Hương mùi
Tôi nhớ cái ngày mình chừng mười một, mười hai tuổi. Chiều Hai tám Tết mẹ bảo tôi ra đồng, nhổ mùi về. Cánh đồng vụ đông xanh màu rau củ. Mùi già khiêm nhường, cánh hoa trắng nhỏ nhoi, lơi phơi trước gió. Nghe mẹ dặn, tôi chọn những cây mùi thật già, vì mùi càng già càng thơm. Tôi ôm bó mùi về mà người như được ướp bằng làn hương dìu dịu ấy. Năm nào cũng vậy, cứ chiều Ba mươi là mẹ làm mâm cỗ cúng tất niên. Tôi có nhiệm vụ rửa sạch mùi cho vào nồi, đổ ngập nước rồi cho lên bếp đun. Nồi mùi sôi sùng sục, hương thơm toả khắp ba gian nhà. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được mùi hương ấy.
Chẳng biết tục tắm nước mùi vào ngày tất niên có tự bao giờ, nhưng mỗi dịp xuân về, nó lại làm tôi xao xuyến, bâng khuâng. Hương mùi mộc mạc như chính con người miền quê hiền lành, chất phác. Chiều Ba mươi Tết, cả không gian chòm xóm chưa bao giờ thơm đến thế. Bà tôi bảo tắm nước mùi là để tẩy sạch những cái không may trong năm, sáng mồng Một rửa mặt lá mùi là để chào đón năm mới tốt lành đang đến.
Mấy chục mùa xuân đi qua, tôi theo mẹ giữ nếp xưa: nấu nước mùi vào ngày tất niên. Các con tôi cũng vậy. Hôm dọn về nhà mới, dù mới Hai mươi Tết, các con vẫn nấu một nồi mùi to để nơi chân cầu thang. Hương thơm dịu dàng, thanh khiết lan toả khắp các tầng. Tôi thấy lòng mình thanh thản lạ... Ở thế kỉ hai mươi mốt này, có biết bao nhiêu loại dầu tắm, sữa tắm, hương thơm đa dạng đa màu. Nhưng với tôi, thứ nước mùi linh thiêng ấy đã ngấm vào da thịt từ thời thơ bé.
(Theo Lê Phương Liên)
Vì sao nhiều thế hệ trong gia đình nhân vật "tôi" muốn giữ nếp nấu nước mùi vào ngày tất niên?
A. Nước mùi già rất thơm.
B. Nước mùi giúp tắm sạch.
C. Nước mùi đã trở nên linh thiêng, gợi kí ức.
D. Nước mùi có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.
Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.
Nhiều thế hệ trong gia đình nhân vật "tôi" muốn giữ nếp nấu nước mùi vào ngày tất niên vì nước mùi đã trở nên linh thiêng, gợi kí ức.
Đáp án C.