Đề thi học kì 1 Văn 9 - Kết nối tri thức

Đề thi học kì 1 Văn 9 Kết nối tri thức - Đề số 5


Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên, là mái nhà chung của mọi người. Từng con sông, ngọn núi, mỗi cánh đồng hay làn nước biển đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa và tinh thần bất khuất của cha ông.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên, là mái nhà chung của mọi người. Từng con sông, ngọn núi, mỗi cánh đồng hay làn nước biển đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa và tinh thần bất khuất của cha ông. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn nằm trong từng hành động nhỏ bé: bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa, và sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần. Chỉ khi hiểu và trân trọng giá trị của quê hương, ta mới thực sự xứng đáng với công lao của tiền nhân.”

(Nguồn: Sưu tầm)

Câu 1 (1 điểm): Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 2 (1 điểm): Theo đoạn văn, lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động nào?

Câu 3 (1 điểm): Tìm và phân tích ý nghĩa của hình ảnh “Từng con sông, ngọn núi” trong đoạn văn.

Câu 4 (1 điểm): Em có đồng ý với quan điểm: “Chỉ khi hiểu và trân trọng giá trị của quê hương, ta mới thực sự xứng đáng với công lao của tiền nhân”? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh mà em yêu thích

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

Phương pháp:

Xác định ý chính dựa trên từ khóa như: Tổ quốc, lòng yêu nước, hành động thiết thực.

Lời giải chi tiết:

Nội dung chính: Đoạn văn nêu lên ý nghĩa của Tổ quốc trong đời sống con người, đồng thời khẳng định lòng yêu nước phải được thể hiện qua hành động thiết thực, chứ không chỉ dừng lại ở lời nói.

Câu 2.

Theo đoạn văn, lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động nào?

Phương pháp:

Tìm các hành động cụ thể được liệt kê trong đoạn văn.

Lời giải chi tiết:

Lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động:

- Bảo vệ môi trường.

- Giữ gìn văn hóa truyền thống.

- Sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc khi cần.

Câu 3.

Tìm và phân tích ý nghĩa của hình ảnh “Từng con sông, ngọn núi” trong đoạn văn.

Phương pháp:

Phân tích nghĩa đen và nghĩa bóng của hình ảnh trong ngữ cảnh đoạn văn.

Lời giải chi tiết:

- Hình ảnh “từng con sông, ngọn núi” tượng trưng cho vẻ đẹp và sự thiêng liêng của Tổ quốc.

- Nó gợi nhớ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, và tinh thần bất khuất của cha ông trong việc bảo vệ quê hương.

Câu 4.

Em có đồng ý với quan điểm: “Chỉ khi hiểu và trân trọng giá trị của quê hương, ta mới thực sự xứng đáng với công lao của tiền nhân”? Vì sao?

Phương pháp:

Trình bày quan điểm cá nhân, lập luận chặt chẽ và có dẫn chứng phù hợp.

Lời giải chi tiết:

Đồng ý. Vì:

- Hiểu và trân trọng giá trị quê hương giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân, xã hội và lịch sử.

- Điều này còn khuyến khích tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc và duy trì những giá trị truyền thống.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Phương pháp:

Liên hệ kiến thức của bản thân

Chú ý hình thức của đoạn văn gồm 3 phần: mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn:

Giới thiệu vấn đề: trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

2. Thân đoạn:

- Giải thích: Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, là nền tảng bảo đảm sự độc lập và phát triển của đất nước.

- Trách nhiệm của thế hệ trẻ:

+ Tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao nhận thức và hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc.

+ Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa.

+ Lan tỏa tình yêu nước qua việc tôn trọng các giá trị truyền thống.

+ Sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi xâm phạm chủ quyền.

- Dẫn chứng: Học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, các phong trào như "Trường Sa xanh".

- Phản đề: một số người không có ý thức bảo vệ lãnh thổ, cố tình chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc…

3. Kết đoạn:

- Tổng kết lại vấn đề: Mỗi hành động nhỏ của thế hệ trẻ hôm nay sẽ góp phần bảo vệ và xây dựng một Tổ quốc vững mạnh trong tương lai.

- Liên hệ bản thân

Câu 2.

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh mà em yêu thích

Phương pháp:

Chọn một danh lam thắng cảnh mà em đã từng tới và có ấn tượng sâu sắc

Chú ý hình thức của bài văn có 3 phần: mở bài – thân bài – kết bài

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về danh lam thắng cảnh định viết

- Nêu tầm quan trọng hoặc sự hấp dẫn của danh lam thắng cảnh đối với khách du lịch và người dân.

2. Thân bài

a. Vị trí địa lý

- Địa điểm cụ thể (nằm ở đâu: tỉnh, thành phố, khu vực).

- Đặc điểm địa lý xung quanh (sông núi, biển cả, khí hậu,...).

b. Lịch sử, nguồn gốc

- Giới thiệu lịch sử hình thành (nếu có).

- Những câu chuyện, truyền thuyết hoặc sự kiện lịch sử gắn liền với danh lam thắng cảnh.

c. Đặc điểm nổi bật

- Mô tả cụ thể:

+ Vẻ đẹp tự nhiên (núi non, sông nước, hệ sinh thái...).

+ Kiến trúc (đền, chùa, công trình nhân tạo nếu có).

- Các giá trị văn hóa, tinh thần:

+ Liên quan đến văn hóa dân tộc hoặc tín ngưỡng.

+ Các lễ hội, phong tục đặc trưng diễn ra tại đây.

d. Ý nghĩa và giá trị

- Giá trị lịch sử, văn hóa, hoặc tinh thần mà danh lam thắng cảnh mang lại.

- Vai trò trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du lịch và phát triển kinh tế.

e. Trải nghiệm thực tế

- Hoạt động du lịch nổi bật: Tham quan, chụp ảnh, tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực địa phương.

- Những cảm nhận mà du khách thường chia sẻ khi đến đây.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của danh lam thắng cảnh trong đời sống và văn hóa.

- Kêu gọi mọi người bảo vệ và phát huy giá trị của địa danh này.

- Gợi mở cảm xúc: Mời gọi du khách đến thăm hoặc chia sẻ trải nghiệm nếu đã từng ghé qua.

Bài tham khảo

Chùa Tiên nằm dưới chân núi Tung Xê trên một khu đất bằng phẳng, theo truyền thuyết chùa đã được xây dựng từ thời xa xưa theo lối kiến trúc nhà sàn, sử dụng nguyên liệu từ tranh tre nứa lá. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1998, Chùa Tiên được trùng tu và tôn tạo lại khang trang như ngày nay.

Khác với các tỉnh đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, nơi làng nào cũng có chùa làng hoặc chùa vùng, tỉnh Hòa Bình có ít chùa hơn và Phật giáo cũng không có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Những ngôi chùa ở đây thường được giản lược và có xu hướng pha trộn với tín ngưỡng bản địa. Các huyện, xã giáp ranh với các tỉnh miền xuôi thỉnh thoảng xuất hiện những ngôi chùa nhỏ, nhưng hệ thống tượng Phật cũng không đầy đủ, thường được thờ chung với các vị thánh khác.

Ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, những ngôi chùa thờ Phật được dựng lên nhằm sử dụng giáo lý của đạo Phật và đức Phật từ bi để khuyến thiện, trừng ác, và giáo dục lòng nhân nghĩa cho con người. Chùa cũng là nơi thực hiện mọi nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo của dân làng. Khi đến dâng hương tại Chùa Tiên, du khách sẽ có dịp bày tỏ lòng thành kính và gửi gắm những ước nguyện của mình đến các đức Phật.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương và khách thập phương đến lễ Phật, vào năm 2007, ngôi chùa được khởi công xây mới với chiều dài 34m, chiều rộng 33m, tổng diện tích lên đến 1.122m². Hệ thống tượng Phật được lắp đặt công phu, bài trí trong không gian rộng rãi, tĩnh mịch và u huyền.

Lễ hội Chùa Tiên là một lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời, đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi độ xuân về. Những năm gần đây, lễ hội Chùa Tiên không chỉ của người dân địa phương mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại đây có đình, chùa và 20 điểm động ghi nhận những giá trị khảo cổ học, văn hóa lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên. Hàng năm, Chùa Tiên thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Với hệ thống hang động được bố trí rải rác dọc theo hai dãy núi Tung Xê và Hương Tích, thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Lão (nay là xã Phú Nghĩa), huyện Lạc Thủy, khu di tích Chùa Tiên nổi bật với đa dạng loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, và du lịch văn hóa lịch sử. Cảnh quan nơi đây được thiên nhiên ban tặng tựa như một bức tranh thủy mặc giữa vùng bán sơn địa. Quần thể hang động Chùa Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 2011.

Lễ hội Chùa Tiên là cơ hội để du khách thập phương tham quan, vãn cảnh chùa, và tìm hiểu nét đẹp văn hóa của vùng đất Mường. Tại đây, du khách có thể khám phá những nét đặc trưng của người dân địa phương thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, và các lễ hội truyền thống. Đồng thời, du khách còn có thể dâng hương lễ Phật, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, gia đình ấm no và hạnh phúc.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí