Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) phân tích truyện ngắn Anh Hai của tác giả Lý Thanh Thảo.
- Đọc kĩ nội dung truyện ngắn, dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích
- Dàn ý:
+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm và nêu ấn tượng nổi bật về tác phẩm
+ Thân bài: Tóm tắt văn bản và phân tích chi tiết nội dung, nghệ thuật
+ Kết bài: Nêu thông điệp của truyện và tác động của truyện tới nhận thức, cảm xúc cá nhân.
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Ấn tượng nổi bật về tác phẩm
2. Thân bài
- Tóm tắt ngắn gọn văn bản
- Nêu chủ đề văn bản: tình anh em trong nghịch cảnh của đời sống.
- Phân tích chi tiết:
+ Đứa con nhà giàu: thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay, chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống.
+ Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vòa chiếc bánh thơm ngon.
+ Hai anh em chai nhau liếm hai ngón thôi.
=> Mối quan hệ giữa anh và em được thể hiện rất tự nhiên và chân thật. Anh Hai thể hiện tình cảm lo lắng và quan tâm đặc biệt đối với em gái khi thấy em ăn kem và có vẻ không thoải mái.
=> Tính cách nhân vật: một người chăm sóc và quan tâm đến em gái. Trong khi đó, em gái có vẻ thích ứng và không ngần ngại khi đối mặt với khó khăn.
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Nghệ thuật tương phản
+ Truyện lồng trong truyện
+ Miêu tả sự hồn nhiên của người anh.
3. Kết bài
- Bức thông điệp của truyện
- Tác động của văn bản tới nhận thức, cảm xúc của cá nhân người viết.
Bài tham khảo
Truyện ngắn "Anh Hai" của Lý Thanh Thảo là một câu chuyện ngắn gọn nhưng đầy tính nhân văn, phản ánh sâu sắc sự chênh lệch trong cuộc sống giữa những đứa trẻ may mắn được sống trong điều kiện đầy đủ và những đứa trẻ bất hạnh phải mưu sinh trong cảnh nghèo khổ. Qua đó, truyện khơi gợi lòng trắc ẩn và nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương trong xã hội.
Truyện mở đầu bằng hình ảnh một đứa bé ngồi trên xe hơi, được mẹ dỗ dành ăn bánh kem nhưng lại từ chối một cách phũ phàng. Hành động vứt bỏ chiếc bánh không chút do dự của đứa trẻ giàu có thể hiện sự thừa mứa và vô tâm trước giá trị của thức ăn. Hình ảnh này đặt trong hoàn cảnh đối lập với hai đứa trẻ nghèo đang bới rác, khiến người đọc không khỏi xót xa và suy ngẫm về khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội.
Cao trào của câu chuyện được đẩy lên khi hai đứa trẻ nghèo nhìn thấy chiếc bánh, mắt sáng rực lên vì thèm thuồng. Dù chiếc bánh đã lấm láp, nhưng với chúng, đó là một món quà quý giá. Cách mà hai anh em cố gắng "thổi sạch" lớp bụi thể hiện rõ khao khát được ăn, đồng thời cũng cho thấy sự hồn nhiên, đơn giản trong suy nghĩ của trẻ thơ. Thế nhưng, một sự trớ trêu đã xảy ra khi chiếc bánh rơi tõm xuống cống, khiến ước mơ nhỏ bé ấy vụt tắt. Lời trách móc nhẹ nhàng của đứa em "Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh" cùng tiếng thút thít đầy tiếc nuối càng làm nổi bật lên sự đáng thương của hai anh em.
Tuy nhiên, dù cuộc sống thiếu thốn, hai anh em vẫn giữ được sự sẻ chia, nhường nhịn nhau. Chi tiết "Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!" tuy giản dị nhưng chất chứa tình yêu thương và sự hy sinh. Dù chỉ là chút kem còn sót lại trên tay, người anh vẫn dành phần hơn cho em mình. Điều đó thể hiện một tình cảm gia đình thiêng liêng, dù trong nghịch cảnh vẫn không mất đi sự nhân hậu, đùm bọc lẫn nhau.
Tác phẩm thành công không chỉ bởi nội dung cảm động mà còn nhờ vào nghệ thuật kể chuyện cô đọng, súc tích. Ngôn ngữ giản dị, đời thường, nhưng lại chạm đến trái tim người đọc. Hình ảnh đối lập giữa hai tầng lớp trong xã hội được xây dựng tinh tế, không quá gay gắt nhưng vẫn đủ để khiến người đọc phải suy nghĩ về sự bất công và giá trị của lòng nhân ái.
Truyện ngắn "Anh Hai" không chỉ là một câu chuyện về số phận trẻ thơ mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của xã hội đối với những mảnh đời bất hạnh. Qua đó, mỗi người trong chúng ta cần biết trân trọng những gì mình đang có, đồng thời mở lòng giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Bởi lẽ, chỉ khi có lòng nhân ái, thế giới này mới thực sự trở nên tốt đẹp hơn.