Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em

Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển

Bờ bãi loi thoi xóm làng ẩn hiện

Đời sông như đời người trên sông

Em yêu anh có yêu được như sông

Sông chẳng theo ai, tự chảy nên dòng

Sông nhớ biển lao ghềnh vượt thác

Mang suối nguồn đi đến suốt mênh mông

 

Đã yêu sông anh chẳng ngại sâu nông

Em có theo anh lên núi về đồng

Hạt muối mặn lên ngàn, bè tre xuôi về bến

Em có cùng lũ lụt với mưa dông

 

Đời sông trôi như đời người trên sông

Anh tin bến, tin bờ, tin sức mình đến bể

Tin ánh sáng trên cột buồm, ngọn lửa

Tin mái chèo cày trên sóng cần lao

 

Anh tin em khi đứng mũi chịu sào

Anh chẳng sợ mọi đá ngầm sóng cả

Anh yêu sông, yêu tự nguồn đến bể

Gió về rồi, nào ta kéo buồm lên

(Vũ Quần Phương – Tình yêu – dòng sông – NXB Văn học, 1988)


Câu 1

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên

  • A.

    Tự sự

  • B.

    Nghị luận

  • C.

    Biểu Cảm

  • D.

    Thuyết minh

Đáp án: C

Phương pháp giải :

Xem lại các phương thức biểu đạt đã học

Lời giải chi tiết :

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm


Câu 2

Trong bài thơ, tác giả đã bày tỏ niềm băn khoăn: “Em yêu anh có yêu được như sông”. Vậy nhà thơ đã nêu ra những điểm tương đồng nào giữa dòng sông và tình yêu?

  • A.

    Sông nhớ biển lao ghềnh vượt thác; Trong tình yêu hai người luôn mang nỗi nhớ cồn cào, da diết.

  • B.

    Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới biển; Đã yêu sông anh chẳng ngại sâu nông; Trong tình yêu cả hai người phải trải qua nhiều thử thách khó khăn.

  • C.

    Sông nhớ biển, lao ghềnh vượt thác/ Suối nguồn đi suốt mênh mông; Tình yêu mạnh mẽ, nồng nhiệt và cần sự hi sinh.

  • D.

    Tất cả các đáp án trên

Đáp án: D

Phương pháp giải :

Xem lại nội dung văn bản

Lời giải chi tiết :

Điểm tương đồng giữa dòng sông và tình yêu:

- Sông nhớ biển lao ghềnh vượt thác: trong tình yêu hai người luôn mang nỗi nhớ cồn cào, da diết.

- Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới biển; Đã yêu sông anh chẳng ngại sâu nông: trong tình yêu cả hai người phải trải qua nhiều thử thách khó khăn.

- Sông nhớ biển, lao ghềnh vượt thác/ Suối nguồn đi suốt mênh mông: tình yêu mạnh mẽ, nồng nhiệt và cần sự hi sinh


Câu 3

Chỉ ra biện pháp tu từ không được sử dụng trong khổ thơ:

Đời sông trôi như đời người trên sông

Anh tin bến, tin bờ, tin sức mình đến bể

Tin ánh sáng trên cột buồm, ngọn lửa

Tin mái chèo cày trên sóng cần lao

  • A.

    So sánh

  • B.

    Nhân hóa

  • C.

    Điệp từ

  • D.

    Liệt kê

Đáp án: B

Phương pháp giải :

Xem lại các biện pháp nghệ thuật đã học

Lời giải chi tiết :

- Biện pháp:

+ So sánh: Đời sông trôi như đời người mênh mông

+ Liệt kê: tin bến, tin bờ, tin sức mình, tin ánh sáng, tin mái chèo

+ Điệp từ “tin”

- Tác dụng:

+ Giúp câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn.

+ Nhấn mạnh niềm tin, nghị lực vào cuộc sống.


Câu 4

Thông điệp tác giả gửi gắm qua văn bản trên?

Chọn đáp án không phù hợp:

  • A.

    Phải hi sinh tình yêu cho lợi ích chung.

  • B.

    Trong tình yêu cần chân thành, chung thủy. Sự chân thành, thủy chung tạo nên sức mạnh to lớn cho tình yêu.

  • C.

    Hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong tình yêu

  • D.

    Tình yêu cần có niềm tin, sự lạc quan, niềm tin làm nên sự bền vững của tình yêu.

Đáp án: A

Phương pháp giải :

Xem lại nội dung văn bản

Lời giải chi tiết :

Thông điệp tác giả gửi gắm qua văn bản trên:

- Trong tình yêu cần chân thành, chung thủy. Sự chân thành, thủy chung tạo nên sức mạnh to lớn cho tình yêu.

- Hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong tình yêu

- Tình yêu cần có niềm tin, sự lạc quan, niềm tin làm nên sự bền vững của tình yêu.