Bài 14. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Tây Nam Á - SGK Địa lí 11 Cánh diều>
Đọc thông tin và quan sát hình 14.1, hãy: - Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của khu vực Tây Nam Á. - Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
? mục I 1
Đọc thông tin và quan sát hình 14.1, hãy:
- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của khu vực Tây Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.1 và quan sát hình 14.1
Lời giải chi tiết:
* Đặc điểm vị trí địa lí khu vực Tây Nam Á:
- Diện tích khoảng 7 triệu km2, bao gồm: bán đảo Tiểu Á, bán đảo A-ráp, đồng bằng Lưỡng Hà, một phần nội địa châu Á.
- Nằm ở phía tây nam của châu Á, là cầu nối của ba châu lục Á, Âu, Phi. Kéo dài từ 12°B đến 42°B
- Tiếp giáp Địa Trung Hải, Biển Đen, biển Ca-xpi, Biển Đỏ, biển A-ráp, vịnh Péc-xích, vịnh Ô-man, vịnh A-đen.
- Nằm án ngữ con đường biển nối Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương, nằm trong khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn bậc nhất thế giới.
* Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á:
- Tạo thuận lợi cho mở rộng giao lưu để phát triển kinh tế với nhiều nước, khu vực trên thế giới.
- Tạo thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển, các ngành công nghiệp dầu khí.
- Gặp nhiều khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và những xung đột, tranh chấp về biên giới lãnh thổ, tài nguyên.
? mục I 2
Đọc thông tin và quan sát hình 14.1, hãy:
- Trình bày đặc điểm tự nhiên của khu vực Tây Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.2 và quan sát hình 14.1
Lời giải chi tiết:
a) Địa hình và đất
- Đặc điểm:
+ Chủ yếu là núi và sơn nguyên, nhiều dãy núi cao, trong các sơn nguyên có hoang mạc cát. Khu vực núi có đất xám, đất cát hoang mạc khô cằn.
+ Đồng bằng ít, lớn nhất là đồng bằng Lưỡng Hà, thấp và khá bằng phẳng, bồi tụ do sông có đất phù sa màu mỡ.
- Ảnh hưởng:
+ Vùng núi không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước phải đầu tư lớn cho thủy lợi để phát triển sản xuất.
+ Vùng đồng bằng có đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cũng là nơi tập trung đông dân cư.
b) Khí hậu
- Đặc điểm:
+ Khí hậu nhiệt đới lục địa và cận nhiệt.
+ Có khí hậu nóng và khô khan bậc nhất thế giới.
+ Khí hậu phân hóa theo chiều bắc - nam phía bắc mưa nhiều, phía nam mưa ít, một số điểm hoang mạc rất ít mưa, mùa hạ nóng 45-50°C.
- Ảnh hưởng: Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và các hoạt động kinh tế của người dân.
+ Dân cư và các hoạt động sản xuất tập trung chủ yếu ở các vùng có khí hậu thuận lợi.
+ Tại các vùng nội địa, do mưa ít nên dân cư thưa thớt, trồng trọt khó khăn.
c) Sông, hồ
- Đặc điểm:
+ Sông thường ngắn và ít nước, nhiều vùng rộng lớn không có dòng chảy thường xuyên. Nguồn cấp nước chủ yếu là băng tuyết tan trên các vùng núi cao. Hai sông lớn nhất là sông Ti-grơ và Ơ-phrát.
+ Một số hồ như: hồ Van, hồ U-mi-a, Biển Chết…
- Ảnh hưởng:
+ Các sông lớn bồi đắp nên vùng đồng bằng màu mỡ, cung cấp nước cho trồng trọt, chăn nuôi, từ đây đã hình thành nên nền văn minh Lưỡng Hà.
+ Các hồ có giá trị về du lịch
d) Biển
- Đặc điểm: Vùng biển thuộc các biển: Biển Đỏ, biển Địa Trung Hải, Biển Đen, biển Ca-xpi và các đại dương lớn là Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương.
- Ảnh hưởng: Tạo thuận lợi mở rộng giao lưu với nhiều nước châu Âu và các khu vực khác của châu Á, phát triển các ngành kinh tế biển (du lịch, khai thác khoáng sản, hải sản, vận tải…)
e) Sinh vật
- Đặc điểm:
+ Hệ sinh vật nghèo nàn, chủ yếu là các loài chịu được hạn.
+ Cảnh quan điển hình là hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Ven bờ Địa Trung Hải và phía tây các dãy núi phát triển rừng và cây bụi lá cứng, phía đông là cây bụi thấp.
- Ảnh hưởng: Sinh vật nghèo nàn, phân hóa khác nhau giữa các khu vực gây khó khăn trong việc khai thác tài nguyên sinh vật cho phát triển kinh tế.
g) Khoáng sản
- Đặc điểm:
+ Giàu có về khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên.
+ Trữ lượng dầu mỏ chiếm 1/2 trữ lượng thế giới, khí tự nhiên chiếm hơn 40% trữ lượng thế giới.
- Ảnh hưởng:
+ Tiềm năng dầu mỏ và khí tự nhiên là thế mạnh trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.
+ Là nguồn nguyên, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp, là mặt hàng xuất khẩu.
? mục II 1
Đọc thông tin, dựa vào bảng 14.2 và quan sát các hình 14.2, hãy:
- Nêu những đặc điểm nổi bật về dân cư của khu vực Tây Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục II.1 dựa vào bảng 14.2 và quan sát các hình 14.2 để trả lời
Lời giải chi tiết:
- Nêu đặc điểm dân cư của khu vực Tây Nam Á:
+ Ít dân, năm 2020 là 402,5 triệu dân, chiếm 5,1% dân số thế giới.
+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên khoảng 1,6% (2020), hàng năm đón số lượng lao động lớn từ các vùng khác tới.
+ Cơ cấu dân số thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ dân số nhóm tuổi từ 0-14 tuổi, tăng tỉ lệ nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên.
+ Phân bố dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các nước và các vùng.
+ Quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, tỉ lệ dân thành thị khá cao, hầu hết trên 70% và có nhiều đô thị đông dân.
+ Dân cư có sự khác biệt rất lớn trong lối sống giữa nông thôn và thành thị.
+ Dân cư chủ yếu là người Ả-rập, ngoài ra có các dân tộc khác: Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Do Thái và các bộ tộc khác.
- Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
+ Ít dân nên nguồn lao động ít, thị trường tiêu thụ hạn chế.
+ Mức tăng dân số ảnh hưởng bởi người lao động từ vùng khác tới.
+ Cơ cấu dân số đang già hóa, là trở ngại đối với nguồn lao động và sự phát triển kinh tế. Đặt ra một số vấn đề về an sinh xã hội.
+ Dân cư tập trung không đồng đều dẫn đến sự phát triển chênh lệch giữa các vùng trong khu vực.
+ Đa dân tộc tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc nhưng cũng tạo ra nhiều vấn đề như: xung đột sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo…
? mục II 2
Đọc thông tin và dựa vào bảng 14.3 hãy:
- Nêu những đặc điểm về xã hội của khu vực Tây Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục II.2 và dựa vào bảng 14.3
Lời giải chi tiết:
- Đặc điểm xã hội của khu vực Tây Nam Á:
+ Có nền văn hóa mang những nét đặc thù và nguyên tắc riêng trong trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, lễ hội,…
+ Ở một số nước người dân có mức sống cao, y tế và giáo dục được đầu tư phát triển.
+ HDI của khu vực khá cao nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa các nước.
+ Có nhiều tôn giáo: Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo, phần lớn dân cư là người Ả-rập theo đạo Hồi.
+ Hiện nay vẫn còn xảy ra nhiều bất ổn, xung đột biên giới, sắc tộc, tôn giáo…
- Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Á:
+ Nền văn hóa đặc thù tạo nên nét riêng biệt, đặc sắc trong văn hóa là điều kiện để phát triển du lịch.
+ Sự đa dạng tôn giáo gây nên những bất ổn trong xã hội, xung đột tôn giáo xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
+ Những vấn đề bất ổn của xã hội gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
? mục III 1
Đọc thông tin và dựa vào các bảng 14.4, 14.5, hãy trình bày và giải thích tình hình phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và dựa vào các bảng 14.4, 14.5
Lời giải chi tiết:
* Tình hình phát triển kinh tế và giải thích:
- Quy mô kinh tế:
+ Từ giữa thế kỉ XX đến nay, công nghiệp khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu mỏ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế.
+ Năm 2020, GDP của khu vực đạt hơn 3000 tỉ USD, có sự chênh lệch giữa các nước, nhiều nước có GDP/người cao hàng đầu thế giới như I-xra-ren (44169 USD/người), Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất (36285 USD/người).
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự khác nhau giữa các giai đoạn và các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do sự biến động của giá dầu, xung đột vũ trang, dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khác.
- Cơ cấu kinh tế:
+ Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế nhờ vào các hoạt động thương mại, giao thông vận tải phát triển mạnh. Do có vị trí địa lí quan trọng và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Hiện nay một số nước đã chú trọng đến phát triển du lịch.
+ Công nghiệp có tỉ trọng khá cao vì có các ngành khai thác dầu mỏ, khí tự nhiên; công nghiệp lọc và hóa dầu phát triển.
+ Nông nghiệp có tỉ trọng thấp do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chi phí cho nông nghiệp khá cao.
+ Hiện nay nhiều nước Tây Nam Á đang đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng ngành nghề, phát triển các ngành đòi hỏi kĩ thuật cao, đổi mới chính sách để hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài,… nhằm thúc đẩy nhanh kinh tế khu vực.
Luyện tập 1
Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất nông nghiệp của khu vực Tây Nam Á?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về điều kiện tự nhiên khu vực Tây Nam Á.
Lời giải chi tiết:
- Ảnh hưởng của địa hình và đất:
+ Vùng núi không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước phải đầu tư lớn cho thủy lợi để phát triển sản xuất.
+ Vùng đồng bằng có đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cũng là nơi tập trung đông dân cư.
- Ảnh hưởng của khí hậu:
+ Dân cư và các hoạt động sản xuất tập trung chủ yếu ở các vùng có khí hậu thuận lợi.
+ Tại các vùng nội địa, do mưa ít nên dân cư thưa thớt, trồng trọt khó khăn.
- Ảnh hưởng của sông, hồ: Các sông lớn bồi đắp nên vùng đồng bằng màu mỡ, cung cấp nước cho trồng trọt, chăn nuôi, từ đây đã hình thành nên nền văn minh Lưỡng Hà.
Luyện tập 2
Tại sao công nghiệp dầu khí là ngành quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều nước khu vực Tây Nam Á?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về tài nguyên khoáng sản của khu vực để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Công nghiệp dầu khí là ngành quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều nước khu vực Tây Nam Á vì:
+ Tài nguyên về địa hình và đất, khí hậu, sông và hồ, sinh vật có phần hạn chế nhưng lại giàu có về khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Trữ lượng dầu mỏ chiếm 1/2 trữ lượng thế giới, khí tự nhiên chiếm hơn 40% trữ lượng thế giới.
+ Hoạt động xuất nhập khẩu dầu mỏ tác động mạnh mẽ đến ngành dịch vụ, là yếu tố quan trọng giúp ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế.
+ Các ngành công nghiệp dầu như như công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí tự nhiên; công nghiệp lọc và hóa dầu phát triển đẩy mạnh nền công nghiệp nói chung của các nước Tây Nam Á ngày càng có tỉ trọng cao.
+ Công nghiệp dầu khí tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng, giá trị cao, mang lại nguồn thu lớn cho các nước Tây Nam Á. Góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Vận dụng
Lựa chọn một quốc gia trong khu vực Tây Nam Á và thu thập tư liệu về một số nét đặc thù trong trang phục, ăn uống, lễ hội của người dân ở quốc gia đó.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân kết hợp tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau
Lời giải chi tiết:
Một số nét đặc thù trong trang phục, ăn uống, lễ hội của người dân ở quốc gia Cô-oét
* Trang phục
- Đối với người đàn ông, mặc áo complet thường rất phổ biến. Họ thường ưa chuộng các gam màu tối.
- Đối với phụ nữ, họ có thể mặc đầm hoặc vest công sở. Họ thường tránh dùng nhiều phụ kiện đắt tiền, áo hở cổ hoặc hở cánh tay.
* Ăn uống:
- Các món ăn Kuwait phần lớn là do người nhập cư từ các quốc gia Ả Rập và Đông Nam Á mang tới, vì vậy ẩm thực Kuwait bị ảnh hưởng khá sâu sắc từ đó. Có thể thấy các món ăn Ả Rập, Ba Tư, Bedouin (người Ả Rập du cư), Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các món ăn Địa Trung Hải là một phần không thể tách rời của ẩm thực Kuwait. Bên cạnh đó, các món ăn Mỹ, Ý, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản… cũng có mặt ở khắp nơi.
+ Machboos: Đây được xem là món ăn “quốc hồn quốc túy” của Kuwait. Gạo Basmati được nấu chín với nước nghệ tây và nước hoa hồng. Thịt (gà, cừu, cá) được tẩm ướp và nấu chín riêng. Sau cùng, cơm được ăn kèm thịt và nước xốt Dakkous được làm từ cà chua, tiêu đen và tỏi.
+ Kuboos và Hummus: Kuboos là loại bánh mì Ả Rập. Hummus là món ăn truyền thống và nổi tiếng của vùng Trung Đông, được làm bằng đậu gà nghiền và trộn với gia vị cùng dầu ô liu.
+ Fatayer Lahme, Fatayer Jibna và Fatayer Zaatar: Đây là những món bánh mì của Ả rập. Fatayer Lahme là loại bánh mì nhồi với thịt băm. Fatayer Jibna là bánh mì nhồi phô mai. Và Fatayer Zaatar là loại bánh mì giống với chiếc pizza, bánh ở dưới và nhân phía trên có thể nhiều loại gia vị và thảo mộc khác nhau. Các loại bánh này có nhiều hình dạng như bánh tròn hay tam giác…
+ Ngoài ra còn một số món ăn không thể bỏ lỡ ở Cô-oét đó là Kushari, Kebab, Shawarma…
* Lễ hội: Lễ hội "Hala Febrayer" thường niên với các sự kiện như hoà nhạc, diễu hành, carnival. Lễ hội kéo dài trong một tháng nhằm kỷ niệm giải phóng Kuwait, kéo dài trong tháng 2 hàng năm.
- Bài 4. Thực hành: Tìm hiểu về toàn cầu hóa, khu vực hóa - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở cộng hòa liên bang Bra-xin - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 10. Thực hành: Viết báo cáo về công nghiệp của cộng hòa liên bang Đức - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 13. Thực hành : Tìm hiểu về hoạt động du lịch và kinh tế đối ngoại của khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 15. Viết báo cáo về vấn đề dầu mỏ ở khu vực Tây Nam Á - SGK Địa lí 11 Cánh diều
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài 31. Thực hành: Tìm hiểu về công nghiệp khai thác khoáng sản của Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 30. Kinh tế Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 29. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 28. Thực hành: Đọc bản đồ; phân tích số liệu, tư liệu và viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Ô-Xtrây-Li-a - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 27. Thực hành: Viết báo cáo về sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 31. Thực hành: Tìm hiểu về công nghiệp khai thác khoáng sản của Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 30. Kinh tế Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 29. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Cộng hòa Nam Phi - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 28. Thực hành: Đọc bản đồ; phân tích số liệu, tư liệu và viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Ô-Xtrây-Li-a - SGK Địa lí 11 Cánh diều
- Bài 27. Thực hành: Viết báo cáo về sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc - SGK Địa lí 11 Cánh diều