Gian Giắc Rútxô (1712 - 1778)


Gian Giắc Riítxô (Jean Jacques Rousseau) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà biện chứng lỗi lạc của triết học Khai sáng Pháp. Các tư tưởng của ông đã trở thành khẩu hiệu và phương châm hoạt động của giai cấp tư sản Pháp trong cách mạng (1789 - 1794)

Gian Giắc Riítxô (Jean Jacques Rousseau) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà biện chứng lỗi lạc của triết học Khai sáng Pháp. Các tư tưởng của ông đã trở thành khẩu hiệu và phương châm hoạt động của giai cấp tư sản Pháp trong cách mạng (1789 - 1794).

Rútxô sinh năm 1712 trong một gia đình thợ thủ công làm đồng hồ ở Giơnevơ (Thuỵ Sĩ). Ông nội của ông là người Pháp. Mẹ mất sớm, trong khi bố ít quan tâm giáo dục con trai, cho nên khi 16 tuổi, Rútxô đã rời Giơnevơ đi phiêu bạt khắp Thụy Sĩ, Italia, Pháp, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, thậm trí có thời gian ông phải làm hầu bàn. Nhưng cũng chính trong thời gian này ông đặc biệt say mê nghiên cứu các vấn đề triết học và nghệ thuật, kết bạn với Điđrô, tham gia cộng tác với nhóm biên soạn Bách khoa toàn thư một thời gian. Từ năm 1770 ông sống độc thân ở Pháp cho đến khi chết. Rútxô có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Suy diễn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng (1755), Bàn về khế ước xã hội (1761) V. V..

Thế giới quan của Rútxô chủ yếu đề cập đến những vấn đề xã hội. Mặc dù cùng đứng trên lập trường tự nhiên thần luận như nhiều nhà Khai sáng khác, nhưng Rútxô coi lịch sử của nhân loại là kết quả của hoạt động con người, chứ không phải do “bàn tay” xếp đặt của Thượng đế. Nghiên cứu con người và quá trình phát triển của xã hội từ trước tới giờ, ông khẳng định bản chất của con người là tự do, nhưng trong sự phát triển của các xã hội từ trước tới giờ, khát vọng tự do của con người luôn luôn bị kìm hãm. “Con người sinh ra vốn được tự do, thế nhưng chỗ nào anh ta cũng bị gông cùm” .

Và hiểu rằng, những nghịch lý trên đây hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên do ý muốn chủ quan tuỳ tiện của con người, mà có nguyên nhân hoàn toàn khách qnan, trong chính bản thân quá trình phát triển của xã hội. Vậy, quá trình phát triển của lịch sử, là sự chuyển tiếp của xã hội từ trạng thái này sang trạng thái khác, đồng thời cũng là quá trình liên tiếp diễn ra sự phủ định của xã hội sau đối với xã hội trước.

Cũng như nhiều nhà khai sáng đương thời, Rútxô đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự phát triển khoa học và nghệ thuật đối với tiến trình lịch sử. Sở dĩ các dân tộc còn phải chịu cảnh đê hèn và lạc hậu, bởi vì “một mặt, là chính quyền, mặt khác, là khai sáng và thông thái chưa liên minh được với nhau”. Nói cách khác, xã hội chỉ có thể văn minh, khi thể chế chính trị và cơ chế xã hội tạo điều kiện thúc đẩy tiến bộ khoa học và nghệ thuật. Muốn phát triển khoa học và nghệ thuật chân chính thì phải xoá bỏ mọi sự kìm hãm từ phía thể chế xã hôị.

Vấn đề xác định nguyên nhân và nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội là trung tâm trong sự chú ý của Rútxô, bởi vì ông nhận thấy đây là chiếc chìa khoá làm rõ vấn đề tại sao các thể chế xã hội từ trước tới giờ lại luôn luôn kìm hãm khát vọng tự do chân chính của con người. Và Rútxô hiểu rằng việc tồn tại của bất công và mất dân chủ không chỉ riêng ở chế độ phong kiến nước Pháp trước cách mạng, mà cả trước đó, đều có những nguyên nhân khách quan, chứ không phải là quái thai của lịch sử như nhiều người tưởng. Bản thân sự bất bình đẳng giữa mọi người cũng tồn tại, không chỉ về thể chế chính trị do sự xuất hiện các tầng lớp xã hội khác nhau, mà còn cả về sự phát triển thế lực và trí lực giữa mọi người nữa.

Đồng thời cũng khác với các nhà Khai sáng đương thời, Rútxô không dừng lại ở việc tìm nguồn gốc của mọi bất công và mọi xung đột xã hội trong lĩnh vực pháp luật, chính trị, V.V.. ông hiểu bản thân sự phát triển của kinh tế và các hình thái sở hữu từ trước tới nay là nguồn gốc đẻ ra mọi bất công xã hội, và đồng thời là cơ sở để xoá bỏ mọi bất công xã hội.

Trên cơ sở đó, Rútxô chia tiến trình phát triển lịch sử thành các giai đoạn sau:

(a)        Ở “trạng thái tự nhiên”, tức giai đoạn đầu của xã hội thì chưa có sự khác nhau rõ rệt giữa mọi người về địa vị xã hội, kinh tế V.V.. Thời kỳ này các quan hệ xã hội còn thuần khiết, chưa có sự phân biệt về đẳng cấp. “Chính trong điều kiện đó con người đã phát minh ra lưỡi câu và cây gậy để câu cá, cung tên để săn bắn. Người ta làm quần áo từ vỏ cây và da thú, dùng lửa để nấu ăn, sống trong “quần thể” một cách thất thường ... để đạt được các mục đích sống quan trọng như săn bắn được thú to” và chống chọi với thiên nhiên.

Theo Rútxô, đây là thời kỳ lâu dài, bình yên và hạnh phúc nhất trong lịch sử nhân loại. Mọi người sinh ra ai cũng như nhau cả.

Ở đây cho thấy, dựa vào một số ít các tư liệu khảo cổ học có được thời đó, Rútxô chủ yếu đã tiên đoán, phác họa thời kỳ lịch sử sơ khai của loài người. Những khám phá của khoa học hiện đại về thời kỳ công xã nguyên thuỷ đã ủng hộ nhiều tư tưởng trên đây của Rútxô.

(b)        “Trạng thái công dân”: theo Rútxô, chính sự phát, triển trí tụê của con người, và đặc biệt, sự xuất hiện sở hữu tư nhân đã dẫn đến phá vỡ “trạng thái tự nhiên” của xã hội, dẫn đến xuất hiện xã hội công dân. “Người đầu tiên rào rậu một mảnh đất nhỏ lại và tuyên bố: đây là của tôi. Và tìm được những người chất phác hồn nhiên để tin vào điều đó, thì người đó thực sự là người sáng lập ra xã hội công dân”.

Rútxô đã đúng khi nhận thấy chính sự phát triển của sản xuất với việc phát hiện ra nhiều công cụ lao động mới hoàn thiện hơn đã dẫn đến sự ra đời của xã hội công dân dựa trên sở hữu tư nhân. Cụ thể là, “nghệ thuật khai thác và chế biến kim loại, cùng với trổng trọt - là hai phương tiện, mà sự phát kiến ra chúng dẫn đến sự chuyển biến to lớn đó. Theo quan điểm của nhà thơ thì vàng và bạc, theo quan điểm của nhà triết học thì đó là sắt và bành mỳ - là những cái làm văn minh mọi người và huỷ hoại giống người”. Rútxô đã hiểu được sự ra đời của xã hội công dân là kế quả phát triển tất yếu của xã hội ở giai đoạn tự nhiên. “Sự phân chia ruộng đất, là kết quả không thể tránh khỏi của việc canh tác đất đai”, ở giai đoạn tự “nhiên”. Theo Rútxô, sở dĩ xã hội công dân xuất hiện từ sở hữu tư nhân, bởi vì việc thiết lập sở hữu tư nhân tất yếu sinh ra sự khác nhau trong thu nhập của mọi người. Từ đó, xã hội bắt đầu phân chia thành kẻ giàu, người nghèo, đồng thời nảy sinh ra các đạo luật xã hội, “tạo ra các xiềng xích mới trói buộc kẻ yếu, đem lại sinh lực cho kẻ mạnh, huỷ hoại một cách không thương tiếc tự do tự nhiên, vĩnh viễn thiết lập các đạo luật sở hữu và bất bình đẳng”.

Vì vậy, nếu như ở giai đoạn “trạng thái tự nhiên” của xã hội thì tất cả mọi người đều bình đẳng và tự do, thì ở giai đoạn xã hội công dân đầy dẫy những bất công và áp bức. Các mối quan hệ xã hội hoàn toàn bị biến chất, đối lập với bản chất tự nhiên của con người. Xuất hiện các cuộc chiến tranh và mọi tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, đấy là thời kỳ xã hội bị tha hoá, đối lập với bản tính tự nhiên của nó. Theo Rútxô, cũng trong giai đoạn này, nhà nước xuất hiện trên cơ sở khế ước xã hội do nhân dân lập ra một cách thầm lặng. Dù sao thì bản tính tự nhiên của con người là sống cộng đồng, khế ước xã hội được thiết lập nhằm cải biến mọi người khỏi tính ích kỷ cá nhân của họ, đồng thời đảm bảo sức mạnh và quyền lợi của mỗi người. Như vậy “sự thoả thuận cơ bản không những không phá vỡ bình đẳng, tự nhiên mà ngược lại, thay thế sự bình đẳng về thế lực mà giới tự nhiên có thể tạo ra, bằng sự bình đẳng về đạo đức và pháp luật. Mọi người tuy không đều nhau về thể lực và trí tuệ, trở thành ngang nhau trong hiệu lực của khế ước”.

Rútxô nêu ra 3 đặc điểm của nhà nước là: 1) chủ quyền thống nhất của nhân dân; 2) nhân dân; và 3) chính quyền lập pháp, mọi nhà nước quản lý xã hội bằng các luật pháp thì được ông gọi là nhà nước cộng hoà.

Tuy nhiên, ở xã hội công dân, do bối cảnh xuất hiện đầy rẫy những bất công, thì nhà nước cũng bị tha hoá bản chất của mình. Từ chỗ do nhân dân lập ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho mọi người, nhà nước trở thành công cụ đàn áp nhân dân. Giờ đây "khế ước xã hội” trở thành phương tiện hợp pháp hoá sở hữu tư nhân cũng như mọi bất công xã hội.

Như vậy, sở hữu tư nhân xuất phát từ khả năng tự hoàn thiện của con người nhằm phát triển sản xuất, đem lại cho con người văn minh hơn, đồng thời lại trở thành mối bất hạnh cho con người. Chính nó “thúc đẩy sự thịnh vượng cả các tri thức và sai lầm của con người, cả tật xấu và đức hạnh trong nhiều thế kỷ, cùng với thời gian đã biến con người trở thành bạo chúa cả bản thân mình lẫn giới tự nhiên”. Cùng với sự xuất hiện sở hữu tư nhân “sự phát triển về sau, bề ngoài như bước hoàn thiện cá nhân, còn trên thực tế - là sự huỷ hoại nòi giống”. Như vậy, trong sự phát triển của lịch sử, sự tiến bộ lại đồng thời kéo theo sự phản tiến bộ. Điều làm văn minh nhân loại, đồng thời lại dẫn đến sự huỷ hoại nòi giống người.

Là người nhiệt thành ủng hộ cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội, Rútxô coi chế độ phong kiến Pháp đương thời là sự tập trung mọi xấu xa của xã hội công dân, vì vậy cần thiết phải lật đổ nó.

(c)         Trạng thái thứ ba là thông qua cách mạng, xã hội trở về với “trạng thái tự nhiên” ban đầu của nó, nhưng trên cơ sở cao hơn. Mọi bất công và tệ nạn xã hội công dần bị xoá bỏ. Các kỷ cương xã hội được lập lại. Tự do bình đẳng được khôi phục. Nhân dân xây dựng lại nhà nước trên cơ sở khế ước xã hội mới nhằm phục vụ quyền lợi cho mọi người. Giờ đây, xã hội văn minh hơn nhiều so với thời kỳ đầu của nhân loại. “Người mông muội và người văn minh khác nhau về tâm hồn, các năng khiếu, thiên hướng, ham thích tới mức hạnh phúc tột đỉnh của người này lại dẫn đến bất hạnh cho người kia”.

Đây là mô hình nhà nước và xã hội lý tưởng của Rútxô được xây dựng trên cơ sở công lý và lý tính. Đó là chế độ dân chủ cộng hoà, trong đó chính quyền lập pháp thuộc về nhân dân và phục vụ toàn dân.

Tuy coi sở hữu tư nhân là cơ sở để xuất hiện mọi bất công xã hội công dân, nhưng Rútxô khẳng định cần duy trì sở hữu tư nhân ở mức độ nhất định sao cho vừa xây dựng được các mối quan hệ xã hội dựa trên công lý, vừa không cho phép xuất hiện các đẳng cấp đối địch nhau để nhờ đó xã hội mới không cạnh tranh, phát triển được. Xét trong toàn bộ tiến trình lịch sử thì xã hội công dân vẫn là một bước tiến lớn, mặc dù nó đầy rẫy những bất công. Trong giai đoạn xã hội dân chủ cộng hoà vẫn cần có sự bất bình đẳng sao cho không quá tàn nhẫn, phi tính người vừa tạo ra cạnh tranh thúc đẩy xã hội phát triển. Các điều kiện địa lý, nhất là khí hậu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Các nước vùng khí hậu nóng thì chế độ chuyên quyền là hình thức nhà nước thích hợp, vì chỉ có thể dùng chuyên quyèn cưỡng bức các thành viên xã hội ở vùng này thì mới lãnh đạo và quản lý họ được. Còn thể chế chính trị đúng đắn phù hợp với tinh thần của kheé ước xã hội thì chỉ thể hiện được ở vùng khí hậu ôn hoà.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.2 trên 6 phiếu
  • Đêni Điđrô (1713 - 1784)

    Đêni Điđrô là nhà duy vật điển hình của triết học Khai sáng Pháp, người chủ biên của bộ Bách khoa toàn thư - một trong những di sản văn hoá vĩ đại không chỉ của nước Pháp, mà cả Tây Âu thế kỷ XVIII nói chung

  • Giulen Ôphrơ La Metri (1709 -1751)

    G.Ô. La Metri là một trong những nhà duy vật điển hình của triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Cũng như Điđrô, thế giới quan của ông xuất phát chủ yếu từ vật lý học duy vật của Đềcáctơ

  • Phrăngxoa Mari Vônte (1694 -1778)

    Phrăngxoa Mari Vônte (Francois Marie Voltaire) là một nhà triết học, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng. Cùng với Môngtexkiơ, ông là một trong những người sáng lập ra triết học Khai sáng Pháp

  • Sáclơ Đờ Môngtexkiơ (1689 - 1775)

    S.Đ. Môngtexkiơ (Montesquieu S.D.) là một trong những nhà sáng lập ra triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Ông sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp của nghị viện có tinh thần tiến bộ

  • Lý thuyết: Triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII

    Triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII là một giai đoạn phát triển quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học Tây Âu và thế giới

>> Xem thêm