

Đề thi học kì 2 Lịch sử 12 - Đề số 1>
Tải vềCâu 1: Theo quan điểm đối mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa đổi mới kinh tế và chính trị có mối quan hệ như thế nào? A. Tách bạch với nhau. B. Gắn liền với nhau. C. Chính trị quyết định hơn. D. Chính trị là trọng tâm.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Hoá - Sinh - Sử - Địa
Đề bài
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1: Theo quan điểm đối mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa đổi mới kinh tế và chính trị có mối quan hệ như thế nào?
A. Tách bạch với nhau.
B. Gắn liền với nhau.
C. Chính trị quyết định hơn.
D. Chính trị là trọng tâm.
Câu 2: Đâu không phải là nội dung của Ba chương trình kinh tế được thực hiện trong kế hoạch 5 năm 1986-1990?
A. Lương thực - thực phẩm.
B. Hàng nội địa.
C. Hàng tiêu dùng.
D. Hàng xuất khẩu.
Câu 3: Phương án nào sau đây không phải là nội dung đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn từ năm 2006 đến nay?
A. Hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
B. Kiềm chế lạm phát phi mã, từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
C. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
D. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức.
Câu 4: Những hoạt động đối ngoại của nhà yêu nước Phan Bội Châu diễn ra đầu thế kỷ XX nhằm mục đích nào sau đây?
A. Tìm kiếm sự giúp đỡ để chống Pháp.
B. Hợp tác kinh tế với các nước láng giềng.
C. Thành lập liên minh để chống phát xít.
D. Thiết lập liên minh quân sự ở châu Á.
Câu 5: Trong những năm 1947 - 1949, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hoạt động đối ngoại nào sau đây để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc?
A. Thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao tại một số nước châu Á.
B. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
C. Thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Pháp.
D. Đàm phán, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Câu 6: Nội dung nào sau đây phản ánh đúng sự thay đổi trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế trong thời kỳ Đổi mới (từ năm 1986)?
A. Từ đa dạng hóa quan hệ đối ngoại sang tập trung phát triển quan hệ với nước lớn.
B. Từ hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động, tích cực hội nhập toàn diện và sâu rộng.
C. Từ tập trung vào các nước trong khu vực sang hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu.
D. Từ phát triển quan hệ đa phương sang tập trung vào các đối tác chiến lược toàn diện.
Câu 7: Mục tiêu chủ yếu của hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX là gì?
A. Xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước đế quốc.
B. Hợp tác với Nhật Bản để kháng chiến chống Pháp.
C. Tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong công cuộc đấu tranh giành độc lập.
D. Đàm phán với thực dân Pháp để giành quyền tự trị.
Câu 8: Trong những năm 1920-1930, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn nước nào làm trung tâm hoạt động cách mạng quốc tế?
A. Nhật Bản
B. Trung Quốc
C. Liên Xô
D. Anh
Câu 9: Đâu không phải nội dung của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam?
A. Kinh tế đối ngoại phát triển.
B. Thị trường xuất, nhập khẩu mở rộng.
C. Thị trường xuất khẩu giảm.
D. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh chóng.
Câu 10: Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được tiếp thu tư tưởng tiến bộ từ sách báo Pháp và các thầy giáo yêu nước Việt Nam, họ là ai?
A. Thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Mến.
B. Thầy Phạm Văn Nghị, thầy Lê Văn Mến.
C. Thầy Nguyễn Văn Ôn, thầy Nguyễn Hữu Huân.
D. Thầy Nguyễn Thông, thầy Hồ Xuân Nghiệp.
Câu 11: Cách thức tìm kiếm con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có điểm gì tiến bộ so với các bậc tiền bối?
A. Học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến.
B. Khảo sát trên một phạm vi rộng.
C. Trải qua quá trình lao động để tiếp thu chân lí.
D. Khảo sát trên phạm vi rộng và lao động thực tế để tiếp cận chân lí.
Câu 12: Đâu không phải là thành tựu về chính trị, an ninh – quốc phòng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam?
A. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao.
B. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.
C. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
D. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố tăng cường.
Câu 13: Nội dung nào sau đây phản ánh đúng về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam?
A. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đang khủng hoảng sâu sắc.
B. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra chậm chạp do những khó khăn, cản trở tác động từ bên ngoài.
C. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra từng bước, từ hội nhập kinh tế quốc tế đến hội nhập toàn diện, sâu rộng.
D. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra từng bước, từ hội nhập văn hóa đến hội nhập kinh tế, chính trị, xã hội.
Câu 14: Nội dung nào sau đây không phải là thành tựu về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam?
A. Có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được ghi danh là Di sản thế giới.
B. Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế.
C. Tham gia, kí kết các hiệp ước, hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.
D. Đề xuất sáng kiến, tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
Câu 15: Nhận xét nào sau đây là đúng về đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 12 - 1986 đến nay)?
A. Đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ chính trị, tư tưởng đến văn hoá, xã hội.
B. Đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những biện pháp mang tính đột phá hơn.
C. Có những bước đi thích hợp để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
D. Đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị nhưng trọng tâm là chính trị.
Câu 16: Từ những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Cuba (từ năm 1991) cho thấy
A. Chủ nghĩa xã hội gắn liền với kinh tế thị trường do tư nhân quản lý.
B. Chủ nghĩa tư bản đã không còn là hệ thống trên phạm vi toàn thế giới.
C. Chủ nghĩa xã hội vẫn phát triển mạnh, đã mở rộng không gian địa lý.
D. Sức sống của chủ nghĩa xã hội trong một thế giới đang biến động.
Câu 17: Vì sao Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước?
A. Vì Pháp là kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta.
B. Nơi đặt trụ sở của Quốc tế Cộng sản – tổ chức ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
C. Để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào mình.
D. Nơi diễn ra các cuộc cách mạng tư sản nổi tiếng.
Câu 18: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5-1941) quyết định thành lập
A. Mặt trận Việt Minh.
B. Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
C. chính quyền Xô Viết.
D. chính phủ công nông binh.
Câu 19: Nội dung chủ yếu của bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) do Hồ Chí Minh soạn thảo là gì?
A. Tố cáo tội ác thực dân Pháp.
B. Đề cao tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.
C. Khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
D. Kêu gọi các nước công nhận nền độc lập của Việt Nam.
Câu 20: Hồ Chí Minh từng sử dụng bút danh nào khi viết báo, làm thơ trong thời kỳ hoạt động cách mạng?
A. Nguyễn Ái Quốc, Văn Ba.
B. Trần Phú, Lê Hồng Phong.
C. Lý Thụy, Phan Bội Châu.
D. Tôn Đức Thắng, Trường Chinh.
Câu 21: Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với nhân dân Pháp tiến bộ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu (1949-1950) đem lại tác dụng nào sau đây?
A. Tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước đối với cuộc kháng chiến.
B. Đặt cơ sở cho Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
C. Buộc Chính phủ Trung Hoa Dân quốc rút hết quân ra khỏi Việt Nam.
D. Tạo điều kiện thuận lợi để miền Bắc Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.
Câu 22: Trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1954 đến năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh có hoạt động nổi bật nào sau đây?
A. Lãnh đạo quân dân miền Nam tiến hành cuộc cải cách ruộng đất ở vùng giải phóng.
B. Xây dựng lực lượng ba thứ quân và trực tiếp lãnh đạo phong trào Đồng khởi (1960).
C. Chủ trì và chỉ đạo xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1960).
D. Xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Câu 23: Thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp khi tiến hành công cuộc đổi mới là
A. Tự túc được một phần lương thực.
B. Trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
C. Trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất Đông Nam Á.
D. Đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.
Câu 24: Nội dung nào sau đây là một trong những bài học kinh nghiệm của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay?
A. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, từ đổi mới chính trị, xã hội đến đổi mới kinh tế, văn hóa.
B. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân.
C. Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
D. Không thay đổi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, tự lực tự cường trong quá trình đổi mới.
PHẦN II: TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 25: Cho đoạn tư liệu sau:
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xai năm 1919 đánh dấu bước đầu trong hoạt động đối ngoại của cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế. Giai đoạn 1919-1923, ông tích cực hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc ở Pháp, thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và làm chủ bút báo Người cùng khổ (Le Paria). Năm 1920, ông tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp tại Tours, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những hoạt động này đã đặt nền móng cho việc gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản quốc tế và phong trào đấu tranh của các nước thuộc địa.
(Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị Quốc gia, 2011)
a) Sự kiện Nguyễn Ái Quốc gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xai năm 1919 là dấu mốc đầu tiên trong hoạt động đối ngoại của cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế.
b) Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập Hội Liên hiệp Thuộc địa ở Pháp nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức chống lại chủ nghĩa thực dân.
c) Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã phản đối việc gia nhập Quốc tế Cộng sản vì lo ngại chủ nghĩa cộng sản không phù hợp với Việt Nam.
d) Việc Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp không có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam.
Câu 26: Cho đoạn tư liệu sau
"Chúng ta không thể né tránh, kiêng kị cơ chế thị trường, vì đó là sự vận động của quy luật khách quan ngoài ý muốn của ta. Trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chúng ta đã bác bỏ cơ chế thị trường, làm trái quy luật khách quan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài, rốt cuộc vẫn phải bị động chạy theo tính tự phát của thị trường tự do. Đó là sai lầm cần phải khắc phục".
(Trường Chinh, Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, NXB Sự thật, Hà Nội, 1988, tr.65)
a) Từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, kinh tế - xã hội Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng.
b) Đoạn tư liệu trên cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được yêu cầu phải đổi mới đất nước.
c) Đổi mới là vấn đề cấp bách có ý nghĩa sống còn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là phù hợp với xu thế chung của thời đại.
d) “Sai lầm cần phải khắc phục” ở đây là trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chúng ta đã thực hiện cơ chế thị trường, làm đúng quy luật khách quan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài.
Câu 27: Cho đoạn tư liệu sau:
Đầu thế kỷ XX, trước sự thống trị của thực dân Pháp, các sĩ phu yêu nước Việt Nam đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để giành lại độc lập. Phan Bội Châu và Duy Tân hội đã chủ trương sang Nhật Bản để cầu viện và học tập mô hình duy tân của nước này, hình thành phong trào Đông Du (1905-1909). Tuy nhiên, do áp lực của Pháp, Nhật đã trục xuất các du học sinh Việt Nam. Sau đó, Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan) và Lào, nhằm xây dựng lực lượng cách mạng. Đến năm 1912, ông thành lập Việt Nam Quang phục hội tại Quảng Đông (Trung Quốc), kêu gọi đấu tranh vũ trang chống Pháp.
(Phan Bội Châu, Hồi ký Phan Bội Châu, NXB Văn học, 2000)
a) Phong trào Đông Du (1905-1909) do Phan Bội Châu và Duy Tân hội tổ chức nhằm đưa thanh niên Việt Nam sang Pháp du học.
b) Nhật Bản đã đồng ý giúp đỡ Phan Bội Châu và các du học sinh Việt Nam chống Pháp đến năm 1912.
c) Sau khi phong trào Đông Du thất bại, Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan) và Lào.
d) Việt Nam Quang phục hội được thành lập vào năm 1912 tại Quảng Đông (Trung Quốc) với mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam thông qua con đường ngoại giao với thực dân Pháp.
Câu 28: Đọc đoạn tư liệu dưới đây, chọn đúng hoặc sai
“Nền kinh tế thị truờng định hương xã hội chủ nghĩa ở muớc ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo co chế thị truờng có sự quản li của Nhà muớc duới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vùa tuân theo nhũ̃ng quy luậ của kinh tế thị truờng, vùa dưa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.
(Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thử XI, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.204-205)
a) Giai đoạn đầu công cuộc Đổi mới, Việt Nam phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
b) Nền kinh tế Việt Nam hiện nay được gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
c) Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không có thành phần kinh tế tư nhân.
d) Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người làm chủ là nhân dân lao động.
----- HẾT -----
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Xác định mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế.
Cách giải:
Theo quan điểm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Đổi mới kinh tế là trọng tâm, nhưng để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần có đổi mới về chính trị theo hướng phù hợp.
Chọn B.
Câu 2 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về Công cuộc Đổi mới.
- Xác định nội dung của Ba chương trình kinh tế thực hiện trong kế hoạch 5 năm.
Cách giải:
Ba chương trình kinh tế lớn trong kế hoạch 5 năm 1986-1990 bao gồm:
- Chương trình lương thực - thực phẩm.
- Chương trình hàng tiêu dùng.
- Chương trình hàng xuất khẩu.
=> “Hàng nội địa” không phải là một trong ba chương trình này.
Chọn B.
Câu 3 (TH):
Phương pháp:
Loại trừ phương án.
Cách giải:
Kiềm chế lạm phát phi mã, từng bước thoát khỏi khủng hoảng không phải là nội dung đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn từ năm 2006 đến nay.
Chọn B.
Câu 4 (TH):
Phương pháp:
Loại trừ phương án.
Cách giải:
Những hoạt động đối ngoại của nhà yêu nước Phan Bội Châu diễn ra đầu thế kỷ XX nhằm mục đích tìm kiếm sự giúp đỡ để chống thực dân Pháp.
Chọn A.
Câu 5 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung hoạt động đối ngoại ở Việt Nam (1947 – 1949).
Cách giải:
Trong những năm 1947 - 1949, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc là thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao tại một số nước châu Á.
Chọn A.
Câu 6 (VD):
Phương pháp:
Phân tích, loại trừ đáp án.
Cách giải:
A, C, D loại, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn chú trọng đa dạng hoá quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
=> Từ hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động, tích cực hội nhập toàn diện và sâu rộng phản ánh đúng sự thay đổi trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế trong thời kỳ Đổi mới (từ năm 1986).
Chọn B.
Câu 7 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
- Xác định mục tiêu chủ yếu của hoạt động đối ngoại.
Cách giải:
Đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào yêu nước hướng ra quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ và học hỏi mô hình đấu tranh. Ví dụ, Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu tìm đến Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp và Liên Xô nhằm tìm kiếm con đường cứu nước hiệu quả.
Chọn C.
Câu 8 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hoạt động đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
- Xác định quốc gia Nguyễn Ái Quốc lực chọn làm trung tâm hoạt động cách mạng quốc tế.
Cách giải:
Nguyễn Ái Quốc tham gia Quốc tế Cộng sản và được đào tạo về lý luận cách mạng tại Liên Xô. Ông tiếp thu tư tưởng Mác – Lênin, từ đó xác định con đường cách mạng vô sản cho Việt Nam.
Chọn C.
Câu 9 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu của công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
Cách giải:
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
- A. Kinh tế đối ngoại phát triển => Đúng vì hội nhập giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế.
- B. Thị trường xuất, nhập khẩu mở rộng => Đúng vì hội nhập giúp gia tăng trao đổi thương mại.
- D. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh chóng => Đúng vì hội nhập thu hút vốn FDI.
- C. Thị trường xuất khẩu giảm => Sai vì hội nhập giúp mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không làm giảm.
Chọn C.
Câu 10 (TH):
Phương pháp:
Cách giải:
Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế (1906-1909), Nguyễn Tất Thành tiếp thu tư tưởng tiến bộ từ các thầy giáo yêu nước như Nguyễn Thông và Hồ Xuân Nghiệp.
- Thầy Nguyễn Thông: Nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn, có tư tưởng cải cách tiến bộ.
- Thầy Hồ Xuân Nghiệp: Một nhà giáo yêu nước, có ảnh hưởng đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành.
Các đáp án khác loại vì những nhân vật trong đó không phải thầy giáo của Nguyễn Tất Thành tại Trường Quốc học Huế.
Chọn D.
Câu 11 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại cách thức tìm kiếm con đường cứu nước của các bậc tiền bối.
- So sánh cách thức tìm đường cứu nước của các bậc tiền bối với con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.
- Xác định điểm tiến bộ hơn.
Cách giải:
Cách thức tìm kiếm con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có điểm tiến bộ hơn các bậc tiền bối ở chỗ ông khảo sát trên phạm vi rộng và trực tiếp lao động để tiếp cận chân lý cách mạng.
Các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh chủ yếu tìm đường cứu nước bằng cách dựa vào Nhật hoặc cải cách theo mô hình phương Tây.
Nguyễn Ái Quốc không đi theo con đường này mà quyết định tự tìm hiểu thực tế, khảo sát nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ và trải qua lao động thực tế để nhận ra con đường cách mạng vô sản.
Chọn D.
Câu 12 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu của công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
Cách giải:
Thành tựu trong lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng tập trung vào việc xây dựng bộ máy nhà nước, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng và an ninh quốc gia.
- B. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh => Đúng, vì cải cách hành chính và pháp luật là một thành tựu quan trọng.
- C. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả => Đúng, vì đổi mới giúp tinh gọn bộ máy nhà nước.
- D. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố tăng cường => Đúng, vì quốc phòng toàn dân là yếu tố quan trọng trong công cuộc đổi mới.
- A. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao => Sai, vì đây là thành tựu về kinh tế - xã hội, không thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng.
Chọn A.
Câu 13 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu của công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
- Xác định phản ánh đúng về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cách giải:
Hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra theo lộ trình từng bước, ban đầu tập trung vào hội nhập kinh tế, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Loại trừ các phương án:
- A. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đang khủng hoảng sâu sắc => Sai, vì vào thời điểm hội nhập, Việt Nam đã có những thành tựu ổn định về kinh tế - xã hội.
- B. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra chậm chạp do những khó khăn, cản trở tác động từ bên ngoài => Sai, vì Việt Nam tích cực hội nhập, không phải chậm chạp.
- D. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra từng bước, từ hội nhập văn hóa đến hội nhập kinh tế, chính trị, xã hội => Sai, vì Việt Nam hội nhập kinh tế trước, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Chọn C.
Câu 14 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu của công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
- Xác định nội dung không phản ánh đúng về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cách giải:
Hội nhập quốc tế của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – công nghệ. Việc có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được ghi danh là Di sản thế giới là thành tựu về văn hóa, nhưng không phản ánh trực tiếp quá trình hội nhập quốc tế.
- B. Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế => Đúng, vì Việt Nam đã thiết lập quan hệ với nhiều nước, tham gia ASEAN, WTO, CPTPP,...
- C. Tham gia, kí kết các hiệp ước, hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực => Đúng, vì Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định thương mại và hợp tác quốc tế.
- D. Đề xuất sáng kiến, tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực => Đúng, vì Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong ASEAN, LHQ, APEC,...
Chọn A.
Câu 15 (VD):
Phương pháp:
Phân tích, rút ra nhận xét.
Cách giải:
A loại, đổi mới toàn diện và đồng bộ, đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị, văn hoá – xã hội.
B loại, đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
D loại, trong công cuộc đổi mới, trọng tâm là kinh tế.
=> Có những bước đi thích hợp để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là đúng về đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 12 - 1986 đến nay).
Chọn C.
Câu 16 (VD):
Phương pháp:
Phân tích, loại trừ đáp án.
Cách giải:
Từ những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Cuba (từ năm 1991) cho thấy sức sống của chủ nghĩa xã hội trong một thế giới đang biến động.
Chọn D.
Câu 17 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và hoạt động cứu nước.
- Phân tích các đáp án, xác định lý do Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Cách giải:
Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước vì ông muốn tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào mình. Khi chứng kiến các phong trào yêu nước đương thời thất bại, ông cho rằng cần phải đi ra nước ngoài để tìm hiểu nguyên nhân và con đường giải phóng dân tộc.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Việt Nam sang Pháp với mục đích “tìm hiểu xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình”.
Các đáp án khác loại vì:
- Pháp là kẻ thù của nhân dân ta, nhưng đây không phải là lý do chính khiến ông chọn đi phương Tây.
- Quốc tế Cộng sản chỉ thành lập năm 1919, sau khi Nguyễn Ái Quốc đã ra đi từ lâu.
- Cách mạng tư sản diễn ra ở phương Tây, nhưng mục tiêu của ông không chỉ học về cách mạng tư sản mà còn tìm hiểu nhiều mô hình khác nhau.
Chọn C.
Câu 18 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Khái quát về cuộc đời và hoạt động cứu nước của Hồ Chí Minh.
- Phân tích các đáp án.
Cách giải:
Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Mục tiêu của hội nghị là tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt lên hàng đầu trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra.
Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) ra đời nhằm tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết đấu tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp.
Các đáp án khác loại vì:
- Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập từ năm 1936 trong cao trào dân chủ.
- Chính quyền Xô Viết xuất hiện trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931).
- Chính phủ công nông binh là hình thức chính quyền cách mạng của Xô Viết Nghệ - Tĩnh, không phải quyết định của Hội nghị Trung ương 8 năm 1941.
Chọn A.
Câu 19 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định nội dung chủ yếu của bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo.
Cách giải:
Bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng trích dẫn tuyên ngôn của Mỹ và Pháp về quyền con người, sau đó khẳng định Việt Nam có quyền được độc lập, bác bỏ mọi sự đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Chọn C.
Câu 20 (NB):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định bút danh Hồ Chí Minh từng sử dụng khi viết báo, làm thơ trong thời kỳ hoạt động.
Cách giải:
Hồ Chí Minh có hơn 170 bút danh trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là bút danh nổi bật khi Người hoạt động ở Pháp, còn Văn Ba là tên giả khi làm bồi tàu lúc ra đi tìm đường cứu nước.
Chọn A.
Câu 21 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định tác dụng của việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với Pháp, Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu.
Cách giải:
Giai đoạn 1949 – 1950, Hồ Chí Minh thúc đẩy ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu, giúp Việt Nam có thêm sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và vũ khí.
Các phương án khác không chính xác vì:
(B) ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) chưa ra đời vào thời điểm đó.
(C) Trung Hoa Dân quốc rút khỏi Việt Nam từ 1946, không liên quan đến ngoại giao 1949-1950.
(D) Miền Bắc mới có điều kiện lên chủ nghĩa xã hội sau 1954, không phải 1949-1950.
Chọn A.
Câu 22 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc.
- Xác định hoạt động nổi bật của Hồ Chí Minh trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1954 đến năm 1969).
Cách giải:
Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng lực lượng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) để đáp ứng yêu cầu chiến tranh nhân dân.
Phong trào Đồng Khởi (1960) do Đảng lãnh đạo, được Hồ Chí Minh chỉ đạo, mở đầu cho đấu tranh vũ trang tại miền Nam.
Các phương án khác không chính xác vì:
(A) Cải cách ruộng đất diễn ra ở miền Bắc, không phải miền Nam.
(C) Đại hội Đảng lần II tổ chức năm 1951, Đại hội III mới diễn ra năm 1960.
(D) Miền Nam chưa thể xây dựng chủ nghĩa xã hội do đang đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chọn B.
Câu 23 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu của công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
Cách giải:
Trước Đổi mới, Việt Nam phải nhập khẩu lương thực. Sau Đổi mới, Việt Nam không chỉ tự túc lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn.
- A. Tự túc được một phần lương thực => Sai, vì Việt Nam không chỉ tự túc mà còn xuất khẩu.
- C. Trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất Đông Nam Á => Sai, vì có thời điểm Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không chỉ Đông Nam Á.
- D. Đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu => Tuy đúng nhưng chưa phải là thành tựu lớn nhất.
Chọn B.
Câu 24 (TH):
Phương pháp:
- Xem lại nội dung Thành tựu và bài học kinh nghiệm trong công cuộc Đổi mới.
- Phân tích, loại trừ các đáp án.
- Xác định bài học kinh nghiệm của công cuộc Đổi mới.
Cách giải:
Một trong những bài học quan trọng của Đổi mới là đổi mới phải gắn với lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Nhân dân là động lực và mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.
Loại trừ các phương án:
- A. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, từ đổi mới chính trị, xã hội đến đổi mới kinh tế, văn hóa => Sai, vì Việt Nam chủ trương đổi mới trước hết về kinh tế, sau đó mới từng bước đổi mới chính trị – xã hội.
- C. Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam => Sai, vì đây là mục tiêu chiến lược, không phải bài học kinh nghiệm của Đổi mới.
- D. Không thay đổi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, tự lực tự cường trong quá trình đổi mới => Sai, vì bài học kinh nghiệm tập trung vào cách thức thực hiện đổi mới chứ không phải việc giữ nguyên mục tiêu.
Chọn B.
PHẦN II: TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 25 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, đây là lần đầu tiên một người Việt Nam tranh đấu cho quyền lợi dân tộc trên diễn đàn quốc tế. Mặc dù bản yêu sách không được chấp nhận, sự kiện này đánh dấu bước đầu Nguyễn Ái Quốc đưa cách mạng Việt Nam ra thế giới.
b) Đúng, Hội Liên hiệp Thuộc địa là tổ chức do Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ yêu nước của các nước thuộc địa sáng lập. Hội ra đời nhằm kêu gọi đoàn kết, đấu tranh chống ách thống trị của thực dân, tạo tiền đề cho phong trào giải phóng dân tộc.
c) Sai, Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tours năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Ông cho rằng đây là con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, từ đó đặt nền móng cho tư tưởng cách mạng Việt Nam sau này.
d) Sai, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp không chỉ giúp ông tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản mà còn tạo cơ sở cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Nhờ vào sự kết nối với phong trào cộng sản quốc tế, ông đã có những bước chuẩn bị quan trọng về lý luận và tổ chức để dẫn dắt cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.
Câu 26 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, kinh tế - xã hội Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng.
b) Đúng, đoạn tư liệu trên cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được yêu cầu phải đổi mới đất nước.
c) Đúng, đổi mới là vấn đề cấp bách có ý nghĩa sống còn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là phù hợp với xu thế chung của thời đại.
d) Sai, “Sai lầm cần phải khắc phục” ở đây là trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chúng ta đã bác bỏ cơ chế thị trường, làm đúng quy luật khách quan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài.
Câu 27 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích, xác định tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Sai, phong trào Đông Du nhằm đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học, không phải Pháp.
b) Sai, Nhật Bản ban đầu ủng hộ nhưng do áp lực của thực dân Pháp, họ đã trục xuất các du học sinh Việt Nam trước năm 1912.
c) Đúng, Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, Phan Bội Châu tìm kiếm cơ hội hoạt động ở Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan) và Lào để tiếp tục đấu tranh.
d) Sai, Việt Nam Quang phục hội được Phan Bội Châu thành lập năm 1912 tại Quảng Đông (Trung Quốc) với mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập cho Việt Nam. Hội chủ trương đấu tranh vũ trang chứ không phải thương thuyết ngoại giao với Pháp. Điều này thể hiện qua các hoạt động như vận động kiều bào ủng hộ tài chính, tổ chức ám sát và khởi nghĩa. Tuy nhiên, do lực lượng còn yếu và gặp nhiều khó khăn, hội không thể đạt được mục tiêu đề ra, dẫn đến sự suy yếu dần và thất bại.
Câu 28 (VD):
Phương pháp:
- Xem lại đoạn tư liệu.
- Phân tích tính đúng/sai ở mỗi ý.
Cách giải:
a) Đúng, giai đoạn đầu công cuộc Đổi mới (1986), Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần để khắc phục hạn chế của mô hình kế hoạch hóa tập trung.
b) Đúng, Hiện nay, Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp giữa quy luật kinh tế thị trường với sự quản lý của Nhà nước.
c) Sai, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng, được khuyến khích phát triển.
d) Đúng, Nhà nước khẳng định nhân dân lao động là chủ thể của nền kinh tế, thông qua vai trò quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng.

