Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm (chi tiết)


Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm. Câu 2. Phân tích giá trị nghệ thuật của việc xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm 

PHẦN TRẮC NGHIỆM

Lời giải chi tiết:

1. Nội dung nào sau đây không phải là biểu hiện của tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt?

C - Xây dựng một tình huống đặc biệt: vui mà tội nghiệp, mừng mà vừa tủi vừa lo

2. Câu nào sau đây nêu đúng và đầy đủ chủ đề truyện ngắn Vợ nhặt?

B - Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói năm 1945 mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ.

3. Thành công chủ yếu về nghệ thuật của Vợ chồng A Phủ thể hiện ở những phương diện nào?

A - Khắc họa tính cách nhân vật; tạo màu sắc và phong vị dân tộc

4. Đặc điểm nào dưới dây không thể hiện màu sắc sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành?

C - Thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ

5. Nhận định nào sau đây đúng và đầy đủ?

Hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành có ý nghĩa tượng trưng cho:

D - Cuộc sống đau thương nhưng kiên cường bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung

6. Trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có chi tiết: Sau cuộc nói chuyện với "người đàn bà", có "một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển". Theo anh (chị), nhân vật Đẩu đã hiểu ra điều gì?

D - Không thể đơn giản, sơ lược trong việc nhìn nhận cuộc sống và con người

7. Câu nào sau đây nêu chính xác và đầy đủ chủ đề truyện Số phận con người của nhà văn Nga Sô-lô-khốp?

D - Truyện Số phận con người thể hiện bản lĩnh kiên cường và nhân hậu của con người Xô viết.

8. Dòng nào sau đây không nêu đặc điểm thể hiện sự trong sáng của Tiếng Việt?

D - Sự phong phú, sinh động về từ ngữ, âm thanh

9. Đoạn văn sau có những đặc sắc gì về diễn đạt?

C - Dùng từ chính xác, độc đáo; sử dụng các phép tu từ lặp cú pháp, liệt kê

10. Đoạn văn sau đây sử dụng phép tu từ nào?

A - Lặp cú pháp, liệt kê

11. Đọc đoạn trích sau và cho biết vì sao lập luận đưa ra lại bị phe đối lập bác lại

B - Luận cứ không chính xác

12. Đoạn văn sau chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

B - So sánh

Quảng cáo
decumar

PHẦN TỰ LUẬN

Lời giải chi tiết:

Đề 1 (trang 203 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

1. Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Trả lời:

Tác giả Tô Hoài:

* Cuộc đời:

- Tô Hoài (1920 - 2014), tên khai sinh là Nguyễn Sen, quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một gia đính thợ thủ công.

- Thời trẻ, ông đã phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề, như làm gia sư dạy kèm trẻ, bán hàng, làm kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp

- Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc.

- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm báo và hoạt động văn nghệ ở  Việt Bắc.

* Sự nghiệp văn chương:

- Tô Hoài bước vào con đường văn học bằng một số bải thơ có tính chất lãng mạn và một cuốn truyện vừa, viết theo dạng võ hiệp, nhưng rồi ông nhanh chóng chuyển sang văn xuôi hiện thực và được chú ý ngay từ những sáng tác đầu tay, trong đó có Dế Mèn phiêu lưu kí

- Sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, tự truyện, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật của đời thường. 

+ Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.

+ Ông là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có - nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.

- Năm 1996, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941), O chuột (tập truyện, 1942), Quê hương (tiểu thuyết, 1942), Nhà nghèo (tập truyện, 1944), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Miền Tây (tiểu thuyết, 1967), Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992), Chiều chiều (tự truyện, 1999), Ba người khác (thiểu thuyết, 2006).

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (1952) in trong tập Truyện Tây Bắc, được tặng giải Nhất - Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955, sau hơn nửa thế kỷ, đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn giá trị và sức thu hút đối với nhiều thế hệ người đọc.

2. Phân tích giá trị nghệ thuật của việc xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Trả lời:

a. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn. Cuộc sống và con người làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ là đề tài chính trong sáng tác của Kim Lân, cũng là đề tài ông có sự gắn bó hiểu biết sâu sắc.

+ Vợ nhặt được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Một trong những yếu tố quan trọng nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Vợ nhặt chính là việc Kim Lân đã xây dựng thành công một tình huống truyện độc đáo.

b. Thân bài

- Tình huống là hoàn cảnh có vấn đề, hàm chứa những mâu thuẫn, đòi hỏi con người phải có thái độ hay hành động thích ứng, qua đó mà bộc lộ tâm hồn, tính cách, trí tuệ,... của mình. 

- Những yếu tố tạo nên tình huống trong truyện ngắn Vợ nhặt:

+ Tình huống xuất hiện ngay từ nhan đề tác phẩm. Vợ nhặt là nhan đề tạo ra những ấn tượng sâu sắc, kích thích sự tò mò, chú ý của người đọc, hé mở tình huống đặc sắc của tác phẩm. Nhan đề truyện ngắn Vợ nhặt với sự hàm chứa những mâu thuẫn, éo le góp phần phản ánh tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của những người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu săc của tác phẩm.

+ Tình huống được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn, trớ trêu được đảy tới tận cùng giới hạn.

Sự trớ trêu đầu tiên xuất hiện ở nhân vật Tràng - chủ thể của hành động "nhặt vợ". Tràng là người mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cũng rất khó có khả năng lấy được vợ: hắn là dân ngụ cư với địa vị lép vế trong làng xã, lại nghèo khổ, xấu xí, thô kệch và hơi dở tính. Vậy mà Tràng lại lấy được vợ, thậm chí chóng vánh, dễ dàng đến mức chính hắn cũng không tin nổi.

Sự trớ trêu thứ hai chính là hoàn cảnh "nhặt vợ" của Tràng. Hôn nhân là biểu tượng của cuộc sống gia đình, của sự sinh con đẻ cái, của sự sống. Vậy mà việc "nhặt vợ" của Tràng lại diễn ra vào thời điểm khủng khiếp nhất của nạn đói Ất Dậu, khi không khí chết chóc đang bao trùm khắp nơi.

Tình huống trớ trêu ấy đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người: dân xóm ngụ cư thì thầm phỏng đoán; bà cụ Tứ không tin nổi vào mắt mình và ngay cả Tràng cũng ngờ ngợ, bàng hoàng như đang trong một giấc mơ...

- Giá trị của tình huống:

+ Tình huống kỳ lạ, độc đáo của tác phẩm phản ánh chân thực bức tranh hiện thực của làng quê Việt Nam trong nạn đói năm 1945 với  những âm thanh, hình ảnh, mùi vị,... gợi cảnh chết chóc thê thảm.

+ Không dừng lại ở việc phản ánh bề mặt của hiện thực với những hình ảnh hay âm thanh, Kim Lân còn phản ánh bề sâu của hiện thực khi sự đói khát khiến giá trị của con người trở nên rẻ rúng, những điều đẹp đẽ, thiêng liêng của cuộc sống trở nên bi hài, chua chát đến tội nghiệp.

Sự đói khát đã khiến cho hình hài, bộ dạng con người trở nên tiều tụy, thê thảm. Trẻ con xóm ngụ cư ủ rũ như những ông già; người lớn mặt mày u tối, hốc hác; người "vợ nhặt" mặc bộ quần áo rách tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt...

Sự đói khát đã hủy hoại cả nhân cách con người. Điều này thể hiện chua xót nhất trong nhân vật người "vợ nhặt" khi miếng ăn ngày đói đã trở thành sự khởi đầu và đích đến của một mối quan hệ thiêng liêng, trở thành yếu tố chi phối khốc liệt đối với nhân cách con người.

Sự đói khát khiến cuộc sống trở nên đau đớn, kỳ quái, con người không được sống cho ra con người. Vợ nhặt là câu chuyện về một cuộc hôn nhân của những con người khốn khổ đến với nhau bắt đầu là vì miếng ăn, còn sau là hi vọng có thể chạy trốn cái đói. Tất cả những sự việc liên quan đến cuộc hôn nhân này đều bị hạ giá thê thảm: cô dâu cắp chiếc nón "rách tàng", mặc bộ quần áo "tả tơi như tổ đỉa" về nhà chồng; hai hào dầu đã là xa xỉ, hoang phí cho đám cưới...

+ Không chỉ xót thương cho thân phận con người con người qua bức tranh hiện thực ngày đói, nhà văn còn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong việc khẳng định, ngợi ca, trân trọng và thể hiện niềm tự tin vào bản chất tốt đẹp của những con người biết vượt lên trên cái đói, cái thảm đạm để sống, để yêu thương, để vui và hi vọng. Sự đói khát không làm con người mất đi lòng nhân ái, những khát vọng hạnh phúc cũng như những hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

 c. Kết bài

Tạo dựng một tình huống đặc sắc với sự tập trung cao độ những yếu tố tương phản, những éo le, trớ trêu khi con người bị đẩy đến vực thẳm của đói khát, Kim Lân đã bộc lộ nỗi xót thương cho số phận con người, sự căm phẫn với bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử; đặc biệt là thể hiện niềm tin và sự trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Đề 2 (trang 203 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

1. Giới thiệu khái quát về tác giả Ơ. Hê-minh-uê và tác phẩm Ông già và biển cả.

Trả lời:

* Tác giả Ơ.Hê-minh-uê:

- Ơ-nít Hê-minh-uê (1899-1961) là nhà văn Mỹ đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới nói chung.

- Người thanh niên ấy bước vào đời với nghề viết báo và làm phóng viên mặt trận cho tới kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Ông nổi tiếng với những tiểu thuyết như: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940),...

- Truyện ngắn của ông được đánh giá là những tác phẩm mang phong vị độc đáo.

- Dù viết về thể nghiệm của những nhân vật từng tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc chiến tranh thế giới chống phát xít hay viết về những trận đấu bò, săn thú dữ, đấu quyền Anh, dù viết về châu Phi hay châu Mỹ, ông đều nhằm ý đồ "viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người".

* Tác phẩm Ông già và biển cả

- Ông già và biển cả (1952) ra mắt bạn đọc trước khi Hê-minh-uê được tặng Giải thưởng Nôbel về Văn học năm 1954, là một kết tinh tiêu biểu của những nét mới mẻ trong lối kể chuyện của Hê-minh-uê. 

- Truyện kể lại ba ngày hai đêm ra khơi đánh cá của ông lão Xan-ti-a-gô. Trong khung cảnh mênh mông trời biển, chỉ có một mình ông lão, khi chuyện trò với mây nước, chim cá, khi đuổi theo con cá lớn, khi đương đầu với đàn cá mập đang xông vào xâu xé dường như được thu hẹp tới mức cực hạn, nhưng câu chuyện cực kỳ đơn giản ấy lại gợi mở nhiều tầng ý nghĩa cho người đọc: một cuộc tìm kiếm con cá lớn nhất, đẹp nhất đời; hành trình nhọc nhằn và dũng cảm của người lao động trong một xã hội vô tình; thể nghiệm về thành công và thất bại của người nghệ sĩ đơn độc khi theo đuổi ước mơ sáng tạo, rồi trình bày nó trước mắt người đời; mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên... Bởi vậy, đúng như hình ảnh về tác phẩm nghệ thuật mà Hê-minh-uê đã từng so sánh và phấn đấu để sáng tạo, tác phẩm này giống như một tảng băng trôi.

- Ông già và biển cả xuất hiện trên phần nổi của ngôn từ không nhiều, lối viết giản dị song phần chìm của nó rất lớn, bởi đã gợi lên nhiều tầng ý nghĩa mà người đọc sẽ rút ra được tùy theo thể nghiệm và cảm hứng trước hình tượng - đó là biểu hiện của nguyên lý sáng tác do nhà văn đề ra: tác phẩm nghệ thuật như một "tảng băng trôi".

2. "Có ba điều trong cuộc đời mỗi con người nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội."

Nêu suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

Trả lời:

Thời gian đã qua đi không thể trở lại                    

Dòng sông đã ra đi làm sao về chốn cũ                

Náo nức khơi xa không thể vắng những cánh buồm

Áng mây trên đầu không thể ngừng trôi               

(Phó Đức Phương - Không thể và có thể)

     Con người chỉ học đuợc cách nuối tiếc một khi những gì có giá trị đã ra đi không bao giờ trở lại... Nếu được phép chọn ba điều mà chúng ta muốn giữ lại trong cuộc đời này nhất, đó có lẽ chính là: thời gian, lời nói và cơ hội - những thứ tựa hồ như "áng mây trên đầu không thế ngừng trôi".

      Mất đi một ngôi nhà, cũng tức là bạn có khả năng xây dựng lại một ngôi nhà thứ hai. Đó cũng chính là lý do vì sao trên thế giới có hàng vạn ngôi nhà được đập đi và xây lại hằng năm... Mất đi một công việc, không có nghĩa bạn không thể kiếm được một công việc khác, thậm chí là tốt hơn công việc mà bạn đã từng làm.

      Con người chúng ta sinh ra và tồn tại trong vũ trụ này có lẽ đã được ưu ái hơn rất nhiều loài khác khi Chúa trời ban cho chúng ta hi vọng và nghị lực níu giữ, cứu vãn mọi thứ của cải vật chất và thậm chí cả tình cảm (mất đi tình yêu đầu tiên, không có nghĩa là chúng ta không thể yêu lần thứ hai hay những lần tiếp theo sau đó). Nhưng có những thứ không nằm trong tầm kiểm soát chúng ta và chúng ta không thể níu giữ hay thay đổi được. Thời gian là một trong số đó.

       Có câu "Thời gian là vàng, bạc". Tôi thì không cho là như vậy. Vàng, bạc dù sao cũng chỉ là vật chất, con người chúng ta có thể làm ra chúng, tìm chúng... nhưng với thời gian, con người hầu như bất lực. Chúng ta không tạo ra thời gian và khi thời gian đã trôi đi thì không có cách gì khiến nó trở lại. Thời gian có lẽ còn quý hơn vàng bạc châu báu rất nhiều lần. Các vua chúa thời xưa bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để tìm thuốc trường sinh bất lão, cũng có nghĩa là muốn kéo dài thời gian sống của họ. Nói thời gian là tài sản vẫn chưa nói được hết sự quý giá của nó. Con người luôn muốn khống chế thời gian, nắm giữ thời gian, thậm chí còn có những mơ ước táo bạo về chiếc máy có thể quay ngược thời gian và thay đổi những việc đã làm quá khứ. Nhưng có lẽ đó mãi mãi chi là mơ ước vô vọng của con người. Mỗi phút trôi qua là ta mất đi một phút trong cuộc đời mình. Đó có thể là phút để tận hưởng một tách cà phê thơm lừng vào những buổi sớm, ngắm bình minh rạng đông trên những toà nhà cao tầng. Đó có thể là một phút tôi thoả sức đùa vui bên bạn bè, đầm ấm bên gia đình và người thân. Nhưng có thể là phút tôi vật lộn với bài vở học hành và quyết tâm ngày mai sẽ vào một trường đại học nào đó. Dù là những phút giây hạnh phúc hay đau khổ, thất vọng, tôi đều không muốn bỏ lỡ, vì tôi biết: thời gian qua đi, người ta sẽ mất đi rất nhiều điều. Chúng ta mất đi tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết. Chúng ta mất đi cái ngây thơ hồn nhiên hay cái nông nổi dễ thương tuổi hồng, cuộc đời mỗi con người, có bao nhiêu lần chúng ta nuối tiếc vì nhũng gì đã làm, những lỗi lầm mình muốn sửa chữa... nhưng thời gian không cho hội để thực hiện.

      Những người thành công trong cuộc sống là những người biết tận dụng tối đa thời gian. Mỗi ngày mỗi người chúng ta đều có một quỹ thời gian hai mươi tư tiếng đồng hồ để làm những việc chúng ta muốn chỉ có điều chúng ta xử lý khoảng thời gian đó như thế nào. Với hai mươi tư tiếng một ngày như nhau, nhưng hoạt động của bạn là tích cực và có hiệu quả sẽ khiến bạn thành công hơn rất nhiều so với những người có cùng lượng thời gian mà không biết sử dụng nó. Rèn luyện cách sống “vội vàng”, sống để tận hưởng và tận hiến cho cuộc đời này sẽ giúp bạn không thấy nuối tiếc mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời...

      Cùng với thời gian, có những thứ trôi qua mà không bao giờ có thể lấy lại được. Đó chính là lời nói. Tôi rất thích câu chuyện ngụ ngôn này: "Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch khác đều bu lại quanh miệng hố cứu chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, bọn ếch trên miệng hố liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn có nước chết mà thôi. Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, đừng nên làm chuyện vô ích. Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì bầy nói, nó bỏ cuộc và chết trong sự tuyệt vọng.

       Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và tiến lên, khuyên nó hãy thôi không cố gắng nữa. Cuối cùng, nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh nó và hỏi: "Anh không nghe chúng tôi nói gì hay sao?". Thì ra, con ếch này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó trong khoảng thời gian vừa qua...".

     Có một sức mạnh sống chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc cũng có thể giúp anh ta vượt qua khó khăn vực anh ta dậy. Nhưng những lời nói thiếu thiện chí của chúng ta cũng có thể giết chết niềm hi vọng cuối cùng của một người đang trong cơn tuyệt vọng. Vấn để là ở chỗ nhiều khi chúng ta không ý thức hết được ý nghĩa, tác dụng của mỗi lời chúng ta nói. Giống như việc bạn thả một hòn sỏi vào nước, tạo những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào cơn sóng lớn, tràn ra biển cả. Bạn hoàn toàn không quan tâm đến những con sóng bạn tạo ra, nhưng chỉ bằng một sỏi thôi, bạn đã khuấy động cả biển cả bao la. Buông một lời nói vô tình, không cân nhắc, trong phút chốc bạn quên ngay. Nhưng đối với những người xung quanh, nó sẽ để lại vô vàn ngọn sóng. Tất nhiên, những cơn sóng mà bạn tạo sẽ chẳng bao giờ quay trở lại với bạn, cũng như những lời nói vô tâm sẽ chẳng bao giờ lấy lại được, một khi bạn đã nói ra... Đôi khi tôi nghĩ, nếu có thể quay lại được thời gian thì dĩ nhiên chúng ta có thể sửa chữa những câu nói chúng ta đã lỡ lời nhưng thời gian chẳng thế quay lại được, và cũng đừng mong một ngày những lời nói của chúng ta sẽ được sửa chữa hay thay đổi... "Lời nói chẳng mất tiền mua" nhưng chúng để lại trong lòng người nghe những dấu ấn chẳng bao giờ phai nhạt.

      Một lời nói dối sẽ để lại ấn tượng về một kẻ dối trá lừa lọc, và để lại những hoài nghi trong lòng người nghe... Một lời mắng mỏ, quở trách vô tâm khiến rơi nưóc mắt... Một lời nói xấu sau lưng, để lại những thất vọng tràn trề, tình bạn lặng im biến mất... Chúng ta có bao giờ xoá đi được những hoài nghi những giọt nước mắt, những thất vọng? Vì vậy mà chúng ta chẳng bao giờ sửa được những lời nói của mình. Một lời nói tốt, bạn đã xáo động một cuộc đời hạnh phúc hay làm rơi nưóc mắt của ai đó...

      Một lời nói vui vẻ và thiện chí dù chỉ trong giây lát bạn tưởng như chúng bay đi… nhưng mang hy vọng, niềm vui và tình yêu đến cho mọi người... Nói những lời yêu thương chân thành, một lời động viên an ủi sẽ để lại trong tim người nghe niềm vui và hy vọng.

      Cùng với thời gian và lời nói, cơ hội cũng là một tài sản quý báu nhưng là một thứ mỗi con người trong chúng ta một khi đã mất đi thì không bao giờ có thể lấy lại được.

      Trong thần thoại Hi Lạp, Cai-rốt là vị thần cơ hội. Thần có chòm tóc dài trước trán, phía sau thì hói. Nếu bạn muốn nắm lấy cơ hội thì khi ông ta đang tiến gần, bạn phải ngay lập tức nắm lấy chỏm tóc trước trán ấy. Khi Cai-rốt đã đi qua rồi, bạn không còn nắm được cơ hội nữa vì phía sau không còn tóc mà nắm. Như vậy, khi cơ hội đến với chúng ta, nếu bạn không nắm bắt nó ngay, thì sẽ bỏ lỡ, và vị thần cơ hội ấy không dành chỏm tóc thứ hai đằng sau cho bạn.

      Trong cuộc sống, chúng ta luôn than thở rằng mình kém may mắn, hay cơ hội không đến với mình. Thậm chí chúng ta còn lấy "cơ hội" ra để biện minh thất bại của mình. Nhưng thực ra, cơ hội của mỗi người trong chúng ta như nhau, chỉ có điều, bạn có nhận ra là nó đang đến, và có kịp nắm bắt nó không mà thôi.

      Có hai nhà đầu tư chứng khoán cùng nhìn thấy cổ phiếu của một công ty đang sụt giảm. Nhà đầu tư A thấy vậy liền nói: "Công ty này chắc chắn không phải là nơi để ta đầu tư!". Ngược lại, nhà đầu tư B lại nghĩ đây là cơ hội để đầu tư. Ông ta đã đầu tư vào công ty này bất chấp giá cổ phiếu của nó đang sụt giảm. Hai ngày sau, giá cổ phiếu bỗng nhiên tăng đột ngột. Nhà đầu tư B, do nắm bắt cơ hội nên đã mau chóng trở nên giàu có. Như vậy, cơ hội dành cho con người là như nhau. Khi cơ hội đến, bạn chi cần hơi sao nhãng, lưỡng lự thì chẳng khác gì bạn đang khoanh tay dâng cơ hội cho người khác. Mà có những cơ hội nếu để lỡ một lần bạn sẽ phải hối tiếc cả đời...

       Cơ hội không phụ thuộc vào số phận như may mắn. Cơ hội tuỳ thuộc vào bản thân chúng ta. Chúng ta học mười hai năm đằng đẵng, cơ hội của chúng ta là kỳ thi đại học đầy cam go để chứng tỏ bản thân mình. Bạn càng chăm chỉ, càng nỗ lực thì khả năng nắm bắt cơ hội, khả năng đỗ của bạn càng cao. Như trường hợp của nhà đầu tư chứng khoán, nếu anh ta không có tầm nhìn, sự hiểu biết nhất định, chắc chắn anh ta sẽ không nhận ra đó là cơ hội để "tóm" lấy thành công. Vì vậy, cơ hội nằm trong tay chúng ta chứ không phái là ai khác. Đó có thể là những cơ hội giản dị, như cơ hội để nói những lời yêu thương đối với gia đình, bạn bè mình... Có thể ai trong chúng ta cũng có cơ hội, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nhận ra và đón chào nó. Chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội đem đến tình yêu cho mọi người, do bản thân của chúng ta không biết. Khi những người đó đã xa rời ta mới hối tiếc vì mình bỏ lỡ cơ hội được nói những lời yêu thương.

       Trước khi vào trong phòng mổ, mong ước lớn nhất của ngoại là được nghe tôi hát một lần. Ngoại muốn nghe cháu gái yêu của ngoại hát bài hát mà hồi bé ngoại đã dạy cho tôi. Nhưng tôi đã không làm điều đó. Tôi cười và nói ngoại: "Ngoại à! Con lớn rồi mà, con không hát trước đông người đâu! Khi nào ngoại khỏi bệnh, con sẽ hát cho ngoại nghe, lúc nào chỉ có con với ngoại thôi"... Nhưng sau đó, tôi không còn cơ hội hát cho ngoại nghe một lần nào nữa. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội để hát… và cũng bỏ lỡ cơ hội để nói với ngoại tôi yêu ngoại đến nhường nào...

       Chúng ta, những con người trẻ tuổi, trẻ lòng, chúng ta còn nhiều thời gian và cơ hội. Nhưng có phải vì thế mà bạn dừng chân lại và tạm chấp nhận con đường bằng phẳng, hay là đi quá nhanh để lãng phí những giá trị của cuộc sống này? Bạn và tôi đều còn rất trẻ, trẻ và tràn đầy sức sống. Hơn hết, chúng ta thật may mắn khi nhìn thấy được những thứ mà trong tương lai chúng ta có thể bò lỡ, nhìn thấy sự mất mát trước khi bị mất mát thật sự. Chúng ta sẽ có ý thức hơn để không để tuột mất những cơ hội, để tạo ra những gì chúng ta muốn, để cuộc sống này ý nghĩa hơn.

        Vậy thì tại sao ngay từ bây giờ bạn không nâng niu những gì mà bạn có. Sao bạn không thực hiện thuyết tương đối của Anh-xtanh, sao bạn không "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" và không "tóm" thật mạnh lấy túm tóc thần Cơ hội khi ngài bước qua? Hãy làm những điều đó để hạnh phúc mỉm cười với bạn... Hãy biến những điều không thể trở thành có thể:

Người đã ra đi có thể trở lại                                  

Vết thương ngày nào có thể liền da                       

Nước mắt sẽ thôi rơi, đôi môi lại chín đỏ                 

Bồi hồi ngày gặp nhau xua tan đi bao nỗi mong nhớ

Vòng tay yêu thương có thể rộng mở                      

Bóng mây muộn sầu có thế dần tan                       

Và điểu này thật rộn ràng êm ái                           

Có thể ngày mai chúng ta sẽ thành đôi.                

(Phó Đức Phương - Không thể và có thể)

Trần Mỹ Hạnh

(Lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội)

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 4 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.