Đề thi học kì 1 Văn 10 - Kết nối tri thức

Đề thi học kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 6

Tải về

Đề thi học kì 1 Văn 10 kết nối tri thức đề số 6 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

 

Môn: Ngữ văn lớp 10

 

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

SỰ TRUNG THỰC CỦA TRÍ THỨC

Theo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Có học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

Không phải lúc nào cũng có một Chu Văn An trước sự lộng hành của đám sủng thần, dám dâng thất trảm sớ và sau khi bị khước từ, kiên quyết từ quan về dạy học.

Không phải lúc nào cũng có anh em thái sử Bá thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận, lôi Bá ra chém. Bá có ba người em. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Trữ quát: “Ba anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?” Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật, nếu xuyên tạc thà bị chết chém còn hơn”.

Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thích từ “kẻ sĩ” lắm. Có lẽ do màu sắc hơi “hoài cổ” của nó chăng? Đạo thánh hiền quả là cao quý và đáng trân trọng nhưng nó là một cái gì đã có. Kẻ sĩ thời nay chính là những trí thức do tính rộng mở của từ này. Nhất là vào thời đại nền kinh tế tri thức phát triển với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt ngành tin học. Người trí thức không những tôn trọng thánh hiền mà còn là kẻ dám mày mò vào cõi không biết, đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai.

Một nước đang phát triển như nước ta cần nhanh chóng đào tạo một đội ngũ trí thức đông đảo để khỏi tụt hậu. Muốn vậy chúng ta phải lập cho được một môi trường lành mạnh trên nền tảng sự trung thực trí thức. Ít lâu nay báo chí nói nhiều đến nạn bằng giả. Đó là một hiện tượng xã hội nghiêm trọng, cần phải loại bỏ. Nhưng theo tôi, nó không nghiêm trọng bằng hội chứng “bằng thật, người giả” vì hội chứng này có nguy cơ gây sự lẫn lộn trong hệ giá trị và làm ô nhiễm môi trường đạo đức một xã hội trung thực, trong đó thật/ giả phải được phân định rạch ròi và minh bạch. Chúng ta thường nói nhiều đến tài năng và trí thức. Nhưng tài năng và trí thức chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực.

(Trích từ Đối thoại với đời & thơ, Lê Đạt, NXB Trẻ, 2008, tr.14-15)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là

A. nghị luận.

B. tự sự.

C. miêu tả.

D. biểu cảm.

Câu 3. Câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá được dẫn trong văn bản thuộc thao tác lập luận gì?

A. Giải thích.

B. Chứng minh.

C. Bình luận.

D. Bác bỏ.

Câu 4. Ý nào nói không đúng về tác dụng của việc dẫn lại câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá trong văn bản?

A. Làm sáng tỏ cái dũng khí của kẻ sĩ thời xưa.

B. Làm sáng tỏ cái dũng khí bất chấp nguy hiểm của kẻ sĩ.

C. Làm sáng tỏ cái nguy hiểm để cảnh báo kẻ sĩ nên tránh.

D. Làm sáng tỏ phẩm chất trung thực của kẻ sĩ.

Câu 5. Hội chứng “bằng thật, người giả” được tác giả đề cập trong văn bản được hiểu là

A. người dùng bằng giả nhưng tỏ ra như dùng bằng thật.

B. người dùng bằng thật nhưng sống giả dối.

C. người dùng bằng thật nhưng trình độ kém cỏi, không tương xứng với bằng cấp.

D. người dùng bằng giả nhưng có trình độ cao, không tương xứng với bằng cấp.

Câu 6. Mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là gì?

A. Làm nổi bật cái dũng khí của kẻ sĩ xưa khi bảo vệ đạo thánh hiền.

B. Khẳng định trí thức xưa và nay đều phải đối mặt với nguy hiểm.

C. Nhấn mạnh điểm mới của trí thức ngày nay so với kẻ sĩ ngày xưa.

D. Khẳng định kẻ sĩ ngày xưa dám chết vì đấu tranh cho sự thật.

Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của văn bản?

A. Bàn về phẩm cách trung thực của trí thức và xây dựng xã hội trung thực để tài năng, trí thức phát triển bền vững.

B. Bàn về những kẻ sĩ dám đấu tranh để bảo vệ sự thật và sự cần thiết phải xây dựng một xã hội trung thực.

C. Bàn về vai trò của đạo thánh hiền và sự cần thiết phải học tập những tấm gương dám chết bởi đạo thánh hiền.

D. Bàn về sứ mệnh của trí thức ngày nay: phải biết đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai.

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Vì sao tài năng chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực?

Câu 9. Anh/ Chị nêu hai biểu hiện cụ thể về phẩm chất trung thực cần có của người trí thức.

Câu 10. Anh/ Chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Đọc truyện ngắn:

CA CẤP CỨU THÀNH CÔNG

Ngày 31 tháng 12 năm 1989.

Đêm khuya. Trong một phòng bệnh tại một bệnh viện.

Giám đốc Chu của Xưởng sản xuất cán nguội đứng ngồi không yên, cứ chốc chốc lại đưa tay lên nhìn đồng hồ, lòng ông như lửa đốt dõi theo một bệnh nhân đang nằm hôn mê trên giường bệnh.

Nửa tháng trước, thành phố có thông báo sau Tết sẽ tổ chức Hội nghị giao lưu kinh nghiệm dây chuyền sản xuất an toàn, biểu dương các đơn vị tiên tiến. Xưởng sản xuất cán nguội của ông Chu được chỉ định có bài phát biểu quan trọng trong cuộc họp ấy.

Giám đốc Chu lập tức cho gọi những nhân viên ưu tú lên, trực tiếp giao nhiệm vụ soạn thảo bài phát biểu và giám sát rất cẩn thận. Mọi người đã làm việc rất nỗ lực và qua mười ngày mười đêm, cuối cùng họ đã thảo xong được một bài phát biểu cả chục ngàn chữ. Trong bài phát biểu giới thiệu rất tỉ mỉ về tư tưởng chỉ đạo cơ bản của xưởng sản xuất, đó là: Trong năm, xưởng không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Ngoài ra, bài phát biểu còn đề cập đến những kinh nghiệm để đảm bảo an toàn lao động. Giám đốc Chu sẽ đích thân đọc bài phát biểu này tại hội nghị.

Vậy mà, trong giờ phút hết sức quan trọng ấy, ở xưởng sản xuất của ông lại xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động đến vậy!

Bệnh nhân vẫn chìm trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành truyền máu, tiêm, tiếp o-xi... Nhưng, tất cả dường như đều không chút tác dụng!

Giám đốc Chu khẩn cầu bác sĩ: “Bác sĩ à, mong ông hãy nghĩ trăm phương ngàn kế giúp tôi, làm sao để kéo được sự sống cho bệnh nhân này, chỉ cần ông ấy không chết trong năm nay là được. Nếu được như vậy, xưởng chúng tôi sẽ gửi một vạn đồng để cảm ơn bệnh viện”.

Trên giường bệnh, bệnh nhân vẫn nhọc nhằn từng đợt thở thoi thóp. Xung quanh, mười mấy bác sĩ và y tá vẫn túc trực.

Thời gian trôi đi từng giây chậm chạp. Bầu không khí trong phòng bệnh vô cùng căng thẳng.

Và… bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Tiếng khóc của người thân nức nở, vảng vất trong đêm tối.

Giám đốc Chu và các bác sĩ, mọi người không hẹn mà cùng giơ tay lên nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ lúc đó chỉ đúng 0 giờ 1 phút.

“Tốt rồi, tốt quá rồi!”, Giám đốc Chu vô cùng xúc động, ra bắt tay từng vị bác sĩ: “Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm!”

(Phàn Phát Giá, trích từ Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại, nhiều tác giả, NXB HNV, 2003, tr.49-50)

Thực hiện yêu cầu:

Nhan đề phản ánh khía cạnh nội dung nào của tác phẩm? Anh/ Chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

PHẦN ĐỌC

 

 

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và nhớ lại kiến thức về phong cách ngôn ngữ

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (Là ngôn ngữ dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,…theo một quan điểm chính trị nhất định.)

→ Đáp án B

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là

A. nghị luận.

B. tự sự.

C. miêu tả.

D. biểu cảm.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, dựa vào dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận

→ Đáp án A

Câu 3. Câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá được dẫn trong văn bản thuộc thao tác lập luận gì?

A. Giải thích.

B. Chứng minh.

C. Bình luận.

D. Bác bỏ.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá

Dựa vào kiến thức về thao tác lập luận để rút ra kết luận

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện thuộc thao tác lập luận chứng minh. (Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng)

→ Đáp án B

Câu 4. Ý nào nói không đúng về tác dụng của việc dẫn lại câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá trong văn bản?

A. Làm sáng tỏ cái dũng khí của kẻ sĩ thời xưa.

B. Làm sáng tỏ cái dũng khí bất chấp nguy hiểm của kẻ sĩ.

C. Làm sáng tỏ cái nguy hiểm để cảnh báo kẻ sĩ nên tránh.

D. Làm sáng tỏ phẩm chất trung thực của kẻ sĩ.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu chuyện và nêu tác dụng của việc dẫn lại câu chuyện ấy

Phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Ý nào không đúng về tác dụng của việc dẫn lại câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá trong văn bản là: Làm sáng tỏ cái nguy hiểm để cảnh báo kẻ sĩ nên tránh.

Đáp án C

Câu 5. Hội chứng “bằng thật, người giả” được tác giả đề cập trong văn bản được hiểu là

A. người dùng bằng giả nhưng tỏ ra như dùng bằng thật.

B. người dùng bằng thật nhưng sống giả dối.

C. người dùng bằng thật nhưng trình độ kém cỏi, không tương xứng với bằng cấp.

D. người dùng bằng giả nhưng có trình độ cao, không tương xứng với bằng cấp.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức của bản thân để lý giải

Lời giải chi tiết:

Hội chứng “bằng thật, người giả” được tác giả đề cập trong văn bản được hiểu là: người dùng bằng thật nhưng trình độ kém cỏi, không tương xứng với bằng cấp.

→ Đáp án C

Câu 6. Mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là gì?

A. Làm nổi bật cái dũng khí của kẻ sĩ xưa khi bảo vệ đạo thánh hiền.

B. Khẳng định trí thức xưa và nay đều phải đối mặt với nguy hiểm.

C. Nhấn mạnh điểm mới của trí thức ngày nay so với kẻ sĩ ngày xưa.

D. Khẳng định kẻ sĩ ngày xưa dám chết vì đấu tranh cho sự thật.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và lý giải mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay

Lời giải chi tiết:

Mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là: Nhấn mạnh điểm mới của trí thức ngày nay so với kẻ sĩ ngày xưa.

→ Đáp án C

Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của văn bản?

A. Bàn về phẩm cách trung thực của trí thức và xây dựng xã hội trung thực để tài năng, trí thức phát triển bền vững.

B. Bàn về những kẻ sĩ dám đấu tranh để bảo vệ sự thật và sự cần thiết phải xây dựng một xã hội trung thực.

C. Bàn về vai trò của đạo thánh hiền và sự cần thiết phải học tập những tấm gương dám chết bởi đạo thánh hiền.

D. Bàn về sứ mệnh của trí thức ngày nay: phải biết đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và khái quát nội dung chính

Lời giải chi tiết:

Nội dung chính của văn bản: Bàn về phẩm cách trung thực của trí thức và xây dựng xã hội trung thực để tài năng, trí thức phát triển bền vững.

→ Đáp án A

Câu 8. Vì sao tài năng chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và tìm kiếm thông tin

Lời giải chi tiết:

Tài năng chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực, vì:

Xã hội trung thực mới tôn trọng/ tôn vinh thực lực, những giá trị thực.

 

Câu 9. Anh/ Chị nêu hai biểu hiện cụ thể về phẩm chất trung thực cần có của người trí thức.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Gợi ý hai biểu hiện cụ thể về phẩm chất trung thực cần có của người trí thức:

- Nói đúng sự thật.

- Sẵn sàng tố cáo cái sai để bảo vệ lẽ phải.

Câu 10. Anh/ Chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và rút ra thông điệp tích cực

Lời giải chi tiết:

Gợi ý thông điệp tích cực rút ra từ văn bản:

- Mỗi người (đặc biệt là trí thức) biết sống trung thực thì góp phần xây dựng xã hội văn minh.

- Sống trung thực sẽ tạo được niềm tin, sự ngưỡng mộ.

 

PHẦN VIẾT

1.Xác định vấn đề nghị luận

Mối quan hệ giữa nhan đề và khía cạnh nội dung của truyện Ca cấp cứu thành công.

2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

- Ca cấp cứu không thành công trong việc cứu người, mà thành công trong việc cứu căn bệnh thành tích. Nhan đề giễu nhại sâu cay bệnh thành tích, thói dối trá, nhẫn tâm.

- Nhan đề Ca cấp cứu thành công vừa gợi mở cách hiểu vừa hàm chứa thái độ đánh giá.

- Đánh giá chung:

+ Nhan đề phù hợp, khó thay thế; góp phần làm nên giá trị, sức dẫn của truyện.

+ Tài năng nghệ thuật và lòng nhân đạo của tác giả.


Bình chọn:
4 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí