhờ có đường lối Đổi mới đúng đắn, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn.
Câu 27: Đọc đoạn tư liệu dưới đây, chọn đúng hoặc sai
“Tăng trưởng kinh tế là điều kiện và tiền đề vật chất để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đến luợt mình, thực hiện tiến bô̂, công bằng xã hội là nhân tố và động lụcc thúc đẩy tăng truởng kinh tế cao và bền vũng. Tăng truởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội phải được kết hơp ngay tù đầu và trong suốt quá trình phát triển; phải thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong lãnh đạo của Đảng và quản lí của Nhà nước”.
(Phùng Hữu Phú và các tác giả, 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 173)
a) Đoạn tư liệu đề cập đến mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
b) Trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam tập trung phát triển kinh tế trước, phát triển xã hội sau.
c) Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thuộc trách nhiệm của cả Nhà nước và các doanh nghiệp.
d) Chính sách an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay chủ yếu hướng vào mục tiêu giảm nghèo.
Câu 28: Cho đoạn tư liệu dưới đây
“Hồ Chí Minh (1890-1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi thành Nguyễn Tất Thành, sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại Nghệ An. Từ năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba qua nhiều nước, nghiên cứu các khuynh hướng cách mạng trên thế giới. Năm 1920, Hồ Chí Minh trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Người. Đến năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Suốt cuộc đời hoạt động, Hồ Chí Minh đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời để lại nhiều tư tưởng, di sản quý báu về đạo đức, phong cách và chiến lược cách mạng.”
(Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh - Tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006)
a) Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Nghệ An.
b) Việc Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Người.
c) Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1945 để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám.
d) Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh vì độc lập dân tộc mà còn có những đóng góp quan trọng về tư tưởng, đạo đức và chiến lược cách mạng.
----- HẾT -----
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN

Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
Cách giải:
Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đường lối đổi mới phải toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, trọng tâm trước hết là đổi mới về kinh tế.
Chọn A.
Câu 2 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Xác định nội dung cơ bản về kinh tế trong đường lối đổi mới giai đoạn 1986-1995.
- Phân tích, loại trừ đáp án.
Cách giải:
- Trong giai đoạn 1986-1995, Việt Nam tập trung đổi mới nền kinh tế, chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Các nội dung chính bao gồm:
+ Xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp.
+ Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
+ Xây dựng và thực hiện Ba chương trình kinh tế lớn.
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chỉ được đề ra từ Đại hội VIII (1996), nên chưa phải nội dung chính của giai đoạn 1986-1995.
Chọn C.
Câu 3 (VD):
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
A loại, đổi mới toàn diện, trọng tâm là đổi mới kinh tế.
B loại, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
D loại, đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị.
=> Xây dựng nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa là đúng về công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
Chọn C.
Câu 4 (TH):
Phương pháp:
Loại trừ phương án.
Cách giải:
Trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại không phải thành tựu về kinh tế của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Chọn D.
Câu 5 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Xác định nội dung công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam giai đoạn 1991 – 2006.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
Cách giải:
Giai đoạn 1991-2006, Việt Nam không còn tập trung tháo gỡ cơ chế cũ vì điều này đã diễn ra mạnh mẽ từ giai đoạn 1986-1991.
Thay vào đó, đất nước tập trung hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (A), phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội (C), và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (D).
Chọn B.
Câu 6 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Cách giải:
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 04-2006), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra MỤC TIÊU “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chọn A.
Câu 7 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Xác định, phân tích các đáp án.
Cách giải:
“Đổi mới toàn diện và đồng bộ” trong giai đoạn 1986-1995 chủ yếu nhằm mục tiêu giải quyết khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Việt Nam thực hiện đổi mới kinh tế, chính trị, xã hội, từng bước ổn định sản xuất, kiểm soát lạm phát, bắt đầu có tích lũy nội bộ từ nền kinh tế để phục vụ phát triển lâu dài.
Các phương án B, C, D đúng nhưng chưa phản ánh đầy đủ đặc điểm đổi mới toàn diện và đồng bộ trong giai đoạn này.
Chọn A.
Câu 8 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, xác định các đáp án.
Cách giải:
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đổi mới không có nghĩa là từ bỏ chủ nghĩa xã hội, mà phải thực hiện bằng biện pháp phù hợp với thực tiễn.
Đường lối đổi mới giúp khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, điều chỉnh phương pháp để xây dựng chủ nghĩa xã hội hiệu quả hơn.
Vì vậy, đáp án đúng là C: Không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm mục tiêu ấy được thực hiện bằng những biện pháp phù hợp.
Chọn C.
Câu 9 (TH):
Phương pháp:
Giải thích.
Cách giải:
Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng “đêm tối không có lối thoát” do các phong trào chống Pháp theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng dân chủ tư sản đều thất bại. Nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam trở nên cấp thiết. Điều này đã thôi thúc, tác động đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Chọn D.
Câu 10 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung đường lối đổi mới giai đoạn 1996 – 2000.
Cách giải:
Lĩnh vực Giáo dục – đào tạo được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là quốc sách hàng đầu trong quá trình đổi mới.
Chọn A.
Câu 11 (VD):
Phương pháp:
Phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm.
Cách giải:
Tinh thần đoàn kết là sợi chỉ đỏ, là nguyên nhân xuyên suốt làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến năm 1979. Vì vậy, một trong những bài học kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến năm 1979 có thể phát huy trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay là củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Chọn B.
Câu 12 (VDC):
Phương pháp:
Phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm.
Cách giải:
Huy động cả hệ thống chính trị vào công cuộc đổi mới là bài học kinh nghiệm được Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra trong quá trình tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay.
Chọn D.
Câu 13 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Cách giải:
Điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là Pháp.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) trên con tàu Latouche-Tréville, làm phụ bếp để sang Pháp. Ông chọn Pháp vì muốn tìm hiểu về đất nước đang đô hộ Việt Nam, xem họ làm thế nào để có thể giúp đồng bào mình giành độc lập.
Chọn A.
Câu 14 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
- Xác định những ảnh hưởng của bố Chủ tịch Hồ chí Minh đối với cuộc đời và sự nghiệp của Người.
Cách giải:
Ông Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp của Người, thể hiện qua:
- Là người kiên trì, vượt khó, học rộng, có ý chí phấn đấu, từ một gia đình nghèo khó nhưng đã thi đỗ Phó bảng trong kỳ thi đình năm 1901.
- Là tấm gương mẫu mực trong dạy chữ, dạy người, luôn giáo dục con về lòng yêu nước, ý chí tự lập, đạo đức.
Các đáp án khác loại vì:
- A. Người cần mẫn, nhân hậu, có học thức => Đúng nhưng chưa đầy đủ.
- B. Nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương và dân ca Nghệ Tĩnh => Ảnh hưởng này đúng hơn với mẹ của Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Loan.
- C. Tiếp xúc với sách báo mới, bàn luận về phong trào yêu nước => Đây là ảnh hưởng từ những người thầy, bạn bè của Nguyễn Ái Quốc.
=> Đáp án đúng: D. Một tấm gương kiên trì về ý chí vượt khó vươn lên, người thầy mẫu mực trong dạy chữ, dạy người.
Chọn D.
Câu 15 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
- Phân tích các đáp án, xác định hoàn cảnh đất nước ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Cách giải:
Hoàn cảnh đất nước ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh là thực dân Pháp xâm lược và từng bước áp đặt ách cai trị ở Việt Nam. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và đến cuối thế kỷ XIX, chúng cơ bản hoàn thành việc thiết lập bộ máy cai trị.
Chế độ thực dân phong kiến tàn bạo khiến nhân dân Việt Nam khổ cực, mất nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng yêu nước và quyết tâm tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.
Các đáp án khác loại vì:
- B. Các phong trào yêu nước chống Pháp đều thành công => Sai, vì các phong trào chống Pháp của các bậc tiền bối (Cần Vương, Đông Du, Duy Tân…) đều thất bại.
- C. Hai miền Nam – Bắc thống nhất => Chỉ xảy ra vào năm 1975, sau khi Hồ Chí Minh qua đời.
- D. Đất nước bỏ qua tư bản chủ nghĩa tiến đến xã hội chủ nghĩa => Đây là chủ trương của Đảng sau năm 1954 ở miền Bắc, nhưng không phải hoàn cảnh tác động đến sự nghiệp Hồ Chí Minh từ ban đầu.
Chọn A.
Câu 16 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
- Xác định, phân tích các đáp án.
Cách giải:
Từ việc bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” không được Hội nghị Véc-xai (1919) chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Muốn được giải phóng, các dân tộc thuộc địa chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Ban đầu, Người gửi bản yêu sách với hy vọng các cường quốc phương Tây sẽ ủng hộ quyền tự do, dân chủ cho Việt Nam. Tuy nhiên, yêu sách không được chấp nhận, khiến Người nhận ra rằng các nước tư bản không quan tâm đến quyền lợi của các dân tộc bị áp bức.
Người đi đến kết luận quan trọng: Chỉ có thể dựa vào sức mạnh tự thân của nhân dân để giành độc lập, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước tư bản.
Các đáp án khác loại vì:
- A. Phải dựa vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa => Sai, vì lúc đó (1919), chưa có Liên Xô và Nguyễn Ái Quốc chưa tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin.
- C. Phải liên hệ mật thiết với phong trào công nhân quốc tế => Sai, điều này chỉ đúng sau khi Người tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng chưa phải bài học rút ra từ sự kiện 1919.
- D. Chỉ có thể đi theo con đường cách mạng tư sản => Sai, vì Người nhận ra rằng cách mạng tư sản không thể giải phóng triệt để dân tộc thuộc địa.
Chọn B.
Câu 17 (TH):
Phương pháp:
- Xác định từ khoá trong câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
- Xác định thời gian.
Cách giải:
Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi ngày 17-7-1966. Thời điểm này, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, tăng cường ném bom phá hoại.
Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh nhằm động viên tinh thần toàn dân, kêu gọi cả nước kháng chiến chống Mỹ, khẳng định quyết tâm giành độc lập.
Các phương án khác loại vì:
- Lời kêu gọi ngày 19-12-1946 kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp.
- Thư chúc Tết đầu xuân 1969 là lời chúc đầu năm, mang ý nghĩa động viên chung.
- Bản Di chúc ngày 9-9-1969 không phải là thời điểm phát biểu câu nói này.
Chọn B.
Câu 18 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
- Xác định những ảnh hưởng của mẹ Chủ tịch Hồ chí Minh đối với cuộc đời và sự nghiệp của Người.
Cách giải:
Bà Hoàng Thị Loan – mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, nhân cách của Người, thể hiện qua:
- Là người cần mẫn, nhân hậu, có học thức, luôn lo lắng, chăm sóc gia đình.
- Nuôi dạy con bằng tình yêu thương và những điệu hò, câu ví dân ca xứ Nghệ, góp phần hình thành tâm hồn yêu nước, yêu quê hương của Hồ Chí Minh.
Các đáp án khác không chính xác:
- A. Một sĩ phu yêu nước lãnh đạo phong trào đấu tranh => Sai, vì bà Hoàng Thị Loan không phải là một lãnh đạo phong trào yêu nước.
- C. Tiếp xúc với sách báo mới, bàn luận về phong trào yêu nước => Đây là ảnh hưởng từ cha và môi trường học tập của Nguyễn Tất Thành.
- D. Tấm gương kiên trì vượt khó, người thầy mẫu mực => Đây là ảnh hưởng từ cha ông, Nguyễn Sinh Sắc.
=> Đáp án đúng: B. Người cần mẫn, nhân hậu, có học thức; nuôi dưỡng các con bằng tình yêu thương và những điệu hò câu ví của dân ca xứ Nghệ.
Chọn B.
Câu 19 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định nội dung công tác đảm bảo tương lai đất nước của Người.
Cách giải:
Trong Di chúc (1969), Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”
Người cho rằng muốn đất nước phát triển, phải chú trọng đào tạo lớp thanh niên có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, đủ khả năng kế thừa và phát triển sự nghiệp cách mạng.
Đây vẫn là bài học quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay.
Chọn C.
Câu 20 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định hình thức mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền.
Cách giải:
Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Ngày 15/8/1945, Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, tạo thời cơ vàng để nhân dân ta giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Từ 14 - 28/8/1945, nhân dân trên cả nước đã nổi dậy giành chính quyền nhanh chóng và ít đổ máu.
Loại trừ các đáp án:
(A) Sai: Cuộc khởi nghĩa dựa vào toàn dân, không chỉ lực lượng vũ trang.
(B) Sai: Không có ba thứ quân trong giai đoạn này, lực lượng chủ yếu là Việt Minh và quần chúng nhân dân.
(C) Sai: Tổng khởi nghĩa bắt đầu sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh (không phải trước đó).
Chọn D.
Câu 21 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định tác phẩm Hồ Chí Minh viết để tố cáo tội ác thực dân Pháp.
Cách giải:
Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được Hồ Chí Minh viết năm 1925 bằng tiếng Pháp, vạch trần chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa.
Chọn B.
Câu 22 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định cơ quan Quốc tế Cộng sản Hồ Chí Minh từng làm việc.
Cách giải:
Năm 1924, Hồ Chí Minh làm việc tại Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Đây là cơ quan chuyên nghiên cứu và hỗ trợ phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Chọn B.
Câu 23 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
- Phân tích suy luận các đáp án.
Cách giải:
Trong giai đoạn 1911-1920, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua nhiều nước tư bản như Anh, Pháp, Mỹ để tìm hiểu tình hình quốc tế.
Năm 1919, ông gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xai nhưng không được đáp ứng.
Năm 1920, sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin, ông tìm ra con đường cứu nước dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Chọn A.
Câu 24 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Cách giải:
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia các hoạt động chính trị tại Pháp, trở thành thành viên của Đảng Xã hội Pháp.
Năm 1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tours, ông bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Chọn B.
PHẦN II: TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 25 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, Hồ Chí Minh không chỉ lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về tư tưởng, văn hóa. Năm 1987, UNESCO đã công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
b) Sai, “Nhật ký trong tù” được Hồ Chí Minh viết vào giai đoạn 1942-1943, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc. Còn “Đường Kách mệnh”, một tác phẩm lý luận cách mạng, được xuất bản vào năm 1927.
c) Sai, Hồ Chí Minh không chỉ lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà còn luôn đề cao chủ nghĩa quốc tế vô sản, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam gia nhập Quốc tế Cộng sản và nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
d) Sai, Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập mà còn là kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Các nguyên tắc về đạo đức cách mạng, tinh thần dân chủ, đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững vẫn được Đảng và Nhà nước Việt Nam kế thừa và phát huy.
Câu 26 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Sai, cơ cấu kinh tế Việt Nam bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.
b) Sai, đoạn tư liệu trên đề cập đến thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đồi mới trên lĩnh vực kinh tế.
c) Đúng, phát huy nội lực, đồng thời coi trọng huy động các nguồn ngoại lực đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
d) Sai, Việt Nam vẫn đang trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Câu 27 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, đoạn tư liệu nhấn mạnh mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, cho rằng hai yếu tố này cần được kết hợp ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển.
b) Sai, Việt Nam chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội ngay từ đầu, chứ không phải tập trung phát triển kinh tế trước rồi mới quan tâm đến xã hội.
c) Đúng, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của các doanh nghiệp, thông qua việc tạo việc làm, đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
d) Sai, chính sách an sinh xã hội của Việt Nam không chỉ tập trung vào giảm nghèo, mà còn hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục,...
Câu 28 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Sai, Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, không phải gia đình nông dân nghèo. Cha của Người là Nguyễn Sinh Sắc, một trí thức từng đỗ Phó bảng trong khoa thi Hương.
b) Đúng, năm 1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tours, Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, đồng thời trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Marx - Lenin, định hướng con đường cách mạng của Hồ Chí Minh.
c) Sai, Đảng Cộng sản Việt Nam được Hồ Chí Minh thành lập vào năm 1930, không phải năm 1945. Đảng đóng vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng, từng bước đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
d) Đúng, bên cạnh sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, Hồ Chí Minh còn để lại di sản lớn về tư tưởng, đạo đức và phong cách cách mạng. Những quan điểm của Người về đoàn kết dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đạo đức cách mạng và chiến lược đấu tranh vẫn có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam và thế giới ngày nay.

