Câu chuyện tưởng tượng là câu chuyện không có thật, do người kể tự hình dung, tưởng tượng ta. Tuy nhiên, câu chuyện tưởng tượng phải có cơ sở từ thực tế cuộc sống; nghĩa là tình huống, bối cảnh, sự việc,… trong câu chuyện phải gắn với cuộc sống, có thể đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Câu chuyện tưởng tượng ấy cũng phải có ý nghĩa, mang đến một thông điệp về cuộc sống và con người,…
Kể một câu chuyện tưởng tượng để giải trí và mang đến cho người nghe một thông điệp nào đó.
Muốn kể một câu chuyện tưởng tượng, cần chú ý xác định một số yếu tố quan trọng tạo nên câu chuyện:
- Chuyện kể về việc gì, xảy ra trong bối cảnh nào? (Bối cảnh gồm không gian, thời gian xảy ra câu chuyện)
- Có những ai (nhân vật nào) tham gia câu chuyện? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính có gì đặc biệt (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ, tâm trạng,…)?
- Câu chuyện xảy ra thế nào (cốt truyện)? (Kể lại câu chuyện bằng cách nêu sự việc, nhân vật, diễn biến các sự việc theo một trình tự nào đó).
Để rèn kĩ năng kể một câu chuyện tưởng tượng, có thể bắt đầu từ việc kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã đọc, đã nghe bằng cách thay đổi mở đầu; thêm, bớt các chi tiết, sự việc, nhân vật hoặc điều chỉnh cách kết thúc câu chuyện. Khi đã thuần thục, có thể sáng tạo câu chuyện do mình tưởng tượng.