Bài 4. Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay SGK Lịch sử 11 Cánh diều>
Đọc thông tin và quan sát Bảng 1, trình bày sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông u sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
? mục 1 a
Trả lời câu hỏi mục 1a trang 24 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin và quan sát Bảng 1, trình bày sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần a, mục 1 trang 23, 24 SGK.
Bước 2: Quan sát Bảng 1 để biết được các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Lời giải chi tiết:
Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai:
- Giai đoạn 1944 - 1945: Trước những thất bại về quân sự của các nước phát xít và được sự giúp đỡ của Hồng quân Liên Xô, nhân dân các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri đã đứng lên lật đổ chế độ tư sản - địa chủ; nhân dân Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, An-ba-ni đã xoá bỏ chế độ quân chủ chuyên chế trong nước, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân.
- Giai đoạn 1945 - 1949: Các nước Đông Âu hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân. Tháng 10 - 1949, nước Cộng hoà Dân chủ Đức ra đời và sau đó tham gia vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
- Giai đoạn 1950 - đầu những năm 70 của thế kỉ XX: Các nước Đông Âu bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu.
=> Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội đã phát triển trở thành hệ thống thế giới, đối trọng với hệ thống tư bản chủ nghĩa.
? mục 1 b
Trả lời câu hỏi mục 1b trang 25 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin và quan sát Bảng 2, trình bày sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á và khu vực Mỹ La-tinh.
Phương pháp giải:
Bước 1: Quan sát Bảng 2 để biết được sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á.
Bước 2: Đọc nội dung phần b, mục 1 trang 25 SGK để biết được sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Mỹ La-tinh.
Lời giải chi tiết:
- Ở châu Á:
+ Mông Cổ: Năm 1924, Mông Cổ hoàn thành cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Từ năm 1940 định hướng phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
+ Triều Tiên: Tháng 9 - 1948, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Trung Quốc: Tháng 10 - 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Việt Nam: Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam (1975) và thực hiện thống nhất đất nước (1976), cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Lào: Tháng 12 - 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Ở khu vực Mỹ La-tinh: Cuộc cách mạng Cu-ba thành công ngày 1 - 1 - 1959. Từ năm 1961, Cu-ba bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
? mục 1 c
Trả lời câu hỏi mục 1c trang 25 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Giải thích nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần c, mục 1 trang 25 SGK.
Bước 2: Quan sát Bảng 3 để hiểu được nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.
Lời giải chi tiết:
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Các nhà lãnh đạo của đảng, nhà nước đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc đề ra và thực hiện các đường lối, chính sách cải tổ.
+ Những hạn chế của mô hình kinh tế - xã hội không được nhận thức đầy đủ và sửa chữa tích cực.
+ Thành tựu của cách mạng khoa học - kĩ thuật chưa được khai thác tốt. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng tụt hậu so với các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
+ Tình trạng quan liêu, vi phạm dân chủ và dân chủ hình thức đã làm suy giảm sự nhiệt tình của quần chúng và động lực phát triển của xã hội. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa và li khai xuất hiện. Niềm tin vào đảng, nhà nước của các tầng lớp nhân dân suy giảm.
- Nguyên nhân khách quan: Sự chống phá của các thế lực thù địch (các nước đế quốc, đứng đầu là Mĩ) nhằm làm thay đổi chế độ chính trị - xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.
? mục 2 a
Trả lời câu hỏi mục 2a trang 27 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Trình bày những nét chính về chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần a, mục 2 trang 26, 27 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Từ năm 1991, sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô, chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống thế giới. Tuy vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước vẫn tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu-ba,...
- Trước những yêu cầu và thách thức mới, các nước xã hội chủ nghĩa đã tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách - mở cửa hoặc đổi mới đất nước để hội nhập với xu thế của thời đại, cụ thể:
+ Ở Trung Quốc, đường lối cải cách tiếp tục được triển khai với chủ trương phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh mở cửa với mục tiêu hiện đại hoá và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
+ Ở Việt Nam, qua hơn 3 thập kỉ kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
+ Ở Lào, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
+ Ở Cu-ba, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiếp tục được duy trì nhưng không có nhiều thành tựu đột phá, mặc dù đã có những dấu hiệu cải cách nhất định về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Cu-ba đang ở trong tình trạng bị cấm vận từ bên ngoài.
=> Những thành tựu trên đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời chứng minh sức sống của chủ nghĩa xã hội trong một thế giới biến động.
? mục 2 b
Trả lời câu hỏi mục 2b trang 29 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình trong mục b, trình bày những thành tựu cơ bản của công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc. Những thành tựu đó có ý nghĩa như thế nào?
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần b, mục 2 trang 27, 28, 29 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu trang 27 để biết được mục tiêu của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bước 3: Quan sát các Hình 3, 4 và 5 để biết được những thành tựu về kinh tế, khoa học - kĩ thuật của Trung Quốc từ sau khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa.
Lời giải chi tiết:
- Về chính trị: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra và xây dựng được hệ thống lí luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
- Về kinh tế:
+ Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm: giai đoạn 1978 - 2012 đạt 9,6%, giai đoạn 2013 - 2016 đạt 7,2%.
+ Từ năm 2010, nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và duy trì vị trí thứ hai thế giới (sau Mỹ).
+ Năm 2021, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Trung Quốc đạt khoảng 17 700 tỉ USD.
- Về khoa học - kĩ thuật:
+ Năm 1992, Trung Quốc thực hiện chương trình thám hiểm không gian.
+ Năm 2003, với việc phóng tàu “Thần Châu 5” vào vũ trụ, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Liên Xô, Mỹ) có tàu đưa con người bay vào vũ trụ.
+ Hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc thể hiện sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kĩ thuật.
+ Trung Quốc cũng nâng cao năng lực tự chủ về khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sinh học, công nghệ sinh học,...
- Về đối ngoại:
+ Trung Quốc đa dạng hoá, đa phương hoá trong các mối quan hệ song phương và đa phương. => Vai trò và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
+ Từ năm 1997 đến năm 1999, thu hồi chủ quyền đối với Hồng Kông và Ma Cao.
- Các lĩnh vực khác:
+ Nền giáo dục quốc dân phát triển mạnh trên quy mô lớn và có nhiều tiến bộ, xuất hiện nhiều trường đại học chất lượng cao.
+ Trung Quốc trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự.
* Ý nghĩa của những thành tựu trên:
- Khẳng định đường lối cải cách, mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đúng đắn.
- Thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, ổn định tình hình chính trị - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
- Góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa xã hội.
- Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Việt Nam.
Luyện tập
Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 29 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Hoàn thành sơ đồ theo mẫu sau để thể hiện các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội.
Phương pháp giải:
Đọc lại nội dung bài 3 và nội dung bài 4, từ trang 20 đến trang 29 SGK.
Lời giải chi tiết:
Vận dụng
Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 29 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay đã để lại những bài học kinh nghiệm gì cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc lại nội dung phần b, mục 27, 28, 29 trang SGK.
Bước 2: Sưu tầm thêm tư liệu trên internet, sách, báo để rút ra bài học kinh nghiệm từ công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Lời giải chi tiết:
Những bài học kinh nghiệm từ thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc (từ năm 1978) đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
- Luôn kiên trì và đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
- Lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt, năng động.
- Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dựa vào nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân.
- Tăng cường đầu tư phát triển khoa học - kĩ thuật, giáo dục, quốc phòng - an ninh.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài 13. Việt Nam và biển Đông SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 12. Vị trí và tầm quan trọng của biển đông SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 11. Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thể kỉ XIX) SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 10. Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 9. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV) SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 13. Việt Nam và biển Đông SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 12. Vị trí và tầm quan trọng của biển đông SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 11. Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thể kỉ XIX) SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 10. Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) SGK Lịch sử 11 Cánh diều
- Bài 9. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV) SGK Lịch sử 11 Cánh diều