Hàng hóa sức lao động


Sự biến đổi giá trị của số tiền cần phải chuyển hóa thành tư bản không thể xảy ra trong bản thân số tiền ấy, mà chỉ có thể xảy ra từ hàng hóa được mua vào (T - H). Hàng hóa đó không thể là một hàng hóa thông thường, mà phải là một hàng hóa đặt biệt, hàng hóa mà giá trị sử dụng của nó có đặc tính là nguồn gốc sinh ra giá trị.

Sự biến đổi giá trị của số tiền cần phải chuyển hóa thành tư bản không thể xảy ra trong bản thân số tiền ấy, mà chỉ có thể xảy ra từ hàng hóa được mua vào (T - H). Hàng hóa đó không thể là một hàng hóa thông thường, mà phải là một hàng hóa đặt biệt, hàng hóa mà giá trị sử dụng của nó có đặc tính là nguồn gốc sinh ra giá trị. Thứ hàng hóa đó là sức lao động mà nhà tư bản đã tìm thấy trên thị trường.

a) Sức lao động và điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa

Theo C.Mác: "Sức lao động, đó là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong thân thể một con người, trong nhân cách sinh lộng của con người, thể lực và trí lực mà con người phải làm cho hoạt động để sản xuất ra những vật có ích".

Trong bất cứ xã hội nào, sức lao động cũng là điều kiện cơ bản của sản xuất. Nhưng không phải trong bất kỳ điều kiện nào, sức lao động cũng là hàng hóa. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sức lao động của người nô lệ không phải là hàng hóa, vì bản thân người nô lệ thuộc sở hữu của chủ nô, anh ta không có quyền bán sức lao động của mình. Người thợ thủ công tự do tuy được tùy ý sử dụng sức lao động của mình, nhưng sức lao động của anh ta cũng không phải là hàng hóa, vì anh ta có tư liệu sản xuất để làm ra sản phẩm nuôi sống mình chứ chưa buộc phải bán sức lao động để sống.

Sức lao động chỉ có thể trở thành hàng hóa trong những điều kiện lịch sử nhất định sau đây:

Thứ nhất, người có sức lao động phải được tự do về thân thể, làm chủ được sức lao động của mình và có quyền bán sức lao động của mình như một hàng hóa.

Thứ hai, người có sức lao động phải bị tước đoạt hết mọi tư liệu sản xuất, để tồn tại buộc anh ta phải bán sức lao động của mình để sống.

Sự tồn tại đồng thời hai điều kiện nói trên tất yếu biến sức lao động thành hàng hóa. Sức lao động biến thành hàng hóa là điều kiện quyết định để tiền biến thành tư bản. Tuy nhiên, để tiền biến thành tư bản thì lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ phải phát triển tới một mức độ nhất định.

Trong các hình thái xã hội trước chủ nghĩa tư bản chỉ có sản phẩm của lao động mới là hàng hóa. Chỉ đến khi sản xuất hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định nào đó, các hình thái sản xuất xã hội cũ (sản xuất nhỏ, phường hội, phong kiến) bị phá vỡ thì mới xuất hiện những điều kiện để cho sức lao động trở thành hàng hóa, chính sự xuất hiện của hàng hóa sức lao động đã làm cho sản xuất hàng hóa trở nên có tính chất phổ biến và đã báo hiệu sự ra đời của một thời đại mới trong lịch sử xã hội - thời đại của chủ nghĩa tư bản.

b) Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động

Cũng giống như mọi hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng.

-   Giá trị hàng hóa sức lao động: Cũng do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết định. Nhưng sức lao động chỉ tồn tại như năng lực sống của con người. Muốn tái sản xuất ra năng lực đó, người công nhân phải tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định về ăn, mặc, ở, học nghề, V.V.. Ngoài ra, người lao động còn phải thỏa mãn những nhu cầu của gia đình và con cái anh ta nữa. Chỉ có như vậy thì sức lao động mới được sản xuất và tái sản xuất ra một cách liên tục.

Vậy thời gian lao động xã hội cần thiết để tái sản xuất ra sức lao động sẽ được quy thành thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy; hay nói cách khác, giá trị hàng hóa sức lao động được đo gián tiếp bằng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để nuôi sống người công nhân và gia đình anh ta.

Là hàng hóa đặc biệt, giá trị hàng hóa sức lao động khác với hàng hóa thông thường; ở chỗ nó còn bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Điều đó có nghĩa là ngoài những nhu cầu về vật chất, người công nhân còn có những nhu cầu về tinh thần, văn hóa... Những nhu cầu đó phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước ở từng thời kỳ, đồng thời nó còn phụ thuộc cả vào điều kiện địa lý, khí hậu của nước đó.

Tuy giá trị hàng hóa sức lao động bao hàm yếu tố tinh thần và lịch sử, nhưng đối với mỗi nước nhất định và trong một thời kỳ nhất định, thì quy mô những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng nhất định, do đó có thể xác định được lượng giá trị hàng hóa sức lao động do những bộ phận sau đây hợp thành:

Một là, giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh rhần cần thiết để tái sản xuất sức lao động, duy trì đời sống của bản thân người công nhân.

Hai là, phí tổn đào tạo người công nhân.

Ba là, giá trị những tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái người công nhân.

Để biết được sự biến đổi của giá trị sức lao động trong một thời kỳ nhất định, cần nghiên cứu hai loại nhân tố tác động đối lập nhau đến sự biến đổi của giá trị sức lao động Một mặt, sự tăng nhu cầu trung bình của xã hội về hàng hóa và dịch vụ, về học tập và nâng cao trình độ lành nghề đã làm tăng giá trị sức lao động; mặt khác sự tăng năng suất lao động xã hội sẽ làm giảm giá trị sức lao động.

-  Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động: Hàng hóa sức lao động không chỉ có giá trị, mà còn có giá trị sử dụng như bất kỳ một hàng hóa thông thường nào. Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động cũng chỉ thể hiện ra trong qui trình tiêu dùng sức lao động, tức là quá trình lao động của người công nhân. Nhưng quá trình sử dụng hay tiêu dùng hàng hóa sức lao động khác với quá trình tiêu dùng hàng hóa thông thường ở chỗ: hàng hóa thông thường sau qui trình tiêu dùng hay sử dụng thì cả giá trị lẫn giá trị sử dụng của nó đều tiêu biến mất theo thời gian. Trái lại,  quá trình tiêu dùng hàng hóa sức lao động lại là quá trình sản xuất một loạt hàng hóa nào đó, đồng thời là quá trình sáng tạo giá trị mới. Mục đích của các nhà tư bản là muốn giá trị mới được sáng tạo ra phải lớn hơn giá trị sức lao động và thực tế việc nhà tư bản tiêu dùng sức lao động (thông qua hoạt động lao động của người công nhân) đã hàm chứa khả năng này. Phần lớn hơn đó chính là giá trị thặng dư mà nhà tư bản sẽ chiếm đoạt. Như vậy, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động có tính chất đặc biệt, nó là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là nó có thể tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Đó là chìa khóa để giải thích mâu thuẫn của công thức chung của tư bản. Chính đặc tính này đã làm cho sự xuất hiện của hàng hóa sức lao động trở thành điều kiện để tiền tệ chuyến hóa thành tư bản.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 26 phiếu
  • Lý thuyết: Học thuyết giá trị thặng dư

    Ở chương IV, chúng ta đã nghiên cứu nhũng vấn đề chung về sản xuất háng hóa, về sự chuyển hóa của giá trị hàng hóa thành tiền tệ. Chủ nghĩa tư bản ra đời gắn với sự phát triển ngày càng cao của sản xuất hàng hóa.

  • Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động?

    Cũng giống như mọi hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng.

  • Phân tích tiền công danh nghĩa, tiền công thực tế?

    - Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công được sử dụng để tái sản xuất sức lao động, nên tiền công danh nghĩa phải được chuyển hoá thành tiền công thực tế.

  • Giá trị thặng dư siêu ngạch?

    - Quá trình cạnh tranh giữa các nhà tư bản buộc họ phải áp dụng phương pháp sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động trong xí nghiệp của mình nhằm giảm giá trị cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội của hàng hoá

  • Mâu thuẫn của công thức chung của tư bản

    Trong công thức T - H – T’, trong đó T’ = T + T. Vậy, giá trị thặng dư (T) do đâu mà có? Các nhà kinh tế học tư sản đã cố tình chứng minh rằng quá trình lưu thông đẻ ra giá trị thặng dư, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản.

>> Xem thêm