Thuyết minh về con trâu>
Bài tham khảo số 1
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Bao đời nay, hình ảnh con trâu đã trở nên gắn bó với người nông dân Việt Nam. Trâu Việt Nam là trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy và thường sống ở miền khí hậu nhiệt đới. Thân hình vạm vỡ nhưng thấp, ngắn, bụng to, da dày màu xám đen nhưng vẫn tạo cảm giác mượt bởi bên ngoài được phủ một lớp lông mềm. Điều đặc biệt ở trâu mà không thể không nhắc đến đó là trâu thuộc họ nhai lại.
Quanh năm suốt tháng, trâu cùng người chăm lo việc đồng áng vì vậy người nông dân coi trâu như người bạn thân thiết nhất của mình. Trâu to khỏe, vạm vỡ lại chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó nên thường gánh vác những công việc nặng nhọc của nhà nông. Từ sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời còn ngái ngủ, trâu đã cùng người ở “trên đồng cạn” rồi lại xuống “dưới đồng sâu”, cho đến khi ông mặt trời mệt mỏi sau một ngày làm việc, chuẩn bị đi ngủ trâu vẫn miệt mài bên luống cày. Nhựa sống căng tràn trong từng bước đi chậm chạp vững chắc nhưng của trâu.
Trâu là nguồn cung cấp sức kéo quan trọng. Lực kéo trung bình của trâu trên đồng ruộng là 70 - 75kg, tương đương 0,36 - 0,1 mã lực. Trâu loại A một ngày cày được 3 - 4 sào Bắc Bộ, loại B khoảng 2 - 3 sào và loại C khoảng 1,5- 2 sào. Trâu còn được dùng để kéo đồ, chở hàng. Trên đường xấu, trâu có thể kéo với tải trọng là 400 - 500 kg, đường tốt là 700 - 800 kg, còn trên đường nhựa với bánh xe hơi thì tải trọng có thể lên đến 1 tấn. Trên đường đồi núi, trâu kéo từ 0,5 – 1m khối gỗ trên quãng đường 3 - 5km. Khỏe như vậy nhưng bữa ăn của trâu rất giản dị, chỉ là rơm hoặc cỏ.
Trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu có tính năng cao trong việc cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu làm mặt trống, làm giày. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và,...
Không chỉ góp phần quan trọng trong đời sống vật chất của người dân, trâu còn có mặt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Từ xa xưa, trâu hay còn gọi là ngưu, sửu đã có mặt trong 12 con giáp. Con trâu trở thành con vật gắn liền với tuổi tác của con người. Người mang tuổi trâu thường chăm chỉ, cần cù, thậm chí vất vả. Trong đời sống văn hóa tinh thần, trâu còn là con vật thiêng dùng để tế lễ thần linh trong ngày lề hội cơm mới, lễ hội xuống đồng.
Trâu còn gắn liền với những lễ hội đình đám như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc, luyện tập rất chu đáo. Con nào con nấy vạm vỡ, sừng cong như hình vòng cung, nhọn hoắt, da bóng loáng, mắt trắng, tròng đỏ chỉ chờ vào sân đấu. Trong tiếng trống giục giã, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người hai con trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Ngoài ra, chúng ta còn có lễ hội đâm trâu. Đây là phong tục tập quán của một số dân tộc ở Tây Nguyên. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt chia đều cho các gia đình trong buôn làng cùng liên hoan mừng một vụ mùa bội thu.
Hình ảnh con trâu còn in đậm trong kí ức của những đứa trẻ vùng quê. Chắc không ai quên Đinh Bộ Lĩnh, người làm nên kì tích thống lĩnh 12 sứ quân, đã có một tuổi thơ gắn bó với chú trâu trong trò đánh trận giả hay trò đua trâu đầy kịch tính. Chắc mỗi chúng ta đều có lần bắt gặp những hình ảnh rất đặc trưng, rất nên thơ của làng quê Việt Nam, đó là hình ảnh chú bé mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đọc sách hay hình ảnh các chú bé đang ngồi trên lưng trâu nghiêng nghiêng cái đầu trái đào với cây sáo trúc... Những hình ảnh tuyệt vời đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ và cũng là nguồn cảm hứng cho các tác giả dân gian:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Trong những năm gần đây, chú trâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao. Với hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22, trâu không chỉ là giống vật nuôi quen thuộc của người nông dân Việt Nam mà đã trở thành hình ảnh thú vị đối với bạn bè quốc tế. Con trâu đã trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ. Từ hình ảnh chú trâu vàng, các sản phẩm trâu tập võ, trâu chạy maratong, trâu đội nón... rất ngộ nghĩnh, độc đáo đã ra đời. Ngày nay, nhiều loại máy móc hiện đại đã xuất hiện trên cánh đồng làng Việt Nam nhưng con trâu vẫn là con vật không thể thiếu đối với người nông dân. Hình ảnh con trâu cần cù, chung thủy mãi mãi in sâu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Bài tham khảo số 2
Khắp các làng quê Việt Nam trong mỗi vụ mùa chúng ta lại thấy bóng dáng của những chú trâu chăm chỉ làm việc trên những cánh đồng. Những con trâu đã giúp cho công việc cày cấy ở mỗi vụ mùa của các bác nông dân được dễ dàng hơn. Trâu không chỉ gánh vác một phần không nhỏ vào việc đồng áng mà trâu còn đem lại rất nhiều lợi ích về mặt vật chất và tinh thần cho người nông dân ở các làng quê Việt Nam.
Đọc tiếp
Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hoá thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm. Có hai đai màu trắng dưới cổ và chỗ đầu xương ức. Trâu cái nặng trung bình 350 - 400 kg (300 - 600kg) trâu đực: 400 - 450kg (350 - 700kg).... Vậy vị trí và vai trò của con trâu đã được coi là thứ hàng đầu của cơ nghiệp, hồi đó người ta chỉ cần xem nhà nào có nhiều trâu hay ít trâu là đủ để biết được gia cảnh của họ như thế nào. Đến tận bây giờ con trâu cũng vẫn được coi là thứ quý giá của người nông dân. Nó đem lại nhiều lợi ích về mặt vật chất.
Chúng sinh trưởng rất nhanh, trâu 3 tuổi có thể đẻ lứa đầu. Trong đàn trâu cái, trâu 4 tuổi đẻ lứa đầu chiếm 45 - 47%. Trâu đẻ có mùa vụ. Tỉ lệ đẻ hằng năm ở vùng núi là 40 - 45%, ở đồng bằng là 20 - 25%. Một đời trâu cái thường cho 5-6 nghé, nghé sơ sinh nặng 22 - 25kg. Đôi răng cửa giữa cố định bắt đầu mọc lúc 3 tuổi và trâu kết thúc sinh trưởng khi hết 6 tuổi (8 răng cửa). Do trâu sinh trưởng nhanh và nhiều nên đem lại một phần lợi về kinh tế không nhỏ cho người nông dân. Một con trâu trưởng thành khoảng 4-5 triệu đồng.
Trâu không chỉ để bán mà nó còn được nuôi để kéo cày: lực kéo trung bình trên ruộng 70 - 75 kg bằng 0,36 - 0,40 mã lực. Trâu loại A một ngày cày 3-4 sào; loại B: 2 - 3 sào và loại C: 1,5 - 2 sào bắc bộ, kéo xe ở đường xấu tải trọng 400 - 500 kg, đường đồi núi thường một trâu kéo 0,5 - l,3m3 với đoạn đường 3 - 5km. Bởi trâu có sức mạnh và rất chăm chỉ nên dùng trâu để chở hàng và chở gỗ cùng đem lại rất nhiều nguồn lợi về kinh tế. Trâu còn có khả năng cho thịt rất cao: trâu cái có tỉ lệ xẻ thịt là 42%. Trâu thiến là 45% và trâu đực 2 tuổi là 48%. Khả năng cho sữa 400 - 500 lít sữa trong một chu kì vắt. Mỡ sữa 9 - 10%. Đem bán thịt trâu cũng giúp cho người nông dân một khoản thu lớn. Người nông dân thường trồng xen cả những cây ăn quả, thức bón tốt nhất cho cây là phân ủ xanh. Trâu có khả năng cho phân cao: trong 24 giờ trâu 2 răng thải ra 10 kg phân, trâu 4 răng 12 kg và trâu trưởng thành 20 - 25kg. Chính vì khả năng cho phân cao như vậy nên người nông dân không phải mua phân bón và tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Trâu còn dùng cung cấp nguyên liệu làm đồ mĩ nghệ, lấy da làm trống...
Con trâu gắn bó với đời sống tinh thần của người nông dân như thế nào? Ai đã từng sống ở nông thôn đều đã từng gắn bó một phần tuổi thơ của mình với những cánh đồng lộng gió, với những cánh diều cao vút và đặc biệt là với những con trâu. Tôi tuy là người sống ở thị xã nhưng mỗi khi về quê vừa đến đầu làng đi ngang qua cánh đồng tôi đã thấy những tiếng cười đùa vui vẻ của những đứa trẻ trong làng. Chúng tụ tập thành một hội cùng cưỡi trâu thả diều, những cánh diều bay lên tận trời cao. Tuy cuộc sống của bọn trẻ có khó khăn nhưng nhờ những con trâu, cánh đồng và những con diều cũng đủ làm chúng rất đỗi vui vẻ. Tuy cuộc sống của tôi có ổn định hơn những bạn trẻ ở làng quê nhưng hiếm khi tôi có được những giây phút vui vẻ đến như vậy. Cả tuổi thơ của trẻ em nông thôn gắn liền với những tình cảm yêu quý, gắn bó với những con trâu.
Không chỉ có gắn bó với tuổi thơ của trẻ em mà chúng còn không thể thiếu trong các lễ hội như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn... Các làng quê vẫn còn những phong tục tập quán gắn với con trâu, ở các dân tộc miền núi vẫn còn phong tục đua trâu. Người và trâu chiến thắng sẽ được chức vô địch. Trâu rất vinh dự được làm biểu tượng cho SEA GAMES 22 tổ chức tại Việt Nam là ngày hội thể thao lớn của khu vực.
Con trâu gắn bó với người nông dân Việt Nam với các làng quê. Bấy nhiêu đã đủ để mọi người hiểu được tầm quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Việt Nam của con trâu. Nó xứng đáng là biểu tượng tượng trưng cho làng quê Việt Nam và là niềm tự hào của một Việt Nam cường tráng.
Bài tham khảo số 3:
Nhắc đến làng quê Việt Nam là ta nghĩ đến những cánh đồng lúa rộng bạt ngàn, những người nông dân chăm chỉ, cần cù, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, những triền đê, bãi cỏ xanh mượt, lũ trẻ con với những cánh diều và trò chơi gắn bó với tuổi thơ. Và trong đó còn có những con trâu. Hình ảnh chúng gắn liền với làng quê Việt Nam, với người nông dân từ rất lâu rồi.
Đọc tiếp
Trâu có đặc tính nhai lại thức ăn. Trâu Việt Nam được thuần hoá từ trâu rừng. Lông trâu màu xám hay xám đen. Trên đầu nó là một đôi sừng trông rất oai vệ. Thân hình nó thì rất to, lực lưỡng, vạm vỡ, mông dốc, bầu vú nhỏ. Còn chân nó có guốc bao bọc. Tuy lông đen nhưng nó cũng có hai đai màu trắng: dưới cổ và chỗ xương ức. Nó là loại gia súc gắn bó với nông dân và có rất nhiều lợi ích.
Từ xa xưa, trâu đã được dùng để làm việc. Nó vừa là công cụ vừa là người bạn quan trọng trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Đặc biệt trong công việc, nó trở thành một cánh tay đắc lực của người nông dân. Cứ khi gà gáy, nó lại cùng người nông dân ra đồng. Vì có sức khoẻ, nó có thể cày bừa ruộng. Ta thường bắt gặp cảnh tượng con trâu đi trước, cái cày theo sau ở làng quê. Trâu đi đằng trước kéo theo cái cày. Còn người nông dân đi theo sau, cầm cày và điều khiển nó đi hay dừng, rẽ trái hay rẽ phải. Thỉnh thoảng, người nông dân lại lấy roi quật nó khi nó không nghe lời. Không có nó chắc người nông dân sẽ càng vất vả trong việc đồng áng. Rồi khi thu hoạch, nó lại được giao cho công việc kéo xe. Nào thóc, lúa, rơm, rạ đều được nó kéo mang về, chất đầy sân nhà. Nếu cày, bừa là công việc chính của trâu thì trên miền núi nó còn kéo gỗ. Nó kéo rất tài tình trên những đoạn đường gồ ghề.
Không chỉ có lợi ích to lớn trong đời sống lao động sản xuất, trâu còn gắn liền với làng quê Việt Nam qua đời sống tinh thần. Có thể nói gần như suốt đời người nông dân gắn bó với con trâu. Đứa trẻ nào sống ở nông thôn mà chưa từng chăn trâu, cắt cỏ? Trâu là một người bạn gắn bó với tuổi thơ của chúng. Trên cánh đồng cỏ hay triền đê, cùng với những chú trâu, bọn trẻ nghĩ ra bao nhiêu trò chơi thú vị. Có lúc, chúng cưỡi trên lưng trâu đánh trận giả rất là ồn ào, náo nhiệt. Có lúc, chúng lại nằm trên lưng mà ngủ hay thả những cánh diều tuổi thơ. Ở những nơi nào có sông, lũ trẻ thường cùng trâu bơi từ bờ nọ sang bờ kia. Trâu đã chứng kiến tuổi thơ - khoảng thời gian tươi đẹp nhất của mỗi con người ở làng quê Việt Nam.
Đặc biệt, với người nông dân, trâu càng gắn bó thân thiết hơn. Trâu sống cùng với người nông dân. Buổi sáng, trâu cũng đi làm với họ. Buổi chiều, trâu và người nông dân cùng về nhà. Lúc làm việc vất vả, người nông dân được trâu giúp đỡ. Khi nghỉ ngơi dưới gốc cây vào buổi trưa, trâu cùng nghỉ ngơi với người. Có thể nói trâu vô cùng thân thiết với người nông dân. Chính trâu đã chứng kiến những vụ mùa bội thu, hưởng niềm vui cùng người nông dân. Và nếu vụ mùa thất bát, trâu cùng chia sẻ nỗi buồn với người nông dân. Không chỉ là người bạn của người nông dân trong công việc nặng nhọc, trâu còn có mặt trong những lễ hội vui chơi của người nông dân trong lúc nông nhàn.
Bởi vậy mới thấy được con trâu gắn bó với người những người nông dân Việt Nam. Nó không những mang lại cho những người nhân dân việt nam về mặt vật chất mà còn mang lại cả về mặt tinh thần. Con trâu còn gắn bó với những lễ hội tiêu biểu của người dân Việt Nam. Nó đã là biểu tượng của của làng quê Việt Nam và Đất nước Việt Nam.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm cha con lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm mẹ con lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm bà cháu lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ Quạt cho bà ngủ lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ Chuyện cổ nước mình lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm cha con lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm mẹ con lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm bà cháu lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ Quạt cho bà ngủ lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ Chuyện cổ nước mình lớp 5