Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

    “Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới... Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai”.

(Dẫn theo http://www.toikhacbiet.vn)


Câu 1

Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

  • A.
    Tự sự
  • B.
    Nghị luận
  • C.
    Miêu tả
  • D.
    Biểu cảm

Đáp án: A

Phương pháp giải :

Đọc kĩ văn bản trên

Lời giải chi tiết :

Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là tự sự.


Câu 2

Biện pháp tu từ được sử dụng khi khắc họa hình ảnh hai hạt lúa?

  • A.
    So sánh
  • B.
    Nhân hóa
  • C.
    Nói quá
  • D.
    Điệp từ

Đáp án: B

Lời giải chi tiết :

Biện pháp tu từ được sử dụng khi khắc họa hình ảnh hai hạt lúa là biện pháp nhân hóa.


Câu 3

Phép liên kết nào được sử dụng trong hai câu văn "Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới"?

  • A.
    Phép lặp
  • B.
    Phép thế
  • C.
    Phép liên tưởng
  • D.
    Phép nối

Đáp án: B

Lời giải chi tiết :

Hai câu văn trên sử dụng phép thế: từ “nó” ở câu sau thế cho từ “hạt lúa thứ hai” ở câu trước.


Câu 4

Hạt lúa thứ nhất đã nhận lại điều gì sau khi quyết định tìm nơi lý tưởng để trú ngụ?

  • A.
    Nảy mầm và trổ bông
  • B.
    Héo khô và chết
  • C.
    Tạo thành một thứ quả lạ
  • D.
    Sinh sôi ra nhiều hạt lúa khác

Đáp án: B

Lời giải chi tiết :

Hạt lúa thứ nhất đã héo khô và chết sau khi quyết định tìm nơi lý tưởng để trú ngụ và không ra đồng.


Câu 5

Đâu là câu văn mang thông điệp của văn bản trên?

  • A.
    Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
  • B.
    Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất.
  • C.
    Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt.
  • D.
    Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai”.

Đáp án: D

Lời giải chi tiết :

Câu văn cuối mang thông điệp của văn bản: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai”.