Nước Đại Việt ta

Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Nước Đại Việt ta


Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, không chỉ có tài quân sự mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn lớn

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Mở bài

MB 1

     Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, không chỉ có tài quân sự mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn lớn. Ông để lại sáng tác đồ sộ trên cả hai mảng sáng tác chữ Hán và chữ Nôm. Các tác phẩm thơ cũng như văn chính luận của ông đều đạt đến độ xuất sắc. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của Nguyễn Trãi ta không thể không nhắc đến Bình ngô đại cáo. Đoạn trích Nước Đại Việt ta là phần đầu của bài cáo này, đã phần nào cho thấy tài năng của Ức Trai.

MB 2

     Như ta biết, Cáo cùng với Hịch, Chiếu là những văn bản có tính chất công vụ hành chính từ trên ban truyền hoặc trình bày, giải thích một chủ trương hoặc công bố một sự kiện. Ở đây, Nguyễn Trãi dùng từ đại cáo vì sự kiện mà bài văn nói đến là một sự kiện lớn: công cuộc bình Ngô. Đòi hỏi ở một bài cáo nói riêng, một bài văn nghị luận nói chung phải là sự chặt chẽ đã đành, trong trường hợp này, tác giả với lược thuật chiến tranh vừa bàn luận về chiến tranh. Nó vừa là lịch sử vừa là tư tưởng. Làm thế nào phối hợp được cái bề nổi và chiều sâu hàm ẩn ấy, điều này quả không đơn giản chút nào.

MB 3

     “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ soạn thảo, được công bố vào đầu năm 1428. Tác phẩm là một bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập. Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” đã nêu lên một Tuyên ngôn mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, khẳng định nước ta là một nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ, phong tục, chủ quyền, và kẻ xâm lược và phản nhân nghĩa, nhất định sẽ phải chuốc lấy thất bại.

MB 4

     Nhắc đến những áng thiên cổ hùng văn của mọi thời đại, phải kể đến Bình Ngô đại cáo. Bình Ngô đại cáo là bản tuyên cáo khẳng định cộng đồng Đại Việt với tư cách một quốc gia độc lập và tổng kết sự nghiệp bình Ngô Phục quốc đã kết thúc thắng lợi, đất nước đã giành được độc lập toàn vẹn từ tay kẻ thù, và bắt đầu thời kỳ xây dựng phát triển mới. Với những ý nghĩa như vậy Bình Ngô đại cáo đã trở thành bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc Đại Việt. Nội dung tuyên ngôn được thể hiện tập trung trong đoạn trích Nước Đại Việt ta.

MB 5

     Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất, nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Nguyễn Trãi đã từng thay Lê Lợi viết "Bình Ngô đại cáo" – một áng thiên cổ hùng văn tuyên cáo độc lập dân tộc. Đoạn trích "Nước Đại Việt ta" thuộc phần đầu của bài cáo, là đoạn trích có vị trí quan trọng – làm tiền đề cho bài cáo.

Kết bài

KB 1

     Bài cáo với lập luận chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm, lời lẽ và thực tiễn, giọng văn hùng hồn. Đoạn trích mở đầu bài "Bình Ngô đại cáo" sáng ngời chính nghĩa được viết bởi trí tuệ sắc sảo của một trái tim yêu nước thương dân. Đoạn văn đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, lòng tự hào về lịch sử dân tộc của người anh hùng Nguyễn Trãi. Đoạn văn mở đầu bài "Bình Ngô đại cáo" ngắn gọn, cô đọng, súc tích, là điểm tựa, là nền tảng lí luận cho toàn bài. Đoạn văn vừa là lời nghiêm khắc răn dạy vừa mang chiều sâu thấm thía tư tưởng nhân nghĩa cốt lõi của đạo làm người.

KB 2

     Nếu như toàn bộ bài Cáo là một bản anh hùng ca lẫm liệt về một dân tộc với hào khí thời đại, khát vọng chiến thắng kẻ thù để giành lấy nền độc lập thái bình muôn thuở thì đoạn trích Nước Đại Việt ta chính là tuyên ngôn về hào khí, khí phách, khát vọng ấy. Năm tháng qua đi nhưng ý nghĩa của bản tuyên ngôn vẫn còn ngời sáng đến muôn đời.

KB 3

    Có thể nói, đoạn văn bản "Nước Đại Việt ta" đã thể hiện một cách hùng hồn lòng yêu nước thông qua việc nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa yêu nước thương dân đồng thời bày tỏ niềm tự hào về quyền độc lập tự chủ của đất nước và truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên. Lòng yêu nước là những điều thật giản dị, tình cảm ấy nằm ngay trong những suy nghĩ, cảm xúc của mỗi chúng ta về nơi mình sinh ra, lớn lên. Và chính những tình cảm ấy sẽ trở thành động lực để chúng ta phấn đấu học tập rèn luyện vì tương lai quê hương, đất nước mình.

KB 4

     Với tư cách là phần văn bản mở đầu áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, văn bản “nước Đại Việt ta” đã khẳng định lí tưởng yêu nước, thương dân của những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Hơn thế, đoạn trích còn khẳng định vị thế dân tộc trên nhiều phương diện, từ đó thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ của tác giả.

KB 5

     Nước Đại Việt ta" như bản hoan ca về đất nước, con người phương Nam. Lòng tự hào về truyền thống dân tộc cùng ngòi bút tài năng đã giúp Nguyễn Trãi viết nên những vần thơ sắc bén và lập luận chính xác, thuyết phục như thế. Qua đoạn trích, em thêm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình, quyết tâm học tập để xứng đáng với sự hi sinh của cha ông cho hòa bình hôm nay.

Nguồn: sưu tầm


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí