Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

ĐIỀU CÔ CHƯA NÓI

Trời đã không mưa cho tới buổi chiều nay

Các em đẹp bất ngờ buổi sáng ngày bế giảng 

Cái khoảnh khắc em cầm sen tạo dáng 

Thướt tha áo dài điệu múa ở đằng xa 

 

Sau sân trường này sẽ là những ngã ba 

Các em phải đi và tự mình chọn lựa 

Lắm chông gai và cũng nhiều lời hứa 

Cám dỗ em, em phải biết giữ mình 

 

Đời người tránh sao được những phút “chùng chình” 

Ai cũng có một “bến quê” để lãng quên rồi mơ ước 

Mong em bình tâm trước những điều mất được 

Và bền gan đi đến cuối hành trình

 

Trái tim em thao thức một mối tình 

Mối tình nói hay mối tình chưa ngỏ 

Những hạnh phúc ngọt ngào hay phút giây lầm lỡ 

Những nỗi nhớ không lời, những cảm xúc không tên 

 

Và giấc mơ theo điệu múa cháy lên 

Cô ở lại, cánh chim bay đi nhé 

Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ 

Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em 

(“Điều cô chưa nói”- Hà Thị Hạnh, Trích Văn học và Tuổi trẻ, số 5+ 6 năm 2014, tr 64 )


Câu 1

Bài thơ là lời của ai nói với ai?

  • A.

    Lời của cô giáo nói với các em học sinh sắp ra trường

  • B.

    Lời của thầy giáo nói với các em học sinh sắp ra trường

  • C.

    Lời của tâm sự của học sinh với người thầy

  • D.

    Lời tâm sự của học sinh với người cô của mình

Đáp án: A

Phương pháp giải :

Xem lại văn bản

Lời giải chi tiết :

Bài thơ là lời của cô giáo nói với các em học sinh sắp ra trường.


Câu 2

Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh nào?

Chọn đáp án không phù hợp:

  • A.

    Cầm sen tạo dáng

  • B.

    Đẹp bất ngờ

  • C.

    Thướt tha áo dài điệu múa

  • D.

    Tóc dài buông ngang vai

Đáp án: D

Phương pháp giải :

Xem lại văn bản

Lời giải chi tiết :

Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh: đẹp bất ngờ, cầm sen tạo dáng, thướt tha áo dài điệu múa.


Câu 3

Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

Những hạnh phúc ngọt ngào hay phút giây lầm lỡ 

Những nỗi nhớ không lời, những cảm xúc không tên 

  • A.

    Nhân hóa

  • B.

    Câu hỏi tu từ

  • C.

    Điệp cú pháp

  • D.

    So sánh

Đáp án: C

Phương pháp giải :

Xem lại các biện pháp nghệ thuật đã học

Lời giải chi tiết :

- Biện pháp nghệ thuật: Điệp cú pháp “Những…”

- Tác dụng: Nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc của “em” đã từng trải qua trong đời người học sinh.


Câu 4

Hai câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ 

Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em 

  • A.

    Lời khuyên các em học sinh phải biết tự yêu chính bản thân mình.

  • B.

    Lời nhắn nhủ, động viên với các em học sinh: quên đi những vấp ngã, hãy lạc quan, tin tưởng vào con đường tương lai rộng mở phía trước.

  • C.

    Lời khuyên các em học sinh phải chọn con đường đi phù hợp với bản thân.

  • D.

    Lời khuyên nhủ học sinh hãy luôn ghi nhớ thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình nên người.

Đáp án: B

Phương pháp giải :

Xem lại nội dung hai câu thơ

Lời giải chi tiết :

Hai câu thơ là lời nhắn nhủ, động viên với các em học sinh: quên đi những vấp ngã, hãy lạc quan, tin tưởng vào con đường tương lai rộng mở phía trước.