Em hãy phân tích tình huống gây cười trong truyện cười Lợn cưới, áo mới.


Khoe khoang của cải là một thói xấu đôi khi khiến người khoe tự đẩy mình vào tình thế lố bịch, bị người đời cười chê.


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về thể loại truyện cười.

- Giới thiệu đôi nét về tác phẩm.

2. Thân bài

a. Tình huống gây cười

Câu chuyện phê phán những kẻ hợm hĩnh khoe của

- Trong truyện, ta bắt gặp hai anh có tính khoe của gặp nhau. Một anh thì may được chiếc áo mới liền mặc ngay, mong được khen. Một anh thì muốn khoe với mọi người mình có con lợn cưới.

- Người có áo mới thì mặc ngay và đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen. Anh ta tức giận chỉ vì anh ta đã đứng từ sáng đến chiều mà chẳng có ai hỏi. Chi tiết “đứng hóng ở cửa” rất đắt. Nó lột tả được những điều đáng chê cười ở anh chàng này. Một cái áo mới thì có gì đâu mà đến nổi bỏ cả công ăn việc làm, chỉ “hóng” ở cửa để khoe. 

- Khi có người mất lợn hỏi “Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?” thì lẽ ra anh ta phái trả là “Tôi có thấy con lợn chạy qua đây” hoặc “Tôi không thấy con lợn nào chạy qua đây cả”. Câu trả lời của anh ta lại là: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”. Với mọi người thì câu trả lời đó thừa thãi. Nhưng với anh ta thì có lẽ câu trả lời đó mới diễn đạt đúng đủ mục đích “khoe” của anh ta. Thật là buồn cười và lố bịch.

- Anh đi tìm lợn khoe của trong một hoàn cảnh đặc biệt. Lợn sổng, lẽ ra anh ta phải nhanh chạy đi tìm nó. Với dáng bộ hớt ha hớt hải thì khi gặp người, câu đầu tiên mà anh ta phải hỏi chính là: “Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?” mới hợp lí. Thật bất ngờ khi anh ta lại hỏi: “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” Việc gì anh phải nói “lợn cưới” ở đây. Rõ ràng câu hỏi đó của anh chứa đựng hai mục đích. Một là đi tìm lợn. Hai là anh khoe của nhưng nội dung nghiêng về khoe của hơn vì khi đọc, ta sẽ phải nhấn giọng ở từ “lợn cưới”.

b. Bài học rút ra

- Câu chuyện phê phán những kẻ khoác lác, khoe khoang qua tiếng cười hóm hỉnh của nhân dân.

- Câu chuyện khuyên ta hãy sống khiêm tốn. Đức độ và tài năng của mỗi người sẽ được bộc lộ qua việc làm chứ không bộc lộ qua lời nói.

- Thước đo giá trị con người không phải bằng tiền bạc mà bằng tài năng, trí tuệ và sự đóng góp, cống hiến của người đó đối với cộng đồng, xã hội.

3. Kết bài

– Trong cuộc sống ngày nay, bệnh khoe khoang vẫn còn tồn tại. Vì vậy, chúng ta cần phê phán để cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn.

– Câu chuyện là bài học bố ích cho bản thân em. Trong học tập và trong cuộc sống em không được coi khinh những bạn có điều kiện kinh tế không bằng mình. Và điều quan trọng là em phải biết khiêm tốn, không khoe khoang, khoác lác.

Bài mẫu

      Khoe khoang của cải là một thói xấu đôi khi khiến người khoe tự đẩy mình vào tình thế lố bịch, bị người đời cười chê. Những người khoe của thường là những kẻ hợm hĩnh, coi của cải là trên hết, có chút gì mới cũng khoe ra để chứng tỏ là mình hơn người. Truyện cười Lợn cưới, áo mới khiến ta thấm thía hơn ý nghĩa đó. Tình huống gây cười trong câu chuyện này thật giàu ý nghĩa.

      Truyện kể về anh chàng hay khoe của vừa may được chiếc áo mới, đứng hóng ở cửa đợi được người ta khen. Đứng mãi từ sáng đến chiều mà vẫn chẳng ăn thua, đang thất vọng thì có người chạy qua, thế là không bỏ lỡ dịp may - cũng chẳng cần biết người đó hỏi gì - liền vội khoe ngay: "Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này...". "Chiếc áo mới" ở đây là một thông tin thừa. Người hỏi đang cần biết thông tin về con lợn, chứ đâu cần biết chiếc áo anh đang mặc là mới hay cũ và anh mặc nó từ bao giờ!

      Anh đi tìm lợn khoe của trong tình huống nhà sắp có đám cưới mà lợn lại sổng mất. Lẽ ra trong câu hỏi của anh phải có những thông tin mà người được hỏi cần biết về con lợn (con lợn to hay nhỏ, màu lông ra sao, gầy béo thế nào...), anh lại hỏi về con lợn cưới. Thông tin này là thừa với người được hỏi (Ai cần biết con lợn ấy anh để làm gì?).

      Tình tiết gây cười bật ra ngay trong câu hỏi của anh đi tìm lợn. Mục đích của anh là hỏi để người ta giúp anh tìm con lợn. Thay vì cung cấp những thông tin cần thiết về con lợn, anh lại nhằm vào một mục đích khác: khoe nhà giàu, cỗ cưới to (Ngày xưa, đám cưới mà mổ cả một con lợn hẳn là to lắm). Anh được hỏi cũng chẳng vừa, lẽ ra chỉ cần thông báo điều mà người hỏi muốn biết (không nhìn thấy con lợn), anh lại cũng tranh thủ khoe luôn chiếc áo mới của mình.

      Như thế gọi là "kẻ cắp bà già gặp nhau". Anh khoe của lại gặp đúng cái anh cũng thích khoe của, mà anh kia khoe của còn tài hơn. Anh tìm lợn dù sao cũng chỉ cài thêm thông tin vào một cách khéo léo (con lợn ấy là con lợn cưới), từ đó khiến anh kia suy ra rằng nhà anh sắp có cỗ bàn to lắm. Anh khoe áo thì nói "huỵch toẹt": Từ lúc tôi mặc cái áo mới này... thông tin của anh hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề mà anh kia quan tâm (con lợn bị sổng chuồng).

      Qua truyện Lợn cưới, áo mới, nhân dân ta phê phán tính hay khoe khoang của con người, nhất là khoe khoang về của cải. Tính khoe của biến con người thành những kẻ lố bịch, hợm hĩnh, trở thành đối tượng cho mọi người cười chê.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.2 trên 38 phiếu

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 6 chương trình mới trên Tuyensinh247.com. Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 6 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.