Lý thuyết: Hoàn cảnh ra đời và những đặc điểm chính của triết học cổ điển Đức


Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Đây là đỉnh cao của thời kỳ triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng to lớn tới triết học hiện đại.

Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Đây là đỉnh cao của thời kỳ triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng to lớn tới triết học hiện đại.

 

Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập ở một số nước Tây Âu như Italia, Anh, Pháp, v.v., đem lại một nền sản xuất phát triển chưa từng có trong lịch sử, tỏ ra ưu việt hơn hẳn so với tất cả các chế độ xã hội trước đó. Những thành tựu kinh tế và văn hoá thời nay mà đỉnh cao là Cách mạng công nghiệp ở Anh càng khẳng định sức mạnh của con người trong nhận thức và cải tạo thế giới. Cùng với Cách mạng tư sản Pháp làm rung chuyển cả châu Âu, chúng đánh dấu sự mở đầu của nền văn minh công nghiệp trong lịch sử nhân loại.

Trong khi ở nhiều nước Tây Âu đang có những thay đổi nhảy vọt như vậy, thì nước Đức cho đến đầu thế kỷ XIX vẫn là một quốc gia phong kiến lạc hậu. Liên bang Đức chỉ tồn tại về hình thức, thực tế đất nước còn phân thành nhiều tiểu vương quốc tách biệt nhau. Tình trạng đó gây nhiều trở ngại đối với sự phát triển của đất nước. Năm 1822, cả nước Đức mới chỉ có 2 máy hơi nước. Nông nghiệp bị đình đốn. Triều đình vua Phổ Phriđrích Vinhem (1770 - 1840) vẫn ngoan cố tăng cường quyền lực và duy trì chế độ quân chủ phong kiến thối nát, cản trở đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, cả đất nước bao trùm bầu không khí bất bình của đông đảo quần chúng. Như Ph.Ăngghen nhận xét, có thể coi đây là một trong những thời kỳ yếu hèn nhất trong lịch sử nước Đức.

Tuy lạc hậu về kinh tế và chính trị, nước Đức thời kỳ này đạt được sự phát triển chưa từng có về triết học, văn hoá và nghệ thuật. Đây là quê hương của nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới như Hécđơ, Gớt, Sinlơ, Cantơ V.V.. Họ, một mặt, tiếp thu những di sản tư tưởng và văn hoá Đức truyền thống, kế thừa các quan niệm của Nicôlai Kuzan, Lépnít, v.v. mặt khác, được cổ vũ to lớn của tư tưởng Khai sáng và văn hóa Pháp thế kỷ XVIII. Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794) là hậu thuẫn thực tiễn thức tỉnh giai cấp tư sản Đức đấu tranh vì một trật tự xã hội mới ở Đức. Thể hiện nguyện vọng đó của giai cấp tư sản, các tác phẩm của Gớt, Sinlơ, Cnatơ Phíchtơ V.V., đều toát lên một tinh thần phẫn nộ chống lại sự trì trệ và bất công của xã hội Đức thời đó.

Thêm vào đó, những tiến bộ đáng kể của khoa học, nhất là các ngành khoa học tự nhiên ngày càng chứng tỏ sự hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình thống trị trong tư tưởng Tây Âu suốt thế kỷ XVII - XVIII. Việc phát minh ra điện và cách sử dụng điện năng góp phần tạo ra bước nhảy vọt trong sự phát triển của sản xuất từ công trường thủ công tới công nghiệp cơ khí, đồng thời chứng thực những phát triển đầu tiên của khoa học về sự bảo toàn và biến hoá năng lượng và vật chất của vũ trụ. Phát minh của Lavoarê ra ôxy và bản chất của sự cháy đã đánh đổ thuyết nhiên tố, mở ra giai đoạn phát triển mới của hoá học. Những công trình nghiên cứu của Lamác, Linnơ, việc phát hiện ra tế bào của Lơvenhúc v.v. đòi hỏi phải có cách lý giải mới về bản chất của sự sống.

Bối cảnh lịch sử đó ở Tây Âu và nước Đức đặt trước các nhà triết học nhiều vấn đề: Siêu hình học thế kỷ XVII (với các đại biểu chính như Đềcáctơ, Xpinôza, Lépnít v.v.) từng đóng vai trò to lớn trong việc phát triển tư duy lý luận và hệ thống hoá tri thức con người đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn và tư tưởng Tây Ẩu thế kỷ XVIII, khi mà hàng loạt các khoa học đã đủ sức phát triển tách ra khỏi cái nôi triết học của mình, trở thành những lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Ngay từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, xuất hiện nhiều xu hướng xét lại siêu hình học và các giá trị tư tưởng truyền thống. Tuy nhiên, triết học Tây Âu Phục hưng và cận đại (ngay cả triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII) từng là ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản trong thời kỳ bình minh đầy tính cách mạng của nó, về cơ bản, vẫn chưa thoát khỏi quan niệm cơ học về thế giới, đồng thời bất lực trong việc lý giải bản chất của thực tiễn xã hội đang diễn ra cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Tóm lại, giờ đây cần có cách nhìn mới về các hiện tượng tự nhiên và tiến trình lịch sử nhân loại, cần có quan niệm mới về khả năng và hoạt động của con người. Và triết học cổ điển Đức ra đời nhằm đáp ứng với những sứ mạng lịch sử đó của không chỉ riêng nước Đức, mà cả phương Tây nói chung. Cho nên nó có những đặc điểm chính như sau:

Thứ nhất đây là thế giới quan và ý thưc hệ của giai cấp tư sản Đức cuối thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XIX. Hầu hết các đại biểu của nó như Cantơ, Hêghen V.V., đều xuất thần từ những tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhận thấy sự trì trệ của xã hội Đức phong kiến thời đó, được sự cổ vũ của giai cấp tư sản nhiều nước nhất là cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794), họ thể hiện nguyện vọng tiến bộ của giai cấp tư sản đấu tranh vì một trật tự xã hội mới ở Đức, nhằm đem lại sự thịnh vượng, phồn vinh và thống nhất đất nước. Cho nên “cũng giống như ở Pháp hồi thế kỷ XVIII, cách mạng triết học Đức hồi thế kỷ XIX cũng đi trước cuộc cách mạng chính trị”. Nhưng khác với giai cấp tư sản Pháp vốn triệt để cách mạng, giai cấp tư sản Đức ngay từ đầu đã muốn thoả hiệp với tầng lớp phong kiến quý tộc Phổ đang thống trị thời đó, giữ lập trường cải lương trong việc giải quyết những vấn đề phát triển đất nước. Phản ánh sự nhu nhược đó của giai cấp tư sản, chẳng hạn, Hêghen, bất chấp phương pháp biện chứng của mình khẳng định sự phát triển tất yếu của hiện thực, vẫn ca ngợi, tô vẽ cho nhà nước Phổ phong kiến đang thối nát, với những bất công và tệ nạn xã hội của nó. Và nói chung, trong thế giới quan của các nhà triết học cổ điển Đức thể hiện khá rõ mâu thuẫn giữa tính cách mạng và khoa học về tư tưởng với sự bảo thủ, cải lương về lập trường chính trị - xã hội.

Nhưng, điều đó không làm lu mờ sứ mạng lịch sử mà triết học cổ điển Đức thực hiện là đem lại một cách nhìn mới về thực tiễn xã hội và tiến trình lịch sử nhân loại. Vì vậy, đặc điểm thứ hai của nó là đặc biệt đề cao vai trò tích cực của hoạt động con người, thực hiện bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ chỗ chủ yếu bàn về những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận ... đến chỗ coi con người như một chủ thể hoạt động là nền tảng và điểm xuất phát của mọi vấn đề triết học. Dĩ nhiên, để tài con người đã được bàn đến ngay từ triết học cổ đại. Xôcrát đã hiểu triết học là tự ý thức của con người về chính bản thân mình. Kế tục tư tưởng đó và khuynh hướng đề cao con người từ thồi Phục hưng, Cantơ, nhà sáng lập ra triết học cổ điển Đức, lần đầu tiên hiểu con người là chủ thể, đồng thời là kết quả quá trình hoạt động của mình, khẳng định hoạt động thực tiễn cao hơn lý luận. Bản thân lịch sử là phương thức tồn tại của con người. Mỗi cá nhân hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Tư tưởng đó được Hêghen phát triển thêm, khẳng định con người là sản phẩm của một thời đại lịch sử nhất định, vì vậy, mang bản chất xã hội.

Trước những thành tựu khổng lổ về kinh tế - xã hội và văn hoá mà nhân loại đạt được trong thời kỳ bình minh đầy tính cách mạng của chủ nghĩa tư bản, các nhà triết học cổ điển Đức từ Cantơ đến Hêghen đều đề cao sức mạnh trí tuệ và hoạt động con người tới mức cực đoan. Họ thần thánh hoá con người tới mức coi con người là chúa tể của tự nhiên, bản thân giới tự nhiên cũng chỉ là kết quả hoạt động của con người. Quan niệm duy tâm đó càng được củng cố bởi sự thống trị mạnh mẽ của tôn giáo trong xã hội Đức thời đó cũng như sự thoả hiệp của giai cấp tư sản với ý thức hệ phong kiến. Tuy vậy, cần phải nhận thấy một trong những thành tựu cơ bản của triết học cổ điển Đức là, thứ nhất, khẳng định tư duy và ý thức chỉ có thể phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải tạo thế giới. Con người là chủ thể, đồng thời là kết quả của toàn bộ nên văn minh do chính mình tạo ra; thứ hai, nghiên cứu tiến trình lịch sử của nhân loại, cũng như toàn bộ mối quan hệ “con người tự nhiên” như một quá trình phát triển biện chứng

Vì thế, đặc điểm thứ ba của triết học cổ điển Đức là nó dựa trên một cách nhìn biện chứng về thế giới hiện thực. Trước những bước phát triển như vũ bão của khoa học và thực tiễn xã hội ở châu Âu cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX cho thấy hạn chế của bức tranh cơ học về thế giới, các nhà triết học cổ điển Đức tiếp thu những tư tưởng biện chứng trong các di sản triết học truyền thống từ thời cổ đại, xây dựng phép biện chứng trở thành một phương pháp luận triết học trong việc nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Với giả thuyết vân tinh nổi tiếng về sự hình thành vũ trụ và cách nhìn mới về con người, Cantơ, theo nhận xét của Ph.Ăngghen, là người chọc lỗ thủng đầu tiên vào quan niệm siêu hình về tự nhiên thống trị trong khoa học và triết học suốtt thế kỷ XVI - XVII. Hêghen đã phát hiện ra những quy luật và các phạm trù cơ bản của phép biện chứng, xây dựng nó trở thành một khoa học về sự phát triển của tất thảy mọi sự vật và tư tưởng. Ý nghĩa thực sự và cách mạng của triết học Hêghen “là ở chỗ nó đã vĩnh viễn kết liễu tính tối hậu của những kết quả của tư tưởng và của hành động con người. Theo Hêghen, chân lý mà triết học có nhiệm vụ phải nhận thức, không còn là một tập hợp những nguyên lý giáo điều có sẵn..., từ nay, chân lý nằm trong chính ngay quá trình nhận thức, trong sự phát triển lịch sử lâu dài của khoa học”. Dù dưới hình thức duy tâm, triết học cổ điển Đức đã đưa lại cho chúng ta phương pháp tư duy biện chứng, một phương pháp tư duy mà sau này, khi đã được C.Mác và Ph.Ăngghen cải tạo, thì nó trở thành "linh hồn của chủ nghĩa Mác”.

Với cách nhìn biện chứng bao quát toàn bộ hiện thực, nhiều nhà triết học cổ điển Đức có ý đồ hệ thống hoá toàn bộ những tri thức và thành tựu mà nhân loại đạt được từ trước tới giờ. Và đây là đặc điểm thứ tư của triết học cổ điển Đức. Tiếp thu những tinh hoa của siêu hình học thế kỷ XVII trong việc phát triển tư duy lý luận và hệ thống hoá toàn bộ tri thức con người, các nhà triết học, từ Cantơ tới Hêghen đều có ý đồ xây dựng một hệ thống triết học vạn năng của mình làm nền tảng cho toàn bộ thế giới quan con người, khôi phục lại quan niệm coi triết học là khoa học của các khoa học. Họ thể hiện sự uyên bác không chỉ về triết học mà còn về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, pháp quyển, lịch sử V.V.. Dĩ nhiên, quan niệm đó hiện nay không phù hợp, nhưng về phương diện lịch sử, nó đáp ứng nhu cầu của khoa học cần hệ thống hoá toàn bộ tri thức con người mà các nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII là những người khởi xướng trong bộ Bách khoa toàn thư của mình.

Trên đây là những đặc điểm cơ bản của triết học cổ điển Đức. Luận điểm của C.Mác coi đây là "lý luận của người Đức về cách mạng tư sản Pháp”, một mặt, cho thấy đặc trưng riêng của triết học Đức so với triết học Pháp thế kỷ XVIII, dù giữa chúng có sự kế thừa to lớn; mặt khác, khẳng định giá trị tư tưởng vĩ đại của triết học cổ điển Đức. Phân tích từng đại biểu cụ thể của nó giúp ta hiểu thêm điều đó.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.7 trên 10 phiếu