Đề 1: Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học


Tuổi thơ của em có nhiều kỉ niệm đẹp về thời cắp sách. Em không bao giờ quên những kỉ niệm sâu sắc về ngày đầu tiên đi học.


         Tuổi thơ của em có nhiều kỉ niệm đẹp về thời cắp sách. Em không bao giờ quên những kỉ niệm sâu sắc về ngày đầu tiên đi học.

         Hôm ấy là ngày 1 tháng 9, một ngày thu trong sáng, êm đềm. Bố em là lính Biên phòng ở Điện Biên, mẹ em là y sĩ công tác ở bệnh viện huyện nên không ở nhà. Bà ngoại đưa em đi học, bà đánh thức em dậy sớm. Ăn điểm tâm một củ khoai lang rồi bà chải tóc, tết nơ cho cháu. Mặc áo sơ mi trắng, quần ka ki xanh, đầu đội mũ vải hồng, chân đi giầy vải, em cảm thấy mình cao lớn và xinh đẹp hẳn lên. Bà mỉm cười, nhìn em rồi nói: “Áo quần của bố cháu gửi về, cháu mặc vừa khéo vừa xinh”. Em khoác ba lô sách lên đôi vai, theo bà đi đến trường. Bà đi trước, em lẽo đẽo theo sau.

         Con đường từ xóm Chùa qua đình Yên, đến làng Nhót sớm hôm ấy đông vui lạ. Từng đoàn học sinh, tốp năm, tốp bảy kéo nhau đi rộn ràng như đi hội. Các anh chị học lớp Bốn, lớp Năm vừa đi vừa chuyện trò râm ran. Cô, cậu nào cũng thắt khăn quàng đỏ rực rỡ. Em nhìn theo và ao ước một ngày nào đó cũng được quàng khăn đỏ đi học như ai. Đi được một đoạn đường bà bảo đưa bà xách hộ túi sách, nhưng em nói nhỏ với bà: “Cháu chưa mỏi đâu bà ạ. Cháu muốn khoác ba lô sách vở cho quen”.

         Qua đình làng Yên, một cảnh tượng mới lạ hiện ra làm em vô cùng xúc động. Từ nhỏ đến giờ, em chưa một lần nào đi qua khỏi cổng đình làng Yên. Hàng bạch đàn xanh biếc chạy dọc hai bên vệ đường. Chim sâu chuyển cành kêu ríu rít. Cánh đồng lúa xanh biếc bao la, đàn cò trắng xòe cánh bay trong nắng mai. Có một vài đứa bé được bố mẹ chở đi học bằng xe đạp. Thằng Bình con chú Quý lại được cưỡi trâu đi học. Nó ngồi vắt vẻo như một kị sĩ tí hon ra trận. Hình ảnh thằng Bình cưỡi trâu đi học trông thật buồn cười, ngộ nghĩnh làm em nhớ mãi.

         Mái trường ngói son nằm ở chân đồi Quang đã hiện ra. Con đường liên thôn non cây số mà em cảm thấy xa lắc, cổng trường có tấm biển vàng nổi bật dòng chữ đỏ: “Trường Tiểu học Nguyễn Trãi”. Sân trường rộng mênh mông, lát xi măng phẳng lì. Cột cờ là một cây luồng sơn xanh cao chót vót, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng.

         Các cô giáo mặc sơ mi quần âu, trẻ trung, xinh tươi đứng trước cửa lớp. Theo phiếu, bà dẫn em đến lớp 1E do cô giáo Nhung phụ trách. Nhiều vị phụ huynh đứng quanh cô giáo. Tất cả đều vui vẻ. Em và nhiều bạn chưa quen cứ nhìn nhau, mỉm cười. Ánh mắt và nụ cười của tình bạn tuổi thơ ấy em sẽ mang theo suốt cuộc đời.

         Bỗng một hồi trống vang lên. Chúng em xếp hàng để chuẩn bị đi vào lớp. Như một đàn chim non, lông cánh xanh biếc, đỏ hồng, ánh mắt ngời lên, ríu ra ríu rít. Trống ngực em đập thình thình. Vào đến cửa lớp, em ngoái cổ nhìn bà, thấy bà giơ tay vẫy vẫy. Em được xếp ngồi vào bàn đầu, tất cả đều con gái. Cả bốn đứa đều mang tên loài hoa: Quỳnh, Lan, Huệ, Hồng. Chỉ một lúc sau là chúng em đã quen thân.

         Buổi học đầu tiên, cô giáo dạy chúng em xếp hàng, cách ngồi học, cách đọc bài và giơ tay phát biểu. Cô dạy chúng em hát bài Đi học”. Cô giáo hát rất hay, rất vui tính. Chỉ mấy phút sau, chúng em đã hát rộn ràng:

    “Trường của em be bé

Nằm lặng dưới hàng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay...

         Cô giáo khen: “Các em ngoan và giỏi lắm!”, cô dặn dò ngày mai đi học đúng giờ, ăn mặc sạch đẹp. Cô bảo đến ngày 5 tháng 9, nhà trường mới tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

         Một hồi trống kéo dài. Chúng em xếp hàng ra về. Mẹ em đã đứng đợi ở cổng trường. Mẹ chở em bằng xe đạp. Lúc đi qua chợ Ngót, mẹ mua bánh đúc cho con gái ăn. Mẹ hỏi: “Con gái mẹ có ăn mắm tôm không?” Em cười và lắc đầu. Hương vị bánh đúc nhân lạc ấy em nhớ mãi.

Lê Thị Hồng - 8B Trường Tiểu học Yên Dũng - Bắc Giang.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.5 trên 100 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.