Đề thi học kì 1 Văn 9 - Kết nối tri thức

Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 2


Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: NỖI OÁN SẦU NGƯỜI CUNG NỮ

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

NỖI OÁN SẦU NGƯỜI CUNG NỮ

1. Trong cung quế âm thầm chiếc bóng

Đêm năm canh trông ngóng lần lần,

Khoảnh làm chi, bấy chúa xuân

Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.

5. Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ

Gác thừa lương thức ngủ thu phong,

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng

Gương loan bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi,

Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm

10. Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ

Thâm khuê vắng ngắt như tờ,

Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,

Dấu dương xa đám cỏ quanh co

15. Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu,

Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.

(Những khúc ngâm chọn lọc, tập I, NXB Giáo dục, 1994, tr.153-154)

Nguyễn Gia Thiều:

- Ông thuộc gia đình quý tộc, xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như ý Thiền).

- Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở từ điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông có được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.

- Cung oán ngâm khúc:

+ Hoành cảnh ra đời: Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc theo thể thơ song thất lục bát gồm 356 dòng vào cuối thế kỉ XIX, khi XH Việt Nam đang đi vào suy thoái với lối sống hưởng thụ, ăn chơi sa đọa của vua chúa và sự lầm than của nhân dân. Những số phận bất hạnh không chỉ có người nông dân mà còn có những cung nữ.

+ Tóm tắt nội dung tác phẩm: Cung oán ngâm khúc là bài ca ai oán của người cung nữ có tài sắc, trước được vưa yêu chuộng, sủng ái, nhưng chẳng bao lâu bị ruồng bỏ. Ở trong cung, nàng xót thương cho thân phận mình và oán trách nhà vua phụ bạc. Qua khúc ngâm, tác giả còn gửi gắm quan niệm của ông về cuộc đời bạc bẽo, phù du. Cả khúc ngâm dài 356 câu với một ngôn ngữ tài hoa, bác học, có nhiều chữ Hán và điển cố. Đoạn trích trên gồm 16 câu (từ câu 245 – 260)

Câu 1 (1.0 điểm): Chỉ ra đặc trưng của thể thơ song thất lục bát được thể hiện trong khổ một của đoạn trích trên.

Câu 2 (1.0 điểm): Em hiểu hai câu thơ sau như thế nào? 

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ, 

Dấu dương xa đám cỏ quanh co

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được thể hiện trong hai câu thơ:

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng

Gương loan bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi

Câu 4 (1.0 điểm): Kể tên một văn bản khác có cùng thể thơ với đoạn trích trên. 

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn nêu cảm nhận về đoạn trích trên.

Câu 2 (4.0 điểm) Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường sống hiện nay.

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Chỉ ra đặc trưng của thể thơ song thất lục bát được thể hiện trong khổ một của đoạn trích trên.

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

- Thể thơ: Song thất lục bát

- Số tiếng: 2 câu thất ngôn (7 tiếng) đan xen với 2 câu lục bát (6 tiếng và 8 tiếng)

- Vần: gieo vần chân, vần lưng. Hiệp vần theo quy định: tiếng cuối của câu thất thứ nhất hiệp vần với tiếng thứ năm của câu thất hai (bóng - ngóng); tiếng cuối của câu thất 2 sẽ hiệp vần với tiếng thứ 6 của câu lục và tiếng thứ 6 của bát (Ví dụ: lần – xuân – dần)

- Thanh điệu: Tuân thủ quy định về thanh điệu ở vị trí một số tiếng nhất định

- Nhịp: câu thất ngôn ngắt nhịp lẻ trước ¾; câu lục bát ngắt nhịp chẵn 2/4 và 4/4…

Câu 2.

Em hiểu hai câu thơ sau như thế nào? 

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ, 

Dấu dương xa đám cỏ quanh co

Phương pháp:

Phân tích nghĩa của từng câu và rút ra nội dung chính

Lời giải chi tiết:

- Giải thích nghĩa từng câu:

+ Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ: dấu xe phượng, cỗ xe chở nhà vua đến với người cung nữ giờ rêu đã lên lỗ chỗ;

+  Dấu dương xa đám cỏ quanh co: dấu vết bánh xe dê kéo nhà vua đến với phi tần cỏ cũng đã mọc quanh co;

- Nghĩa cả hai câu: 

+ Người cung nữ đã một thời được sủng ái, được nhà vui năng tới lui sủng hạnh nhưng đã rất lâu rồi nhà vua không còn ghé tới, không còn đoái thương, nàng cung nữ đã bị thất sủng 

+ Hai câu thơ bộc lộ nỗi xót xa, bẽ bàng, tủi hổ của người cung nữ khi chỉ biết sống trong cô đơn mỏi mỏi, đợi mong vô vọng. 

+ Qua đó thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà văn trước số phận đáng thương của những người cung nữ bị thất sủng.

Câu 3.

Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được thể hiện trong hai câu thơ:

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng

Gương loan bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

- Biện pháp so sánh: phòng tiêu lạnh ngắt như đồng

- Tác dụng:

+ Cách ví von, so sánh giúp cho câu thơ trở nên giàu hình ảnh, tăng sức gợi cảm và sinh động

+ Gợi hình dung căn phòng của người cung nữ trở nên vô cùng lạnh lẽo à từ đó làm nổi bật tâm trạng cô đơn, sầu tủi khi bị thất sủng, bị nhà vua quên lãng.

+ Tác giả bộc lộ niềm cảm thông, thương cảm với số phận bất hạnh của người cung nữ

Câu 4.

Kể tên một văn bản khác có cùng thể thơ với đoạn trích trên. 

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại để xác định các bài thơ khác có cùng thể loại

Lời giải chi tiết:

Nỗi niềm chinh phụ (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

Tiếng đàn mưa (Bích Khê)

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về đoạn trích trên.

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Đoạn trích “Nỗi oán sầu người cung nữ” của Nguyễn Gia Thiều như một bức tranh buồn, phản ánh tâm trạng cô đơn của người phụ nữ sống trong chốn cung cấm. Hình ảnh “cung quế âm thầm chiếc bóng” gợi lên không gian tĩnh lặng, lạnh lẽo, trong khi “đêm năm canh” kéo dài như thử thách nỗi chịu đựng của nhân vật. Mỗi câu thơ đều thấm đượm nỗi buồn và sự chờ đợi vô vọng, tạo nên một bầu không khí u ám. Các hình ảnh như “gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi” không chỉ mô tả sự tan vỡ mà còn là biểu tượng cho những ước mơ, hy vọng vụt tắt. Qua đoạn thơ, ta cảm nhận được sự sâu sắc trong tâm hồn nhạy cảm của người phụ nữ, những khát khao yêu thương và ước vọng tự do. Nguyễn Gia Thiều đã khéo léo vẽ nên một bức tranh tâm lý tinh tế, làm nổi bật nỗi khát khao và bất lực của phận nữ trong xã hội phong kiến.

Câu 2.

Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường sống hiện nay.

Phương pháp:

Vận dụng hiểu biết của mình

Chú ý hình thức của một bài văn (600 chữ) gồm: mở bài, thân bài, kết bài

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề môi trường đang là một thách thức lớn đối với toàn cầu.

- Vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường.

2. Thân bài:

- Thực trạng môi trường hiện nay: Ô nhiễm không khí, nước, đất đai; rác thải nhựa, biến đổi khí hậu.

- Nguyên nhân gây ra vấn đề môi trường: Do con người khai thác tài nguyên quá mức, xả thải bừa bãi,...

- Trách nhiệm của thế hệ trẻ:

+ Nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng.

+ Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng cây, tái chế rác thải.

+ Đóng góp ý tưởng sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật xanh.

- Dẫn chứng: Những tấm gương trẻ góp phần bảo vệ môi trường, phong trào sống xanh,...

3. Kết bài:

- Khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ.

- Kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Bài tham khảo

Môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người. Ô nhiễm không khí, rác thải nhựa, suy thoái đất và biến đổi khí hậu là những vấn đề cấp bách không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta hôm nay mà còn để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ mai sau. Trong bối cảnh đó, thế hệ trẻ - những người kế thừa và làm chủ tương lai - có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn hành tinh xanh cho chính mình và cộng đồng.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đã đạt mức báo động. Theo các báo cáo, lượng rác thải nhựa trên toàn cầu đã vượt qua 300 triệu tấn mỗi năm, trong đó chỉ một phần nhỏ được tái chế. Khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông cũng góp phần làm suy giảm tầng ozon, gây nên hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của con người trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi.

Trong bối cảnh ấy, thế hệ trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với môi trường. Trước hết, mỗi cá nhân trẻ cần thay đổi thói quen sống, từ việc giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần đến việc phân loại rác thải. Những hành động nhỏ như mang theo túi vải khi đi chợ, sử dụng bình nước cá nhân hay tái chế rác cũng góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cần chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chẳng hạn như trồng cây xanh, dọn dẹp rác thải ở khu vực công cộng hoặc tham gia các chiến dịch tuyên truyền về ý thức môi trường. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể áp dụng kiến thức khoa học và công nghệ để đưa ra những sáng kiến sáng tạo, như phát minh sản phẩm thân thiện với môi trường hay nghiên cứu các giải pháp năng lượng tái tạo.

Thực tế đã có nhiều tấm gương sáng trong việc bảo vệ môi trường. Một số bạn trẻ đã khởi xướng các dự án "sống xanh" đầy ý nghĩa, như biến rác thải thành vật liệu hữu ích hoặc tổ chức các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường. Những hành động này không chỉ truyền cảm hứng mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

Thế hệ trẻ chính là những người giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hành tinh xanh. Bằng sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, họ có thể trở thành nhân tố thay đổi tích cực, góp phần xây dựng một tương lai bền vững. Mỗi người, dù nhỏ bé đến đâu, cũng có thể góp phần làm nên sự khác biệt. Vì vậy, ngay từ hôm nay, hãy cùng nhau hành động vì một môi trường trong lành và một trái đất xanh tươi.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 3

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Mỗi ngày chúng ta thức dậy là một ngày mới, một cơ hội mới để sống, làm việc, yêu thương và cống hiến.

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 4

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 5

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên, là mái nhà chung của mọi người. Từng con sông, ngọn núi, mỗi cánh đồng hay làn nước biển đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa và tinh thần bất khuất của cha ông.

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 1

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: "Mỗi người trong chúng ta đều mang theo một ước mơ, một mục đích sống riêng, như những ngọn hải đăng nhỏ bé giữa biển cả cuộc đời.

  • Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 9 - Kết nối tri thức

    Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí