Soạn Địa 12, giải bài tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Chương 1. Địa lí tự nhiên - SGK Địa lí 12 Chân trời sán..

Bài 1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo


Dựa vào Bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 và thông tin trong bài, hãy xác định đặc điểm vị trí địa lí của nước ta

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục I

Câu hỏi mục I trang 8 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào Bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 và thông tin trong bài, hãy xác định đặc điểm vị trí địa lí của nước ta

Phương pháp giải:

Đọc Bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 kết hợp với thông tin mục I (Vị trí địa lí)

Lời giải chi tiết:

- Việt Nam nằm gần trung tâm khu vực Đông Nam Á; phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc, phía tây tiếp giáp với Lào và Cam-pu-chia (Cambodia).

- Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc.

+ Điểm cực Bắc có vĩ độ khoảng 23°23′B (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

+ Điểm cực Nam có vĩ độ khoảng 8°34′B (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)

+ Điểm cực Tây có kinh độ khoảng 102°09′Đ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên)

+ Điểm cực Đông có kinh độ khoảng 109°28′Đ (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà). 

- Trên phạm vi lãnh thổ có kinh tuyến 105°Đ chạy qua nên phần lớn lãnh thổ nước ta nằm trong múi giờ số 7.

- Trên biển, lãnh thổ của nước ta còn kéo dài tới khoảng vĩ độ 6°50′B và từ khoảng kinh độ 101°Đ đến khoảng 117°20'Đ tại Biển Đông.

- Việt Nam nằm ở vị trí liền kề của các vành đai sinh khoáng lớn trên Trái Đất; giữa các luồng di lưu của nhiều loài sinh vật; nằm ở vị trí trung chuyển của các tuyến đường biển, đường hàng không quốc tế và trong khu vực phát triển kinh tế năng động của thế giới.

? mục II

Câu hỏi mục II trang 9 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 và thông tin trong bài, hãy xác định đặc điểm phạm vi lãnh thổ của nước ta?

Phương pháp giải:

Đọc Bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 kết hợp với thông tin mục II (Phạm vi lãnh thổ)

Lời giải chi tiết:

Lãnh thổ nước ta là một khối thống nhất và toàn vẹn bao gồm: vùng đất, vùng biển và vùng trời.

- Vùng đất

+ Diện tích các đơn vị hành chính Việt Nam là hơn 331 nghìn km² (Tổng cục Thống kê, 2021). Trên đất liền, đường bờ biển nước ta dài 3 260 km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

+ Nước ta có hàng nghìn đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà).

- Vùng biển

+ Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông, có diện tích khoảng 1 triệu km². 

+ Vùng biển nước ta bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

- Vùng trời

+ Vùng trời Việt Nam là khoảng không gian bao trùm lên trên lãnh thổ nước ta. 

+ Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

? mục III 1

Câu hỏi 1 mục III trang 9 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào thông tin trong bài, hãy cho biết vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ ảnh hưởng đến tự nhiên nước ta như thế nào.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin phần 1 trong mục III (Ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ đến tự nhiên, kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng)

Lời giải chi tiết:

- Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, trong khu vực hoạt động của Tín phong và gió mùa châu Á nên thiên nhiên mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Tác động của các khối khí di chuyển qua biển, kết hợp với vai trò là nguồn dự trữ nhiệt và ẩm dồi dào của Biển Đông đã làm cho thiên nhiên nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển.

- Việt Nam nằm trên trên đường di lưu của nhiều loài động, thực vật, góp phần tạo nên sự đa dạng của tài nguyên sinh vật. Nước ta nằm ở vị trí liền kề của 2 vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải nên tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú.

- Vị trí địa lí và đặc điểm lãnh thổ nước ta đã tạo nên sự phân hoá đa dạng của tự nhiên theo chiều Bắc – Nam, Tây – Đông (miền núi, đồng bằng, ven biển, hải đảo), từ đó hình thành các miền địa lí tự nhiên khác nhau.

- Nước ta thuộc khu vực chịu tác động của nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,...

? mục III 2

Câu hỏi 2 mục III trang 10 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng nước ta.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin phần 2 mục III (Ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ đến tự nhiên, kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng)

Lời giải chi tiết:

- Việt Nam nằm ở vị trí cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo nên có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

- Việt Nam nằm trên các trục giao thông quan trọng, các tuyến hàng hải, hàng không quốc tế cùng với các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á, hành lang kinh tế Đông - Tây,... kết nối nước ta với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

=> Tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập và thu hút đầu tư nước ngoài.

- Vị trí liền kề cùng nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá – xã hội và mối giao lưu lâu đời

=>  Tạo điều kiện cho nước ta duy trì và phát triển các mối quan hệ hoà bình, hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực.

- Việt Nam có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung – là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và nhạy cảm với những biến động chính trị thế giới. Vì vậy, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước phải luôn được đề cao.

Luyện tập

Câu hỏi luyện tập trang 10 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào bản đồ hành chính Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

- Cho biết vùng biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của những quốc gia nào?

- Kể tên một số tỉnh của nước ta vừa có biên giới quốc gia trên đất liền vừa có đường bờ biển.

Phương pháp giải:

Dựa vào bản đồ hành chính Việt Nam trang 6, 7 kết hợp với kiến thức đã học

Lời giải chi tiết:

- Vùng biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của những quốc gia: Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Cam-pu-chia, Thái Lan, Bru-nây.

- Một số tỉnh của nước ta vừa có biên giới quốc gia trên đất liền vừa có đường bờ biển: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kiên Giang.

Vận dụng 1

Câu hỏi 1 vận dụng trang 10 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Hãy sử dụng các ứng dụng bản đồ trên internet để tìm hiểu vị trí địa lí của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Phương pháp giải:

Các ứng dụng bản đồ trên internet.

Lời giải chi tiết:

- Ứng dụng: Map4D.

- Vị trí địa lí: Nằm ở trung tâm trong khu vực Đông Nam Á.

- Tiếp giáp: phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, Campuchia, phía đông nam giáp với biển Đông và Thái Bình Dương.

- Hình dạng: Lãnh thổ chữ S.

Vận dụng 2

Câu hỏi 2 vận dụng trang 10 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Sưu tầm thông tin và hình ảnh để trình bày về quá trình xác lập chủ quyền của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa từ trước đến nay.

Phương pháp giải:

Tìm hiểu các thông tin và hình ảnh về quá trình xác lập chủ quyền của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa từ trước đến nay.

Lời giải chi tiết:

Trước năm 1884

- Các tập bản đồ của các triều đại quân chủ Việt Nam như Hồng Đức bản đồ, Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Giáp Ngọ bình Nam đồ (1774), Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và của người phương Tây như: An Nam đại quốc họa đồ (1838), Bộ Át lát thế giới (1827) đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Một số công trình sử học và địa lí của Việt Nam thời quân chủ cũng ghi chép tường tận về cương vực, lãnh thổ, hình thế đất nước và những hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của các chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa như: Đại Việt sử kí tục biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí…

- Hoạt động xác lập chủ quyền, quản lý liên tục mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được khẳng định thông qua việc thành lập và hoạt động của các đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải.

+ Đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động trong suốt thời gian từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX, vừa làm nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các đảo thuộc hai quần đảo này.

+ Dưới triều Nguyễn, hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải còn phối hợp cùng thuỷ quân đi khảo sát, đo đạc để vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, xây dựng miếu thờ, đào giếng, trồng cây... trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa.

- Việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước lúc bấy giờ cũng được thực hiện.

+ Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi).

+ Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Từ năm 1884 đến năm 1975

- Cuối thế kỉ XIX, chính quyền thực dân Pháp (khi đó là đại diện ngoại giao của triều Nguyễn) tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam, quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng thông lệ pháp lí quốc tế.

- Năm 1909, người Pháp đã nêu rõ các cuộc khảo sát của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là trái phép.

- Đầu thế kỉ XX, qdta được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

- Từ những năm 30 của thế kỉ XX, người Pháp đã tiến hành xây dựng cột mốc chủ quyền, đèn biển, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện và thực hiện nhiều khảo sát khoa học.... ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Đến tháng 9/1951, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tiếp tục được tuyên bố và công nhận tại Hội nghị Hoà bình Xan Phran-xi-xcô mà không bị các quốc gia tham dự hội nghị phản đối.

- Từ năm 1954 đến năm 1975, hai quần đảo được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Sài Gòn.

+ Chính quyền Sài Gòn đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thông qua việc ban hành các văn bản hành chính nhà nước, cử quân đồn trú, dựng bia chủ quyền, treo cờ trên các đảo chính.

+ Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa - vũng Tàu ngày nay).

- Từ ngày 13 đến ngày 28/4/1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo và triển khai lực lượng thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Từ sau năm 1975 đến nay

- Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Các đơn vị hành chính tại hai quần đảo này đã được thành lập.

+ Năm 1982, huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (từ năm 1997 thuộc thành phố Đà Nẵng) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa được thành lập.

+ Trong huyện Trường Sa có các đơn vị hành chính nhỏ hơn như thị trấn Trường Sa (bao gồm đảo Trường Sa Lớn và phụ cận); xã Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây và phụ cận); xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận)...


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD