Bức tranh phố huyện và tâm trạng nhân vật Liên qua ngòi bút Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - lớp 11


Thạch Lam đã hóa thân vào nhân vật và bằng lốỉ văn duy cảm, ông đã đưa người đọc nhập vào thế giới tâm hồn nhân vật, người đọc sẽ liên tưởng, hình dung tới điều tác giả muốn đặt ra


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về Thạch Lam: nổi tiếng với văn phong lãng mạn, giọng văn đầy chất thơ nhưng không ủy mị, thảm sầu như những nhà văn lãng mạn cùng thời.

- Giới thiệu chung về truyện ngắn "Hai đứa trẻ".

2. Thân bài:

a. Bức tranh phố huyện tăm tối quẩn quanh và tâm trạng của Liên

* Cảnh ngày tàn:

- Âm thanh: tiếng trống thu không nhỏ dần từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve.

- Màu sắc:

“chân trời phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”

+ “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”

⇒ Âm thanh và màu sắc gợi nỗi buồn thấm thía, cảm giác tàn lụi.

- Không gian: hẹp như bị chặn lại.

- Từng bước chân thời gian chầm chậm bước tới chiều rồi tối.

⇒ Qua ngòi bút của Thạch Lam buổi chiều như buồn hơn, ngày tàn đến nhanh hơn, phố huyện phơi bày vẻ tiêu điều xác sơ, mòn mỏi.

-  Tâm trạng của Liên:

  Tâm hồn cô bé nhạy cảm, tinh tế, xao xuyến một nỗi buồn man mác: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.

* Cảnh chợ tàn

- Hình ảnh chợ huyện lúc vãn: “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”.

- Những đứa trẻ nghèo nhặt rác, chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được.....

- Tâm trạng Liên: động lòng thương cảm.

* Những con người nơi phố huyện

- Mẹ con chị Tí:

+ Ngày ngày mò cua bắt ốc, đêm đến lại lầm lũi dọn hàng nước.

+ Khách hàng toàn là những người dưới đáy xã hội.

+ Dẫu chả kiếm được bao nhiêu nhưng đêm nào mẹ con chị Tí cũng dọn hàng.

⇒ Mẹ con chị đang cầm cự trong sự sống.

- Chị em Liên với của hàng tạp hóa sơ sài.... chẳng đáng là bao.

- Bà cụ Thi là nhân vật điển hình cho số phận tàn tạ trong cái đêm đen của xã hội ấy.

⇒ Diễn biến tâm trạng Liên thể hiện một tâm hồn tinh tế nhạy cảm và đồng cảm với những con người không tương lai, không hạnh phúc.

b. Tâm trạng của Liên trong đêm tối và trước những ngọn đèn

* Cảnh phố huyện về đêm

- Khung cảnh:

+ Bóng tối bao la phủ trùm tất cả, cả phố huyện chìm trong bóng tối.

+ Ánh sáng nhỏ bé yếu ớt chỉ là quầng, là khe, là vệt, là chấm và cuối cùng chỉ là hột sáng thưa thớt.

⇒ Có sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, hình ảnh ngọn đèn leo lét nơi quán hàng chị Tí là biểu tượng cho kiếp sống nhỏ nhoi lay lắt, mù tối của những người cùng khổ trong biển đêm mênh mông của cuộc đời. Ngọn đèn ấy tuy yếu ớt nhưng vẫn là niềm lạc quan sống của những kiếp người nhỏ bé vô danh, vô nghĩa không tương lai, hạnh phúc trong xã hội cũ.

- Sinh hoạt của con người:

+ Các nhà đóng cửa im lìm.

+ Gánh phở của bác Siêu so với mẹ con chị Tí có phần khấm khá hơn nhưng lại đứng trước nguy cơ đáng sợ hơn: thất nghiệp. Bởi ở vùng quê này thứ quà của bác Siêu là một thứ quà xa xỉ.

+ Vợ chồng bác Xẩm sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trông chờ vào của bố thí ở nơi đây => sự trông chờ trong vô vọng.

+ Mẹ con chị Tí: hàng nước đơn sơ.

+ Chị em Liên: quán nhỏ.

⇒ Nghèo khổ, nhàm chán, tẻ nhạt, vô vị.

* Tâm trạng của Liên:

- Đêm tối với Liên quen lắm, chúng chẳng đáng sợ.

- Rồi Liên hoài tưởng về quá khứ tươi đẹp ở Hà Nội, nơi có một vùng sáng rực và lấp lánh.

- Như mọi người dân trong phố huyện Liên luôn mong chờ một cái gì đó mới mẻ, tươi sáng sẽ đến xua tan đi đêm đen âm u lụi tàn ở phố huyện.

⇒ Bằng trái tim đôn hậu, dịu dàng Thạch Lam đã phát hiện ra những rung động sâu xa, những khao khát thầm kín trong cuộc đời những con người tưởng như hoàn toàn an phận ấy.

c. Tâm trạng đón đợi tàu

* Tâm trạng chờ đợi:

- An dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn dặn chị tàu đến nhớ đánh thức em.

- Còn Liên ngồi yên không động đậy ngắm nhìn sao trời....

* Tâm trạng đón tàu:

- Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa nghe tiếng còi vọng lại Liên đã vội vã gọi em dậy.

- Rồi tàu đến Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua.

* Tâm trạng khi tàu đi qua:

- Ngẩn ngơ, nuối tiếc.

- An băn khoăn nghĩ ngợi: “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?” Còn Liên lặng theo mơ tưởng.

* Ý nghĩa của việc đợi tàu:

- Đợi tàu là nếp sống nhu cầu không thể thiếu của chị em Liên.

- Đợi tàu để được cháy lên khao khát đổi đời.

- Qua việc đợi tàu Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt bế tắc của những kiếp người nhỏ bé nhất là những đứa trẻ vừa nâng niu trân trọng khát vọng vươn ra ánh sáng, khát vọng đổi đời ở những con người ấy.

3. Kết bài:

- Khái quát và mở rộng vấn đề

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1  

       Bước vào những trang viết của Thạch Lam là ta bước vào một thế giới nghệ thuật riêng, một thế giới hiện thực đẫm chất thơ. Hai đứa trẻ là một truyện ngắn bộc lộ rất rõ thế giới nghệ thuật riêng đó của Thạch Lam. Nhà văn đã bày tỏ tấm lòng sâu kín đầy trắc ẩn yêu thương của mình qua việc miêu tả bức tranh phố huyện và diễn biến tâm trạng nhân vật Liên.

        Là một trong bảy thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ) nhưng Thạch Lam đã chọn cho mình một hướng đi riêng với một quan điểm nghệ thuật riêng. Theo ông: “Thiên chức của nhà văn là nâng đỡ cái tốt, cái đẹp để cho cuộc đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn” và “văn chương không thể thoát ly, lãng quên mà phải là một thứ vũ khí thanh cao góp phần cải tạo xã hội”.

        Lúc bấy giờ, trên văn đàn, người ta đua nhau viết nhiều loại tiểu thuyết có cốt truyện hấp dẫn, tình tiết ly kì hoặc nhiều chuyện tình ái mùi mẫn của giới thượng lưu. Lối đi của Thạch Lam tưởng sẽ dẫn tới ngõ cụt, dẫn tới “mảnh đất chết” của nghệ thuật. Đó là một loại truyện không có cốt truyện. “Thạch Lam đến với văn chương như mang một sứ mệnh hòa giải, hòa giải giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lảng mạn” (Chu Văn Sơn). Truyện của Thạch Lam chú trọng nhiều đến những biến thái tinh vi, mơ hồ trong đời sống tâm hồn (chứ không phải phân tích tâm lí sắc lạnh như Nam Cao), và cứ thế trôi theo dòng cảm xúc, tâm trạng khiến cho khi đọc người ta luôn có cảm giác xao xuyến rất lạ. Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam chính là một bài thơ trữ tình xót thương mà cũng vô cùng ấm áp và thấm thìa. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan gọi truyện của Thạch Lam là truyện “tình cảm” và cho rằng Thạch Lam “rất tin ở chủ nghĩa duy cảm”. Ông đứng vào một phái riêng của tiểu thuyết.

        Chính vì không chú trọng đến cốt truyện nên Thạch Lam cũng không đi vào những đề tài to tát; quy mô cuộc sống xã hội được phản ánh không rộng lớn, những vấn đề đặt ra không mang tính bức xúc như trong nhiều sáng tác của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Chất liệu tạo nên cuộc sống trong tác phẩm được Thạch Lam chắt chiu từ những gì hết sức nhỏ bé thậm chí vụn vặt mà nếu vô tình sẽ rất dễ bỏ qua.

        Cái tài của Thạch Lam là ở chỗ nhà văn đã vượt lên đề tài, chế ngự chất liệu, chiếm lĩnh phạm vi phản ánh bằng lăng kính chủ quan và phong cách nghệ thuật tài hoa tinh tế. Và cứ tự nhiên như không, Thạch Lam đã gieo vào lòng độc giả một thứ tình yêu ngọt ngào đối vói nhiều trang viết của mình bởi người ta luôn tìm thấy ở văn xuôi Thạch Lam một thứ mê hương kì lạ: dìu dịu mà lan tỏa, thoang thoảng mà ngây ngất, mơ hồ mà đầy ám ảnh. Thạch Lam “vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cũng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên ngoài và bên trong mình rồi trang trọng đề nghị với mọi người cùng bàn về điều hơn lẽ thiệt, mặc dù cái điều hơn lẽ thiệt đưa ra có khi nhỏ như một sợi tóc” (Nguyễn Tuân).

        Nếu nhìn bề ngoài, ta sẽ nhận thấy cách lựa chọn chất liệu của Thạch Lam gần với những nhà văn hiện thực giàu tính nhân đạo như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài... Còn nếu đi sâu khám phá nhiều trang văn của Thạch Lam ta lại cảm thấy ông rất gần với các nhà văn lãng mạn như: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng bởi ông luôn kích thích người đọc bằng những ước mơ, hoài bão tốt đẹp. Thạch Lam đã tạo ra một thứ chủ nghĩa tình cảm riêng không giống như Vích-to Huy-gô, người đứng đầu tao đàn lãng mạn Pháp, cũng không giỗng như Nhất Linh và Hoàng Đạo, hai người anh của mình - hai cây bút có thể coi là đứng đầu tao đàn lãng mạn Việt Nam. Thạch Lam đã lặng lẽ mang đến cho văn nhẹ như cánh bướm đậu trên hoa” (Nguyễn Đức Quyền). “Một thứ hương Hoàng Lan thanh tao được chưng cất từ những nỗi đời” (Chu Văn Sơn).

        Hai đứa trẻ là một trong số nhiều truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam. Câu chuyện kể về hai chị em (Liên và An), hai đứa trẻ được mẹ giao cho trông coi một gian hàng tạp hóa nơi phố huyện. Đêm chuyển dần về khuya, nhiều bóng người lù mù đi qua như những chấm sáng mờ nhạt: mẹ con chị Tý, bác phở Siêu, cụ Thi điên, gia đình bác Xẩm. Họ cùng với đêm tối phố huyện gieo vào lòng trẻ thơ những nỗi niềm thương xót. Hai chị em dù buồn ngủ “ríu cả mắt” vẫn cố thức để đợi chuyên tàu đêm đi qua. Đoàn tàu như một vệt sao băng lao lên chốc lát rồi tất cả chìm vào bóng tối mênh mang..

        Truyện chỉ có vậy nhưng cho đến hôm nay, sức hấp dẫn của nó vẫn còn vẹn nguyên. Có một cái gì đó vừa quen thuộc gần gũi lại vừa lạ lùng khiến ta ngạc nhiên và xao xuyến mãi.

        Sức hấp dẫn của Hai đứa trẻ trước hết ở không khí truyện. Bước vào thế giới nghệ thuật của Hai đứa trẻ, người đọc lại bị xâm chiếm hấp dẫn bởi bầu không khí rất đặc trưng của một miền quê nghèo trước một buổi chiều tà chuyển dần vào đêm tối và tối dần tới đêm khuya. Và một điều tưởng như thật nghịch lý là cái sinh khí của câu chuyện lại được dệt nên bởi bức tranh của một phố huyện đang mất dần sinh khí. Cuộc sống ở đó đang đuổi dần, lụi tàn dần gợi lên cảm giác mòn mỏi. Nó toát lên từ không gian đến thời gian, từ cảnh vật, đồ vật đến con người... Tất cả như âm thầm nói cùng ta rằng cái phố huyện này là một miền đời đang chìm dần vào quên lãng, một miền quê heo hút bị cuộc đời bỏ quên. Nhưng thật lạ qua tất cả những gì Thạch Lam miêu tả, có một cái gì ấm áp cứ thấm vào hồn ta bởi không khí buồn Thạch Lam tạo ra là không khí “buồn mà rất đẹp” (Vũ Ngọc Phan). “Hai đứa trẻ” có một hương vị thật là man mác [...]. Đọc Hai đứa trẻ thấy một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín” (Nguyễn Tuân). Thạch Lam đã thổi hồn mình vào bức tranh phố huyện. Đây là thành công đầu tiên, thành công cuối cùng cũng là thành công đặc sắc nhất của truyện ngắn Thạch Lam.

        Như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan tổng kết: “Mỗi một nhân vật của Thạch Lam đều phảng phất tâm hồn Thạch Lam”. Hai đứa trẻ thực chất là những trạng thái tâm hồn của nhân vật Liên được tắm trong một bầu không khí trầm buồn man mác mà nhà văn đã thổi hồn mình vào đó. Những biến thái tinh vi của một tâm trạng buồn vừa mơ hồ, vừa khắc khoải vừa hiện hữu vừa mong manh đã trở thành ám ảnh. Mở đầu mới chỉ là những xao động được gợi lên từ một buổi chiều tàn trước cảnh chợ tàn. Rồi theo màn đêm buông xuống, tâm hồn trẻ thơ có gì xao xác, u uất đến tội nghiệp để cuối cùng xốn sang lên đôi chút lúc đoàn tàu chạy qua. Dòng cuối của tác phẩm là giấc ngủ yên tĩnh “tịch mịch và đầy bóng tối” của nhân vật Liên, song đã để lại trong lòng người đọc nhiều nỗi niềm bâng khuâng. Chất thơ của Hai đứa trẻ đã được khơi lên từ những rung động tâm hồn như thế.

        Bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ (và cả Nhà mẹ Lê và Gió lạnh đầu mùa) gắn với những kỉ niệm thời thơ ấu của Thạch Lam. Theo hồi kí về gia đình Nguyễn Trường, bà Nguyễn Thị Thế, chị ruột của Thạch Lam kể lại: “Tôi không ngờ em Sáu có trí nhớ dai đến thế, như chuyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới ngủ. Năm đó tôi mới lên chín, em tôi lên tám mà mẹ đã giao cho hai chị em tôi coi hàng”. Cả một thời thơ ấu của Thạch Lam đã gắn với phố huyện Cẩm Giàng, bên cạnh đường xe lửa Hà Nội - Hải Phòng lúc đó cha vừa mất ở sầm Nưa — Lào, mẹ con bồng bế nhau về quê ngoại). Cái không gian buồn tẻ, quạnh hiu của phố huyện như một ám ảnh để rồi sau này thường xuất hiện trong nhiều trang viết của Nhất Linh, Hoàng Đạo và nhất là Thạch Lam. Thời gian như một chiếc bình lộc kì diệu, nó giữ lại trong tâm hồn đa cảm và tinh tế của Thạch Lam nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Dựng lên nhân vật Liên, thực chất Thạch Lam đã đánh thức trong tâm khảm của cậu bé An hồi nào để trở về phố huyện, nơi “bóng tối u uất nhẫn nại của đời thôn quê lưới mái lá nát hay những đêm sâu trong huyện” (Thế Lữ).

        Bức tranh phố huyện trong con mắt của hai đứa trẻ cũng đầy đủ màu, âm thanh, đường nét và sự phối hợp giữa cảnh và người. Tất cả đều đượm vẻ u buồn: một con đường vào làng, ra sông, một phố chợ, một ga xép, một lũy tre... Những đường nét đơn sơ, giản dị, mộc mạc. Gam màu chủ đạo của bức tranh phố huyện là màu xám đen của bóng tối hòa lẫn với những quầng sáng mờ nhạt nhỏ nhoi. Đúng hơn là có cả “màu đỏ rực như lửa cháy” của mặt trời sắp tàn và màu “hồng nhạt” của những đám mây nhưng cái màu sắc tưởng như rực rỡ kia chỉ tồn tại trong tích tắc để rồi “đen lại”, lụi tàn đi nhường chỗ cho bóng tối bao trùm, xâm chiếm.

        Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” rồi “muỗi bắt đầu vo ve” nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Nhà văn Nguyễn Tuân cảm thấy khó nhất là việc tạo không khí truyện, khi tạo được không khí rồi thì mạch truyện cứ như thế mà tuôn chảy. Với tiếng trống thu không thủng thẳng từng tiếng một “vang ra đê gọi buổi chiều”, Thạch Lam đã tạo được không khí truyện một cách tự nhiên và có lẽ cái tiếng trống từ thời thơ ấu ấy đã đánh thúc, gọi dậy ở Thạch Lam tất cả những bâng khuâng, mơ hồ, man mác về một phố huyện ngày nào. Tiếng trống thu không là âm thanh quen thuộc xuất hiện thường nhật, trở thành một mảnh linh hồn của buổi chiều phố huyện, tạo cho phố huyện cái vẻ bình lặng đến nao nao buồn. Đúng là “một chiều êm ả như ru”. Tiếng trống thu không đã kéo cả buổi chiều trong ánh tà dương lặng trầm và u uất thấm thìa vào tận tâm hồn. Đây là hoàn toàn không phải là tiếng trống thúc sưu thuế bức bách khiến cho không gian trở nên ngột ngạt đầy sợ hãi trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, càng không phải là tiếng trông hộ đê giục giã hồi đầu thế kỉ của Phạm Duy Tốn trong sống chết mặc bay. Thật buồn nhưng thật êm, thật đẹp. Chính cái vẻ đẹp êm dịu, đượm buồn của buổi chiều quê ấy đã tạo nên chất thơ trong truyện của Thạch Lam. Thạch Lam đã khẽ đưa những nét vẽ thiên nhiên đầy lãng mạn.

        Trong bức tranh phố huyện, đêm tối xuất hiện như một nhân vật mang dụng ý nghệ thuật của nhà văn chứ không đơn thuần là cái nhìn không gian mang tính vật lý của sự chảy trôi từ ngày sang đêm. Có lẽ Thạch Lam luôn nhìn cuộc sống trong những góc khuất của nó nên trong truyện của ông ta thường thấy có hình ảnh bóng tối. Bóng tối đã tạo thành một bầu khí quyển riêng. Trong truyện có không dưới 30 lần tác giả trở đi trở lại với hình ảnh đêm tối, bóng tối. Mở đầu truyện là cái thế lụi tắt của ngày tàn và sự xâm chiếm của bóng tối khi “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Khi “các nhà đã lên đèn” cũng là lúc bóng tối được cảm nhận rõ rệt nhất bởi những hòn đá nhỏ cùng “một bên sáng, một bên tối”. Bóng tối không ập đến bất ngờ mà cứ lặng lẽ, âm thầm từng khoảnh khắc một vây bọc lấy tất cả mọi cảnh vật. Bà cụ Thi sau khi ngửa cổ dốc tọt cút rượu to đã “đi lẫn vào bóng tối” và bóng tối đả nuốt dần tiếng cười khanh khách nửa điên nửa dại của cụ. Sau tiếng cười của cụ Thi, đêm mới thực sự là đêm “một đêm mùa hạ êm như nhung” với những con người “từ từ đi trong đêm”. Cái chấm lửa vàng lơ lửng như ma trơi của gánh phở bác Siêu “đi trong đêm tối” càng tô đậm thâm cái tối của đêm phố huyện. Cảnh đêm tối ở phố huyện được Thạch Lam nói đến đây không phải là một đêm do mất điện hoặc không trăng mà “đêm tối đối với Liên đã quen lắm” quen đến nỗi trong cái tối của đêm Liên nhìn xuyên qua nó để thấy được “con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà” mặc dù cứ mỗi lúc “càng sẫm đen hơn trước”. Ngay cả tiếng trống cầm canh cũng bị cái tối của đêm làm cho quánh lại “khô khan không vang động ra xa” mà “chìm ngay vào bóng tối”. Đoàn tàu đêm đi qua, cả phố huyện bừng sáng lên chốc lát rồi lại bị bóng tối vây bọc. Kết thúc tác phẩm, ngọn đèn hạt đỗ trong gian hàng tồi tàn của chị em Liên được vặn nhỏ hơn nữa và Liên sau khi “nhìn quanh đêm tối” đã chìm trong giấc ngủ “tịch mịch và đầy bóng tối”.

        Có thể nói, hình tượng đêm tối không chỉ tạo nên một bầu không khí riêng cho câu chuyện mà hình tượng ấy đã tạo nên một sức ám ảnh mạnh mẽ, gây nên cảm giác phập phồng, lo lâu, hồi hộp, mong đợi, hi vọng để rồi thờ dài ở người đọc. Bóng tối trở thành một thế lực thống trị phố huyện, nó len lỏi, thâm nhập vào mọi sự vật. Nó như một con quái vật khổng lồ nuốt chừng cả cảnh và người phố huyện. Bóng tối không chỉ là cái nền của bức tranh phố huyện mà còn là không gian xã hội, không gian nghệ thuật của tác phẩm. Bóng tối chính là biểu tượng cho cuộc sống nghèo nàn, tăm tối, bế tắc không lối thoát của những kiếp người nơi phố huyện. Bóng tối cứ đè nặng lên số phận khiến cho họ đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé, đã tội nghiệp, hầm hiu càng hẩm hiu tội nghiệp.

        Đối lập với bóng tối là ánh sáng. Thực chất nhà văn đã sử dụng thành công một cách xuất, sắc nghệ thuật tương phản. Sự tồn tại của những chấm sáng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có bóng tối, ngược lại, tả bóng tối cũng là đã chứng minh sự tồn tại của những chấm sáng, những chấm sáng lắt lay mà bóng tối có thể nuốt chưng bất cứ lúc nào. Nhưng như một quy luật của sự sinh tồn, ánh sáng dù lắt lay vẫn cứ tồn tại. Dường như suốt thiên truyện là sự giao tranh gay gắt. mà lặng lẽ giữa bóng tối và ánh sáng.

        Ánh sáng tự nhiên không chỉ có ánh mặt trời “đỏ rực” mà còn có ánh sáng lấp lánh” của vòm trời bởi những vì sao đêm. Dưới mặt đất còn có ánh sáng của “những con đom đóm bay là là”.

        Ánh sáng nhân tạo gồm ngọn đèn chị Tí; ngọn đèn dầu vặn nhỏ của chị em Liên mà “từng hột ánh sáng lọt qua phên nứa”; bếp lửa của bác phở Siêu chỉ chiếu sáng một vùng đất cát: ánh sáng của “cái thau sắt trắng” mà gia đình bác Xẩm mù để trước mặt được ánh sáng của xung quanh hắt vào; ánh sáng của tàn nhang rụng xuống đường ray; ánh sáng của “hai ba người cầm đèn lồng lung lay cái bóng dài”. Ngoại trừ ánh sáng mà đoàn tàu mang đến và ánh sáng hiện lên trong tâm tướng của Liên về Hà Nội còn lại tất cả đều ở thế lụi tàn, leo lét, rơi rụng, mờ dần.

        Ánh sáng ngọn đèn của ngọn đèn chị Tí và cả cái bếp lửa của bác Siêu chỉ đù chiếu sáng một vùng đất cát” và dường như đêm càng về khuya càng yếu ớt. Ngọn đèn của chị em Liên thì vặn nhỏ tối đa chỉ vừa đù cho “từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Những ngọn đèn lồng di động lung lay có thể tát bất cứ lúc nào. Những vì sao trên trời và những con đom đóm dưới đất chỉ “nhấp nháy” lúc sáng lúc tắt. Thảm hại nhất và cũng là chi tiết tuy bâng quơ mà giàu ý nghĩa nhất là chiếc thau sắt trắng của gia đình bác xẩm. Mỗi gia đình đều có một chút ánh sáng dù leo lét, gia đình bác xẩm với công việc “đặc trưng” của mình nên không dùng đèn nhưng vẫn còn có một chút ánh sáng - đó là sự chia sẻ của những người xung quanh dù vô cùng ít ỏi. Chiếc thau sắt trắng đã hắt lên thứ ánh sáng dược “hứng” từ ánh sáng của mọi người xung quanh.

        Ánh sáng của phố huyện là thứ ánh sáng yếu ớt và trong phạm vi rất hẹp. Nó chỉ như những viên sỏi ném vào “cái ao lớn” của bóng tối. Ánh sáng không làm cho phố huyện sáng lên mà thậm chí còn gợi cho người ta cảm nhận rõ hơn về bóng tối. Ánh sáng phải chăng chỉ là một sự cầm cự kéo dài, một sự vật lộn với bóng tối để tồn tại. Cũng như những cư dân phố huyện, ánh sáng của phố huyện là biểu tượng cho kiếp sống lắt lay, mòn mỏi, thảm hại, những kiếp người cũng như những kiếp đèn bé nhỏ kia, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Dường như Thạch Lam, bằng cách này, đã âm thầm chứng minh cho một câu ngạn ngữ của phương Tây: “Đời người như ngọn nến”. Đời người nói chung đã vô cùng mong manh. Đời người của những cư dần phố huyện nơi đây lại càng mong manh gấp vạn lần. Họ chỉ là những đốm sáng yếu ớt bị bỏ quên giữa hoang mạc tăm tối của cuộc đời. Điều đáng nói hơn cả là Thạch Lam đã tạo nên sự đối chọi gay gắt giữa hai mảng tối - sáng, đặc biệt là ngọn đền dầu leo lét chị Tí.

        Bức tranh đời sống phố huyện được mở đầu bằng cảnh chợ tàn. Cảnh chợ tàn của bức tranh phố huyện được Thạch Lam miêu tả bằng những nét vẽ hiện thực khiến cho phố huyện lộ rõ thực chất nghèo đói, thảm hại của nó. Đó là những “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, và lá mía” - chợ nghèo nên “rác thải” của chợ cũng chẳng có gì. Ấy thế mà vẫn có “mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom đi lại tìm tòi” rồi thì “nhặt thanh nứa, thanh tre”. Có gì đây mà nhặt. Chi tiết này thường xuất hiện trong truyện của Thạch Lam như một nỗi ám ảnh từ thời thơ ấu hằn vào tâm hồn nhà vãn “duy cảm” để trở thành một tình thương mến day dứt, ngậm ngùi.

        Khi bóng tối xuất hiện, những cư dân kiếm sống ban ngày vừa ngập vào bóng tối thì những cư dân kiếm sông ban đêm quanh ga xép lại từ bóng tối kéo ra. Bằng một chút ánh sáng yếu ớt, những con người này bị vây hãm bởi bóng tối. Họ là những cuộc đời tàn, bên cạnh những đồ vật tàn trong một khung cảnh tàn lụi héo úa.

        Bắt đầu cho sự chuyển giao giữa chiều và tối là cảnh mấy đứa trẻ lom khom... đi lại... nhặt nhanh., tìm tòi.. Và để tô thêm những bóng dáng xiêu vẹo đó, tác giả tả tỉ mỉ những thứ “rác thải” của một phiên chợ nghèo và cái mùi ẩm mốc bốc lên cùng vài người về muộn còn nói rốn với nhau thêm vài câu chuyện rời rạc.

        Mẹ con chị Tí có lẽ là nhân vật điển hình nhất cho cuộc sông lay lắt, ngoi ngóp của hố huyện này. Gánh hàng của mẹ con chị là tâm điểm trong bức tranh sinh hoạt nơi phố huyện khi đêm xuống. Ngày thì mò cua bắt tép, cứ đêm đến lại đội cái chõng tre ra ga bày bán hàng nước. Đã biết, là không bán được  gì mà vẫn cứ đi, đi vì biết đâu kiếm thêm được vài xu ít ỏi. Đó đâu phải là sống, đó chẳng qua là sự cầm cự, cầm chừng trong vô vọng, không phải ngẫu nhiên mà tác giả trở đi trở lại với ngọn đèn chị Tí tới 7 lần. Ngọn đèn lắt lay cố chống chọi với bóng tối cũng giống như cuộc đời của chị lay lắt chống chọi với đói nghèo, ảm đạm và buồn tẻ. Đây là hình ảnh không chỉ có sức ám ảnh đôi với Liên mà đôi với cả tác giả và người đọc. Thạch Lam đã dồn không biết bao nhiêu thương mến xót xa vào đấy để rồi đọc những trang viết của ông, hình ảnh ngọn đèn cùng số phận chị Tí cứ len lỏi cả vào giấc ngủ.

        Bác phở Siêu có vẻ khá hơn bởi ở cái đất nghèo này phở là một thứ xa xỉ. Tiếng đòn gánh kĩu kịt cùng với mùi thơm ngầy ngậy và chấm lửa vàng lơ lửng vừa đem lại cho phố huyện một chút sinh khí chưa đủ ấm đã lại rơi vào một tiếng thở dài cho sự ế ẩm.

        Gia đình bác xẩm ngồi đấy tự lúc nào bởi đối với bác ta ngày và đêm đều có nghĩa gì đâu. Cả nhà sinh sống, chơi đùa, “làm ăn” trên một manh chiếu rách với một chiếc thau sắt dùng để đựng của bố thí. Bác xẩm góp chuvện bằng mấy tiếng đàn bần bật trong yên lặng và thằng con phụ họa bằng cách bò ra đất nhặt những rác bẩn để nghịch.

        Tưởng như thế đã là thê thảm và đáng sợ nhưng có một con người còn đáng sợ hơn, đấy là bà cụ Thi điên. Bà xuất hiện như một cái bóng nhưng ám ảnh mãi bởi tiếng cười nửa điên nửa dại và hình ảnh người đàn bà cầm một cút rượu to dốc một hơi cạn sạch khiến người ta cảm thấy đắng chát cho kiếp người tím tạ, héo mòn, lay lắt. Ai? Cái gì khiến bà cụ Thi ra nông nổi ấy? Thạch Lam không luận bàn mà lặng lẽ đặt vào lòng trắc ẩn của người đời cái câu hỏi ấy. Cuộc sống cứ tiếp diễn theo cái đà này thì có lẽ tất cả cũng sẽ nửa điên nửa dại mất thôi. Thật thê thảm khi một người đàn bà uống rượu để tìm quên trong men đắng, càng thê thảm khi người đàn bà ấy không đủ tiền mua hẳn một chai rượu để uống cho đủ say mà quên. Một cút rượu to dốc tọt vào họng là một chi tiết rất Thạch Lam - vừa tinh tế, vừa sâu sắc mà tưởng như vụn vặt, vu vơ.

        Gian hàng của chị em Liên có vẻ bình yên đứng giữa phố huyện. Mặc dù được coi là khá giả hơn nhưng cũng thật buồn tẻ, ảm đạm. Một gian hàng nhỏ xíu, xiêu vẹo, với tấm phên nửa dán giấy nhật trình, vài phong thuốc lào, cái chõng sắp gãy... Và hai đứa trẻ vừa ngây thơ vừa già nua đêu tội nghiệp. Nếu đi sâu tìm hiểu gia cảnh và hoàn cảnh hiện tại của hai đứa trẻ, ta sẽ thấy cả một sự “xuống cấp”, sa sút ghê gớm: thầy mất việc... từ Hà Nội chuyển về... thuê quán bán hàng...

        Những câu chuyện tẻ nhạt, đơn điệu dường như hôm nào cũng lặp lại một cách bâng quơ, chậm rãi. Những con người hôm nào cũng hiện ra rồi khuất đi như những cái bóng lặng lẽ, âm thầm.

Bao quanh họ là những đồ vật tồi tàn: ngôi quán ọp ẹp, chõng gãy, chiếu rách, đàn còm, bát sứt... Những con người, những đồ vật, cảnh vật đó tạo nên gương mặt âm u, ảm đạm, buồn thiu của phố huyện. Cuộc sống cứ diễn ra theo hướng tàn tạ mòn mỏi với những con người không nguồn gốc xuất thân, không số phận thậm chí tác giả cũng không miêu tả chi tiết dáng vẻ, nét mặt... Nhưng có lẽ vì thế mà số phận họ hiện lên càng bé nhỏ, côi cút, tội nghiệp. Ai cùng nhẫn nhục, âm thầm với cái kiếp của mình như nó vốn sinh ra đã thế, lặp lại nhiều thành quen. Thật đáng sợ khi những hình ảnh lay lắt ấy cứ diễn ra trước mất hai đứa trẻ như một vòng đời quẩn quanh không lối thoát của phố huyện. Nếu cuộc sống không có kì đổi thay thì đó sẽ là những hình ảnh chờ đợi hai đứa trẻ ở phía trước. Hiện tại của cư dân phố thì đó sẽ là những hình ảnh chờ đợi hai đứa trẻ ở phía trước. Hiện tại của cư dân phố huyện sẽ là tương lai của những thế hệ như Liên, An, con chị Tí... Liên sợ không dám nhìn bà Thi điên một phần bởi vì bà ta điên nhưng một phần vì Liên sợ cho cái tương lai của chính mình. Rồi dây Liên sẽ thành chị Tí? Bác phở Siêu? Cụ Thi điên?... Vẽ ra sự tương quan giữa hai đứa trẻ với phố huyện này, Thạch Lam đã đặt ra sự tương quan giữa những mầm cây với một thế giới già nua tàn tạ, héo mòn. Những mầm cây ấy đã mọc lên trên một mảnh đất khô cằn, bạc phếch. Chúng sẽ lên thế nào đây? Hãy cứu lấy chúng, những đứa trẻ vô tội! Đó là điều Thạch

        Thạch Lam âm thầm gửi gắm vào những trang viết của mình khi miêu tả bức tranh phố huyện. Và có lẽ cũng vì thế mà truyện cứ gợi lên những xót thương day dứt mãi không thôi.

        Không phải những con người phố huyện không có những mong ước, hi vọng. Không có hi vọng thì loài người chắc đã bị hủy diệt lâu rồi. Nhưng hi vọng điều gì? “Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Sự mong đợi cũng thật tội nghiệp - “Một cái gì tươi sáng” - thật mong manh, thật mơ hồ. Cái nghèo đói, lam lũ, cơ cực đã mài mòn đến cả ước mơ và hi vọng khiến cho những con người nơi đây không ngẩng đầu lên được. Ngay cả cái khả năng tự lừa dối mình để bám trụ cuộc sống dường như họ cũng không còn được là bao. Có thể nói, tấm lòng yêu thương của Thạch Lam đã nghiêng xuống những kiếp người nhỏ bé ấy đã mà lắng nghe, để mà chia sẻ, để mà an ủi. Cứ như thế, nhà văn trân trọng từng hột ánh sáng bằng những lời lẽ tâm tình nhỏ nhẹ mà đầy sâu sắc thấm thìa. Phố huyện và những con người phố huyện đã được bao bọc bởi một trái tim dung dị mà ấm áp của một nhà văn suốt đời mong muốn cho cuộc đời “có nhiều công bằng và yêu thương hơn”.

        Trên cái nền của bức tranh phố huyện hiện lên hình ảnh hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên. Phố huyện luôn được đặt trong tầm mắt của Liên, cô bé ngây thơ mà vô cùng nhạy cảm. Thạch Lam đã mượn cái nhìn, diễn biến tâm trạng của Liên để thể hiện cảm nhận của mình trong kí ức cũng như hiện tại đối với thế giới xung quanh, từ đó tư tưởng của tác phẩm được phát biểu một cách nhẹ nhàng, kín đáo mà sâu sắc, thấm thía.

        Bắt đầu là nỗi buồn của Liên trước một buổi chiều tàn. Liên đã “ngồi yên lặng” để cho tất cả buổi chiều lặng trầm và u uất thấm thía vào tận tâm hồn để rồi “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần. Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác”. Đoạn văn giống như một câu thơ trữ tình mang âm hưởng trầm buồn ngọt ngào thấm thía và man mác bâng khuâng. Trong tâm hồn Liên có một chút, ngày thơ của trẻ con và một chút già dặn của người lớn cộng với một chút cái tôi lãng mạn khó cắt nghĩa. Liên chính là hiện thân của tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của Thạch Lam.

        Liên không chỉ buồn trước cảnh chiều tàn, Liên còn buồn trước những kiếp người tàn và cuộc sống cứ như một tiếng thở dài, nhẹ mà sâu. Nhìn những đứa trẻ nhà nghèo bới rác “Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền đế mà cho chúng nó”. Một niềm thương cảm vừa bùi ngùi, vừa xót xa cứ dâng lên trong hồn Liên giống như cái cậu bé Sơn hồi nào trong Gió lạnh đầu mùa lặng nhìn những đứa trẻ nghèo tím tái vì rét.

        “Bóng tối cứ ngập đầy dần” trong đôi mắt Liên và cũng ở khang cửa sổ tâm hồn ấy, những chấm sáng cùng với những con người hiện ra trong tình thương mến. Tình thương mến ấy được thể hiện qua những câu chào hỏi ân cần với chị Tí, qua cái cử chỉ “lẳng lặng rót rượu” cho cụ Thi rồi tuy có hơi run sợ vẫn “đứng sững nhìn theo cụ đi lẫn vào bóng tối”. Tình thương ấy không chỉ tụ lại nơi ngọn đèn chị Tí, chiếc thau sắt của gia đình bác xẩm, đóm lửa nhỏ của gánh phở bác Siêu, mà dường như trùm phủ lên toàn cảnh phố huyện, thậm chi đến cả những hòn đá nhỏ “một bên sáng, một bên tối” khi mà đêm buông xuống, trăng về khuya, tâm trạng của Liên càng u uất, xao xác đến tội nghiệp.

        Cũng có lúc, Liên lặng ngắm “vũ trụ thăm thẳm bao la”. Những cái “bí mật” và xa lạ” của nó đã làm “mỏi trí nghĩ” của Liên và Liên lại “chúi nhìn về mặt đất, về vầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”. Như vậy, cũng như Thạch Lam, tâm hồn Liên dù có lãng mạn tới đâu cũng không thoát li”, không “lãng quên” mà luôn gán với cuộc đời, với con người.

        Cái nhạy cảm của Liên với cuộc đời còn thể hiện ở chi tiết: từ gánh phở của bác Siêu mà Liên sống lại với những kí ức tuổi ấu thơ khi gia đinh còn ờ Hà Nội. Tuy “những kỉ niệm còn nhớ lại không rõ rệt gì, chỉ là “một vùng sáng rực lấp lánh” nhưng đó chính là khởi nguồn sâu thẳm cho tâm trạng thấp thỏm đợi tàu của Liên ở cuối truyện. Đêm nào Liên cũng đợi, và đêm nào cũng háo hức như lần đầu để rồi sau đó lại chìm và cuộc đời đầy bóng tối. Tâm trạng đợi MU của Liên cùng là tâm trạng mòn mỏi đến xót xa, hi vọng đến tội nghiệp. Nếu tinh ý sẽ thấy một tiếng thở dài rất nhẹ của chị em Liên qua chi tiết: “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?” (câu hỏi của An). “Liên không đáp, chuyến tàu đêm nay thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Niềm vui chưa trọn thì một chút lo âu mơ hồ xuất hiện. Rồi từ đêm mai... đêm mai nữa... rất có thể sẽ không còn chuyến tàu đêm ấy nữa. Cuộc sống sẽ ra sao khi con người ta không còn niềm tin và hi vọng?.

        Kết thúc tác phẩm là tiếng vang động nhỏ dần “mất dần trong bóng tối, lắng tai nghe cũng không thấy nữa” chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn. Chị Tí sửa soạn đồ đạc, bác Siêu đi vào làng, “vợ chồng bác Xâm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ”. Và Liên, Liên “gối đầu lên tay nhắm mát lại”, “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi”, “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Đúng là “một đêm mùa hè êm như nhung” giấu đi những tiếng thở dài cố nén của biết bao kiếp người. Giấc ngủ của Liên là giấc ngủ yên tĩnh mà thực ra đầy xao động và có gì nằng nặng, buồn buồn, thương thương, tồi tội khiến đọc xong những dòng cuối cùng, gấp trang sách lại mà bao nhiêu nỗi niềm day dứt, trăn trờ khiến ta thao thức mãi không thôi.

        Tác giả đã mượn tâm trạng nhân vật để tạo nên nỗi ám ảnh nơi người đọc rất nhiều lần Thạch Lam như muốn nhấn mạnh tới cái ngây thơ của chị em Liên: “Không hiểu sao”, Liên “tưởng là”, Liên “mơ hồ”, Liên “không hiểu”, Liên "thấy” mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi”, ... Có thể Liên không hiểu, không biết thật nhưng chính cái từ “không” ấy đã “bẫy” người đọc khiến người ta sa vào những bất định mông lung. Người đọc đã trôi theo dòng tâm trạng của nhà văn là “lây nhiễm” cái cảm giác chập chờn bất định của nhân vật. Người ta sống với nhân vật, buồn nỗi buồn mơ hồ của nhân vật tự lúc nào không hay biết. Đó chính là ma lực của truyện ngắn Thạch Lam.

        Liên vừa giống những con người phố huyện vừa rất khác họ. Giống vì cùng với họ cô là một nét trong bức tranh u buồn đầy bóng tối: cũng dọn hàng, cũng góp vài lời đứt quãng, cũng có một ngọn đèn leo lét, với một gian hàng còm gồm: thuốc lào, xà phòng, diêm... Và cùng với những con người nơi đây, những con người trong bóng tối ảm đạm âm thầm mơ hồ “mong đợi một cái gì tươi sáng” ...

        Nhưng Liên lại rất khác với những cư dân phố huyện. Cô tách ra làm thành một điểm nhìn của “cái tôi chú thể” không chịu đánh mất mình trong cái tổng thể có nguy cơ biến mất vì đang ở quá trình nhạt nhòa, leo lét. Liên không phải là một cô gái quê nhưng cũng không hẳn là một cô gái thị thành. Trong Liên có cả nét giản dị, mộc mạc lẫn sự phức tạp, khó hiểu đầy lãng mạn. Cô không chỉ biết chúi đầu nhìn những quầng sáng trên mặt đất, cô còn biết thả hồn theo những vì sao lấp lánh đế tìm sông Ngân Hà. Cô không chỉ quen nhìn con đường tối từ làng ra bờ sông mà còn biết mơ tưởng về một thế giới đầy ánh sáng dù mơ tường ấy rất đổi mong manh và có lúc vụt biến mất. Liên là một đứa trẻ, dù có lớn hơn An nhưng vẫn chỉ là một đứa trẻ với tất cả những gì ngây thơ của một đứa trẻ. Nhưng trong Liên lại có cả sự trưởng thành thậm chí có cả cái già nua của một người lớn. Chính sự nhập nhoạng giữa hai vùng sáng — tối ấy đã có sức tự khen lên những giai điệu buồn trong một tâm hồn buồn khiến người đọc bị xâm chiếm, bị ám ảnh và cứ rưng rưng một niềm thương cảm.

        Mỗi điểm khác biệt nữa của Liên với những cư dân phố huyện là niềm khao khát hướng tới ánh sáng. Cái nghèo nàn đơn điệu nơi phố huyện tuy khiến Liên không giấu được một tiếng thở dài nhưng cũng không ngăn được ở cô những ước mơ, những khao khát về một sự đổi thay, một thế giới tươi sáng. Nhà văn đã lắng nghe, đã thấu hiểu và đã trân trọng những tia hi vọng nhỏ bé ấy của con người. Đó chính là giá trị nhân đạo nhẹ nhàng mà sâu sắc thấm thía của tác phẩm.

        Nỗi xót thương của Liên, tâm trạng của Liên, cảm xúc của Liên thật ra là cảm xúc, tâm trạng, nỗi xót thương của Thạch Lam. Thạch Lam đã hóa thân vào nhân vật và bằng lối văn duy cảm, ông đã đưa người đọc nhập vào thế giới tâm hồn nhân vật, người đọc sẽ liên tưởng, hình dung tới điều tác giả muốn đặt ra.

        Điều mà tác giả muốn đặt ra trong Hai đứa trẻ mặc dù giản dị và nhẹ nhàng nhưng luôn luôn có ý nghĩa đối với con người ở mọi thời đại. Hãy biết, lắng nghe cuộc sống xung quanh và chắt chiu những gì tốt đẹp nhất. Điều đó tưởng dễ nhưng chỉ cần một chút vô tình ta sẽ bỏ qua. Thạch Lam đã kéo con người xích lại gần nhau hơn từ những điều hết sức bình thường ấy.

Xem các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

 

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.3 trên 31 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.