Cảm nhận của em về tình yêu con và lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ Tà-ôi trong những lời ru ở bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.


Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ xứng đáng là bài ca lòng mẹ Việt Nam. Một đứa con chỉ có thể lớn lên bằng dòng sữa mẹ, bằng lời ru, tình thương của mẹ.

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD


Kháng chiến chống xâm lược bao giờ cùng là sự nghiệp của toàn dân. Nhưng tìm trong chính sử hoặc trong văn chương thành văn quá khứ thì chỉ thấy gương mặt của vua quan tướng tá, ít thấy bóng dáng người dân thường. Phải đến thời đại chúng ta, giai cấp vô sản lãnh đạo và lập nhà nước kiểu mới, hình ảnh người dân thường mới được thể hiện phong phú trong văn chương nghệ thuật. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, nhiều nhà thơ đã dựng được những đài kỉ niệm kì vĩ ghi lại những chiến công và lòng yêu nước của những con người vô danh ấy. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm cững là một trong những đài kỉ niệm đó.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác vào ngày 25 tháng 3 năm 1971 là một trong những bài thơ hay của tác giả. Bài thơ viết về bà mẹ Tây Nguyên luôn luôn địu con trên lưng khi làm việc. Chọn bà mẹ đang nuôi con và đứa con ấp vú mẹ làm hai nhân vật tham gia đánh giặc, tác giả muốn nhấn mạnh tính toàn dân của cuộc kháng chiến. Bài thơ là sự phát triển song song hai mối tình cảm lớn: tình mẹ con và tình dân nước.

Hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn là hình ảnh muôn thủa của bà mẹ Việt Nam, thương con, chịu đựng, tần tảo nuôi dạy con cái nhưng cũng là hình ảnh của người mẹ rất mới: yêu nước, thương dân, bất khuất. Cách đây mấy chục năm, trong kháng chiến chống Pháp có một bà mẹ nằm trong ổ chuối khô nhớ thương con ngoài mặt trận trong thơ Tố Hữu đã làm cho bao nhiêu người xúc động. Với ba khúc ca trong bài thơ của mình Nguyễn Khoa Điềm đã diễn tả tình yêu con và khát vọng của người mẹ dân tộc Tà-ôi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, từ đó giúp người đọc thấy được lòng yêu quê hương, đất nước và khát vọng tự do của nhân dân ta trong thời kì lịch sử này.

Ở khúc ca thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội, giấc ngủ em nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất vả của mẹ?

                                     “Nhịp chày em nghiêng, giấc ngủ em nghiêng

                                     Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

                                     Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

                                     Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”.

Tiêng ru con “nghiêng” theo nhịp chày làm cho giấc ngủ em cu Tai cũng “nghiêng” theo. Con như đang chia sẻ sự vất vả của mẹ. Má em cũng “nóng hổi” vì bao mồ hôi mẹ tuôn rơi. Hàng loạt hình ảnh hoán dụ (mồ hôi, má, vai, lưng, tim) được sử dụng rất “đắt” thể hiện trái tim yêu thương mênh mông của người mẹ nghèo. Lưng mẹ là chiếc nôi để con lớn lên. Tim mẹ dạt dào tình mẫu tử, đã “hát thành lời”. Hạt gạo hậu phương là “hạt vàng làng ta”; hạt gạo của mẹ nặng tình nghĩa, rất đáng tự hào:

                                        Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

                                        Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

                                        Mai sau con lớn vung chày lún sân...

Ước mơ của người mẹ nối liền với giấc mơ con và hội tụ lại trong tình yêu thương sâu sắc những anh bộ đội. Khúc ca thứ hai là tiếng hát ru khi mẹ đi tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Tình thương yêu và niềm hi vọng vô bờ bến của mẹ đối với con được thể hiện bằng những hình ảnh độc đáo:

                                      “Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka~lưi

                                      Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ

                                      Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi

                                      Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

                                      Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi; Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”. Hình ảnh mặt trời là một hình ảnh thực, mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, làm cho cây ngô thêm tươi tốt, bắp to, hạt mẩy.

Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau là một ẩn dụ. Tác giả so sánh ngầm cu Tai là mặt trời của mẹ. Coi con như mặt trời thì quả là lòng mẹ yêu quý con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Đó là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ hai hình ảnh tôn nhau lên, đổi ý với nhau đã làm nổi bật tình yêu thương sâu sắc là niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con.

Lời ru của người mẹ Tà-ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con yêu quý của mình. Lòng thương yêu con của người mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương dân làng - những người lao động nghèo đói:

                                      Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói  

                                      Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

                                      Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi

 Khúc ca thứ ba nhịp điệu vang lên dồn dập. Đó là lúc “Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối”, dồn đồng bào Tà-ôi vào chỗ chết, mẹ địu con khi đang “chuyển lán” và “đạp rừng”. Khi cả gia đinh đều ra trận:

         “Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

 Mẹ địu em đi để giành trận cuối

          Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường

           Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn”

Giặc Mĩ tàn bạo đã tàn phá làng mạc của họ, đạp đổ ngôi nhà, tổ ấm của mẹ con họ. Nhưng lũ giặc Mĩ không khuất phục được người mẹ. Khúc ca thứ ba là khúc ca chiến đấu; “Giặc đến nhà đàn bà cùng đánh” là truyền thống anh hùng của người phụ nữ Việt Nam. Ở đây, người mẹ địu con ra trận, đi tiếp tế, đi tải đạn vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

      " Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước

Cọn mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

   Mai sau con lớn thành người Tự do”

Đó là giấc mơ tình thương, giấc mơ về ấm no, hạnh phúc, giấc mơ chiến thắng.

Tiếng hát ru con của bà mẹ Tà-ôi không phải được cất lên bên cánh võng hay trên giường ấm nệm êm trong phòng ngủ. Tiếng hát ru ấy cất lên trong trái tim người mẹ. Tình mẫu tử thì có thể nói mãi không hết. Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng nói ít nhưng để ta thấy được cái chất của tình mẹ ấy: tha thiết đằm thắm như mọi tình mẹ con truyền thống Việt Nam, nhưng lại có cái cao rộng của thời đại cách mạng. Bà mẹ Tà-ôi là một bà mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hòa quyện vào nhau trong tấm lòng của bà mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ.

Theo lời ru (và theo tình yêu thương của mẹ), theo bước chân của bà mẹ Tà-ôi, không gian cũng được mở rộng dần: từ sân (khi mẹ giã gạo) đến ngọn núi Ka-lưi (khi mẹ tỉa bắp) rồi đến những rừng, những suối (khi mẹ chuyển lán, đạp rừng). Và ước mơ khát vọng của mẹ gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nặng nghĩa ấy cũng một lúc một lớn dần: từ “con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”...; từ mong muốn “Mai sau con lớn vung chày lún sân” đến ao ước “Mai sau con lớn phát mười Ka lưi” cuối cùng bùng lên thành khát vọng cháy bỏng

                                      “Mai sau con lớn làm người Tự do"

Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” xứng đáng là bài ca lòng mẹ Việt Nam. Một đứa con chỉ có thể lớn lên bằng dòng sữa mẹ, bằng lời ru, tình thương của mẹ. Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là tượng đài tráng lệ về bà mẹ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nó nhắc nhớ mỗi chúng ta ghi sâu trong lòng tình cảm kính yêu và biết ơn mẹ hiền.

 Trích: loigiaihay.com


Bình chọn:
4.1 trên 14 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.