Đề bài

Viết văn bản nghị luận (600 chữ) so sánh, đánh giá làm rõ nét tương đồng và khác biệt về nội dung và bút pháp trong 2 đoạn nhật ký sau. Từ đó cho biết những trang nhật ký đó đã tác động tới bạn như thế nào?

Đoạn 1:

3.5.70

Tình hình Phổ Cường trở lại căng thẳng, mình vừa đi khỏi là xe tăng ùa lên, máy bay địch chụp quân ngay những nơi mình hay ở. Thuỷ, Liên, Hưng, Lợi đều đã bị bắt... Em của mình có sao không? Nỗi lo âu làm mình mệt mỏi, bải hoải toàn cơ thể. Ôi, có cách nào bảo vệ được em, chị sẽ làm tất cả dù phải trả một giá đắt như thế nào. Kim sang, ngồi nhìn đôi mắt Kim chớp lia lịa và những giọt nước mắt chực trào ra khỏi mi mắt, mình hiểu lòng cô gái ấy. Cũng như chị, dù em có lo âu đến cháy ruột cháy lòng cũng đành bó tay hồi hộp theo dõi từng bước đi của quân thù đang giày xéo quê hương và đe dọa người thân yêu của mình.

5.5.70

Cuộc chiến tranh lan rộng trên dải đất Đông Dương. Thằng chó đều Ních-xơn đã liều lĩnh điên cuồng mở rộng thêm cuộc chiến. Chúng ta sẽ phải đương đầu với một khó khăn ghê gớm hơn nữa đây. Nhưng tạo đã thể cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng quyết đánh cho đến cùng... Ôi! Căm thù đến bầm gan tím ruột. Tại sao cũng là con người mà lại có những con người độc ác tàn tệ muốn lấy máu đồng bào để làm nước tưới cho gốc cây vàng của nó như vậy?

(Nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà Văn, 2005)

Đoạn 2:

20.11.1971 6

Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời. Bao giờ để niềm vui về cùng hạnh phúc, để những đôi bạn bình yên dạo trong rừng bạch đàn, có ánh nắng xanh dịu và những đàn chim câu trắng muốt điểm sáng của rừng?

Phải đấy, rừng không nên thơ như ta tưởng. Và để ngày mai tuyệt diệu ấy, hôm nay, có bao người cầm súng, có bao người gửi gắm vào thiên nhiên xanh tươi, vào cánh rừng gai góc âm u tất cả thời thanh xuân của mình. Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ, mà cuộc sống của họ đã xa xôi...

(Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi, NXB Thanh niên, 2003)

Phương pháp giải

Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng và vấn đề nghị luận

Vận dụng kĩ năng viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm ký

 

Lời giải của GV Loigiaihay.com

Phần chính

Nội dung cụ thể

Mở bài (0,5đ)

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm cần so sánh, đánh giá.

- Nêu luận đề: nét khác biệt và điểm tương đồng và thành công riêng của mỗi tác giả.

Thân bài (3,0đ)

* Nét tương đồng:

- Hoàn cảnh ra đời trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.

– Tác giả: đều rất trẻ và đã hy sinh ở chiến trường.

– Nội dung và ý nghĩa xã hội của 2 đoạn nhật ký:

+ Phản ánh hiện thực khách quan, thời đại: cuộc kháng chiến có nhiều hy sinh mất mát.

+ Thể hiện chủ thể yêu nước và sống giàu tình cảm, trách nhiệm.

* Khác biệt:

- Nhật ký Đặng Thùy Trâm giàu sự việc, bộc lộ trực tiếp lòng yêu nước và căm thù giặc.

- Nhật ký Nguyễn Văn Thạc ít sự kiện, giàu cảm xúc, văn phong mượt mà, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.

Kết bài (0,5đ)

Nêu những tác động của 2 nhật ký trên tới bản thân (cảm xúc, suy nghĩ).