Bài tập trắc nghiệm địa lý 10 đầy đủ các bài hk1, hk2 học sinh có thể làm online sau đó đối chiếu với lời giải chi tiết

Chương I. Bản đồ

Trong phần này, HS cần phân biệt được những phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ theo các tiêu chí về đối tượng biểu hiện, hình thức và khả năng biểu hiện. Bên cạnh đó, sử dụng được bản đồ trong học tập và đời sống.

Chương II. Vũ trụ. Hệ quả chuyển động của Trái Đất

Chương này tìm hiểu về vũ trụ, hệ Mặt Trời và Trái Đất, hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất.

Những sai lầm HS thường mắc phải trong chương này liên quan đến hệ quả địa lí của chuyển động tự quay quanh trục (giờ trên Trái Đất) khi tính giờ chênh lệch giữa 2 quốc gia.

Chương III. Cấu trúc của Trái Đất. Các quyển của lớp vỏ địa lí

Để học tốt chương III, HS cần nắm được các kiến thức liên quan đến cấu trúc của Trái Đất (gồm 3 lớp: vỏ Trái Đất, man-ti và nhân); nội lực, ngoại lực và tác động của chúng đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất; khí quyển; thủy quyển; thổ nhưỡng quyển; sinh quyển.

Chương IV. Một số quy luật của vỏ địa lí

Chương IV tập trung tìm hiểu về 3 quy luật của vỏ địa lí (quy luật địa đới, quy luật phi địa đới, quy luật thống nhất và hoàn chỉnh). Đối với từng quy luật, HS cần nắm được khái niệm, biểu hiện và ý nghĩa thực tế. Đồng thời, lấy được ví dụ biểu hiện của từng quy luật ở Việt Nam.

Điểm khó của chương này là HS phải hiểu và phân biệt được 3 quy luật rõ ràng, tránh nhầm lẫn các quy luật với nhau.

Chương V. Địa lí dân cư

HS sẽ được tìm hiểu về dân cư thế giới thông qua các yếu tố: dân số và gia tăng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư và đô thị hóa.

Chương này rất nhiều số liệu, HS cần chú ý đến tính cập nhật của số liệu, rèn kĩ năng xử lí số liệu, vẽ và phân tích biểu đồ, bảng số liệu,…

Chương VI. Cơ cấu nền kinh tế

Chương này tìm hiểu về cơ cấu nền kinh tế theo 3 bộ phận khác nhau: cơ cấu ngành kinh tế (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ), cơ cấu thành phần kinh tế (khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) và cơ cấu lãnh thổ (toàn cầu và khu vực, quốc gia, vùng).

Số liệu, bảng số liệu và biểu đồ ở chương này sẽ được sử dụng nhiều, HS cần lưu ý rèn luyện các kĩ năng nhận xét, phân tích bảng số liệu; vẽ, nhận xét và giải thích biểu đồ,...

Chương VII. Địa lí nông nghiệp

Trong chương này, học sinh cần nắm được vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; địa lí từng ngành; tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, vấn đề phát triển nông nghiệp trên thế giới và định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai.

Vẽ và nhận xét được biểu đồ về sản lượng lương thực của thế giới, chú ý đến cách chọn biểu đồ thích hợp nhất.

Chương VIII. Địa lí công nghiệp

HS sẽ tìm hiểu nội dung về ngành công nghiệp qua: vai trò, đặc điểm, cơ cấu ngành công nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp; địa lí một số ngành công nghiệp; tổ chức lãnh thổ công nghiệp và tác động của công nghiệp đối với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, định hướng phát triển công nghiệp trong tương lai.

Chương IX. Địa lí dịch vụ

Để học tốt chương này, HS cần nắm chắc các kiến thức về cơ cấu, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ; địa lí một số ngành dịch vụ (giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, thương mại và tài chính ngân hàng).

Chương X. Môi trường và sự phát triển bền vững

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng được quan tâm, HS cần nắm chắc kiến thức phần này, từ đó có ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ tự nhiên, môi trường; học về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, đặc biệt trong xây dựng nông nghiệp xanh.