Đề bài

Vậy con nên trưởng thành trong vòng tay mẹ hay nên rời xa vòng tay mẹ để trưởng thành.

Viết bài văn nghị luận khoảng 400 chữ trả lời cho câu hỏi trên.

Phương pháp giải

Phân tích, tổng hợp.

 

Lời giải của GV Loigiaihay.com

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận “Nên trưởng thành trong vòng tay mẹ hay nên rời xa vòng tay mẹ để trưởng thành?"

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Khái quát nội dung đoạn trích: Đoạn trích nói đến tình yêu thương, sự quan tâm của mẹ giành cho con. Dù con có ở bất kì đâu mẹ vẫn là người yêu thương vô điều kiện. Mẹ che chở, bảo bọc đồng hành cùng con từ khi con còn nhỏ đến mãi sau này.

- Trưởng thành: là sự hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Có khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập không phụ thuộc.

- Vòng tay mẹ: Thể hiện tình thương, sự chăm sóc, giúp đỡ. Sự chở che, nâng đỡ.

b. Bàn luận.

Học sinh tự đưa ra sự lựa chọn của bản thân mình, chú ý có lý giải phù hợp. Sau đây là gợi ý:

- Khi rời xa vòng tay mẹ, đồng nghĩa với việc rời xa sự che trở, bảo bọc, chúng ta sẽ phải đối diện với những gian nan, thử thách ngoài cuộc sống mà buộc bản thân mình phải tự xoay sở, tự giải quyết. Nhờ đó, bản thân trở nên trưởng thành hơn.

+ Học được cách tự giải quyết vấn đề, tiếp thu được thêm nhiều kiến thức mới, tích lũy những kinh nghiệm sống cần thiết.

+ Học được cách cân bằng cảm xúc cá nhân, rèn luyện sự kiên nhẫn, trách nhiệm, học được cách đồng cảm, sẻ chia.

+ Khám phá ra được những năng lực tiềm ẩn của bản thân.

- Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của “vòng tay mẹ” trong quá trình trưởng thành của con người. Gia đình luôn là nơi để trở về, vòng tay cha mẹ luôn là chỗ để chúng ta dựa vào mỗi khi thất bại. Vòng tay đó sẽ là nguồn động lực vô giá để chúng ta lấy lại tinh thần, vững vàng bước tiếp, ngày càng trưởng thành hơn.

Học sinh chú ý lấy dẫn chứng phù hợp.

c. Bình luận

- Không ngừng tự cố gắng nỗ lực, độc lập giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Vì dù cho trưởng thành trong hay ngoài vòng tay mẹ thì đó cũng là nơi cho con dc lớn khôn.

- Luôn trân trọng, biết ơn và yêu thương cha mẹ, tình cảm gđ vì đó là cội nguồn để con người khôn lớn, trưởng thành.

- Phê phán những người có thói quen ỉ nại, phụ thuộc hoan toàn vào cha mẹ.

....

3. Kết luận: Tổng kết vấn đề nghị luận.

Bài tham khảo

Từ thuở ấu thơ, vòng tay mẹ luôn là biểu tượng của sự yêu thương, chở che và an ủi. Nhưng để trưởng thành thực sự, chúng ta phải đối mặt với câu hỏi: Nên lớn lên trong vòng tay mẹ hay rời xa vòng tay mẹ để khôn lớn? Theo tôi, quá trình trưởng thành cần một sự kết hợp linh hoạt giữa cả hai điều này.

Trưởng thành trong vòng tay mẹ mang lại sự ấm áp, an toàn và những bài học đầu đời về đạo đức, tình yêu thương. Đó là nơi con người học cách sẻ chia, thấu hiểu và xây dựng nền tảng cho tính cách. Tuy nhiên, nếu chỉ mãi nương tựa vào mẹ, con người khó có thể mạnh mẽ để đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Việc rời xa vòng tay mẹ chính là bước đầu tiên để học cách tự lập, đối mặt với thử thách và tự mình giải quyết vấn đề. Nhờ đó, mỗi người sẽ tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng sống và khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân.

Dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng vòng tay mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần quý giá. Mỗi khi vấp ngã, thất bại hay mệt mỏi, trở về bên mẹ sẽ giúp chúng ta hồi phục năng lượng và vững vàng hơn trên hành trình trưởng thành. Gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử, là cội nguồn sâu sắc, bền vững, không chỉ nâng đỡ mà còn thúc đẩy mỗi người hoàn thiện chính mình.

Vì thế, trưởng thành không chỉ là việc rời xa hay ở lại, mà là biết dung hòa giữa việc tự lập và gìn giữ mối dây tình cảm với mẹ. Chúng ta cần học cách tự mình đối mặt với cuộc sống nhưng vẫn luôn nhớ về vòng tay mẹ như một điểm tựa yêu thương. Đồng thời, cần trân trọng và biết ơn mẹ vì sự hy sinh và tình yêu vô điều kiện mà mẹ đã dành cho ta.

Tóm lại, trưởng thành không chỉ là hành trình khám phá bản thân mà còn là quá trình gắn kết với nguồn cội. Dù lớn lên trong hay ngoài vòng tay mẹ, điều quan trọng là ta biết vững bước và trân quý tình yêu từ mẹ.